Dặm đường xa, đường xa
Vậy là những cơn mưa dai dẳng cuối cùng của tháng Mười cũng đi qua. Dường như năm nào, vào thời điểm này, dù ở Hà Nội, Sài Gòn, Aix en Provence, hay một tỉnh lỵ hẻo lánh nằm tít sâu nơi triền núi già Cévennes, bên rừng cây dẻ vàng và bờ sông lạnh, những cơn giông cũng kéo về vần vũ suốt đêm. Để câu chuyện sau bữa ăn tối, cạnh chiếc lò sưởi thơm mùi gỗ, còn nối dài nối dài. Và bộ Scrabble được mang ra chơi cùng những người bạn, tiếng xuýt xoa hương vị ngọt bùi của hạt dẻ vùi dưới lớp củi đen. Âm thanh của năm tháng qua, của những bông hoa hướng dương đã nở, đã hái đầy tay thời thanh xuân tươi đẹp, tiếng còi tàu vang vang sóng nước báo hiệu giờ nhổ neo, và bài hát đuổi theo ánh mặt trời của ban nhạc không bao giờ cũ, khiến lòng ta chẳng bao giờ già nua.
Chẳng khi nào già nua, như tháng Mười vậy.
Năm nay, tháng Mười đánh dấu bằng kì nghỉ ở Đông Âu cùng hòn đảo nhỏ phía nam Hy Lạp. Những nơi chốn kỳ lạ, vừa thân quen, vừa khác biệt. Những thành phố của Kundera, của Robert Capa, thị trấn nhỏ nơi chàng trai trẻ Chopin lần đầu hội ngộ cô gái Maria, người thiếu nữ được đính hôn với chàng. Và bờ biển tận cùng vương quốc huyền thoại, nơi thần Zeus được sinh ra, nơi nàng Europe xinh đẹp bị lừa vào lưới tình, nơi cây ô liu già nhất vẫn đứng sừng sững trong khu vườn, cần mẫn ra trái suốt vài nghìn năm. Nơi Albert Camus muốn sống những năm tháng cuối cùng, để viết về người đàn ông đầu tiên, « người tự do đến từ xứ sở của mặt trời cùng hương ngải đắng. »
Nếu tự do của Camus luôn mang tới cho ta cảm giác về một ảo ảnh của lý tưởng, của điều bất khả, như « người đàn ông trìu mến nhất » có ngày trở thành « briseur cœur », thì tự do của Kundera lại đạp lên lý tưởng, đưa ta trực diện với những gì vốn bản năng nhất, thậm chí châm biếm nhất của loài người. Ở Prague, trong căn phòng ấm dưới chân đồi Petrin, ta đã thầm hỏi nơi nào từng sống nàng Tereza và Tomas. Dưới đường phố nào tháng năm thống khổ, cô gái nhỏ chụp khuôn hình con người bị giày vò bởi súng đạn, truy bắt, đói cùng sợ hãi. Dưới đường phố nào tháng năm chiếm đóng, Tomas lang thang với câu hỏi « Es Muss Sein » náo động tâm trí. « Đời nhẹ khôn kham » mà sao chỉ một câu truy vấn « Cần phải thế không » lại nặng nề, nặng nề đến vậy…
Ta nhớ buổi sớm nhẹ bẫng trên cầu Charles ngắm mặt trời lên. Những bức tượng tuyệt đẹp và những cột đèn duyên dáng. Nhiệt độ -2 độ, không khí thanh sạch như trước giờ tuyết rơi. Mà tuyết sẽ chẳng rơi vì nắng về rạng rỡ. Thằng bạn nhắn tin bảo nếu chạm vào tượng thánh Népomucène thì sẽ gặp may mắn, hạnh phúc. Nhưng chỉ riêng việc được dạo bước dọc cây cầu trung cổ xinh đẹp này vào một ban mai trong sáng, được chậm rãi ngắm những mái ngói đỏ tươi và những bức tượng ánh vàng lấp lánh trên nóc các tòa nhà xưa tráng lệ, được thả tầm mắt ngút dài dòng sông, dòng chảy hiền hòa từng băng qua bao chiến tranh và chinh phạt, phù hoa và đổ nát, chỉ việc ấy thôi đã là cả một phước lành trong đời sống này rồi, đúng không ?
Ta nhớ những rừng bạch dương cao vút lùi lại đằng sau ô cửa sổ toa tàu trong chuyến tàu từ Prague đến Marianske Leznez. Tỉnh lỵ nhỏ xíu nằm ở biên giới Đức và Cộng Hòa Séc, lọt thỏm giữa vườn quốc gia rộng lớn bao phủ bởi khuôn viên yên ả và rừng cây mùa thu, những suối nước khoáng mát lành, những tòa biệt thự hoành tráng. Khách sạn Nove Laznez với bồn tắm La Mã tuyệt đẹp, nơi chỉ có một mình ta, ở thị trấn spa nổi tiếng nhất nhì Châu Âu. Nơi Goethe từng tản bộ dọc lối mòn trong rừng, leo lên đồi ngắm nhìn thung lũng vắng. Nơi Chopin hồi hộp gặp vị hôn thê, lần đầu ra mắt gia đình nàng, trong cái tĩnh lặng dịu dàng nhất mực của thiên nhiên và tuổi trẻ.
Sự tĩnh lặng dịu dàng nhất mực của vũ trụ và lòng người.
Cái thị trấn xíu xiu như nốt trầm mủm mỉm, nơi chốn bình yên của núi đồi và rừng cây, của an nghỉ, của màu xanh của lá, hương thơm của hoa, sự trong trẻo và sức mạnh hồi sinh của nước đầu nguồn. Có một cái gì đó rất Đà Lạt, một chút ít Hà Giang, rồi Ronda, Trakai…Những vùng đất ta đã đi qua, trái tim nhớ nhung thỉnh thoảng, vì vẻ đẹp, vì sự an ủi thẳm sâu, vì nỗi cô độc của một tỉnh lỵ náu mình sau trập trùng đồi núi, thảo nguyên, vì những hồ nước sâu như ký ức, như màu mắt, như những đêm mộng du lang thang lang thang. Vì đã xa rồi, tiếng bước chân trên cây cầu cổ, sau bữa ăn tối, người chủ nhà hàng tặng chúng ta một chai vin blanc Andalusia, ta không uống mà cất trong cave. Ngần ấy năm, rượu chưa khui nhưng lòng người còn chuếnh choáng say chút dư hương mùa cũ.
Bây giờ đương mùa thu. Ở Crète, hòn đảo tận cùng phía nam Hy Lạp, biển vẫn ấm và nắng tràn trề chảy trên những khu vườn ô liu xanh lục. Ta nhớ những cơn giông nhiệt đới, nhớ cái không khí cực kỳ Việt Nam ở ngoại ô Chania, với những ngôi nhà xập xệ mái tôn, những chiếc xe cúp cà tàng, những ghế bàn nhựa xếp la liệt trên vỉa hè lúc 10h tối để phục vụ khách ăn đêm. Đằng sau vẻ ngoài lôi thôi tồi tàn ấy, khu phố cổ với những cửa hàng lưu niệm vô cùng đỏm dáng, vòm hoa giấy tím hồng xỏa tóc rủ lên terrasse các nhà hàng kiến trúc vénitien, hải cảng xanh ngát có ngôi đền mái tròn phảng phất hơi thở phương Đông, một nhà thờ thật nhỏ ngự trong lòng núi, nơi ta đẩy cánh cửa gỗ, bắt gặp bức tượng đức Mẹ cùng nhìn ra ngoài khơi, đầy trìu mến. Chania thoáng chốc, phố thị rộn rã chứa trong mình các mảng màu tương phản, phức tạp của lịch sử cùng văn hóa. Chania của phế tích và hiện đại, của vương giả và nghèo khó, của mỹ miều và xấu xí, của huyền bí phương Đông và vạm vỡ phương Tây, của sự kinh ngạc.
Còn ở phía bờ Tây vùng biển này, trấn nhỏ Kissamos lại ngọt ngào như một nụ hôn đánh rơi xuống làn nước xanh. Ta yêu tất cả những gì thuộc về nơi ấy. Yêu từ căn phòng rộng thật rộng, có ban công mở vào biển biếc của khách sạn đẹp hơn cả khách sạn 5* nơi ta làm việc, yêu nụ cười ấm áp của Yanna, cô lễ tân tuổi trung niên đến từ Athène. Ta yêu con đường xinh xẻo dẫn vào thị trấn, băng qua những ngôi nhà màu trắng giản dị mà rất duyên, những vườn tược đầy hoa tươi cùng cây trái. Ta chưa bao giờ thấy những quả lựu to đỏ lựng đến nhường ấy, và hoa nhài thơm tho trong đêm, cùng một mùi hương thật ngọt nào đấy thi thoảng vương vít quanh đây. Khi ta một mình thơ thẩn trên đồi cao, giữa những tàn tích từ thời cổ đại của ngôi làng Polyrrinia vốn vô cùng giàu có. Những bức tường đá được cắt phẳng phiu bằng nước xối, khu mộ cổ trông ra đại dương, người phụ nữ luống tuổi nơi xưởng gỗ tự hào mở cuốn sách có bài viết về chồng bà, một nghệ nhân dành cả cuộc đời để làm các sản phẩm từ gỗ ô liu của vùng. Những cuộc đời như thế dường như chẳng bao giờ đi đâu xa khỏi mảnh đất này, khỏi những ngôi nhà trổ ra từ vách đá xưa và những di chỉ của nhiều nghìn năm hoang vắng.
Những tu viện thâm nghiêm bên vịnh nước, một hoàng hôn rực rỡ ở Plakias thuộc bờ biển Lybie khiến ta thấy mình như chạm tay vào Châu Phi, một buổi chiều hitchhike cùng đôi vợ chồng già người Pháp thăm những vòi phun nước ở Spili, và ngồi ăn ở một resto giản dị. Bữa ăn có hoa mướp vàng nhồi thịt, có vin blanc địa phương, sườn nướng, và bánh hạnh nhân tẩm sữa. Còn nhớ ta đã ngạc nhiên biết chừng nào khi nhìn tờ hóa đơn thanh toán giá bèo bọt, đồ ăn thì ngon đến vậy.
Mà tại sao lại viết ra tất cả những chi tiết vụn vặt này, lê thê từ suốt độ cuối tháng Mười ? Ta giống như cô nàng Yukiko trong truyện « Les nuages flottant » của Hayashi Fumiko, cứ nhắc hoài kỷ niệm và mơ về tháng ngày mơ mộng cũ.
Hai, ba tháng nữa thôi, lại có thể khoác balo trên vai, đi đến những miền đất đầy nắng. Những vùng đất và biển sâu ta chưa từng tới bao giờ, nơi người ta bày bán ngoài chợ những tấm vải nhiều màu sắc, những hương liệu đầy hoa hồi và quế, những nồi đất nung để hầm thịt và rau tươi, những chai nước hoa còn phảng phất mùi sa mạc.
Còn bây giờ, thành phố nơi ta ở sẽ đón những cơn tuyết đầu mùa. Sương mù buổi sớm và lá vàng rụng đầy công viên. Chẳng mấy chốc lại qua hết một năm.
Chẳng mất chốc lại đi qua tuổi trẻ.
Những dặm đường xa, đường xa
Chỉ mong luôn an lành, Lan nhé!
2.12.21