Nay em đọc bài này thấy hay nên chia sẻ ở đây với các cm.
SANG CÁT (CẢI CÁT, CÁI TÁNG)... VÌ SAO VÀ TẠI SAO?
Khuya qua nói chuyện linh dị, tôi có ý thể dọa nạt ma quỷ cô em gái nhỏ, có nhắc tới cựu tục cải táng của người Việt ta tự bao đời nay, nhân thể buổi chiều nhàn hạ nhấp nháp chén trà, đưa ra vài chủ kiến về vấn đề vừa viện dẫn phía trên, dựa vào những gì mình đã được khai hóa từ thư tịch cổ, và cả điều minh định mắt thấy tai nghe, xem như trình ra lời bàn, quý vị đọc thẩm, cho vài lời vun bồi đặng thêm vẹn toàn thì quả là quý hóa.
Trước tiên ta cần hiểu Cải Táng là gì?
Giải nghĩa Cải là làm lại, Táng là chôn. Vậy tổng ý là việc chôn cất lại người quá cố đã hung táng. Tức là việc khai quật mộ, lấy xương cốt người quá cố lau rửa sạch sẽ, rồi chôn nơi đất khác, xây cất mộ mới cho khang trang đẹp đẽ.
Cải Táng còn có nhiều tên gọi khác nhau, kẻ yếm học thì dùng từ thô thiển như Bốc Mộ, dân cư thật thà chất phác thì nhã ý gọi bằng "thay áo mới", "sang nhà mới" cho các cụ. Người có chữ thì dùng từ Cải Cát, tức là xem việc hiếu lễ đó là điều đáng mừng vui. Tất cả nó có nguyên ủy phương đông quan niệm rằng "Trần sao âm vậy" - xương cốt tổ tiên tiền liệt thanh sạch thì con cháu trên dương thế mới mát mày nở mặt.
Cải Cát chỉ được tiến hành khi nào?
Cải Cát phải đảm bảo người mất đã được làm giỗ năm thứ 2, hay còn gọi là lễ Đại Tường, "lễ giỗ hết", giỗ hết bởi vì tính từ ngày giỗ thứ 2 đó đến đủ 3 tháng sau-tổng 27 tháng, thì tang chủ được trừ bỏ đốt hóa hồn bạch, cờ phiến, gậy tre - vông, áo quần đại liệm tiểu liệm, đồ tang chế xô gai. Tục gọi là đủ "2 năm ba tháng dư ai" thì xem như quyến thuộc không còn chịu tang nữa.
Cải Cát thường thực hiện vào mùa đông, ngày giờ hoàng đạo do thầy bùa bấm độn phán định. Nhưng phải vào ban đêm, đêm ấy lại nhằm lúc canh tý, canh sửu khuya khoắt nhất.
Tại sao lại như vậy?
Thứ nhất, bởi vì cải táng là làm việc âm, người ta kiêng kị sự chiếu rọi của ánh sáng mặt trời (tượng trưng cho dương, nếu cải táng ban ngày sẽ tạo âm dương xung khắc bất lợi).
Thứ hai, mùa đông là thời điểm lạnh nhất trong năm, càng về khuya càng rét buốt, nền hàn nhiệt đó có tác dụng kìm hãm xú khí, hơi độc bốc lên từ nơi tha ma mộ địa làm ảnh hưởng sức khỏe con người.
Thứ ba là hạn chế được sự xem ngó bàn tán của người hiếu kỳ.
Người ta phải tiến hành cải cát như thế nào?
Trước tiên phải làm lễ cáo gia tiên tại từ đường. Khi đến nơi tha ma mộ địa, cần bày biện 3 mâm lễ hương hoa đăng trà quả thực, 1 lễ thỉnh thần linh thổ địa, 1 lễ lạy người cải táng và một lễ tế ban thí chúng sinh.
Lễ tất thì mới động thổ đào huyệt mộ. Đến phần khai quật "áo quan" ván thiên, tức-mở nắp hòm, lại phải dùng vải tẩm xăng dầu quấn vào đầu sào tre nứa, đốt lên rồi khua đi khoắng lại trong hòm cho khí độc tích tụ lâu ngày ở đó tỏa đi hết. Rồi mới lựa người "cứng vía" xuống lấy xương cốt.
Theo sách cổ Thọ Mai Gia Lễ thì ở công đoạn này khi gặp ba việc liệt kê sau thì không nên lấy cốt nữa mà phải ngay lập tức lấp mộ, hoàn lại nguyên trạng ban đầu:
Thứ nhất là thi thể giữ nguyên không tiêu, do chôn cất người đó vào khu vực đất Dưỡng Thi.
Thứ 2: Mở nắp quan tài mà trong đó có nhiều giọt nước trắng xốp như sữa bám ở thành ván, lại thấy hơi đất ấm áp xông lên, kèm theo là những dây tuyết trắng tựa mạng nhện, tơ hồng vấn vít lấy thi thể, ván hòm....thì đó là táng vào nơi Đất Kết, đó là điều đại cát đại lợi, phú quý.
Thứ Ba, mở nắp quan tài mà thấy trong đó có con rắn màu vàng chui ra thì gọi là Kim xà nhập mộ.
Nếu không xuất hiện ba điều linh dị ấy thì có thể tiếp tục tiến hành.
Việc lấy cốt cần tỉ mỉ cẩn thận, thực hiện lần lượt từ phần đầu xuống dưới, tránh chạm tay vào hai hốc mắt, ý chừng chạm tay vào thì kiếp sau người này mù lòa. Lại càng không được bỏ sót mẩu xương nào, chắc cũng lại e thiếu xương thì kiếp sau người này tàn phế.
Toàn bộ xương cốt đó, lấy đến đâu thì được rửa lại bằng nước vang (nước vang là nước lấy từ ba con sông đem trộn vào nhau, hoặc lấy nơi ngã ba sông hợp lưu cũng đúng lệ. Nước ấy đem đun với thân cây vang, nêm thêm hàn the, lại có thể nêm thêm chút trầm cho thơm thảo) rồi mới lau lại cho khô bằng khăn sạch, sau mới xếp ngăp nắp trật tự trong tiểu quách đã được xức dầu thơm, trải lót vuông lụa, nhiễu điều. Tiểu quách thì bằng sành sứ, hình chữ nhật, thường mang kích cỡ 60 x 40 cm, một đầu in nổi hình tròn là tượng trưng cho trời, phía đó đặt phần xương đầu, đầu còn lại in nổi hình vuông biểu ý cho đất, phía ấy xếp phần xương chân.
Tinh tươm đâu đấy thì đậy nắp tiểu quách, lại chờ cho đúng giờ đúng khắc tốt mà giở la bàn phân kim gióng hướng để hạ tiểu vào huyệt mới cho hợp phong thủy, rồi xây cất lại vuông thành sắc cạnh. Bữa sau thì làm lễ tạ, sửa soạn cỗ mừng.
Tục Cải Táng ở Việt Nam có lẽ tẩm nhiễm từ người Tàu, trải qua ngàn năm bắc thuộc cộng đồng người Tàu hỗn cư tại đất Việt, khi chết đi đành hung táng, đợi sau này có điều kiện lấy xương gùi về cố quốc.
Dẫu vậy, tục cải cát truyền thừa từ các cụ xa xưa tới nay chứa đựng nhiều nguyên ý đẹp. Cách thức nhiều điểm chung mà cũng có cả sự không thống nhất do sự biến đổi thời gian, phù hợp với nhận thức với phong thổ từng vùng miền. Vì vậy có nơi nặng nề hình thức lễ nghi, có nơi lại giản tiện đi nhiều.
Nhưng tựu chung lại cải cát cũng là một nét văn hóa đặc trưng của người Việt, tinh biểu giá trị hiếu hiền với chân linh tổ tiên, cũng lại là dịp xum tụ đoàn viên con cháu trong giòng tộc, ôn tông kể thế.
Tuy nhiên xét cho cùng thì tục này cũng đang ngày mai một, phần vì sự tang ma ở xứ ta vốn đã lắm thủ tục nhiêu khê, quyến thuộc vừa đoạn tang đã phải lo việc cải cát, cải táng thành ra mệt mỏi, mà hàng xóm láng giềng cứ "đành phải bận bịu mãi" với người đã nằm xuống.
Nhưng quan trọng hơn hết là tục cải táng đã không còn hợp phép vệ sinh cho con người ở thời kỳ hiện đại. Đó là những lý do cơ bản mà rất có thể sau dăm ba chục năm, một hai thế kỷ nữa cải cát trong tâm thức các thế hệ hậu nhân Việt chỉ còn là trong sử sách.
Tg: Mạc Phong Tuyền