Hôm qua em bận đi hội thảo với mấy anh rậm râu hói trán chủ đề tìm về cội nguồn triết học lý tính phương Đông thông qua nền kinh tế xã hội chủ nghĩa theo định hướng thị trường trên con đường tìm đến ý niệm tuyệt đối. Hôm nay em vào thớt thấy nhiều cụ gọi em ra bàn luận cãi cọ sôi nổi, tiếc là em không thể trả lời từng cụ.
Xem ra nhiều cụ rất lăn tăn với dự đoán của em rằng Việt Nam mình còn tầm chục năm nữa để ăn hút, ý các cụ chắc em phải nói rằng chúng ta chuẩn bị xuống hố cả nút thì mới vừa lòng. Thôi để em lại xắn tay áo, làm phát kỳ chót tiếp theo cái kỳ cuối lần trước để hầu chuyện các cụ.
Vầng, em cả các cụ vẫn nghe dự đoán tăng trưởng của chiên ra World Bank với IMF này nọ có vẻ kinh, nhưng thực ra nguyên lý đằng sau hết sức đơn giản (lúc nào chả thế). Chúng ta chỉ cần dùng một cái phương trình cơ bản nhất:
GDP = Số người lao động x GDP/người lao động
Suy ra: tăng GDP ~ tăng số người lao động + tăng GDP/người lao động
Cực kỳ đơn giản, phỏng ạ? Nhưng phương trình này có một ý nghĩa rất lớn, đó là tăng trưởng của một nước có thể được dự đoán thông qua mức tăng của lực lượng lao động và mức tăng năng suất lao động (GDP/người).
Mức tăng của lực lượng lao động thì tương đối dễ, dựa theo cấu trúc dân số (già / trẻ) và tỷ lệ sinh nở. Dân số VN thuộc tốp trẻ nhất thế giới (~65% dưới 35 tuổi), theo dự đoán chung thì số người trong độ tuổi lao động (15 - 64 tuổi) sẽ tăng khoảng 0.8-1%/năm trong vòng 4,5 năm tới, sau đó giảm xuống 0.4 - 0.5%/năm. Mức tăng này không quá cao nhưng khá hơn rất nhiều các nước phát triển (thường là âm 0.5% - 1% vì dân số quá già). Hiện nay các tủ lạnh kêu gọi đẻ nhiều chính là để cải thiện cái vế thứ nhất này.
Xong vế thứ nhất, giờ đến vế thứ hai, tăng năng suất lao động đầu người, cái này có vẻ khó dự đoán hơn, nhưng lấy ví dụ một cá nhân là các cụ, thì các cụ sẽ tăng thu nhập lên bằng cách nào? Có 2 cách: làm việc nhiều hơn và làm việc "thông minh" hơn. Đến đây, nợ sẽ đóng vai trò rất quan trọng, một nước có nhân công càng rẻ, và có khả năng vay nợ để đầu tư vào giáo dục, cơ sở vật chất, công nghệ, máy móc v...v thì sẽ có khả năng tăng năng suất lao động càng cao. Nợ có tác dụng đòn bẩy đối với năng suất lao động, cũng tựa như tiền đối với nền kinh tế quốc gia vậy.
Hiện nay, mức tăng năng suất lao động của Việt Nam là tầm 6%/năm, giảm từ khoảng 15-20% mấy năm trước.
Điều này lý giải tại sao đám chiên ra WB / IMF / quán nước lại thường dự báo VN tăng trưởng 6-7% năm (~1% dân số + ~5-6% năng suất).
Nhìn về 10 năm sắp tới, có lẽ VN khó giữ được mức tăng năng suất 6%/năm này, nhưng ắt không dưới 4% nếu xét về cơ cấu dân số + giáo dục + khả năng tăng cường đầu tư vào cơ sở vật chất v...v. Các cụ phải thừa nhận là bọn trẻ bây giờ giỏi hơn mình nhiều, chả cần nói bọn đi du học mà cái bọn ở trong nước thôi, nhiều khi kiến thức + độ táo bạo của chúng nó đập chết mình. Tất nhiên, ở mặt khác, cái đám doanh nghiệp quốc doanh với một loạt các bố bụng to cả ngày chỉ biết ăn hút sẽ là một cản lực đối với chuyện tăng năng suất, nhưng mà nhìn vào kế hoạch tư nhân hoá + những gì đang diễn ra gần đây với các tủ lạnh, thì em nghĩ tình hình sẽ được cải thiện, hoặc ít nhất là không xấu đi.
Đại để là như thế. Em thật là em cũng nhìn thấy đủ thứ xấu xí dở hơi của nước nhà, nhiều khi mình nhìn vào một vài sự vật, hiện tượng thì cũng khó lạc quan lắm, nhưng để đánh giá bức tranh toàn cảnh thì phải có một cái đầu lạnh và nhìn rộng ra một chút. Các cụ lái xe cũng phải nhìn về đằng trước, chứ cứ nhìn vào gương chiếu hậu mãi sao được, phỏng ạ?