....Ông em có kể lại, khi cụ còn sống có bạn làm phong thủy chỉ cho mấy chỗ để đặt mộ, ngày đó thử bằng cách đem trứng gà bỏ vào hộp gỗ rồi chôn xuống đó, sau 1 thời gian thì đào lên. Nếu trứng hình thành gà con như cho gà mẹ ấp là đất tốt để đặt mộ, còn đất xấu thì trứng sẽ bị ung. Gia đình cũng làm mấy chỗ mà không được chỗ nào.
Sinh lý học trứng gà có trống theo nhiệt độ như sau:
+ Trên 40,5 độ C: Ung/hỏng vì tổn thương nhiệt/nóng.
+ Từ 35 tới 40,5 độ C: Có tiềm năng nở thành gà con sau 21 ngày ấp, với độ ẩm tương đối (RH) của môi trường xung quanh nó ổn định khoảng 55-65%.
+ Từ 27 tới 35 độ C: Phôi phát triển không đều, không có khả năng phát triển để nở thành gà con.
+ Từ -2 tới 27 độ C: Không có sự phát triển phôi. Tuy nhiên, nếu phôi đang phát triển dở dang trước đó mà bị làm lạnh xuống khoảng này thì ít bị hư hại hơn so với việc làm lạnh nó xuống khoảng 27-35 độ C. Trong một thí nghiệm, người ta làm lạnh phôi 7 ngày tuổi xuống gần 0 độ C trong 24h mà không gây tổn hại gì tới phôi. Các nghiên cứu cho thấy tỷ lệ nở thành gà con của trứng ấp ở 35-40 độ C sau đó làm lạnh xuống dưới 27 độ trong một khoảng thời gian nhất định rồi sau đó lại ấp tiếp ở 35-40 độ C cao hơn so với trứng ấp ở 35-40 độ C sau đó làm lạnh xuống trong khoảng 27-35 độ trong cùng một khoảng thời gian như của phương án trước đó rồi sau đó lại ấp tiếp ở 35-40 độ C.
Trứng dùng làm thực phẩm tốt nhất nên đặt ở nơi có nhiệt độ khoảng 15 độ C, để vừa lưu giữ được đủ dài về thời gian vừa không làm giảm đáng kể chất lượng của trứng.
+ Dưới -2 độ C: Hỏng vì tổn thương lạnh do nước trong trứng đóng băng, phá hủy các cơ quan/cấu trúc bên trong trứng.
Về thay đổi của nhiệt độ trong lòng đất so với nhiệt độ không khí, người ta thấy:
+ Có sự trễ về thời gian đạt mức nhiệt độ cao nhất/thấp nhất của đất so với thời gian đạt mức nhiệt độ cao nhất/thấp nhất của không khí. Ví dụ, nhiệt độ không khí đạt mức cao nhất vào khoảng 14h thì nhiệt độ lòng đất đạt mức cao nhất ở các độ sâu 0, 10, 30, 50 cm lần lượt là 13h30, 16h00, 20h00 và 23h00.
+ Biên độ dao động của nhiệt độ lòng đất (Tmax – Tmin) giảm dần theo độ sâu của lòng đất và ở độ sâu từ 50 cm trở lên thì biên độ này gần như không đáng kể.
Trong một thí nghiệm, người ta thấy các giá trị nhiệt độ min và nhiệt độ max của không khí, lòng đất ở độ sâu 0, 10, 30 và 50 cm như sau:
+ Không khí: 12 tới 24 độ C, trung bình ngày ~18 độ.
+ Độ sâu 0 cm: 12,5 tới 33 độ C.
+ Độ sâu 10 cm: 16 tới 24 độ C.
+ Độ sâu 30 cm: 18 tới 21 độ C.
+ Độ sâu 50 cm: 17,5 tới 18,5 độ C.
Biên độ dao động nhiệt độ giảm dần theo độ sâu này cũng đúng khi đo ở thang thời gian là tuần hay tháng.
Ngoài ra, độ ẩm của đất cũng ảnh hưởng tới nhiệt độ của đất. Ở cùng một độ sâu, khi độ ẩm tăng lên thì nhiệt độ giảm xuống, gần đúng theo phương trình T = 1 : (a * W + b), với T là nhiệt độ, W là độ ẩm, a và b là các hệ số xác định bằng hồi quy tuyến tính với
p-value (giá trị xác suất giả thuyết vô hiệu) < 0,05. Điều này là do nhiệt dung riêng của nước lỏng (4.184 J/(kg.K) ở 20 độ C) khoảng 5 lần cao hơn trung bình nhiệt dung riêng của các thành phần vô cơ/hữu cơ tạo ra đất.
Quay trở lại với việc “
thử bằng cách đem trứng gà bỏ vào hộp gỗ rồi chôn xuống đó, sau 1 thời gian thì đào lên. Nếu trứng hình thành gà con như cho gà mẹ ấp là đất tốt để đặt mộ, còn đất xấu thì trứng sẽ bị ung”.
Việc bỏ trứng vào hộp là để giúp độ ẩm của môi trường xung quanh trứng ít bị thay đổi khi chôn nó vào đất.
Khi nhiệt độ môi trường xung quanh hộp từ 27 độ C trở lên thì phôi bắt đầu (với trứng mới) hoặc tiếp tục (với trứng cũ đang phát triển phôi) duy trì sự phát triển đều (nếu T từ 35 tới 40,5 độ C) và/hoặc phát triển không đều (nếu T từ 27 tới 35 độ C).
Như vậy, nếu tìm đất bằng cách này trong mùa đông, đầu xuân hay cuối thu (từ tháng 10 tới tháng 4 năm sau) thì gần như không thể thấy phôi trứng phát triển thành hình gà con được, do trung bình nhiệt độ ngày của không khí/lòng đất trong giai đoạn này nói chung là dưới 27 độ C, ngưỡng mà phôi bắt đầu có thể phát triển không đều. Ngoài ra, do độ ẩm tương đối của môi trường không khí trong lòng đất có thể thấp hơn rất nhiều so với mức phù hợp (55-65%) nên ngay cả khi nhiệt độ là phù hợp để phát triển phôi thì nó có thể vẫn không phát triển được và thậm chí chết đi vì thiếu độ ẩm.
Việc tìm kiếm đất trong giai đoạn từ tháng 5 tới tháng 9 có thể có xác suất tìm thấy cao hơn, do trung bình nhiệt độ không khí trong ngày trên 27 độ C. Nhưng thời gian này cũng là mùa mưa nhiều, làm tăng độ ẩm của đất nên trung bình nhiệt độ lòng đất (nếu chôn trứng đủ sâu) vẫn có thể dưới ngưỡng 27 độ C, đồng thời cũng có thể làm cho độ ẩm tương đối của không khí trong lòng đất cao hơn nhiều so với độ ẩm phù hợp của trứng (55-65%).
Do trứng dù được ấp theo kiểu nào (gà mẹ, công nghiệp, vùi vào nơi có nhiệt độ và độ ẩm thích hợp) thì nó vẫn cần có sự trao đổi khí (O2, CO2) với môi trường xung quanh thông qua túi khí, màng trứng và các lỗ nhỏ ở vỏ nên nếu hộp quá kín hay đất quá chặt thì sự trao đổi này có thể bị gián đoạn/ngăn chặn.
Tất cả những điều này cho thấy tìm được nơi có đủ các yếu tố (nhiệt độ, độ ẩm, độ tơi xốp và sự thoáng khí của đất) phù hợp để phôi của trứng đặt trong hộp vùi vào lòng đất có thể tiếp tục phát triển thành hình gà con là vô cùng khó, tương đương với việc rất khó tìm ra “
đất tốt” để đặt mộ.