Nguyễn Văn Cốc, phi công biệt danh “Chim cắt số 2”
QĐND - Thứ Năm, 12/11/2009, 4:2 (GMT+7)
Người con quê hương Bắc Giang Nguyễn Văn Cốc sinh năm 1943, là một phi công xuất sắc của Việt Nam với thành tích kỷ lục bắn hạ 9 máy bay Mỹ trên bầu trời. Ông được vinh danh Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân. Ông là Tư lệnh quân chủng Không quân. Sau này, trước lúc nghỉ, ông là Trung Tướng Tổng thanh tra QĐNDVN. Ông là người được đồng đội thừa nhận có tác phong gần gũi mọi người, khiêm tốn, giản dị.
Nguyễn Văn Cốc sinh tại xã Bích Sơn, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang. Thân sinh của ông là Nguyễn Văn Bảy, Chủ tịch Mặt trận Việt Minh huyện Việt Yên, Bắc Giang, bị quân Pháp giết chết vào năm 1947.
Năm 1961, khi đang học lớp 8, trường Ngô Sĩ Liên tại thị xã Bắc Giang , ông trúng tuyển kỳ thi chọn đào tạo phi công. Ông nhập ngũ và được đưa đi huấn luyện tại Trường dự khóa bay ở sân bay Cát Bi (Hải Phòng)). Cuối năm đó, ông sang Liên Xô cùng đoàn huấn luyện phi công 120 người. Cuối năm 1965, khi về nước, ông là một trong 17 phi công MiG-17.
Sau khi về nước, ông được biên chế về Trung đoàn 921 (Đoàn Không quân Sao Đỏ). Không lâu ông lại được chọn để đi học chuyển loại máy bay MiG-21 ở Liên Xô một năm, rồi trở lại đoàn Sao Đỏ vào đầu năm 1967. Trong các phi đội hai chiếc ông tham gia không chiến, ông được phân công ở vị trí số 2 với mục đích bảo vệ cho số 1 tiêu diệt đối phương.
Năm 1967 là một năm đã đi sâu vào ký ức và sự nghiệp của ông như một mốc son rực chói. 6 chiếc máy bay đã bị bắn rơi trong năm này. Trong đó có những trận đã đi vào lịch sử Không quân Việt Nam, sau này đã được tuyển chọn vào tập sách những trận đánh hay. Ông nhớ mãi ngày 29-4-1967. Phi công Nguyễn Ngọc Độ bảo ông: Ngày mai đơn vị bố trí cho tớ với cậu đi trực. Và dặn dò ông cần bình tĩnh, nắm chắc địch, chọn thời cơ để nổ súng. Gần 9 giờ sáng ngày 30 tháng 4 năm 1967, có tin địch từ hướng Sầm Nưa – Tuyên Quang - Tam Đảo vào, biên đội của ông được lệnh vào cấp 1 cất cánh chiến đấu. Hai chiếc MiG-21 bay vút lên vùng trời Hòa Bình, Sơn La bám đuôi địch. Nguyễn Ngọc Độ ở vị trí số 1, ông ở vị trí số 2 bay lên độ cao 4.000m, cao hơn máy bay địch trên dưới 1.000m. Chẳng mấy chốc đã phát hiện 4 chiếc F105 màu đen bay theo hình thang cách nhau từ 1,5 đến 2km bay phía dưới, phía sau là các tốp cường kích có nhiệm vụ oanh tạc các mục tiêu.
Sau khi quan sát địch từ phía trên, phi công Nguyễn Ngọc Độ hạ lệnh “vứt thùng dầu phụ vào công kích”, và ra lệnh cho ông tụt lại phía sau để quan sát, ông vừa quan sát địch vừa theo dõi số 1 tăng lực vào công kích. Nguyễn Ngọc Độ vừa bay vừa thông báo cự ly cho ông, khi quả tên lửa từ máy bay của người đồng đội phụt ra hạ một máy bay địch, tranh thủ lúc địch chưa phát hiện ra ta, ngay lập tức ông cũng rút ngắn cự ly vào công kích, ăn ý với biên đội trưởng. Khi cự ly còn khoảng 2km, phi công Nguyễn Ngọc Độ hô “tốt rồi đấy, bắn đi”. Đúng lúc đó thì tên lửa ở máy bay ông cũng cho tín hiệu bắt nhiệt, ông nhanh chóng nhấn cò, quả tên lửa phụt đi, trong tích tắc ông thấy chiếc F105 bùng cháy cùng tiếng reo của biên đội trưởng “cháy rồi”. Cả hai nhanh chóng thoát ly, tập hợp đội hình và trở về sân bay. (Theo Pilot.vn )
Các phi công kể lại, theo nguyên tắc chiến thuật bài bản, phi đội hai chiếc của MiG-21, thì số 2 chỉ có nhiệm vụ yểm trợ, quan sát đối phương giúp cho số 1 vào công kích. Nguyễn Văn Cốc đã sáng tạo đề xuất và thực hiện “cải tiến chiến thuật”, khi thời cơ đến, ở thế có lợi, cùng tham gia tiêu diệt máy bay đối phương, vừa bảo vệ đồng đội, do đó, hiệu suất chiến đấu tăng lên. Trước kia phi đội chỉ bắn hạ được 2 máy bay đối phương là cao nhất, (vì MiG-21 chỉ mang được 2 tên lửa). Theo chiến thuật mới, phi đội của ông có thể bắn hạ được trên 2 máy bay đối phương. Để đạt được điều này, số 2 phải phán đoán và hành động chớp thời cơ rất nhanh. Từ chiến thuật cải tiến này, ông được đồng đội đặt cho biệt danh là “Chim cắt số 2”.
Sáng tạo trong chiến đấu, chỉ riêng trong năm 1967, ông đã bắn rơi 6 máy bay đối phương. Trong tổng số 9 chiếc ông đã lập công, có 6 chiếc ông bắn ở vị trí số 2. Từ đó, chiến thuật cải tiến được đưa vào huấn luyện và đem lại hiệu quả tốt giúp không quân Việt Nam nâng cao hiệu suất tác chiến, khiến cho các phi công Mỹ cảnh giác cao độ và tìm cách chống đỡ.
Năm 1969, ông được tuyên dương Anh hùng Lực lượng Vũ trang Nhân dân Việt Nam, với thành tích bắn hạ 9 máy bay Mỹ chỉ trong 2 năm. Trên chiếc MiG-21 PF, số máy bay ông bắn hạ được in hình 9 ngôi sao, đó là số máy bay được phía Việt Nam công bố. trong đó có 2 F-4, 5 F-105 và 2 máy bay trinh sát không người lái. Phía Mỹ cũng thừa nhận số máy bay bị ông bắn hạ gồm 7 chiếc, trong đó có 2 F-4D, 1 F-4B, 2 F-105F, 1 F-105D và 1 F-102A.
Trong toàn bộ các cuộc không chiến trên bầu trời Bắc Việt Nam, ông có số bắn hạ máy bay cao nhất. Ngoài ra, ông còn hỗ trợ đồng đội bắn hạ thêm 9 máy bay nữa. Khi đó, ông mới vừa 27 tuổi, quân hàm Đại úy. Ông từng phải nhảy dù hai lần. Một lần vào tháng 1 năm 1967, trong chiến dịch Bolo, ông bị máy bay đối phương bắn rơi khi vừa cất cánh, do bị bất ngờ. Một lần khác ông phải bắt buộc nhảy dù khi máy bay hết dầu .
Sau năm 1969, ông được trên yêu cầu không tham gia chiến đấu nữa mà chuyển sang huấn luyện cho các phi công mới. Điều này cũng phù hợp với ý đồ giữ gìn các phi công xuất sắc của không quân Việt Nam thời bấy giờ.
Theo trang web clbmohinh.com, trong chiến tranh Việt Nam, phía Mỹ chỉ có hai phi công Mỹ trở thành “Át” , là Randy "Duke" Cunningham (Hải quân Hoa Kỳ) và Steve Ritchie (Không lực Hoa Kỳ) thì Việt Nam có đến 16 phi công đạt được danh hiệu tự hào đó. Nguyễn Văn Cốc là “Át chủ bài” dẫn đầu của nhóm các phi công này, với thành tích 9 máy bay Mỹ (7 máy bay và 2 chiếc “xe trên trời không người lái” Firebees). Trong số 7 chiếc của anh, có 6 chiếc được chính thức xác nhận bởi Không lực Hoa Kỳ, nhưng chúng ta có thể ghi thêm vào đó một chiếc thứ 7 nữa, chiếc F-102A của phi công Mỹ Wallace Wiggins (chết) bị hạ ngày 3 tháng Hai năm 1968, được kiểm tra chính xác bởi Không quân Việt Nam. Bỏ qua hai “con ong ngớ ngẩn” không người lái, thì Nguyễn Văn Cốc vẫn là phi công “đỉnh” nhất trong chiến tranh trên bầu trời Bắc Việt Nam.
Dưới đây là thành tích của 16 phi công Việt Nam, có chiến công bắn hạ từ 5 máy bay Mỹ trở lên, được trang acepilots.com thống kê . Số liệu trong ngoặc đơn trùng với những số liệu thiệt hại do Hoa Kỳ xác nhận.