Nhìn lại ảnh ngôi trường cũ thật bồi hồi. Bố em học trường này năm từ năm 1949/1950 gì đó. Nghe cụ kể lại thế. Hồi đó ông nội em có cửa hiệu đồng hồ ở Cầu Đất, thấy bảo nổi tiếng lắm. Đến thời em đi học ở đây thì đã đổi thành Trường PT Cơ sở Ngô Quyền (chung cả cấp 1 và cấp hai. Buổi tối thì là Bổ túc Dân Chính. Trường Bổ túc Dân chính lúc đó có phòng giám hiệu nằm ngay chính giữa sảnh vào ở tầng 1. Các lớp bổ túc thì học trên tầng 2 toà nhà này và buổi tối thì thêm cả một số phòng của trường Ngô Quyền ở dãy nhà ngang (không có trong ảnh này).
Trường dòng(Tu viện) Saint Joseph, nằm trên đường Nguyễn Đức Cảnh, giáp lưng Trường PTTH Ngô Quyền
Sau khi tiếp quản Hải Phòng năm 1955, Chính phủ đã trưng thu một số cơ sở của Công giáo để phục vụ công ích
Trường Dòng Saint Joseph trở thành trường nữ sinh miền Nam số 6 (nội trú), dành cho con em miền Nam tập kết ra Bắc.
Có một số điểm em còn nhớ rất rõ về ngôi trường cũ:
- Toà nhà hai tầng này tường rất dày (cỡ 30-40 cm) và học rất mát, không bị nắng chiếu vào bao giờ. Có thể là do có cả hành lang ở hai bên. Trần bằng tre ghép phủ vôi rơm (thế mà mấy chục năm không hỏng, đến thời em học thì thỉnh thoảng lại rơi ra một miếng, chắc do cũ quá). Người Pháp đúng là cực kỳ giỏi về xây dựng, theo thiển ý của em.
- Tầng hai sàn nhà lát toàn bằng gỗ lim (như kiểu biệt thự Pháp ngày xưa ấy).
- Dãy nhà ngang khi người ta đục tường ra thì thấy toàn là gạch rỗng (gạch to bằng viên pa-panh nhưng vỏ mỏng dính nhìn như đúc bằng than, trong hoàn toàn rỗng nhưng mà xây tường lại rất chắc).
- Sân sau có một bức tượng nhỏ, thấy bảo là tượng Chúa Giê-su, hồi em biết được thì bức tượng đã bị mất đầu, bọn em hay trèo lên nghịch, trẻ con mà!
- Cột cờ giữa sân trường và bức tượng trong ảnh của cụ Ngao không còn nữa, người ta đã xây một vòng tròn để làm bồn hoa (hình như trồng toàn cây trúc đào).
- À, mà còn một điểm nữa là trong sân trường có mấy đoạn xích xe tăng bị lấp nửa chìm nửa nổi, sau em thấy có người đào lên mang đi, chả biết làm gì, hồi đó trẻ con cũng chẳng để ý.
Trên này có cụ nào cũng học cùng thời đó không nhỉ. Bây giờ nhìn trường bị ngăn đôi trong chán kinh.