Em hôm nay lại tranh thủ lạch tạch một tí hầu các Kụ Mợ ợ
Như đã nhắc đến ở trên, có dăm chuyện vụn vụn em chứng kiến trong khoảng thời gian chăm sóc Bố em khi ông nằm viện
Chuyện 1. Ông già bệnh nhân đọc báo
Em không nhớ cụ thể năm nào nữa, nhưng đâu đó trong khoảng 1993-1995, khi ấy em học cấp III và vào Đại học
Bố em lúc đó bắt đầu ốm nhiều và nằm viện nhiều hơn, có những trận ông mệt nặng, nằm viện gần 6 tháng ròng rã, nhà tuy nhiều anh chị em nhưng đều phương trưởng ở xa, chỉ có mẹ em, em và ông cậu ruột (em của mẹ) cùng nhau luôn phiên chăm ông ban đêm (giai đoạn đó chưa phát triển loại hình osin bệnh viện như ngày nay, có chăng chỉ lác đác là 1 số gia đình có điều kiện, có người thân ở quê nhàn rỗi thì lên phụ giúp)
Ông nhà em mỗi khi vào viện thì đều nằm ở 1 Khoa, trừ một lần ông bị nặng và 1 lần nữa ông không qua khỏi là ông nằm khoa Cấp cứu. Do gắn bó với Khoa như vậy nên gia đình em với các bác sĩ, y tá của khoa (cũng như các gia đình khác có các bệnh nhân thường xuyên ở đây) quen thân như người nhà vậy.
Cái nhà của Khoa điều trị, nơi ông em gắn bó suốt ngần ấy năm cho đến trước khi qua đời là một tòa nhà 3 tầng, do Pháp xây (chính xác là 2 tầng, nhưng khoảng 1988-1989 đã được xây thêm tầng 3, với thiết kế, kiến trúc hoàn toàn giống như tầng 1 và 2)
Tòa nhà này có 3 lối cầu thang, cầu thang chính ở sảnh lớn, chính giữa tòa nhà và 2 cầu thang phụ ở 2 đầu tòa nhà. Nhìn từ mặt chính diện vào thì cầu thang phụ bên đầu nhà phía tay phải khóa kín, không sử dụng.
Đi vào chính giữa tòa nhà là sảnh lớn. 3 tầng đều như nhau. Sảnh này rộng chừng khoảng 150 - 200 m2. Từ sảnh, hành lang được chạy về 2 phía đầu nhà. hành lang rộng, thẳng, hút tầm mắt. Mỗi phía có 5-7 buồng. Tầng 1 và 3, ở đầu hồi có cầu thang phụ được sử dụng thì cái phòng ngay đầu đó được sử dụng dành cho bác sỹ, y tá phục vụ công việc. Tầng 2 là tầng chính, thì số buồng để bác sỹ, y tá trực là 2 phòng. Ở đầu phía đàng kia, cửa ra cầu thang khóa, không mở.
Ở phía sau các buồng bệnh, lại có 1 hành lang phụ chạy suốt dọc chiều dài của tòa nhà, ăn ra sảnh chính.
Đây là nhà thiết kế và xây từ thời Pháp, mỗi buồng bệnh rộng khoảng hơn 30m2, trần nhà cao vòi vọi, tầm 4m-5m (chưa tính khu phụ có cả nhà tắm và WC chừng 10m2, có cửa sau thông ra hành lang phụ) Cửa trước gồm có cửa ra vào trên kính dưới gỗ, hai cánh. Hai bên cửa ra vào là 2 cái cửa sổ trong kính ngoài chớp. Ra đến hành lang rộng, cửa sổ từ hành lang nhìn xuống sân cũng cực cao và rộng nữa. Đây là thiết kế rất quen thuộc của các tòa nhà do Pháp xây ở Hà Nội, em mô tả thế là các Kụ Mợ hình dung được rồi ạ.
Mỗi buồng bệnh như thế có 04 giường điều trị ở 4 góc của phòng, mỗi giường có 1 cái công tắc điện dây dài lòng thòng xuống tận mặt giường để khi các Cụ cần gì thì ấn công tắc, sẽ có đèn và chuông báo ở phòng trực, đồng thời 1 bóng đèn đỏ trên đỉnh cửa ra vào sẽ nhấp nháy giúp y tá bác sĩ định vị nhanh phòng có yêu cầu khi ra nhìn từ đầu hành lang. Giữa phòng có bộ bàn ghế. Đầu hành lang mỗi tầng có 1 cái tủ lạnh to để các bệnh nhân để đồ cần thiết. Hồi đó chỉ có trang bị được đến như vậy, em còn nhớ cái tủ lạnh ấy là tủ Zil của Liên Xô, to lắm, gấp mấy lần cái tủ Capatob của ông hàng xóm nhà em (hồi đó đã có tủ lạnh bãi của Nhật về nhiều, thường có màu nõn chuối, rồi tủ Samsung đời đầu nữa)
Lần ấy Bố em nằm viện đợt dài hơn tháng, lúc đó là mùa hè ...
Mùa hè, sau mỗi cơn mưa giông lúc chiều tối, mùi đất ngai ngái, mùi cây cối trong lành gột rửa ...từ khuôn viên các cây lâu lăm, cây dừa, rồi các luống hoa ...ùa vào hành lang qua các khuôn cửa sổ ...bầu không khí dịu hẳn lại (khi đó, các buồng bệnh của Khoa chưa lắp điều hòa), thế là các bệnh nhân, rồi người nhà chăm đêm lại ra ngồi ở các ghế salon kê dọc hành lang giáp với cửa buồng bệnh để hóng mát...
Cứ 8h30, sau giờ thuốc tối là các Cụ lục tục vào phòng, 9h tối là buông màn, tầm 10h là các buồng bệnh tắt điện ngủ yên
Đội người nhà (không phải Cụ nào cũng cần hoặc có người nhà) lại lục tục kéo nhau ra dãy ghế hành lang ngồi buôn chuyện. Các bà vợ thì nói chuyện với nhau, đám con cháu cũng buôn bán rì rầm.
Em thì có tật không ngủ được sớm (cái này em đã nói ở các câu chuyện kể trước đây), cứ phải từ 1h sáng đổ ra mới ngủ được...
Thế nên khi đám người nhà đó giải tán, ai nấy xách giường xếp ra ngủ cạnh người nhà mình trông, thì chỉ còn lại em loanh quanh, lúc thì vào ngồi gật gù cạnh giường Bố, nằm giường xếp bên cạnh, lúc thì lại rón rén mở cửa ra hóng mát ngoài hành lang, rồi thì lên phòng trực ngồi buôn với mấy chị y tá (Bố em bệnh mãn tính, yếu, nên việc chăm nom chủ yếu là đỡ đần các việc trong sinh hoạt cá nhân, không phải là bệnh nguy hiểm phải trực trông)
Hôm đó, khoảng qua nửa đêm, em xách cân cam lên phòng trực ngồi ăn với các anh, chị y tá một lúc, thì thủng thẳng đi về phòng. Phòng bố em nằm ở tầng 2, cùng tầng với phòng trực, nhưng ở phía bên kia sảnh ...
Các đèn hành lang đã tắt bớt, cứ cách 1 đèn lại tắt 1 đèn, sảnh cũng tắt bớt nhưng vẫn đủ đèn sáng ...
Em bước ra khỏi phòng trực, bước về cuối dãy phía kia ....Hành lang tối mờ, hun hút .....