Nhân dịp nhà mới, Em xin kể hầu các cụ chuyện thật của gia đình em. Chuyện này em không được trải qua, nhưng được mẹ em và các cậu các dì kể lại. Lần sau, em sẽ kể cho các cụ chuyện thật về khu đất nhà em, nơi mà em thực sự chứng kiến .
Ngày xưa ấy, từ thời cụ em cơ. Cụ bà em ngày xưa là người nổi tiếng đảm đang tháo vát. Bố mẹ mất sớm, cụ là chị cả, 1 mình nuôi các em khôn lớn. Rồi đến tuổi đi lấy chồng. Nhà cụ ông có truyền thống là đồ nho và làm thuốc. Cụ bà em nhờ tháo vát, nên buôn bán rất phát đạt, tậu được nhiều đất, nhiều ruộng, rồi dần dần trở thành địa chủ, giàu nhất nhì trong làng. Ngôi nhà cũ được hai cụ phá đi, xây dựng mới. Ngôi nhà được dựng ở giữa làng, men theo những con đường uốn khúc như rồng lượn 9 khúc, để lúc rước cờ, quạt, kiệu tạo thành hình con rồng cho đẹp, và để mỗi khi ngựa đi, tiếng chuông lục lạc tiếng vó ngựa kêu nghe rất vui tai. Theo đúng mô tip đồng bằng Bắc Bộ thời xưa, nhà ông bà có vườn trên ao dưới, sân gạch, cây mít, chỉ có điều không phải nhà ngói mà là nhà gỗ. Theo lời mẹ em kể lại, đó là 1 ngôi nhà bằng gỗ lim, 5 gian, những cột gỗ lim bóng lưỡng, một vòng tay trẻ con ôm không xuể. Vườn nhà cụ thì trồng đủ thứ cây, hoa trái quanh năm. Cụ lại là người biết tổ chức và quy hoạch vườn tược rất giỏi. Xung quanh vườn, để làm biên giới với những nhà xung quanh, cụ trồng cây duối, những cây duối cao như cây cổ thụ, nơi mà bọn trẻ (là các anh chị em của mẹ em) thường trèo lên những buổi trưa hè hóng mát, và ngắm cảnh những buổi hoàng hôn.Trong vườn thì nào chuối, nào hồng, nào cam, nào quýt, nói chung ko thiếu thứ gì. Những buổi sáng mùa xuân, mẹ em theo cụ ra vườn, cụ mở chuồng gà, nhốt con gà mái mẹ trong lòng, còn lũ gà con, lông vàng hoe, chạy lăng xăng trong vườn, bu vào những vườn cải bắt sâu. Những sáng mùa hè, hai bà con cùng nhau trảy hồng xiêm, cam, quýt. Tiếng chào mào, tiếng chim sâu gọi nhau chíu chít. Cảnh vật và cuộc sống vô cùng êm đềm trôi đi. Cụ ông nhà em thì làm nghề thuốc, chuyên chữa bệnh cho dân làng. Vì cụ bà mong chồng có chút chức tước để ra đường mở mày mở mặt, nên đã mua cho cụ ông chức lí trưởng. Gọi là lí trưởng, nhưng nói chung cụ cũng ko màng nhiều đến việc quan, chủ yếu chỉ là để có danh là chính. Những người nghèo, người làm nhà cụ, ai có khó khăn, hai cụ đều giúp đỡ, vì thế mà mọi người trong làng rất yêu quý hai cụ.
Người trong làng đều nói, doi đất ấy có cái cống đào, giống như miệng cá, bao nhiêu tài lộc tụ về đấy cả, nên hàng xóm láng giềng, những người ngụ trên doi đất ấy nhà nào cũng giàu cả. Kế bên nhà cụ là nhà ông quan huyện, từ thời đó mà đã có ô tô chạy khắp bắc nam, rồi có nhà tầng, và súng để phòng trộm cướp. Kể như thế đã là đại gia thời đó rồi.
Thời gian cứ thế âm thầm trôi đi, đến 1 ngày đẹp trời, vì 1 lí do nào đó mà dân làng hò nhau lấp miệng cống lại. Kể từ đó, các sự việc cứ lần lượt xảy đến với gia đình em.
Con trai cả của ông bà, là thầy giáo, đột nhiên trúng gió chết đột tử. 1 năm sau, ông em trai cũng chết ko rõ nguyên nhân. Thế là cuối cùng nhà chỉ còn 2 bà con gái (là bà ngoại em là chị gái của bà). Để cho cụ đỡ buồn, Tối nào mẹ em cũng được phân công ra ngủ với 2 cụ (mẹ em gọi là ông bà). Mẹ em kể, mỗi lần đi qua cái cống đó cũng bị ném đá, ném đất rào rào, tiếng hò nhau đuổi bắt, mà quay đi quay lại thì chả thấy có ai, còn nghe có tiếng cá quẫy ầm ầm, rồi tiếng hò nhau bắt cá dưới sông, mà hẳn là chẳng có người nào cả. Thế nên, mỗi lần qua đấy, mẹ chạy như bay, qua được khúc đó thì im bặt, không còn nghe tiếng động gì nữa.
Buổi tối nằm ngủ, nhìn lên xà gỗ trên mái nhà, cứ thấy những khối đỏ rực như lửa, lúc thì hình dáng như cái chạc súng cao su, lúc thì như con rết, đỏ lừ, từ từ di chuyển từ đầu nhà bên này tới đầu nhà bên kia. Mẹ em thì sợ lắm, cứ nép chặt vào bà. Ông bà em thì gan lắm, bảo mẹ, các cụ nhà mình về đấy, con đừng sợ. Và lần nào cũng thế, mẹ em chìm vào giấc ngủ bên cạnh bà. Một đêm, mẹ em ra mắc tiểu quá, mà bà thì ngủ rồi, nên 1 mình lăng lẽ ra vườn đi tiểu. Vừa mở cửa, nhìn ra ngoài vườn, mẹ em chết lặng. Chỗ gốc mít bác cả em hay ngồi, có bóng 1 người con trai áo trắng đang cầm quyển sách đứng nhìn vọng vào. Mẹ em đứng chết trân 1 chỗ, chân ko nhấc lên được, muốn gọi bà mà mồm cứng lại. Không biết bao nhiêu lâu sau, bà em tỉnh giấc, chạy đi tìm cháu, thấy con bé mặt cắt ko còn giọt máu đang đứng dựa vào cái cột trước hiên.
Rồi thì cách mạng về, rồi đấu tố địa chủ. Nhà em may được dân làng yêu quý, nên ko bị chém giết kinh hoàng như trong sử sách kể lại. Nhưng sau đó thì cụ ông ốm nặng. Ông hầu như chỉ nằm trên giường, đi lại phải có người dìu. Một đêm, cả nhà đang ngủ, bỗng nhiên, cụ ngồi bật dậy, hô hoán ầm ĩ
“ Ôi bà ơi, có con khỉ. Con khỉ nó đến bắt tôi”.
Cụ bà và mẹ em lao đến. Cụ bà hỏi
“ Đâu, đâu, con khỉ đâu”
Cụ ông: “Nó chui dưới gầm giường rồi”
Cụ bà và mẹ em mặt tái mét, lật đật lấy đèn dầu, soi khắp gầm giường, gầm tủ rồi quanh nhà mà ko thấy con khỉ ông nói đâu cả. Cụ bà bảo : “ Chắc ông nằm mơ thế thôi”.
Cụ ông: “Không, tôi không mơ đâu, nó trên trần nhà nhảy xuống, đè lên người tôi. Đây, bà lại đây mà xem, nó cào tôi chảy máu trán đây này”. Và trên trán ông thì đúng là có 1 vết cào rớm máu thật.
Rồi ông bấm đốt ngón tay, thở dài nói : “Tôi tuổi thân, chắc tôi không qua được rồi bà ạ. Tôi tính đến ngày này, ngày này là tôi đi thôi”
Và đến đúng ngày ấy thì ông đi thật. Căn nhà ấy, kể từ đó còn mình cụ bà ở. 2 người con gái bảo cụ dọn về ở cùng, nhưng cụ nhất định ko chịu đi. Nơi ấy, cụ đã gắn bó biết bao nhiêu kỷ niệm. Sau này cụ mất đi, giao cho thằng cháu trai trông nom dưới ấy, nhưng chỉ 1 thời gian sau, ông cháu trai không dám ở . Ông ấy kể, tối nào ra vườn cũng thấy bóng 1 người đàn ông đi lại ở gốc mít gần bờ ao và nghe thấy tiếng trẻ con nô đùa trong vườn.
Người ta lại bảo, do lấp cái cống đi, nên long mạch bị cắt đứt, từ đó mà nhà nào khu đó cũng lụi bại, cho đến tận ngày nay….