Lại móc thớt lên vậy.
Có mấy dòng viết về Văn công ra đảo và cũng xin nói trước là bài này có sử dụng một số hình ảnh của một số anh chị em báo chí, thành viên Đoàn Công tácra thăm Trường Sa trong tháng 4 năm 2011 - 2012. Bác nào có hình, cho nhà cháu lượng thứ.
-------------------------------------------------------------------------------------------------
CÓ CÁC EM, ĐẢO BỖNG HÓA DỊU DÀNG
Bạn từ Nam Yết gọi về hỏi: "Tháng sau ông có ra không? Mang cho tôi lọ cà pháo!". Mình đành nói dối: "Để sang năm đi, Tết này không ra được", bởi không muốn bạn biết mình đổi lịch đi biển từ 25 ngày Trường Sa gần Tết, để lênh đênh với 5 ngày các đảo Bắc Bộ, cũng chỉ bởi phải lo chuyện "cơm áo gạo tiền" và cũng giấu, không để bạn biết là mình hèn, chịu gánh nặng áo cơm, không dám dứt bỏ, để ra với bạn, các bạn, các em nhưng ngày sóng gió đảo xa, người ta cần nhau nhất...
Em từ Cô Lin náo nức: "Mấy tháng biển động, toàn lính đảo nhìn tàu trực và nhìn nhau. Tháng sau anh có ra, trên tàu mà có văn công, báo trước để tụi em tập hát giao lưu nhé!".
Mình lại dối quanh: "Gần Tết bận lắm, không được ra em à!. Chị em văn công cũng yếu, chắc phải đợi tháng 4 biển yên sang năm, em nhé!", nuốt tiếng thở dài vào ngực, khi nghĩ đến những chuyến ra đảo xa dịp gần Tết, cả tàu toàn những gương mặt đàn ông, hóp lại sau hành trình đằng đẵng gần tháng trời mưa bão, sóng lừng, miếng cơm nấu trong cực nhọc, đưa được lên mồm, sóng cũng giằng hắt mất, thìa cháo sóng sánh sôi trong ghìm tay đồng đội, nước biển ùa vào hất tung khắp thành boong, những gương mặt lính trẻ thay quân chưa quen mùi sóng gió, lay lắt như cọng khoai lang, nôn ọe khắp lòng tàu...
Ừ! Trường Sa gần Tết mùa biển động. Sóng gió cấp 6-7 liên tục, mỗi chuyến đi về sút vài ký là bình thường.
Thế nhưng những chuyến tàu này mới thực là chuyến tàu ra thăm đảo, tiếp tế cho đồng đội và đến đâu cũng rưng rưng tình người thực, chứ không như những chuyến tháng 4 biển lặng, đang được nhiều người coi như chuyến nghỉ dưỡng hàng năm.
Vất vả lắm, gian khổ lắm và người không quen chẳng thể nào chịu đựng nổi, nên rất hiếm hoi có văn công - con gái ra với các bạn mình những ngày này.
Thấy tàu ra đảo, ùa hết cả ra kéo xuồng, hóng khách nhưng không thấy ánh mái tóc dài, nụ cười con gái, lại thẫn thờ chùng lòng nỗi khát, quay lại với thực tại, quây quần cùng những lộc ngộc, dẫu đàn ông nhưng ăm ắp hơi hướng đất liền, lấy chuyện thiếu nữ trong bờ khỏa nỗi nhớ riêng tư...
Bạn lại từ An Bang gọi cho mình: "Ông đăng ít hình chị em, văn công ra thăm đảo nhé!. Chúng tôi ở chỗ này, mùa Tết, tàu có chở văn công ra, cũng chả vào được. Ngắm chị em chút, cho đỡ nhớ!" khiến mình nhớ lại hình ảnh bạn và bộ đội trên đảo, gò lưng kéo xuồng cả tiếng đồng hồ, văn công và "khách Chính phủ" mới lên được đảo.
Tất cả mừng rỡ về thay quân phục khô ráo, ra ngồi nghe xem Văn công hát cho đỡ khát.
Nhưng chỉ nghe được 2 bài, tụi "khách Chính phủ" đã đòi về lại tàu tắm giặt bởi: "Nước biển dính vào người, dơ quá!", khiến bạn và bộ đội lại phải bặm môi thay quần áo ướt, nuốt cục nghẹn vào trong ngực, đẩy xuồng cả tiếng đồng hồ nữa, xuồng mới ra khỏi đào và gượng gạo vẫy tay chào những người tưởng quen nhưng mà lạ, bệ vệ kéo mắt ướt văn công, rời khỏi đảo buồn...
Ngoài đảo bây giờ không hề thiếu thốn về vật chất, mà chỉ thiếu những điều tưởng như rất bình thường - giản dị: NỐI KHÁT KHAO CON GÁI. Bởi bộ đội thì cũng là người, mà đã là con người, cũng phải có những cung bậc tình cảm, có nhớ thương, có khao khát, có ước vọng...
Thế nhưng, chỉ bộ đội mới vượt qua được những điều đó, để trung trinh giữ đảo, giữa bão gió - hiểm nguy, giữa rừng rực sắt thép của súng đạn - của nam tính, vẹn nguyên 2 chữ CHỦ QUYỀN.
... Và: Đảo vẫn đợi chờ, vẫn mong ngóng từ trong cơn giông ngày cuối năm, trên con tàu vận tải ra với Trường Sa, có dáng hình con gái. Chỉ 1 thôi cũng đủ, gấp cả trăm các em nhộn nhạo xanh đỏ vẫy chào, ào ào ra đảo dịp tháng 4 yên.
... Và: Có các em ra, để đảo sắt thép được dịu dàng.
(Gửi tặng bạn H - Nam Yết; V - An Bang; em C - Cô Lin; em Q - Đá Nam)
Entry có sử dụng hình ảnh của các Đoàn Công tác ra thăm Trường Sa tháng 4/2011-2012