Hồi nhỏ em ở quê, nhà ông bà nội em rất nhiều cây cối vì ông em thích trồng cây, ông bảo cứ có hạt là kiếm chỗ trồng, nhà mình hết đất thì trồng ra ngõ chung, ra đường đi của xóm, sau này cây lớn có bóng mát, ra quả mình không được ăn thì người khác ăn. Ông em đi đâu thấy cây ăn quả mọc dại con con là đánh về trồng hoặc ăn quả gì cũng giữ hạt để trồng. Mà ngày xưa trồng cây không có chăm bón gì hết, mới trồng thì tưới nước, cây khỏe là kệ nó tự lớn lên. Có những cây trồng từ năm 194x, 195x khi ông nội em lấy bà nội em và ra ở riêng trên đất đó, khi em sinh ra thì cây đã to cao lắm rồi, có cây đã cỗi nhưng vẫn ra quả đều. Hầu như cây nào cũng ngon: bưởi đào mọng ngọt, trứng gà thơm vàng đậm và ít hạt, nhãn cùi hạt bé xíu cùi giòn, mít dai quả to như cái xô, ổi đủ loại: ổi bo, ổi mỡ, ổi nghệ, ổi đào, ổi găng, xoài quả to và thơm ngọt lịm, cây táo cực sai và quả to như giống táo xuân bây giờ mà giòn ngọt (khác hẳn các loại táo đường, táo chua, táo ngố phổ biến hồi đó), khế chua khế ngọt đủ cả...
Lạ một điều là khi ông bà em còn ở đó thì cây cối xanh tốt ra quả quang năm, mùa nào thức đó. Khi ông bà em mất, vẫn đất đó cây đó mà cây cứ cỗi dần, hỏng dần (nhiều cây cứ bị chết dần các cành).
Hồi đó mỗi khi sắp Tết là 2 ông cháu pha nước vôi quét tường, sân, cổng... cuối cùng là quét các gốc cây. Xong xuôi 1-2 ngày vôi khô là tất cả sáng choang đón Tết.
Mấy năm trước nhà mẹ em chuyển nhà do nhà nước làm đường, may cũng thuê người đánh được gốc hoa giấy sang nhà mới. Cây này ít nhất phải từ năm 8x đầu, gắn bó cả tuổi thơ em, phủ bóng mát cả mấy chục mét dài chạy theo tường bao và sân trước.