Tiếp những chuyện linh tinh lang tang về Trường Sa ợ!.
--------------------------------------------------------------
NGHÈN NGHẸN TRƯỜNG SA
Ra Trường Sa, nhiều người chỉ chăm chăm chui vào phòng họp, nghe chỉ huy đảo đọc báo cáo, xong rồi cả "bầu đoàn thê tử" đi loanh quanh thăm một số "điểm sáng", toàn những gọn gàng - đầy đủ - sạch đẹp được chuẩn bị từ trước, trong khoảng thời gian ngắn ngủi vài tiếng đồng hồ.
Xong buổi "thăm và làm việc" ấy, thế nào cũng có "đại biểu - khách mời" trong bầu đoàn tấm ta tấm tắc: "Bộ đội Trường Sa sướng thật, có khi hơn cả trong đất liền, chả thiếu gì!" và không ít người còn quay ra hậm hụi: "Thịt thà, rau cỏ, tôm cá thừa mứa. Không khí trong lành. Quá... nghỉ dưỡng!" khiến anh em Hải quân đi cùng Đoàn Công tác chỉ biết cười phụ họa, cho xong chuyện.
Mình, đã gặp khá nhiều những sự "lạc quan tếu" như thế và khá nhiều lần rủ những "đại biểu" đó, cắt thời gian ngồi Hội trường nghe báo cáo, để xuống nhà bếp của đảo, xem bữa ăn thật của bộ đội thế nào, nhưng rất hay bị ngạc nhiên tròn mắt: "Xuống chỗ bừa bộn, nấu nướng làm gì?"...
Vẫn biết được cả nước chăm lo theo khẩu hiệu "Tất cả vì Trường Sa thân yêu", nhưng phải chứng kiến, cùng ăn những bữa ăn hàng ngày của bộ đội, mới biết cái sự gian khổ - thiếu thốn nó đeo đuổi cuộc sống của người lính, như thế nào.
Đơn cử như chuyện miếng thịt, lá rau.
Đừng nhìn vườn rau xanh mướt, được che chắn cẩn thận mà bảo "chả thiếu rau xanh".
Từng ấy con người, toàn trai tráng lực lưỡng khỏe mạnh, ăn thùng uống chậu mà thả giàn ra, số rau xanh trên đảo chỉ đáp ứng có khi vài ngày, là sạch không còn cả... rễ, nói gì đến "cơ số dự trữ - dự phòng"...
Những ngọn rau ấy, hầu như chỉ để ngắm cho đỡ nhớ nhà, đỡ thèm vị mát ngọt và hãn hữu lắm, mới gượng nhẹ hái vài lá, ăn cho đỡ háo mà thôi.
Đừng nhìn đàn lợn - đàn gà bạo dạn hơn cả lính, sạch sẽ hơn... văn công mà bảo: "Lúc nào cũng có thịt tươi".
Những con vật nuôi, trong bờ gọi là "gia súc - gia cầm" ấy, là một phần thân thuộc không thể thiếu, trong cuộc sống đằng đẵng thiếu vắng tình cảm đất liền của lính đảo và để nuôi được chúng liền kề, những công sức chăm chút bỏ ra, không thể đo đếm - tính toán nổi, nên cả năm, có hào phóng lắm cũng chỉ dám ngả thịt 1-2 con dịp Lễ tết, đón khách quan trọng trong đất liền ra thăm...
Và bữa ăn hàng ngày, để sống - tồn tại, canh biển giữ trời, quay đi quay lại vẫn những thứ được tiếp tế theo tàu vận tải từ đất liền ra, có khi vài tháng mới có 1 lần do điều kiện thời tiết...
Bữa ăn cũng có rau đấy, nhưng quanh đi quẩn lại vẫn chỉ là măng hộp, củ quả đóng hộp, dưa chuột, bí đỏ, giá đỗ, khoai tây, cà tím, bầu... và dĩ nhiên, không thể thiếu khẩu phần thịt đóng hộp, được chế biến thành canh.
Loanh quanh các món ăn hàng ngày của lính đảo, ngoài cơm tẻ - mì tôm, cũng chỉ: Canh mì tôm, ruốc bông, thịt hộp mang ra... kho, cá hộp cũng phải đổi món thành... rán, dưa chuột thái lát xào, măng xào, thịt hộp xay, thịt xay đổi bữa thành... rán, dưa chuột nấu thành canh cho có vị mát, thịt hộp xay lại cắt ra mang luộc, bí đỏ luộc - xào - rán - nấu canh...
Thế nên ra đảo, nhất là chuyến đầu tiên của mùa đi thăm và dịp tiếp tế - thay quân gần Tết, thấy anh em mừng đến tột độ, đừng đinh ninh mình là khách quý, bởi những ánh mắt sáng rực đó, cũng dành phần lớn cho những tải củ quả, bao rau xanh, cũi lợn, lồng gà.
Mà sao không thể mừng vui, thèm khát, khi biết chắc bữa ăn ngày hôm nay, sẽ có cọng rau muống luộc, thêm bát nước luộc vắt chanh hoặc đĩa rau cải xanh, đồng đội tàu cất cẩn thận dưới hầm lạnh, gửi lên cho đồng đội đảo, rửa qua nhếu nháo và ăn sống ngay tức thì, cho đỡ thèm rau, khát nước?..
Ra với đảo, anh em bạn bè đồng hương khách quý, trước khi lên xuồng ra tàu về đất liền, thế nào cũng được bạn mình dấm dúi tặng cho 1 thuôn hình tròn, dài dài bọc trong giấy báo, bảo: "Quà của đảo gửi đất liền!".
Đừng tưởng đấy là cá khô cá tươi hay sản vật biển, bởi có khi sống ở biển đấy, nhưng vẫn phải ăn... cá hộp, từ đất liền chuyển ra.
Tất cả đều là thịt lợn (heo) xay đóng hộp, chuyên cung cấp cho bộ đội Trường Sa, cấp phát cho từng người, nhưng anh em ăn mãi, ngán quá nên để dành mang về đất liền hoặc tặng khách quý.
Lật ngược hộp thịt, gõ xuống đất vài lần cho róc, mở hộp, lấy dao nhọn khoanh cắt mấy nhát, xong mới cắm que tăm, kéo từng vuông thịt hộp lên nhấm nháp, thấy nghèn nghẹn bột bảo quản ở ngay nơi cổ, mới thấm thía sự thiếu khó lá rau, miếng thịt, con cá ở nơi mà thực sự, thứ gì cũng không có.
Và có vậy, Trường Sa mới thực sự là Trường Sa gian khó - Gian khó nhất tuyến đầu...