GIÀU NGHÈO
Theo báo cáo Global Wealth Report 2018 của Credit Suisse, nếu có tổng tài sản quy tiền từ $10K trở lên, thì bạn đã thuộc vào Top 36% người giàu của nhân loại. Còn nếu tính đi tính lại rồi, mà vẫn thấy mình có ít hơn $10K – thì bạn sẽ phải sinh hoạt trong nhóm ‘người nghèo’. Nhóm nghèo này có đến 3.2 tỷ thành viên, tương đương 64% số người lớn của toàn cầu.
Nhóm 42 triệu người giàu nhất, ngự trên đỉnh kim tự tháp (Figure 1), tuy chỉ là thiểu số 0.8% – nhưng lại sở hữu đến 45% tiền tài của nhân loại. Trong khi đó, nhóm 3.2 tỷ người nghèo kia chỉ sở hữu 1.9% tổng tài sản của toàn cầu. Tại các nước chưa giầu như Việt Nam (và một số các quốc gia ở Nam Á hay Trung Phi) - hơn 90% người trưởng thành ở trong nhóm ‘nghèo’ ấy.
Nếu tính theo bình quân (mean – lấy tổng tài sản chia đều cho dân số), thì giàu nhất là Thụy Sỹ ($530,240), Úc ($411,060), Mỹ ($403,970). Tiiếp đó là Bỉ ($313,050), Norway ($291,100), New Zealand ($289,800), Canada ($288,260), Đan Mạch ($286,710), Singapore ($283,260), và Pháp ($280,580).
Còn nếu tính theo trung vị (median – là mức ở giữa, có một nửa dân số nhiều hơn, và một nửa ít hơn mức này), thì Top 10 nước giàu nhất theo thứ tự là: Úc ($191,450), Thụy Sỹ ($183,340), Bỉ ($163,430), Hà Lan (114,930), Pháp ($106,830), Canada ($106,340), Nhật ($103,860), New Zealand ($98,610), UK ($97,170), và Singapore ($91,660). Do Mỹ có chênh lệch giàu nghèo quá lớn, nên dù rất giàu, chia bình quân (mean) rất cao, nhưng tính trung vị (median) thì chỉ là $61,670 – chấp nhận đứng thứ 18.
Trên bản đồ phân bố giàu nghèo (Figure 3), các quốc gia có tài sản quy tiền bình quân trên đầu người ít hơn $5K được bôi màu xanh nhạt. Thật buồn khi VN là một trong số các quốc gia ‘nhạt màu’ đó.
Thịnh vượng của một quốc gia dựa trên 3 cột trụ: Thể chế, văn hóa, và vị trí địa lý. VN có vị trí tốt, văn hóa không tồi, thể chế thì đến đâu bạn bè cũng ca ngợi là “tuyệt vời”, vậy mà mãi nghèo...rớt mồng tơi. Chắc là do các thế lực thù địch.
Nguồn ST