“
Chúc mừng ĐH Tôn Đức Thắng!
Năm ngoái, đúng vào ngày này, ĐH Tôn Đức Thắng là trường đầu tiên của VN được xếp hạng 901-1000 bởi trung tâm xếp hạng đại học ARWU (khó nhứt thế giới) [1]. Năm nay, thì Trường đã tăng hạng lên hạng 701-800 [2]. Đây là một tin vui, và xin chúc mừng ĐH Tôn Đức Thắng.
Có thế nói rằng mặc dù không có bảng xếp hạng nào là hoàn hảo, nhưng bảng xếp hạng ARWU là khó nhứt và khách quan nhứt. Khó là vì họ dựa vào các tiêu chuẩn rất khắt khe, hoàn toàn định lượng [3]. Các bảng xếp hạng khác (QS, THE) thì vừa dùng chỉ số định lượng (số bài báo khoa học, trích dẫn) và bán định lượng (như ý kiến từ các giáo sư, nhưng đa số không trả lời) nên có vấn đề về "bias" [4]. Còn với ARWU thì đảm bảo tính khách quan hơn, trường không được tham gia cung cấp dữ liệu, mà họ tìm dữ liệu từ các cơ sở dữ liệu quốc tế. Do đó, được xếp hạng trong ARWU (thuộc ĐH Giao Thông Thượng Hải) là một thành tựu đáng chú ý.
Tuy không nằm trong nhóm 'top' (TDTU đứng hạng 701-800), nhưng có tên trong bảng ARWU là đáng mừng. Đáng mừng hơn là hạng này thể hiện một tiến bộ so với năm ngoái (hạng 901-1000). Nhìn vào 4 tiêu chuẩn [3], tôi đoán rằng TDTU lọt vào bảng xếp hạng là nhờ vào tiêu chí 2-4, tức năng suất khoa học và số giảng viên / giáo sư trong nhóm 'highly cited', và năng suất trên mỗi giáo sư. Cho đến nay, hình như ĐH Tôn Đức Thắng là trường có nhiều công bố khoa học nhứt so với các trường khác trong nước. Có được thành tựu này là nhờ tổ chức nhóm nghiên cứu có hiệu quả, và sự hiện diện của hơn 200 nhà nghiên cứu nước ngoài đang làm việc tại TDTU.
Năm nay, các đại học hàng đầu thế giới vẫn là những cái tên quen thuộc. Đó là Harvard, Stanford, Cambridge, MIT, UC Berkeley, Princeton, Columbia, CalTech, Oxford, Chicago, Yale, Cornell, UCLA, v.v. Riêng Úc tôi có vài trường 'top' vẫn thuộc nhóm Go8. Đáng chú ý là Đại học Quốc gia Úc (ANU) tụt hạng đến 67!
• ĐH Melbourne (hạng 35);
• ĐH Queensland (54)
• ANU (67)
• UNSW (74)
• ĐH Sydney (74)
• ĐH Monash (85)
• ĐH Western Australia (85)
• UTS (201-300)
Hạng của TDTU cao hơn các đại học vùng của Úc như ĐH Southern Queensland (801-900), Southern Cross (hạng 901-1000), ĐH Victoria ở Melbourne (901-1000). Cho đến nay, ĐH Tôn Đức Thắng là trường duy nhứt của VN có tên trong bảng xếp hạng. Trong tương lai, chắc chắn sẽ có vài trường khác của VN có tên trong ARWU.
Những bảng xếp hạng đại học thường gây ngạc nhiên. Chẳng hạn như ở Úc, ĐH Sydney mà được xếp sau ĐH Queensland là một điều rất ngạc nhiên, bởi vì Sydney từ xưa đến nay vẫn tự hào là số 1 của Úc. Niềm tự hào đó lan toả đến cả sinh viên. Họ xem thường các đại học 'trẻ' khác ra mặt. Nhớ khi UNSW ra đời, giới sinh viên ĐH Sydney hay nói mỉa mai rằng UNSW là một trường cao đẳng (vì xuất thân là trường cao đẳng). Đến khi UNSW được xếp hạng bằng hay cao hơn Sydney thì lúc đó họ mới thấy niềm tự hào thiếu cơ sở và tỉnh ngủ.
Tôi đoán là ở Việt Nam cũng có nhiều người tự hào về các trường lâu đời và xem thường các trường 'trẻ'. Các trường lớn và lâu đời được Nhà nước đầu tư rất nhiều, và họ rất tự hào về số lượng giáo sư, tiến sĩ. Chúng ta có thể thấy cách các trường này làm thống kê về số giáo sư, tiến sĩ cho mỗi khoa như là một thước đo về uy tín. Nhưng rất tiếc là những con số đó không nói lên năng suất khoa học thật của trường. Người ta không xếp hạng đại học dựa vào con số giáo sư, tiến sĩ.
Do đó, khi các tiêu chuẩn về năng suất khoa học được cân đo đong đếm thì niềm tự hào của các trường lớn xem ra không có cơ sở thực tế. Mọi sự vật đều vô thường. Các trường trẻ không bao giờ đứng một chỗ; họ biết thân phận là 'trẻ' nên phải phấn đấu rất rất nhiều để được công nhận. Ngược lại, có những trường tự cho mình là số 1 làm cho họ không cần phấn đấu, và thế là tụt hạng. (Giống như cách nói 'rừng vàng biển bạc' có hiệu quả ru ngủ chúng ta, đến khi tỉnh giấc thì rừng biến mất và biển thì hết cá).
Những bảng xếp hạng này có ảnh hưởng lớn đến uy danh của đại học và 'sanh mệnh' của các hiệu trưởng. Năm nào, các đại học và hiệu trưởng cũng đều trông chờ kết quả xếp hạng, với hi vọng trường mình sẽ được nâng hạng. Tăng hạng là thu hút sinh viên, có khi giúp thu hút tài trợ cho nghiên cứu, và hiệu trưởng được 'sống' lâu hơn. Nếu đại học bị tụt hạng thì đó là cả một tin buồn và hiệu trưởng rất lo lắng.
Vài năm trước, Đại học Malaya được THE xếp hạng 89 (top 100), làm nao nức biết bao giảng viên, sinh viên, và cả công chúng Mã Lai; thế nhưng năm sau thì bị xuống hạng 169! Hậu quả là vị hiệu trưởng bị chỉ trích nặng nề và (hình như) mất việc [5]. Do đó, các bảng xếp hạng này nó có khi gắn liền với hiệu trưởng.
Không bao giờ tự ru ngủ. Đạt được thành tựu là khó, nhưng giữ vững vị trí trong bảng AWRU càng khó hơn. Hi vọng rằng TDTU sẽ giữ 'momentum' để dần dần nâng cao thứ hạng của mình.
Chúc mừng TDTU!
________
[1]
http://www.shanghairanking.com/ARWU2019.html
[2]
http://www.shanghairanking.com/ARWU2020.html
[3] Bốn tiêu chuẩn xếp hạng của ARWU
• Phẩm chất đào tạo (trọng số 10%) thể hiện qua số cựu sinh viên được trao giải Nobel và Fields;
• Phẩm chất của giáo sư và giảng viên (trọng số 40%) đo lường bằng số giáo sư / giảng viên được trao giải Nobel và Fields, số giáo sư / giảng viên được xếp vào nhóm 'highly cited';
• Năng suất khoa học (trọng số 40%), dựa trên số bài báo khoa học trên các tập san SCI, Nature, Science; và
• Năng suất khoa học trên mỗi giáo sư / giảng viên (trọng số 10%).
[4]
https://academic.oup.com/rev/article/21/1/71/1643435
[5]
https://www.sciencedirect.com/science/article/pii/S2405872616300570
Gs Nguyen Van Tuan từ Úc