Mình sưu tầm được bài báo này, để các cụ comment cho khách quan, góp phần "xây dựng lực lượng" và tự mình nâng cao thức tham gia giao thông:
Phải hiểu thế nào về cảnh sát giao thông?
(LĐ) - Số 51 ĐÀO TUẤN - 6:23 AM, 07/03/2014 FACEBOOK VIẾT BÌNH LUẬN BẢN IN
9h ngày 6.3.2014, báo điện tử Infonet của Bộ Thông tin và Truyền thông dẫn lời thượng tá Trần Thanh Trà - Phó Trưởng phòng PC67, Công an TPHCM - đề nghị báo chí: Khi viết về cảnh sát giao thông (CSGT) nên tránh cách viết gây hiểu lầm, định kiến trong nhân dân. Thông tin này được đưa ra song song với việc 4 CSGT ở ngã tư Hàng Xanh chỉ thừa nhận một số vi phạm về điều lệnh của lực lượng trong khi thi hành nhiệm vụ: Không chào người vi phạm, đeo bảng tên không đúng quy định, dừng lại 1 điểm vượt thời gian 15 phút như quy định, dừng kiểm soát nhiều phương tiện vi phạm cùng lúc, không lập biên bản đối với người vi phạm.
Tức là rất nhiều vi phạm, nhưng cả 4 người không ai nhận có chuyện “lục ví người dân”, như những hình ảnh tưởng đã “hai năm rõ mười” mà người dân cả nước đều đã nhìn thấy.
Vậy thì báo chí phải viết thế nào và người dân phải hiểu ra sao khi cảnh lục ví ở Hàng Xanh xảy ra giữa ban ngày ban mặt, có nhân chứng, vật chứng đàng hoàng?
Phải hiểu thế nào về cảnh sát giao thông?
Không chỉ ở Hàng Xanh (TPHCM), ngay ở Đông Anh (Hà Nội), hàng trăm người dân đã bao vây một tổ CSGT trước sự kiện một người dân phải “vào thẳng bệnh viện” sau khi nhận một nhát gậy ma trắc.
Ngay ngã tư Thái Hà - Hoàng Cầu (Hà Nội), một thanh niên giơ cao tấm biển “Chú ý! Đường cấm rẽ trái”, cảnh báo người tham gia giao thông rằng sẽ bị một tổ CSGT đứng ngay sau tấm biển cấm rẽ nếu họ trót không nhìn thấy tấm biển bị che khuất bởi cây xanh và cột điện, rất khó nhìn vào giờ tan tầm.
Tấm biển báo mà người thanh niên cầm trên tay giữa buổi chiều mưa lạnh, hay việc hàng trăm người dân vây giữ tổ tuần tra khiến một người thanh niên khác “lao mặt vào gậy ma trắc của CSGT” đang chính là những “cái nhìn” của người dân đối với lực lượng - về lý thuyết - là hướng dẫn người dân đảm bảo trật tự an toàn giao thông.
Sẽ thật khôi hài nếu nói ở Hàng Xanh, CSGT nhét tiền vào ví người dân. Sẽ thật nhạo báng nếu bảo người chạy xe ở Đông Anh đã lao mặt vào gậy ma trắc của CSGT.
Bởi ngay cả khi báo chí viết như vậy, sự thật là sự thật và nó được tạo ra không bởi cách mà báo chí viết thế nào về lực lượng CSGT.
Cũng vào 6h30 sáng qua, hình ảnh những người CSGT CA TP.Hà Nội cầm xẻng dọn dẹp bùn đất rơi vãi đoạn đường chân cầu Thanh Trì, được một người dân nào đó đi ngang vô tình chụp được, đã tràn ngập trên mạng với vô số những lời tán dương của nhân dân. Và có lẽ, lời tán dương hay nhất chính là “Cảnh sát nhân dân”.
Nhân dân luôn công bằng. Báo chí - dù có muốn - cũng không thể tạo ra định kiến, bởi cách nhìn nhận về lực lượng CSGT, không phải bởi các anh muốn thế nào, mà bởi các anh đã chứng tỏ ra sao, trước con mắt người dân.
Ít nhất, trước hết các anh hãy suy nghĩ khi đọc những dòng tít “tế nhị”: “CSGT vô tình chọc gậy vào mặt dân” hay “Va chạm với CSGT, một thanh niên nhập viện”. Ít nhất, các anh hãy xấu hổ khi nghe người dân bảo các anh là “anh hùng núp” đi đã.