Nông dân luôn là tầng lớp dễ bị tổn thương nhất và được hưởng lợi ích thấp nhất trong chuỗi sản xuất nông sản.
Cái năm em đỗ Đh chính là 1 năm kiệt quệ chưa từng có.
Tháng 3.
Mùa lạc, đại hạn đến sớm, 3 tháng trời không có giọt mưa, nắng chang chang vắt kiệt cả dòng sông. Gọi là sông Ngàn Sâu, mà tháng 4 năm ấy sông cạn trơ đáy, ôm quần lội từ bờ này qua bờ kia còn chưa ướt hết bắp chân. Nhà em trồng 7 sào lạc, mọi năm được khoảng 1 tấn 2. Năm đó thu hoạch được đúng 3 tạ lạc. Củ lạc cũng gầy quắt queo. Mất mùa. Mất giá.
Tháng 4.
Trỉa đậu xanh, vẫn không có mưa, gieo 10 hạt chỉ mọc được 3, dù đã ngâm hạt qua nước cho dễ nảy mầm. Lại lụi cụi đi dặm, có những quãng dài cả mét không mọc được 1 cây nào. Thế rồi mưa. Nhiều nhà đem trâu đem cày xới hết lên trồng lại. Đậu gặp mưa lên vùn vụt, xanh ngắt. Một số nhà xen thêm ngô trong đậu. Cả ngô cũng xanh ngắt. Cánh đồng hồi sinh.
Tháng 6.
Ngô đã có bắp non, lác đác đậu xanh đã chín bói. 1 hôm trời mưa như trút. Mưa 1 ngày 1 đêm không tạnh. Chỉ 1 ngày mưa, nước sông dâng cao. Đa số lạc quan, tháng 6 làm gì có lụt. Từ năm 60 tới giờ không có năm nào lụt tháng 6. Những cụ già sống từ năm 2 mấy, 3 mấy cũng bảo chỉ mới thấy 1 trận lụt tháng 6 vào năm 60 mà thôi.
Hôm sau, nước sông tràn bờ. Làng xóm í ới gọi nhau ra đồng vớt vát được gì thì vớt vát. Em cầm liềm đi cắt ngô. Liềm cứa vào thân ngô như cứa vào da thịt. Buộc bó ngô lên xe dắt bộ về nhà, mưa gió giật người ngã, xe đổ.
Điện mất. Cái giếng cạn khô đã đầy trở lại.
Đêm, nước lũ tràn vào làng. Người ở những vùng đất thấp dắt lũ lượt nào trâu bò, bế theo lợn, gà đến gửi nhờ. Cái chuồng lợn đã 10 năm không nuôi lợn, giờ chật ních lợn bé lợn to.
3 ngày sau, mưa ngừng, nắng lên rực rỡ. Mưa ngừng thì nước sẽ rút, bao đời nay đều như vậy, mỗi năm 3-4 trận lũ, trận nào cũng như vậy hết. Mưa 3 ngày thì 3 ngày sau nước sẽ rút hết. Nhưng không, nước tiếp tục lên. Toàn bộ 4 xã quanh con sông chìm sâu dưới nước. Đứng trên đồi nhìn 4 phương 8 hướng, chỉ có một màu trắng mênh mông. Trực thăng cứu trợ lâu lâu lại bay về phía cuối con sông, ở đó là vùng ngập sâu nhất. Có khi họ dừng lại ở làng em, thả mì tôm cứu trợ. Người ta giành nhau đến gãy cả tay.
13 ngày sau nước mới rút hẳn. Để lại 1 lớp bùn dày nửa mét phủ lên mọi con đường, nhà cửa, vườn tược. Xác trâu bò, lợn gà chết khắp nơi. Rác rưởi mắc đầy ngọn cây.
Đó là trận lũ nước dâng cao nhất kể từ năm 1960.
Tháng 7.
Lũ rút rồi, chờ mưa rửa trôi bùn đất. Nhưng mưa không đến. Cỏ bị phủ lớp bùn dày cứng không thể ngoi lên được. Trâu bò nhìn cánh đồng héo úa ngẩn ngơ.
Em lên tàu nhập học ĐH. Mẹ đi vay mượn tứ tung được 2tr, đủ đóng tiền nhập học và ăn tạm 1 tháng.
Tháng 8.
Em trai viết thư gửi vào, bảo rằng mưa rồi, cỏ mọc lại rồi. Mà không biết sâu ở đâu bò lổm ngổm, cỏ bị sâu ăn hết, không còn cỏ cho trâu ăn nữa.
Tháng 12.
Em lên tàu về quê ăn tết. Từ Huế trở ra, đâu đâu cũng xơ xác tiêu điều. Những ruộng ngô, ruộng lúa lá trắng phau vì rét. Tính đến hôm em về là đã 39 ngày rét đậm rét hại liên tục. Trâu bò chết vì rét, và vì đói. Thịt trâu bán quanh làng đều là bán thiếu, bao giờ có tiền thì trả. Nhiều người chung nhau tiền, đi xuống những vùng ven biển để mua rơm về cho trâu ăn. 2tr 1 xe tải rơm, số tiền đủ mua hơn 5 tạ gạo.
Tết năm ấy xóm làng buồn hiu. Thanh niên bắt đầu soạn đồ đi Nga, đi Thái, đi Lào kiếm cơm. Có những gia đình bố mẹ đi Thái hết, để lại 4 đứa con gà vịt, đứa lớn nhất 10t, đứa bé nhất 2 tuổi. Bố em cũng đi Lào với hơn 2 chục người nữa. Sang tới nơi mới biết m đã bị bán cho chủ thầu người Việt. Mất mấy tháng bị bóc lột mới trốn được về VN, lúc qua biên giới bị biên phòng tóm được, bị phạt 600k.
------
Nhiều năm sau, mỗi lần em về quê, tới nhà bạn bè chơi vẫn thấy cái ngấn nước trên cột nhà. Ai nhìn lên ngấn nước đó cũng xót xa.