Năm tướng suy hao của chư thiên cõi trời khi thọ mạng sắp hết:
Trích ĐỊA TẠNG BỒ TÁT BỔN NGUYỆN KINH GIẢNG KÝ
QUYỂN HẠ - Phẩm thứ 12- Lợi ích cả kẻ còn người mất
Chủ giảng: Hòa thượng Tịnh Không
Giảng tại Tịnh Tông Học Hội Singapore
Đoạn kinh này nói người cõi trời lúc ‘hưởng hết phước trời, có năm tướng suy kém hiện ra’. Phước báo của người cõi trời lớn nhỏ khác nhau, cũng giống như người trong thế gian chúng ta. Chúng ta được thân người, ai cũng được thân người, mọi người đều cư trú trên địa cầu này, phước báo của mỗi người không giống nhau. Chúng tôi tới Úc Châu tham quan, phước báo người Úc Châu lớn hơn chúng ta, chúng ta đông người như vậy chen chúc trong một căn lầu nhỏ cũng như cái lồng chim bồ câu vậy, phòng nghỉ ngơi của người ta, một người trú ở một phòng thật lớn. [Còn ở Bách Tư Sâm nói trên] tuy phòng nghỉ ngơi nhỏ nhưng khoảng không gian sinh hoạt rất lớn; từ phòng này tới phòng khác phải đi bộ khoảng năm, sáu phút, [họ cư trú trong hoàn cảnh] núi non thanh tú như vậy. Ngày nay chúng ta nói là từ trường khác nhau, khi bước vào đạo tràng thì tâm bạn liền thanh tịnh, liền hoan hỷ. Dã thú trên núi rất nhiều, nhưng người xuất gia đều có tâm từ bi, dã thú cũng không hại người, con người có thể tiếp xúc với dã thú, dùng tâm chân thành, tâm thanh tịnh, tâm từ bi để tiếp xúc thì rắn độc, thú dữ cũng không hại bạn, vì tâm địa bạn từ bi, chẳng có tâm độc ác. Nếu tâm bạn độc ác thì sẽ xung đột với chúng nó, nếu tâm bạn từ bi, thanh tịnh thì sẽ không xung đột. Ở Trung Quốc cũng có rất nhiều người tu hành trong rừng sâu, họ thường ở gần cọp và những thú dữ khác. Những thú dữ đó giống như những con vật bạn nuôi trong nhà, nó biết nghe lời, đạo lý là như vậy. Đúng như lời dạy của đức Phật, làm thế nào để sống chung hòa bình với chúng sanh trong lục đạo, tôn trọng lẫn nhau, hợp tác lẫn nhau.
Nếu phước báo của người cõi trời chẳng lớn, lúc lâm chung những hạt giống thói quen xấu trong A Lại Da Thức khởi lên làm cho họ đọa ác đạo. Đây là điều đức Phật thường nói trong kinh, lúc lâm chung nghiệp lực mạnh nhất sẽ lôi đi, ý niệm nào mạnh thì người đó sẽ theo ý niệm đó đi đầu thai, do đó lúc lâm chung ý niệm thiện mạnh thì người đó sẽ sanh thiện đạo, ác niệm mạnh thì người đó sẽ sanh ác đạo. Chẳng phải vua Diêm La phán cho bạn sanh vào cõi nào, mà do ý niệm của bạn dẫn bạn đi. Nếu ý niệm ngu si của bạn mạnh sẽ dẫn bạn vào cõi súc sanh. Ý niệm tham ái mạnh sẽ dẫn vào cõi ngạ quỷ; ý niệm sân giận mạnh sẽ dẫn vào cõi địa ngục. Do đó có thể biết nếu ý niệm cuối cùng của chúng ta, ý niệm Phật mạnh thì sẽ sanh Tịnh Độ, lúc bình thường chúng ta phải vun bồi ý niệm này, chứ đừng đợi tới lúc lâm chung thì không kịp nữa. Lúc lâm chung, mười niệm có thể vãng sanh là không sai, trên mặt Lý thì được, còn trên mặt Sự thì rất ít [người làm được như vậy]. Một ít người này đều do sức thiện căn đời trước mạnh mẽ, chỉ vì một lúc mê hoặc tạo tác ác nghiệp, lúc lâm chung có người nhắc nhở nên túc căn của họ được khơi dậy, như vậy mới vãng sanh, tuyệt đối chẳng phải là may mắn. Nếu bạn muốn may mắn được sanh thì tuyệt đối chẳng có lẽ này, nhất định phải vun bồi, nỗ lực, dốc sức hằng ngày, chúng ta phải biết đây là ‘một đại sự nhân duyên trăm ngàn vạn kiếp khó gặp’. Nếu đã hiểu được đạo lý và chân tướng sự thật này rồi thì bạn làm sao không buông xuống được? Bạn chắc chắn sẽ buông xuống được. Nếu bạn nói bạn chưa buông xuống được, đó là vì bạn chưa nhận thức rõ ràng chân tướng sự thật, chưa hiểu rõ đạo lý. Sau khi thấu triệt thì nhất định sẽ buông xuống, tuyệt đối sẽ không tiêm nhiễm.
Trong kinh nói ‘năm tướng suy kém’ gồm có hai thứ: ‘Năm tướng nhỏ và năm tướng lớn’. Năm tướng suy kém nhỏ, thứ nhất là thân thể có mùi hôi. Lúc bình thường thì thân thể của người cõi trời thanh tịnh, có mùi thơm. Rất nhiều đồng tu niệm Phật, hoặc trong lúc niệm Phật, hoặc tụng kinh, thậm chí trong lúc kinh hành, thảo luận Phật pháp ngửi được mùi thơm lạ. Mùi thơm lạ này từ đâu tới? Có thể là mùi thơm lạ này từ trước tới giờ bạn chưa hề ngửi được, bạn chẳng diễn tả được, mùi thơm này rất lạ, thậm chí là một mùi thơm thật nồng. Có lúc kéo dài cả mấy phút, mọi người đều ngửi được. Cổ đại đức nói, khi chúng ta ở đó niệm Phật, tụng kinh, thảo luận Phật pháp, gặp lúc có người cõi trời đi ngang qua, họ nhìn thấy sanh tâm hoan hỷ, họ dừng lại chấp tay, lúc đó là lúc bạn ngửi được mùi thơm lạ. Những trường hợp này rất nhiều, nhiều người đã từng trải qua. Đến lúc năm tướng suy kém nhỏ hiện ra là lúc phước báo của họ sắp hết, chẳng còn mùi thơm. Thứ hai trên thân người cõi trời đều có hào quang, [lúc tướng suy kém nhỏ hiện ra thì] hào quang này sẽ yếu đi. Thứ ba là lúc tắm rửa thì nước dính trên thân thể; khi chúng ta tắm xong thì phải lau cho khô, người cõi trời không cần, nước sẽ không dính ướt trên thân. Khi nước dính trên thân thì đó là tướng suy kém. Thứ tư là họ sẽ khởi lên một ý niệm tham luyến đối với cảnh giới xung quanh, khởi lên ý niệm nhiễm trước. Thứ năm là nháy mắt, lúc bình thường thì người cõi trời không nháy mắt, khi có nháy mắt thì đó là tướng suy kém. Đây là năm tướng suy kém [chứng tỏ] họ hưởng gần hết phước báo.
Khi phước báo hưởng hết thì ‘năm tướng suy kém lớn’ hiện ra, tướng thứ nhất trong ‘năm tướng suy kém’ là quần áo dơ. [Lúc bình thường thì] quần áo của người cõi trời chẳng cần phải cắt may, chẳng cần phải giặt giũ, quần áo của họ không nhiễm chất dơ, nhưng tới lúc này thì sẽ nhiễm bụi bặm. Thứ nhì, người cõi trời đều đội mão, trên mão có cài hoa tươi, hoa này sẽ khô đi, sẽ héo đi, đây là tướng suy thoái, lúc đó họ sẽ rất đau khổ. Thứ ba là chảy mồ hôi. Lúc có những tướng này xảy ra thì thọ mạng của họ đã gần hết, trong kinh nói đại khái không quá bảy ngày thì họ sẽ chết. Thứ tư là thân thể có mùi hôi. Thứ năm là họ đứng ngồi không yên. Lúc năm tướng suy thoái nhỏ hiện ra, nếu họ có duyên gặp được chư Phật, Bồ Tát, gặp thiện tri thức, nếu họ có thể sám hối, quy y, noi theo lời dạy mà tu học thì họ có thể khôi phục, có thể gia tăng phước trời. Nói cách khác, gia tăng thọ mạng của họ. Năm tướng suy thoái lớn hiện ra thì không được, nhất định sẽ đọa lạc. Do đó thiên nhân càng lên cao, đọa lạc càng khổ. Trời Dục Giới, trời Sắc Giới, lúc phước hưởng hết có rất nhiều người sanh tới cõi người, đổi lấy thân người. Sau khi thọ mạng của người ở cõi Tứ Thiền thiên, Tứ Không thiên hết, hơn phân nửa đều đọa tam đồ, ‘hoặc đọa ác đạo’ như người ta thường nói ‘trèo cao, té đau’, việc này đều có đạo lý trong đó