[Funland] 16/04/1972 - Hải Phòng đó, hiên ngang chỉ biết ngẩng đầu!

X_FIVE

Xe điện
Biển số
OF-19649
Ngày cấp bằng
7/8/08
Số km
2,413
Động cơ
525,076 Mã lực
Nơi ở
Riêng một góc trời
Em thì cũng không chắc cầu Hạ Lý nó hình dáng như cái ảnh cụ ở trên đưa. Nhưng theo trí nhớ em hồi nhỏ em hay đi bộ qua cây cầu này thì hình hài nó giống với kiểu cầu Quay.
Trước ở phía trên gần Chợ Đổ còn có một cái cầu treo nữa cơ, ngày bé em đi qua đấy nó rung rung mà cứ sợ :D
 

Morning 15a

Xe điện
Biển số
OF-144853
Ngày cấp bằng
6/6/12
Số km
3,242
Động cơ
394,421 Mã lực
Em thấy hình như các cụ hơi nhầm chút.
Cầu Hạ Lý là cầu Lạc Long bây giờ. Cái hình cầu cất cụ trên post là cầu Lạc Long cũ. Cái này phí nhẽ ra ngày xưa khi xây cầu Lạc Long mới thì nên để cầu cũ này làm kỉ niệm giống như cầu Quay bây giờ.
Còn cầu bắc qua sông cấm ngay chỗ nhà máy xi măng HP cũ thì vẫn được gọi là cầu Thượng Lý ạ.
Ảnh cây cầu e pót lên là cầu hạ lý cũ hay còn gọi là cầu cất ( bây giờ là cầu xi măng) còn cầu lạc long cũ ngày xưa gọi là cầu giốp ...( mọi ng quen hay gọi là cầu sát hạ lý )
 
Biển số
OF-49
Ngày cấp bằng
23/5/06
Số km
7,400
Động cơ
660,704 Mã lực
Nơi ở
Thừa Thiên Huế
Ảnh cây cầu e pót lên là cầu hạ lý cũ hay còn gọi là cầu cất ( bây giờ là cầu xi măng) còn cầu lạc long cũ ngày xưa gọi là cầu giốp ...( mọi ng quen hay gọi là cầu sát hạ lý )
Em kg biết cái cầu Lạc Long hiện tại nếu nằm sát cầu Hạ Lý thì thời xưa là cái cống hay cái giề (chắc là nhỏ) nhưng thời em ở HP (cách đây gần...4 chục năm rồi) thì chỉ biết mấy cái cầu: Thượng Lý (còn gọi là cầu Xi Măng) bắc qua sông Cấm; cầu Hạ Lý bắc qua sông Tam Bạc và Cầu Đất là .... phố Cầu Đất. Bọn em còn nghĩ cầu Đất là cái cầu đi bộ bắc ngang đường xe lửa ở phố Cầu đất, ngay đầu Ga HP. :)) :))
 

pain

Xe ba gác
Biển số
OF-26066
Ngày cấp bằng
19/12/08
Số km
20,420
Động cơ
128,016 Mã lực
Nơi ở
Tháng 3
Em kg biết cái cầu Lạc Long hiện tại nếu nằm sát cầu Hạ Lý thì thời xưa là cái cống hay cái giề (chắc là nhỏ) nhưng thời em ở HP (cách đây gần...4 chục năm rồi) thì chỉ biết mấy cái cầu: Thượng Lý (còn gọi là cầu Xi Măng) bắc qua sông Cấm; cầu Hạ Lý bắc qua sông Tam Bạc và Cầu Đất là .... phố Cầu Đất. Bọn em còn nghĩ cầu Đất là cái cầu đi bộ bắc ngang đường xe lửa ở phố Cầu đất, ngay đầu Ga HP. :)) :))

Chỗ đo đỏ thì hồi ấy em nhớ gọi là cầu cao.
 

meotom2010

Xe điện
Biển số
OF-167449
Ngày cấp bằng
19/11/12
Số km
3,860
Động cơ
382,721 Mã lực
Nơi ở
Khu đô thị Handiresco 17 Phạm Văn Đồng
Website
www.facebook.com
Em kg biết cái cầu Lạc Long hiện tại nếu nằm sát cầu Hạ Lý thì thời xưa là cái cống hay cái giề (chắc là nhỏ) nhưng thời em ở HP (cách đây gần...4 chục năm rồi) thì chỉ biết mấy cái cầu: Thượng Lý (còn gọi là cầu Xi Măng) bắc qua sông Cấm; cầu Hạ Lý bắc qua sông Tam Bạc và Cầu Đất là .... phố Cầu Đất. Bọn em còn nghĩ cầu Đất là cái cầu đi bộ bắc ngang đường xe lửa ở phố Cầu đất, ngay đầu Ga HP. :)) :))
E thì cuối 7x, nhà ở chợ AD. Ông ngoại e đưa cả nhà từ HN xuống HP lập nghiệp từ thời Pháp. Bà già e chắc cỡ tuổi cụ Ngao (5x).
Theo trí nhớ của e thì cầu Hạ Lý vẫn còn cho đến khi ta xây cầu Lạc Long ( mới thôi). Tuổi e vẫn còn nhìn thấy cầu Hạ Lý.
Cầu nhấc lên cho tàu qua, e nghĩ là cầu Quay ( quay sang chứ ko phải nhấc)
HP có Cầu…Đất vẫn còn hơn Hà Nội phải đi Cầu…Giấy cụ ạ=))=))=))
 

pain

Xe ba gác
Biển số
OF-26066
Ngày cấp bằng
19/12/08
Số km
20,420
Động cơ
128,016 Mã lực
Nơi ở
Tháng 3
Ngày này cách đây 45 năm, Hải Phòng, Hà Nội bước vào 12 ngày đêm lịch sử.

Em còn nợ các cụ đoạn cuối - NHỮNG NGÀY HÒA BÌNH ĐẦU TIÊN.

Hôm nay viết nốt hèo? :))
Hay quá! Mod viết nốt đi thôi nào.:D
 

Triumf

Xe tăng
Biển số
OF-20256
Ngày cấp bằng
22/8/08
Số km
1,296
Động cơ
-484 Mã lực
Chỉ còn ít phút nữa là sang ngày 16 tháng tư. Nó bình thường như bao ngày 16/04 khác. Nhưng đối với rất nhiều người dân Hải Phòng, đối với thế hệ đã sinh sống, chiến đấu và làm việc trên đất Cảng trong những ngày tháng chống chiến tranh phá hoại bằng không quân của Đế quốc Mỹ thì không ai có thể quên được cái ngày 16/04. Ngày mà cách đây 40 năm - 16/04/1972, lần đầu tiên Mỹ dùng B52 ném bom Hải phòng. Cái ngày trở thành khúc bi tráng của đất Hải Phòng - ngày mà hàng ngàn người dân Hải Phòng đã ngã xuống dưới làn bom B52.
Lúc đó, tôi mới chỉ thuộc loại "thiếu niên đường phố", chưa biết nhiều về cuộc chiến đấu dũng cảm của cha anh nhưng cũng đủ nhớ để "ghi lại" những gì đang xẩy ra quanh mình.

Nhân ngày 16/04 - Xin gửi đến các bạn những gì mình đã thấy, đã nghe vào thời đó để gọi là một chút tưởng nhớ đến những người đã khuất; để mọi người cùng biết một HP đời thường trong cuộc chiến tranh. Để biết tại sao VN lại có thể thắng được kẻ thù có sức mạnh hủy diệt như vậy.


Mở đầu

Mới qua tháng 3 (1972) mà đất Hải Phòng đã có vẻ nóng hơn mọi năm. Mọi người bắt đầu bàn tán về chiến tranh khi không quân Mẽo bắt đầu đánh lấn ra ngoài vĩ tuyến 20. Thỉnh thoảng, đã nghe tiếng ỳ ầm từ mạn Thái Bình vọng lại. Không biết đó là tiếng bom hay tiếng sấm đầu mùa nữa. Các hố tăng xê (hầm cá nhân đúc bằng bê tông giống như các ống cống chôn dựng đứng) lâu nay dùng làm bể chứa nước đã được múc cạn đi 1 nửa để vẫn chứa nước nhưng khi cần thì có thể nhẩy xuống được. Đồ đạc trong nhà lại bắt đầu được gói ghém, chuẩn bị di chuyển... Tất cả đều sẵn sàng, cam chịu và bình thản.
Một buổi chiều, tụi trẻ trâu bọn em đang đá bóng trên bãi đất gần nhà thì nghe cái RẦM. Nhìn lên trời phía Cát Bi thì thấy một vầng khói lửa da cam to đùng. Vâng! Không kịp nghe tiếng máy bay, không nghe tiếng đạn pháo hay tiếng tên lửa bay lên nhưng bọn em biết chắc chắn 1 chiếc máy bay đã bị bắn hạ.
Ngày hôm sau thì HP đem xác chiếc máy bay kg người lái về trưng bày ở nhà triển lãm thành phố.
Máy bay trinh sát đã vào, mọi người hiểu rằng chiến tranh đã đến trước cửa nhà mình....

Trẻ em thời đấy chẳng có gì chơi ngoài quả bóng ( bóng cao su thôi chứ chưa thấy quả bóng da nó như thế nào). Bố mẹ thì đi làm cả ngày nên ngoài giờ học bọn em toàn bêu nắng đá bóng cả chiều. Em bị cảm nên bà già tống ngay vào khoa Nhi bệnh viện Việt Tiệp. Hồi đấy chỉ nghĩ đơn giản là ốm thì vào bệnh viện, bây giờ nghĩ lại mới thương bà già. Chẳng qua là cụ làm ở bệnh viện, cũng có tý chức sắc nên em ốm nhẹ họ cũng cho nằm. Còn lý do thật hồi đó em hay bị ném vào bệnh viện là do thời đó thịt cá phải mua theo tem phiếu, 1 tháng đâu được 3 lạng. Nhà nghèo, một mình bà già nuôi 4 miệng ăn nên khi mua được tý thịt lại phải xin mua thịt mỡ để còn rán lấy mỡ ăn dần. Vì thế, với tụi trẻ trâu bọn em, được ăn uống thịt cá đầy đủ đã là hạnh phúc lắm rồi. Thế nên, cứ ốm là bà già tống vào nằm viện; phòng ốc, giường chiếu như khách sạn (được Tiệp viện trợ mà), thuốc men đầy đủ, lại được ăn cơm bao cấp (xuất ăn theo chỉ định của bác sỹ, thịt cá đầy đủ) => có khác gì cho con đi an dưỡng. (Nghĩ lại chuyện chăm lo cho người bệnh thời đấy, lại thấy lúc đó CNXH ưu việt hơn bây giờ các cụ nhẩy )

Đêm 14/04 , em đang ở khoa Nhi (ngay sát chân cầu Quay) thì còi báo động vang lên. Đèn đóm vụt tắt. Bác sỹ xua bệnh nhân và người nhà chạy ra dẫy hầm tập thể xây gần sát nhà. Thế nhưng kg nghe tiếng máy bay nên mọi người vẫn chỉ đứng phía trên bàn tán này nọ. Cũng chẳng ai biết đó là trọng điểm đánh phá. Được một lúc thì còi báo yên vang lên, đèn lại sáng và mọi người lại rục rịch về phòng ngủ. Một đêm trôi qua yên bình. Sáng hôm sau, bà già phi ngay vào làm thủ tục xuất viện, tống cổ em về nhà. Tình hình có vẻ căng lắm rồi.


Ngày 16/04/1972

Cỡ 2 giờ sáng. Cả nhà đang ngủ thì còi báo động vang lên. Bà già dựng mấy anh em dậy xua ra hầm trú ẩn. Nhà được phân 3 hố tăng xê. Cụ bắt 3 anh em tản ra mỗi đứa một hầm (giảm nguy cơ tạch cả nhà). Khi ra hầm thì xách theo mỗi đứa 1 bị quần áo, kèm mấy lon gạo để lỡ nó thả bom trúng nhà thì còn có cái mà ăn, mà mặc. Ông chú em vừa từ trong B (miền Nam) ra an dưỡng cũng xuống chung hầm. Tiếng máy bay và đạn pháo bắt đầu vang lên. Ông anh em lúc này mới nhẩy xuống cái hầm đang làm bể nước, vừa ngó trời vừa tát nước. Mọi người còn cười ầm lên.
Nhà em ở phố Cột đèn nên nhìn bao quát được gần cả thành phố. Lạ một cái là kg ai biết sợ. Tất cả đã xuống hầm nhưng đều nhô đầu lên để xem oánh nhau thế nào. Đạn từ phía bến Bính, An Dương rồi phía cầu Rào, Cầu Niệm bay tứ tung, chéo cánh xẻ đầy trời. Nhìn đường đạn bay đỏ lừ là có thể phân biệt được loại nào đang bắn. Đạn nối đuôi nhau thành trùm là 14ly5, đạn 5 - 10 viên sát nhau là 37ly, cách hơn là 57ly và nhát một là 100 ly. Tên lửa bay ban đêm khó nhìn hơn (ngày thì nhìn khói thấy rõ lắm). Trời tối đen, khó quan sát bầu trời nên phòng không toàn bắn pháo sáng trước. Pháo sáng hình như cũng là đạn pháo nên thấy bay thành hàng, soi rõ máy bay là đạn nổ bắt đầu bu vào. Tiếng bom dậy đất nhưng khu vực nhà em vẫn chưa bị đụng tới. Lửa Sở dầu bên Quán Toan bắt đầu cháy rực một góc trời. Đang oánh nhau hăng lắm thì nghe đài thông báo "các lực lượng chú ý, đang có máy bay ta hoạt động...." Thế là các đơn vị phòng kg ngừng bắn. Chỉ còn tiếng máy bay ầm ầm nhưng bọn em nhìn mãi kg thấy kg chiến ở đâu cả. Chỉ thấy 1, 2 cái vừa bay vừa bật đèn chớp chớp, kg hiểu của ta hay Mẽo (vì tối quá chứ ban ngày thì biết ngay thằng nào là F4, F105 ,thằng nào là Mig17...). Được một tý thì pháo lại bắt đầu bắt loạn xà ngầu.

Vừa dứt đợt đầu tiên, mới vãn tiếng súng thì bà già em đã bật lên khỏi hầm, xách xe đạp lao vào bệnh viện. Các cô chú khác trong khu tập thể cũng vậy. Cả khu nhà lúc này chỉ còn lại lũ trẻ con và một hai người lớn làm ở cơ quan khác. Thế hệ cha mẹ mình sao mà anh hùng vậy????

Máy bay lại vào, bọn em đang ngồi trên miệng hầm xem đạn bắn thì ông chú kêu lên "tất cả xuống hầm hết, B52 thả bom đấy". Đúng là người chiến trường ra. Nghe tiếng B52 là biết chứ bọn em thì chịu. Cả bọn nhẩy xuống hầm và đậy nắp lại. Ngồi trong hầm thấy rung lắc, tiếng bom rền chứ kg đanh nữa, đầu óc quay quay. Chiến sự có vẻ đến gần bọn em hơn khi đã nghe tiếng mảnh đạn rơi trên ngói loảng xoảng, tiếng rít của bom đạn...

Ngồi trong hầm mà lo không biết mẹ có kịp vào đến bệnh viện chưa? Kg biết bệnh viện có bị đánh kg?.... Cũng chỉ lo chứ chẳng biết làm gì.

Rồi thì trời rạng sáng và còi báo yên cũng vang lên. Bọn em lên khỏi hầm, nhìn ra ngoài đường thì thấy hàng đoàn người từ trong thành phố bắt đầu tản cư, đi bộ ngang qua để ra mấy thôn ven đô trú tạm. Ông chú cũng về lại đơn vị. Cả khu tập thể bọn em chỉ còn mấy đứa trẻ bơ vơ. Không còn nhớ bữa đấy có được ăn sáng nữa kg nhưng em nhớ rõ là không thấy người lớn từ bệnh viện trở về. Ra hóng ngoài đường thấy nói bên Xi măng chết nhiều lắm, xác đầy bệnh viện rồi. Bệnh viện kg bị đánh. Thế là may lắm rồi.


Sáng 16/04, tụi nhỏ bọn em vẫn chạy qua chạy lại chơi với nhau vì kg có ai điều khiển. Vẫn là chuyện trẻ trâu chứ chẳng đứa nào quan tâm đến chuyện có bao nhiêu máy bay Mẽo rơi hay bao nhiêu người chết... Tầm khoảng 8-9 giờ thì còi báo động lại vang lên. Loa lại thông báo có máy bay ta đang hoạt động nhưng ngó lên trời chẳng thấy đâu. Chắc kg quân đang choảng nhau với tụi tiêm kích Mẽo mạn Kiến an. Được một lúc thì thấy máy bay Mẽo vào đầy trời, đạn cao xạ nổ liên hồi. Tiếng máy bay gầm rú và rồi tụi em nghe cái "ầm" rất gần, hầm chao như đưa võng. Tiếng gió thổi phần phật, tiếng mảnh bom loảng xoảng trên sân.... Tất cả diễn ra trong tích tắc. Ngồi trong hầm, tụi em biết là nó đã thả bom vảo khu nhà mình rồi. Đến khi báo yên, tụi em ngoi đầu lên khỏi công sự thì thấy hàng rào bằng nứa trước sân đã bị bom thổi đổ rạp. Mái ngói xi măng cũng bị xô nghiêng. Xung quanh mảnh vụn đất đá la liệt. Ông anh đầu (lúc đó 15 tuổi) chạy ra hỏi thì có người nói nó thả 1 quả bom trúng ngay cái lò bánh mỳ mậu dịch cách nhà em khoảng hơn trăm mét. Quanh chỗ bọn em ở đến cả km không có trận địa hay nhà máy nào, thế mà nó vẫn thả bom thì chắc là nó định đánh cái kho luơng thực cạnh khu tập thể nhà em rồi. Tình thế trở nên cực nguy hiểm nếu nó quay lại để đánh tiếp... Phán đoán như vậy nên mấy anh em quyết định tự "di tản" gấp ra ngoại ô. Thế là cả bọn lên đường. Mỗi đứa 1 tay nải, đi bộ qua mấy con ngõ hẹp rồi thoát ra cánh đồng sau khu chùa Dư Hàng để đến thôn gần nhất mà em kg nhớ tên (bây giờ thì chắc là nội đô rồi). Đích đến là nhà một bác cũng làm ở bệnh viện. Không hiểu sao ông anh em biết được địa chỉ và đường đi. Rất may, suốt quãng đường cỡ 2-3km trên cánh đồng không gặp máy bay quay trở lại. Đến khi vào được nhà thì trận chiến lại tiếp diễn.
Do ở nhà quê, không có sẵn công sự nên bọn em phải chui xuống dưới gầm bàn để nấp. Chủ yếu để tránh bị mảnh rơi vào đầu chứ nó mà chơi trúng 1 quả vào chỗ đó thì thăng cả đám. Xui xẻo cho bọn em, do không để ý nên ở đó có vẻ gần một trận địa pháo, tiếng cao xạ nghe càng đanh, bom dội liên tục, nhà cửa vặn răng rắc như sắp sập. Cả bọn chỉ còn biết ôm nhau nằm chùm hum* xuống sàn nhà chịu trận. Cả ngày đó, em không còn nhớ là có được ăn uống hay kg, hay đã ăn cái gì... Chỉ biết là người nhà bác đó đã cưu mang bọn em cả ngày.
Đến xẩm tối. Thấy tình hình có vẻ yên hơn. Bọn em lại quyết định lên đường đi ngược về mạn Dư hàng kênh để đến nhà bà con và tá túc ở đây cho đến khi liên lạc được với bà già. Lúc này mẹ, con mới biết tất cả vẫn lành lặn, bình an.
2 ngày đầu của cuộc chiến trôi qua. Người mẹ và những đồng đội của bà đã tạm quên đi những đứa con để chiến đấu và phục vụ chiến đấu. Có lẽ chỉ có ở Việt Nam mới có những người mẹ anh hùng như vậy. Và cũng có lẽ, chỉ có những đứa trẻ sống trong chiến tranh - giữa cái sống với cái chết - bản năng sinh tồn mới giúp chúng làm được mọi việc như vậy. Bây giờ, nhìn mấy nhóc nhà em, bằng tuổi em thời đấy mà như gà công nghiệp. Rõ chán. :))

P/s: nằm chùm hum là tư thế được hướng dẫn để tránh bom. Trong tư thế đó, lấy 2 ngón tay để nút chặt lỗ tai, cùi tay chống xuống đất để ngực cách mặt đất sẽ kg bị sức ép của bom và tai không bị điếc bởi tiếng nổ quá lớn...

Đi sơ tán

Sau khi quần nhau mấy hiệp hết sức ác liệt, đột nhiên máy bay Mẽo tạm ngừng chiến. Tranh thủ thời cơ này, người HP bắt đầu dọn dẹp, khắc phục hậu quả và tổ chức sơ tán về nông thôn. Tất cả cái gì không cần thiết phải để lại thành phố đều được mang đi. Vào một đêm tối mịt, thành phố vẫn kg sáng đèn để đề phòng máy bay, bọn em cũng được đưa đi sơ tán.
Việc sơ tán hết sức bài bản, gia đình CBCNV được tập kết thành từng nhóm vừa đủ 1 xe tải. Khi đến đủ là đi liền. Bà cụ em đã tranh thủ về nhà lấy các vận dụng cần thiết để chúng em mang đi. Bọn em từ chỗ ở tạm về thẳng Bệnh viện để lên đường. Tất cả đều khẩn trương, im lặng trèo lên thùng xe. Không khí như đặc quánh lại, không một giọt nước mắt, không một câu tiễn đưa. Các ông bố, bà mẹ tiếp tục ở lại thành phố trực chiến, bọn em đã có các cô chú bên bộ phận Hành chính đưa đi. Chiếc Mônôtôva (xe tải Gaz 51 của LX) bật đèn rùa lao vào trong đêm, vượt qua cầu Niệm (cầu phao bằng tre nứa kết lại), tiến về phía Kiến An, vượt qua trọng điểm sân bay, lăn về đường 10, đưa bọn em về An Lão cách HP khoảng 20km. Đến nơi, mọi người được đưa vào hội trường hợp tác xã ở tạm. Trong hội trường đã đông người, mỗi nhà một góc, mọi người lấy mấy cái bàn dài làm giường nghỉ tạm... Ngày đầu, trong khi chờ xếp chỗ ở, bọn em chỉ có mỗi việc đợi đến giờ là đến bếp dã chiến của ban sơ tán BV để lấy cơm ăn. Đến chiều thì bọn em được phân về nhà chú trung đội trưởng dân quân xã để ở . Chú là thương binh vừa từ chiến trường trong Nam ra.
Bọn em bắt đầu chuỗi ngày "trẻ trâu" lần hai và kéo dài cho đến khi ký hiệp định Paris mới được về lại HP. Cũng từ đây, việc làm quen với súng ống, bom đạn các loại của bọn em là do chú ấy bầy lại.

Mô nô tô va là loại này đây (bây giờ em mới biết nó là Gaz-51)


Những ngày ở nông thôn

Đã trải qua đợt sơ tán lần một (1964-1968), đến đợt này thì tụi em đã qua tuổi nhi đồng nên thích nghi nhanh hơn với cuộc sống ở nông thôn. Ngoài giờ đi học, trẻ trâu nông thôn làm được cái gì thì lũ "trẻ trâu" thành phố cũng chơi được món đó. Chuyện thì nhiều. Tuy vậy, sống trong chiến tranh thì những cái đọng lại trong trí nhớ nhiều nhất vẫn là những sự kiện liên quan đến tàu bay tàu bò.
Đó là lần đi câu cá rô ruộng, đang hồi gay cấn (cá bắt đầu ăn thính củ ráy, ngứa mồm đớp mồi câu lia lịa), mải câu, chẳng nghe thấy tiếng máy bay đâu đã nghe tiếng xèn xẹt của tên lửa "rắn đuôi kêu" (tên lửa kg đối đất của Mẽo ) sát rạt làm cả bọn bò lăn bò càng vì nghĩ là nó bắn mình rồi; có đứa còn nhẩy đại xuống bờ ruộng để nấp. Sau khi nghe tiếng nổ và hoàn hồn bò dậy thì thấy khói bụi cách đó cả nửa cây số mới biết nó bắn ai đó chứ mình "chưa bị lộ". Buổi chiều về, nghe người lớn nói mới biết là nó bắn tên lửa xuống chỗ con bé đi bắt cua ở gần đó, do cái tội thấy máy bay thì sợ quá cắm đầu chạy. May mà nó bắn sượt khoảng chục mét nên không sao chứ không làng lại phải tiễn một cô bé đồng trinh ra đồng. Em nhắc chuyện này là để trả lời cho cụ nào đó vẫn tin là thời chiến, Mẽo nó chỉ đánh vào mục tiêu QS.... Còn đối với dân mình thời đó đều biết, tất cả những gì chuyển động dưới mặt đất (dù là trên đường hay giữa ruộng) thì đều có thể trở thành mục tiêu tập bắn cho tụi pilot hết. Vì thế, khi thấy máy bay mà đang ở giữa đồng trống thì đừng dại mà chạy. Cứ phải ngồi thụp xuống rồi có thể bò (nếu nó vo ve quanh đó) hoặc ngồi xổm và lết dần vào rặng cây hay đến hố công sự (lết chậm thì sẽ kg thấy chuyển động).
Ớn nhất là hôm bọn này đi bắt rươi. Ruộng vừa gặt xong thì rươi nổi và rươi chỉ nổi có mấy ngày, kg đi bắt thì coi như nhịn ăn. Bọn em đang ở giữa ruộng nước ngập ngang đầu gối, trống trơn để lấy rá vớt rươi bỏ vào chậu (kéo nổi trên mặt nước để đựng rươi) thì máy bay vào. Sợ quá đành ngồi thụp xuống nước và dìm chậu xuống nước luôn vì sợ phản chiếu ánh sáng lên trời. Toi công vớt mà còn ướt cả quần áo. Về nhà bị chú chủ nhà nện cho một trận vì "chúng mày mà chết thì ai chịu trách nhiệm". Cũng nói thêm để mọi người hiểu là thời đó, đi sơ tán ở nhà nào thì các cô chú chủ nhà đều coi tụi "ở nhờ" như con cháu trong nhà, tụi này đã được bố mẹ gửi gắm nên việc bị la mắng hay cho mấy cái roi vào mông cũng là lẽ thường.
Cũng có lần, do ban ngày người lớn cấm đi chơi xa (sợ máy bay) nên buổi tối cả bọn rủ nhau ra cái cống đầu đường liên huyện để tắm. Cống bắc qua con mương lấy nước từ sông vào nên mỗi lần bên thủy lợi xả nước từ sông vào là mương nước chảy cuồn cuộn, "nhảy cầu" từ trên cống xuống mương cực đã. Tối đó, lúc đi tắm đã thấy mấy cái xe 14ly5 2 nòng cơ động đậu ở gần đấy nhưng thời đó việc thấy xe kéo pháo, xe chở tên lửa nằm cả dẫy dọc đường liên huyện là chuyện thường ngày nên cả bọn vẫn cho qua. Đến lúc đang tắm thì máy bay vào. Ai dè mấy cái xe cơ động đấy là xe đi phục kích máy bay tầm thấp (bọn em sơ tán ở gần cửa sông Văn Úc - là đường bay ra vào HP HN của máy bay Mẽo). Xe đứng giữa đường chơi luôn một tràng rồi kéo nhau chạy mất. Tụi này sợ quá, thằng còn kịp mặc quần, thằng cứ thế tồng ngồng cắm đầu chạy về làng. Biết thoát rồi mới bò lăn ra cười. Rồi nghe loa truyền thanh huyện huy động đi bắt phi công nhảy dù. Đại loại trên loa cứ đọc "phi công nhảy dù ở xã A , B , C , đề nghị dân quân du kích, dân làng khẩn trương vây bắt phi công..." Thế là bà con ngẩng mặt nhìn trời xem dù ở hướng nào thì nhào về hướng đó. Dân có cái gì cầm cái đó nhưng sẵn nhất vẫn là đòn xóc (quang gánh vót nhọn cả 2 đầu) và dao sắt chuối. Cuối cùng, tối đó gió thổi nên phi công rơi đâu ở xã bên chứ kg trúng làng em. Thế là kg được ghi công. :))

Đây là ảnh loại xe phòng không cơ động thời đấy chuyên đi phục mà em kể ở trên (BTR-40 của LX).





Suốt từ 16-4 đến khi ngừng chiến, cụ bà nhà em vẫn ở lại BV nên mỗi lần máy bay vào HP là cả mấy anh em đứng ngồi kg yên. Tin tức thì chậm lắm (đâu có sẵn a lô như bây giờ). Bom và súng nổ hàng ngày, chỉ thi thoảng xe chở người bị thương từ HP ra chỗ sơ tán thì mới biết tình hình bà cụ trong đó. Nhất là khi nghe nó liệng 2 quả bom trúng vào khoa Lây (cái khoa đẹp nhất của bệnh viện Việt Tiệp), tụi này cảm thấy bệnh viện cũng kg còn là chỗ an toàn nữa, càng lo cho bà cụ. Nhưng cụ là chỉ huy một bộ phận cứu thương nên chẳng thể thay bằng người khác được Thế nên vẫn đành mẹ một nơi - các con một nơi. Thi thoảng lắm cụ mới theo xe cứu thương ra thăm bọn này rồi lại quay trở lại HP luôn...


Dân quân xã

Như em nói ở trên, nhà em được CQ bố trí về ở nhà chú trung đội trưởng dân quân cơ động của xã. Chú ấy là thương binh, chiến đấu ở tận trong chiến trường Long An, bị dính mấy mảnh đạn trong người. Mảnh nằm gần dây thần kinh nên quân y không dám mổ, chỉ chữa lành vết thương rồi cho ra Bắc phục viên. Với những người đã trải qua chiến đấu như vậy thì xã đội quý hơn vàng. Trung đội dân quân cơ động xã có khoảng 30 người, trang bị chủ yếu là súng trường K44, có cả vài khẩu Trung chính từ thời chống Pháp còn sót lại. "Hỏa lực mạnh" chỉ có vài khẩu CKC (mới lên huyện lấy về sau 16/4), 1 khẩu tuyn (tiểu liên) của Pháp và 1 khẩu trung liên Tiệp (loại cắm băng trên đầu - cũng từ thời WW2 thì phải). Ngoài số súng giao cho mọi người mang về nhà cất, trong nhà chú ấy vẫn còn mấy khẩu CKC và số súng "hỏa lực" trên. Vì thế, chú dậy cho bọn em sử dụng thành thạo tất cả các loại súng, cho bắn thử (thời chiến mà - vô tư đi) và còn lên cả "phương án tác chiến" cho tụi em nếu bị biệt kích tập kích trong khi chú ấy vắng nhà thì phải đánh trả và rút lui theo đường nào....
Nhiệm vụ của trung đội là bảo vệ làng xã, chống đổ bộ, biệt kích chứ kg chú trọng đến việc bắn máy bay. Vì thế, máy bay Mẽo có lượn qua lượn lại cả ngày, dù cao hay thấp thì dân quân cũng chẳng tập hợp làm gì (trừ lúc hò nhau đi bắt phi công nhảy dù và cũng chỉ được 1 lần đi bắt hụt như em đã kể). Thế nên, em cũng chẳng có dịp thấy các cô chú ấy tác xạ bắn máy bay như ... "người Châu Yên" hay như trong film ảnh mà thỉnh thoảng các cụ vẫn xem. Chỉ có 1 lần duy nhất, thấy mấy chiếc F4 bay đêm qua ngay đầu nhà em rất thấp. Thân máy bay to bằng cây chuối, thấy cả đèn sáng xanh xanh trong cockpit (có lần ban ngày còn thấy đầu pilot to bằng quả bóng bàn...). Thấy ngon ăn quá, chú ấy nổi máu anh hùng xách khẩu trung liên ra kê lên bể nước trước sân nhà, lắp 1 băng vào súng, 1 băng đưa em cầm để sẵn sàng tiếp đạn, định nó mà vào lại thì sẽ chơi tay bo với nó. Tuy nhiên, hình như nó sợ nên kg dám vào nữa và vì thế em cũng không được thành anh hùng bắn máy bay... :)) :)) (nghĩ lại thấy may, chứ chú ấy mà bắn trượt, chắc nó quay lại làm gỏi cả nhà em ngay).
Ngoài trung đội cơ động trên, xã còn có một trung đội phòng không gồm 3 khẩu 12,7 ly trực chiến ngoài đê (nghe nói sợ nó ném bom phá đê nên đặt trận địa ngoài đó). Cũng một vài lần, bọn em nghe tiếng phành phành của 12 ly 7 bắn nhưng hình như chỉ chơi đòn gió hoặc trận địa đặt kg đúng đường bay của máy bay nên có bắn cũng chẳng xi nhê gì và máy bay Mẽo cũng chưa một lần tấn công vào cái trận địa đấy. Một lần, nhà em đang ăn cơm trưa thì nghe tiếng máy bay bay thấp. Không cần ngó nhưng nghe tiếng ỳ ỳ chậm chạp bọn em cũng đoán được là máy bay đang hạ cánh (chỗ bọn em ở nằm ngay đường bay hạ cánh của sân bay Kiến An). Thế mà đột nhiên thấy khẩu đội 12ly7 lên tiếng. Bọn em bỏ mâm cơm chạy ra xem thì thấy phe ta đang bắn một chiếc... Mig21 bay từ mạn Hà Nội về đang định hạ xuống sân bay Kiến An. ^#(^[-O<. Bọn em quá choáng vì kg hiểu sao mấy ông trực chiến ngoài đó lại kg phân biệt nổi Mig21 với F4. May mà kg trúng. Chiếc Mig21 hình như biết bị bắn nhưng chỉ lắc lư, chao cánh có ý cho bên dưới nhìn thấy phù hiệu KQVN rồi tiếp tục hạ cánh. Lúc đó, có lẽ phe ta cũng biết đã bắn nhầm phe mình nên cũng nín im luôn. Nghe đâu, ngay sau đó huyện đội cho xe về hốt hết đám trực chiến ấy thì phải.


Đêm 18/12/1972 - thần chết đã hỏi thăm cả nhà nhưng lại bỏ đi.

Thời gian này, Mẽo đang tạm dừng đánh HP, HN nhưng từ đầu tháng 12 thì máy bay trinh sát SR71 đã vào nhiều hơn.SR71 là loại trinh sát có người lái tầm cao, nó bay ở độ cao cỡ 20km, khi vào đến đất liền thì tăng tốc vượt bức tường âm thanh ép không khí nổ cái đùng như sấm. Tên lửa bắn cũng kg kịp nên SR71 là loại duy nhất chưa bị hạ ở miền Bắc. Một buổi chiều, em đang học trong lớp thì nghe tiếng tên lửa của mình rời bệ phóng (tiếng ù ù như máy bay phản lực) rồi nghe một tiếng nổ chát chúa. Bọn em phi ra khỏi lớp để xem thì thấy phía Kiến An có đụn khói da cam to đùng. Lại 1 chú trinh sát không người lái tầm thấp mò vào bị lãnh đòn của tên lửa. Nhưng với mật độ trinh sát ngày càng dày chứng tỏ nó sắp đánh lại rồi.

Chiều 18/12, cụ nhà em theo xe cứu thương từ HP ra thăm chúng em. Định ở lại một đêm, sáng mai về sớm thì cỡ 19 giờ máy bay Mẽo lại bay vào bắn phá (thời đấy, bọn em đâu có nghĩ đó là khởi đầu của 12 ngày đêm lịch sử). Mẽo đã đổi chiến thuật không chơi kiểu bầy đàn mà chỉ vào từng top 2 chiếc, bay rất thấp từ biển vào cửa sông Văn Úc để tránh rada rồi mới rẽ vào HP hoặc bay lên HN. Những top đầu bay vào là để đánh các trận địa phòng không, tên lửa, sân bay dọn đường cho B52 vào đợt sau. Vừa yên tiếng máy bay là mẹ em chạy ra xe nói chú tài xế về ngay thành phố. Xe đang chạy trên đường liên huyện thì máy bay vào lại. Bọn em đứng ở đầu hồi nhìn ra phía đường thấy xe đang chạy thì đột nhiên đèn pha trên nóc xe bật sáng quét một đường sáng rực cả nửa km. Thôi chết rồi, sao lại thế? Bọn em sợ phát run vì mẹ em đang ở trên xe. Lập tức máy bay bay vòng lại. Lúc này, xe đã tắt đèn và thoát ra đến đường 10 rồi chạy khuất về hướng HP. Một lúc sau, máy bay vòng lại lần nữa và một phát tên lửa lao xuống phía đường 10. Bọn em như chết trân, nhưng khi không thấy lửa cháy bốc cao thì vẫn hy vọng mẹ em đã thoát. Sau này, nghe cụ kể lại là xe đang dùng đèn rùa để chạy thì nghe tiếng máy bay trên đầu, mẹ em kêu lên "có máy bay" để chú lái xe tắt nốt đèn rùa nhưng chú ấy cuống nên bật nhầm công tắc đèn pha trên nóc xe (chắc các cụ biết loại uaz cứu thương có cái đèn pha trên nóc xe). Biết bị lộ rồi nhưng đoán máy bay chưa quay lại kip nên mẹ em nói bật đèn chạy tiếp đến ngã 3 trước khi rẽ phải thì tắt đèn đi. Xe chạy thêm được khoảng 200-300m gì đó trên QL10 thì gặp bụi tre ven đường nên xe rúc vào đó nấp. Chú lái xe và mẹ em nhảy xuống tìm hầm trú ẩn ven đường. Chưa nóng chỗ thì thấy nó quay lại lần nữa và rà ngay trên đầu. Đoán có khả năng vẫn lộ nên mẹ em lại gọi chú lái xe lên xe chạy tiếp. Xe vừa chạy được 100m thì nó quay lại và bắn ngay một phát tên lửa đúng chỗ xe vừa đỗ. Xe tiếp tục chạy về phía Kiến An để vào gần trận địa phòng không bảo vệ cây cầu gì đó nhỏ nhỏ trên QL10 (lâu ngày em quên tên). Cũng may là máy bay kg theo nữa (chắc nó nghĩ đã tiêu diệt được mục tiêu hoặc ngại vào gần trận địa pháo). Thế là mẹ em thoát.
Còn về bọn em, tối hôm đấy máy bay Mẽo bay từng top vào liên tục, vừa yên yên, mới vào nhà nằm xuống giường, chưa kịp ngủ lại phải chạy ra hầm. Đến lần thứ 3 thì bực quá, kg thèm ngủ giường nữa, cứ nằm trong hầm, ngủ gà ngủ gật luôn.
Hồi này, Mẽo bắt đầu thay bom bi (dân mình phòng tránh ngon rồi, chẳng ăn thua nữa) bằng loại bom xuyên mà em đã post hình ở trên. Bom xuyên là loại bom chùm tương tự như bom bi nhưng dùng để tiêu diệt xe tăng. Bom xuyên mẹ chứa 247 quả bom con ở trong. Mỗi quả bom con như là 1 quả B40. Nó có 1 ngòi nổ cứng nằm ở mũi (đâm vào vật cứng thì nổ) và có thêm ngòi quán tính phía sau, nếu đâm vào vật mềm (như đất, bùn...) thì nó xuyên khoảng hơn nửa mét mới phát nổ. Khi được thả khỏi máy bay, bom mẹ rơi đến độ cao nào đó thì tách ra thành 2 và giải lũ bom con xuống một vùng mỗi bề khoảng 200m (nghĩa là cứ cánh 1, 2 mét sẽ có một quả nổ). Với công dụng như vậy nên Mẽo đã bỏ bom bi và chuyển sang loại này để đánh trận địa, xe tải... hay chơi hầm chữ A của dân mình.
Bọn em đã được phổ biến cách phòng tránh bom xuyên nên hầm nhà bọn em đắp rất kiên cố theo kiểu hầm chữ A. Chú chủ nhà chỉ huy tụi em làm 2 cái cách xa nhau cỡ 5m, dùng chung cho cả 2 nhà (nhà chú chủ nhà và nhà em). Mỗi hầm chứa nửa quân số mỗi nhà để tăng hệ số sống sót :)) . Hầm đã được đắp đất dầy từ nửa mét lên thành 1 mét. Trong cùng là lớp vì kèo tre đan sát gác chéo nhau hình chữ A làm khung hầm (nên gọi là hầm chữ A). Trên lớp kèo tre lại đan một lớp tre ngang nữa. Sau đó đắp đất sét nện chặt dầy lên đến 1m. Phía ngoài hầm bó rơm lại thành từng bó đường kính cỡ gần 1 mét phủ lên. Trên cùng là một dàn cây (như kiểu dàn mướp) ken đặc và dùng lưới đánh cá treo phía dưới, vừa để ngụy trang, vừa làm vật cản giảm tốc độ rơi. Với cấu tạo của hầm như vậy, bom xuyên chỉ đủ khả năng xuyên qua lớp rơm, vào đến lớp đất là đã phát nổ. Hầm vẫn được bảo vệ an toàn.

Em tiếp đêm 18/12 .....


Suốt cả đêm 18/12, lũ F4 vào ra liên tục, bọn em lười chạy nên ngủ luôn trong hầm nhưng mỗi lần máy bay vào thì vẫn nhấp nha nhấp nhổm ngó nghiêng chứ chẳng thể ở yên trong hầm được. Đêm đông miền bắc tháng 12 hơi lạnh, trăng sáng vằng vặc, những chiếc F4 bay thấp lừ lừ nhưng những bóng ma dưới ánh trăng. Khoảng 2 giờ sáng, máy bay lại vào, bỗng tiếng máy bay bất ngờ rồ lên (như kiểu tăng tốc) và chú chủ nhà thét lên "nó thả bom đấy" - lại một lần nữa kinh nghiệm chiến trường của người lớn giúp bọn em thoát hiểm. Bọn em liền thụt ngay vào hầm và đóng sầm cửa hầm lại. Cửa hầm được làm như cánh cửa nhà. Đó là nơi yếu nhất của căn hầm vì chỉ làm bằng một lớp gỗ dầy khoảng 2cm, phía ngoài được gia cố bằng nùn rơm bện chặt dầy khoảng 20cm chỉ đủ sức chống được các mảnh bom phạt ngang hoặc bom bi bắn tới. Vừa gài chặt cửa hầm (để khỏi bị hơi bom thổi bung ra) thì đã nghe tiếng lóc cóc ròn tan như mưa rơi trên mái ngói và sân gạch cùng với tiếng nổ liên hồi ục ục như bộc phá nổ dưới sông. Thôi chết rồi, nó ném bom xuyên vào nhà mình rồi.... Bọn em hơi hoảng vì nếu bị bom xuyên thì khả năng cháy nhà và cháy nóc hầm rất cao dù bọn em đã dội nước lên các bó rơm trên nóc hầm để phòng cháy. Hầm được đắp cạnh ao nhà nhưng lúc này mà ra múc nước chữa cháy cũng rất nguy hiểm vì có thể còn bom nổ chậm... Cũng may là nó chỉ thả bom rồi đi luôn chứ không quần đảo. Bọn em cũng kg hiểu tại sao nó lại ném bom xuống khu nhà mình (nhà nằm bìa xóm, phía ngoài đã là cánh đồng rồi). Ngồi một lúc, thấy bên ngoài im ắng, không thấy ánh lửa cháy nên chú chủ nhà liều bò ra để xem sao. Đầu tiên là động tác mở cửa hầm phải hết sức nhẹ nhàng và từ từ vì lỡ có quả bom nào chắn ngay cửa hầm, cửa hầm đụng vào nó kích nổ thì xong film. Sau khi cửa hé đủ để lách người ra, chú chủ nhà chui ra trước và em ra sau. Đập vào mắt em trong ánh sáng mờ mờ là một mảnh bom vàng vàng kích thước cỡ 20 x 50cm mắc vào cửa hầm. Ôi trời! Nếu kg đóng kịp cửa hầm thì mảnh này đủ sức xuyên táo cả lũ ở phía trong... Nhưng bom xuyên sao lại có mảnh to thế nhỉ? Em chạm thử một cái thật nhanh để đề phòng mảnh bom còn nóng nhưng thấy lạnh tành anh thì mới biết đây chỉ là miếng mốp đặc, màu vàng (sau này mới biết là miếng mốp để chèn giữa các lớp bom con). Sau khi chú chủ nhà và cách trẻ trâu nhà em chui ra hết rồi thì tất cả bắt đầu lò dò quan sát xung quanh. Chú chủ nhà tiếc của nên phi vào nhà xem mái ngói bị bể vỡ gì không, mấy ông anh thì mò ra sân xem cái gì lúc nãy kêu lóc cóc nhiều thế trong khi sân gạch còn nguyên. Em nhỏ nhất chỉ đứng bên cửa hầm và giật mình thấy ngay 1 quả bom xuyên cắm vào lớp rơm bảo vệ hầm. Cũng kg hiểu lúc đó em liều thế, chẳng cần báo cho ai, em nhẹ nhàng nhấc quả bom ra khỏi đống rơm thì thấy nó nhẹ hều. Lúc này mới phát hiện ra nó là bom.... nhựa. Đó chính là một trong những quả bom độn (các cụ tham khảo ảnh phía dưới). Lúc này, cả bọn đã trấn tĩnh và phát hiện toàn bộ số bom rơi xung quanh nhà đều là bom độn bằng nhựa nên mạnh dạn đi thu gom dồn vào thành một đống. Chú chủ nhà còn nhắc bọn em là tránh đụng chạm nhiều vì có thể có độc. Xung quanh còn thấy một số miếng mốp nữa. Như vậy, có thể tạm yên tâm là máy bay đã lao xuống cắt bom, rồi bom mẹ tách ra thành 2 nửa để vãi cả bầy bom con ra, bom độn bằng nhựa nhẹ nên theo quán tính không bay xa mà táng xuống chỗ nhà em, còn bom thật nặng hơn nên bay xa hơn và chắc là ra ngoài đồng rồi. Chú chủ nhà bắt cả bọn ở quanh hầm vì sợ máy bay quay trở lại, chỉ mình chú đi ra phía cánh đồng để thám thính xem sao. Mới ra được ít bước thì chú ấy thấy ngay mấy quả bom trăng trắng nằm lẫn giữa các luống khoai. Bom nổ chậm???? Chú nghi vậy và bò tới gần để xem nó là gì thì phát hiện ra đây là mấy cái vỏ quả bom mẹ làm bằng đuy-ra. Trúng quả rồi! Chú chạy ngay về nhà kêu bọn em ra khiêng 4 mảnh vỏ bom (4 nửa = 2 quả bom mẹ) về giấu ở nhà. Em còn thấy gần đó một cánh đuôi bom nên nói mọi người tản ra tìm nốt các cánh đuôi còn lại đem về nhà giấu để phi tang hiện trường triệt để. Tại sao bọn em lại đi giấu vỏ bom thì hồi sau các cụ sẽ rõ.

Em lượm lặt trên mạng ảnh loại bom xuyên (bom khoan chống tăng MK-118) mà nó táng xuống chỗ em đêm 18 rạng 19/12/1972.

Bom con:







Bom độn




Bom mẹ




(xem tiếp ở cuối thớt...)



.
Tặng các cụ một bức ảnh khá hiếm về tên lửa SAM-2 ở Hải Phòng.


 
Biển số
OF-49
Ngày cấp bằng
23/5/06
Số km
7,400
Động cơ
660,704 Mã lực
Nơi ở
Thừa Thiên Huế
Tặng các cụ một bức ảnh khá hiếm về tên lửa SAM-2 ở Hải Phòng.
Cám ơn bác!

Về việc đưa tên lửa qua sông bằng phà. Hồi nhỏ em hóng hớt là lúc đầu chuyên gia LX nói chở vậy không an toàn. Phải dùng 1 phà chở và 1 phà đi kèm.
Phe ta nói cột 2 phà lại không được nên vẫn dùng 1 phà. Sau thấy 1 xe 1 phà chở không kịp nên quyết luôn 2 xe lên 1 phà. Vẫn OK như thường.Chuyên gia chỉ biết đứng nhìn.

P/s Đám xe chở tên lửa này chuyên đỗ dọc đường, chỉ phủ bạt, không che chắn chi cả. Tụi em chui vào sờ mó suốt tìm xem cái kim hỏa của qủa tên lửa nằm chỗ nào. :)) :))
 

Hoàng Gia Thành

[Tịch thu bằng lái]
Biển số
OF-432048
Ngày cấp bằng
23/6/16
Số km
6,476
Động cơ
281,459 Mã lực
Tuổi
41
Em thì cũng không chắc cầu Hạ Lý nó hình dáng như cái ảnh cụ ở trên đưa. Nhưng theo trí nhớ em hồi nhỏ em hay đi bộ qua cây cầu này thì hình hài nó giống với kiểu cầu Quay.
Trước ở phía trên gần Chợ Đổ còn có một cái cầu treo nữa cơ, ngày bé em đi qua đấy nó rung rung mà cứ sợ :D
Nhà cụ gần cái chợ và cầu treo đó à? Em cũng nhớ cái cảm giác rung bần bật khi đi qua cầu. Đại khái là không đi xe đạp được phải xuống dắt. Lúc đó có đến 2 cái cầu treo như thế, một cái qua sông Tam Bạc, một cái qua sông Lấp (giờ gọi là Hồ Tam bạc)
 

Hoàng Gia Thành

[Tịch thu bằng lái]
Biển số
OF-432048
Ngày cấp bằng
23/6/16
Số km
6,476
Động cơ
281,459 Mã lực
Tuổi
41
Thưa cụ
Cụ hỏi chung chung "Hạm đội 7" thì tản mát và xa lắm



Từ 1964, Mỹ quy ước lây một điểm ở ngoài biển gọi là Yankee Station, chỗ này luôn có 3 (BA) tàu sân bay chủ yếu để đánh phá Bắc Việt Nam và đường Hồ Chí Minh
Nó nằm ở biển Đông phía Tây Bắc Đà Nẵng, vị trí của trạm có thể thay đổi tùy thuộc vào tương quan lực lượng với Bắc Việt Nam, có lúc nó nằm cách Đồng Hới 190 km về phía đông
Máy bay hải quân từ Trạm Yankee bay vào Hà Nội chừng 700 km, vào Hải Phòng là 600 km (thừa đủ tầm hoạt động của A-4, A-6, và A-7). Riêng đối với F-4, có hai động cơ công suất lớn (ở thời bấy giờ), uống dầu như nước lã, thì khoảng cách 700 km chỉ đủ cất cánh, ném bom xong và biến luôn, không đủ dầu chiến đấu với MiG, sau này F-4 bớt mang bom, mang thêm nhiều tên lửa chủ yếu làm nhiệm vụ trấn áp MiG, SAM và phát nhiễu bảo vệ các máy bay khác đi cùng
Khác với F-4 của không quân đóng ở Thái Lan, phải bay xa hơn, nên được tiếp dầu hai lần trên không trong một phi vụ.
Khi bay vào Hải Phòng, máy bay hải quân theo hai hướng
1) Bay thấp theo dọc sông Văn Úc (gần chỗ đầm anh Vươn Tiên Lãng), tránh radar và đạn cao xạ, úp thẳng vào những cơ sở hậu cần và nhà máy ở Hải Phòng
2) Bay theo dãy Yên Tử (Quảng Ninh) cách trung tâm Hải Phòng 35 km, cũng để tránh radar và bất ngờ lao vào đánh Hải Phòng để tránh bị thiệt hại
Cả hai hướng này có điểm chung là: sau khi đánh xong, chuồn nhanh ra biển, nếu bị thương hoặc cháy thì nhảy dù và có toán cứu hộ với trực thăng chỡ sẵn ngoài biển vớt lên. Khi phi công rơi ngoài biển, lũ máy bay bu lại bắn những tàu bè ta kể cả bà con đánh cá gần chỗ phi công rớt xuống, vì thế Hải Phòng bắn rơi 130 máy bay (tôi nhớ không chính xác) nhưng chỉ bắt được một hoặc hai phi công. Phi công đầu tiên mà Hải Phòng túm được tên là Stackhouse (tôi viết có thể không chính xác) bị bắn rơi ngày 25-4-1967. Tôi được nhìn thấy mặt anh phi công này, vì chiến sĩ canh trại giam Trần Phú (Hải Phòng) đặt súng trực chiến trên nóc nhà tôi, nên tôi và bố tôi được "ưu tiên" vào xem mặt.
Thời đó, loa phóng thanh phát tin DỰ BÁO báo động thường có câu "máy bay địch hướng đông bắc cách thành phố 40 km " thì đến 60% là sau đó 1 phút đã có đạn nổ rồi. Từ nhà máy xi măng cách Yên Tử chỉ hơn 28 km thôi
Xem sơ đồ mới thấy tụi Mỹ nó áp đảo tuyệt đối về lực lượng, Mig của ta bay lên đánh nhau được là giỏi lắm rồi!
 

X_FIVE

Xe điện
Biển số
OF-19649
Ngày cấp bằng
7/8/08
Số km
2,413
Động cơ
525,076 Mã lực
Nơi ở
Riêng một góc trời
Nhà cụ gần cái chợ và cầu treo đó à? Em cũng nhớ cái cảm giác rung bần bật khi đi qua cầu. Đại khái là không đi xe đạp được phải xuống dắt. Lúc đó có đến 2 cái cầu treo như thế, một cái qua sông Tam Bạc, một cái qua sông Lấp (giờ gọi là Hồ Tam bạc)
Không nhà em bên Cầu Quay cơ.
Nhưng ngày bé hay được ma ma dẫn đi bộ sang bên chợ đổ mua đồ.
 

Hoàng Gia Thành

[Tịch thu bằng lái]
Biển số
OF-432048
Ngày cấp bằng
23/6/16
Số km
6,476
Động cơ
281,459 Mã lực
Tuổi
41
Không nhà em bên Cầu Quay cơ.
Nhưng ngày bé hay được ma ma dẫn đi bộ sang bên chợ đổ mua đồ.
Thời em còn bé thì cái chợ đổ là ở đường Lý Thường Kiệt, thấy mọi người bảo ngày xưa có quả bom Mỹ rơi lạc vào đó làm đổ một dãy phố thành bãi đất trống, họp chợ ở đó nên gọi là Chợ Đổ. Ở đó chỉ bán đồ ăn uống hàng ngày (Hà nội hay gọi là chợ xanh) thôi. Sau em về thấy bảo là người ta chuyển chợ này về sân Đền Nhà Bà, bán đủ thứ. Giờ em xem google thì thấy chỗ này đề là Chợ Tam Bạc.

Không biết cụ đi Chợ Đổ nào? Địa danh Đền Nhà Bà bây giờ chắc chẳng ai còn nhớ nữa! Nhà cụ bên Cầu Quay chắc là khu Trại Chuối?
 

Hoàng Gia Thành

[Tịch thu bằng lái]
Biển số
OF-432048
Ngày cấp bằng
23/6/16
Số km
6,476
Động cơ
281,459 Mã lực
Tuổi
41
Em kg biết cái cầu Lạc Long hiện tại nếu nằm sát cầu Hạ Lý thì thời xưa là cái cống hay cái giề (chắc là nhỏ) nhưng thời em ở HP (cách đây gần...4 chục năm rồi) thì chỉ biết mấy cái cầu: Thượng Lý (còn gọi là cầu Xi Măng) bắc qua sông Cấm; cầu Hạ Lý bắc qua sông Tam Bạc và Cầu Đất là .... phố Cầu Đất. Bọn em còn nghĩ cầu Đất là cái cầu đi bộ bắc ngang đường xe lửa ở phố Cầu đất, ngay đầu Ga HP. :)) :))
Thời đầu 80 bọn em ở đấy thì cầu Thượng Lý bắc qua một cái sông nhỏ thôi, không phải sông Cấm. Cầu Hạ Lý thì vẫn đúng chỗ cầu Lạc Long hiện nay, nhưng là cầu thấp thôi. Đầu cầu phía thành phố là cái đài tưởng niệm liệt sỹ (em không nhớ có nghĩa trang không, nhưng đài tưởng niệm thì có). Đến khi người ta nâng cầu lên cao thì chuyển cái đài tưởng niệm này đi.

Thành phố còn một cái cầu nổi tiếng nữa là cầu Rào. Khi đó cụ Tố Hữu về thăm thành phố có tặng bài thơ "4 cống 3 cầu 5 cửa ô/ Đào sông lấn biển dựng cơ đồ ......." mới tặng được mấy hôm xong thì có vụ sập cầu Rào.
 

Hoàng Gia Thành

[Tịch thu bằng lái]
Biển số
OF-432048
Ngày cấp bằng
23/6/16
Số km
6,476
Động cơ
281,459 Mã lực
Tuổi
41
Em lót dép ngồi hóng.
Mà sao hồi ấy mình không hạ được cái B52 nào nhỉ. Đến tháng 12 mới hạ được 1 loạt.
Em cũng nghe nói ở Hải phòng ta phóng hàng trăm quả SAM mà không hạ được chiếc B52 nào. Phi công Mỹ còn cười giễu bảo đang xem pháo hoa.
 

X_FIVE

Xe điện
Biển số
OF-19649
Ngày cấp bằng
7/8/08
Số km
2,413
Động cơ
525,076 Mã lực
Nơi ở
Riêng một góc trời
Thời em còn bé thì cái chợ đổ là ở đường Lý Thường Kiệt, thấy mọi người bảo ngày xưa có quả bom Mỹ rơi lạc vào đó làm đổ một dãy phố thành bãi đất trống, họp chợ ở đó nên gọi là Chợ Đổ. Ở đó chỉ bán đồ ăn uống hàng ngày (Hà nội hay gọi là chợ xanh) thôi. Sau em về thấy bảo là người ta chuyển chợ này về sân Đền Nhà Bà, bán đủ thứ. Giờ em xem google thì thấy chỗ này đề là Chợ Tam Bạc.

Không biết cụ đi Chợ Đổ nào? Địa danh Đền Nhà Bà bây giờ chắc chẳng ai còn nhớ nữa! Nhà cụ bên Cầu Quay chắc là khu Trại Chuối?
Chợ Đổ là chợ nằm đoạn giữa hồ Tam Bạc đó cụ.
Cụ ở đâu ở HP vậy?
 

SVC

[Tịch thu bằng lái]
Biển số
OF-52644
Ngày cấp bằng
11/12/09
Số km
14,463
Động cơ
523,681 Mã lực
Thời đầu 80 bọn em ở đấy thì cầu Thượng Lý bắc qua một cái sông nhỏ thôi, không phải sông Cấm. Cầu Hạ Lý thì vẫn đúng chỗ cầu Lạc Long hiện nay, nhưng là cầu thấp thôi. Đầu cầu phía thành phố là cái đài tưởng niệm liệt sỹ (em không nhớ có nghĩa trang không, nhưng đài tưởng niệm thì có). Đến khi người ta nâng cầu lên cao thì chuyển cái đài tưởng niệm này đi.

Thành phố còn một cái cầu nổi tiếng nữa là cầu Rào. Khi đó cụ Tố Hữu về thăm thành phố có tặng bài thơ "4 cống 3 cầu 5 cửa ô/ Đào sông lấn biển dựng cơ đồ ......." mới tặng được mấy hôm xong thì có vụ sập cầu Rào.
Xưa, đầu cầu Hạ lý từ phía Xi măng đi vào, khi chưa xây cầu Lạc long có 1 cái tượng đài. Chỗ đó không hề có nghĩa trang.
Em hè về Phòng hay cùng đám anh họ ra đá bóng sớm ở chân tượng đài.
Nhà ngoại em ngay cạnh ngõ Thái hoà.
Còn cầu Hạ lý thì bé tí. Bằng sắt. Giữa rải nhựa đủ 1 làn xe nhẹ đi.
2 lề bộ hành lát gỗ ván. Miếng còn miếng mất.
Trẻ con đi buổi tối hay đánh rơi dép xuống sông. Hên, dép rơi mắc trên bè gỗ thời mò ra lấy về được :D
 
Thông tin thớt
Đang tải

Bài viết mới

Top