Lời ca của bản “Dạ cổ hoài lang”, nhịp đôi có nhiều “dị bản”. Thông thường, nghệ sĩ cải lương ca bản sau đây và coi đó là lời ca chính thức:
1. Từ là từ phu tướng
2. Báu kiếm sắc phán lên đàng
3. Vào ra luống trông tin nhạn
4. Năm canh mơ màng
5. Em luống trông tin chàng
6. Ôi! Gan vàng thêm đau!
7. Đường dầu xa ong bướm
8. Xin đó đừng phụ nghĩa tào khang
9. Còn đêm luống trong tin bạn
10. Ngày mỏi mòn như đá Vọng phu
11. Vọng phu vọng luống trông tin chàng
12. Lòng xin chớ phụ phàng
13. Chàng là chàng có hay
14. Đêm thiếp nằm luống những sầu tây
15. Biết bao thuở đó đây sum vầy
16. Duyên sắc cầm đừng lợt phai
17. Là nguyện – cho chàng
18. Hai chữ – bình an
19. Trở lại – gia đàng
20. Cho én nhạc hiệp đôi.
Khi Phạm Duy chép lời bài “Dạ cổ hoài lang” có một vài chỗ thay đổi như:
Câu 5: Luống trông tin chàng
Và trong một “dị bản” khác thì chép:
Câu 5: Trông luống trông tin chàng
Tôi không vội khẳng định là lời ca nào đúng nhứt. Nhưng đứng về mặt ngôn ngữ thì có nhiều điều làm tôi phải suy nghĩ. Tôi xin tuần tự đưa ra những nhận xét:
1. Từ là từ phu tướng (không có gì đổi)
2. Báu kiếm sắc phán lên đàng. Theo tôi chữ “báu” là tiếng Nôm thường không ghép chung chữ “kiếm”. Nếu có ghép thì nói là “kiếm báu” vì thế mà hai chữ “bảo kiếm” (hay là “bửu kiếm”) theo tôi là đúng hơn. Chữ “sắc” là chiếu chỉ của nhà vua. “Phán” là quyết định của nhà vua nhưng trong các truyện Tàu dịch ra tiếng Việt thường là những câu “sau khi nghe triều thần tâu Vua thì Vua phán rằng”. Thường chữ “phán” là có mặt ông vua mới dùng.
Còn chữ “phong” là phong tước, phong lộc, ban ơn cho triều thần. Trong từ điển Hán Việt của Đào Duy Anh có cụm từ “sắc phong” mà không có “sắc phán”. Huống chi câu nhạc là “líu, công, líu, công, xê, xàng” nếu chữ đàn “liu” để ca chữ “sắc” thì chữ “cống” phải thấp hơn chữ “liu” một chút mới dễ ca. Bởi vậy “sắc phong” dễ ca hơn “sắc phán”.
Nhưng xét ra ngôn ngữ thì tôi có một nhận xét khác: chữ “lên đường” đúng giọng người miền Nam hơn “lên đàng”, là ngôn ngữ thường dùng ở miền Trung hay miền Bắc. Như cố nhạc sĩ Lưu Hữu Phước đặt ra bài “Lên đàng” là lúc ông đang ở tại Hà Nội. Trong ngôn ngữ, ông có dùng một số từ miền Bắc trong một số bài ca.
Một số nhạc sĩ miền Nam, trong đó có Tôn Thất Lập, trong những bài “Hát cho đồng bào tôi” có bài “Xuống đường”. Nhưng nếu dùng chữ “đường” thì không cùng một vần với những câu sau:
Luống trông tin chàng
Năm canh mơ màng…
Và dài theo phía dưới:
Phụ nghĩa tào khang
Chớ phụ phàng…
3. Vào ra luống trông tin nhạn. Về thanh giọng và câu ca thì “tin nhạn” không ổn vì theo bản đờn, chữ chót là chữ Hò, nếu để chữ “nhạn”, khi ca cho đúng thì nghe ra chữ Xự. Nếu muốn dùng chữ “nhạn” thì nên đọc là “nhàn”. Theo dị bản “Vào ra luống trông tin chàng”, cũng có nghĩa và cũng dễ ca.
Hai chữ “vào ra” cũng không thực đúng giọng miền Nam. Trong những bài ghi cho quần chúng thường có câu “vô ra thong thả”. Khi đặt tên con cũng dùng chữ “vô ra”, bằng chứng là tên hai nhạc sĩ đồ đệ của ông Nhạc Khị là Bảy Vô, Tám Ra nhưng chữ “vào ra” lại dễ ca hơn “vô ra” vì câu đờn là Hò, Xê hạp với “vào ra” hơn “vô ra”.
4. Năm canh mơ màng. Có dị bản ghi “Đêm năm canh mơ màng”. Hai câu đều được cả.
5. Em luống trông tin chàng. Có dị bản “Trong luống trông tin chàng” thì theo tôi câu sau đúng phong cách người Việt hơn vì vào những năm 1919 và 1920 ít có người vợ nào xưng “em” với chồng mà thường nói “tôi” với “mình”.
6. Ôi! Gan vàng thêm đau! Có dị bản “Ôi tim vàng thêm đau”. Theo tôi, khi đau khổ, người Việt thường nói “bầm gan tím ruột” nên tôi thấy dị bản “ôi gan vàng quặn đau!” thì chữ “quặn đau” dễ ca hơn “thêm đau” vì câu đờn là “liu, liu, xàng, xệ, liu”. Vậy chữ “quặn đau” gần với chữ đờn hơn.
7. Đường dầu xa ong bướm. Có dị bản để “Đường dù xa ong bướm”. Chữ “dù” là không phải tiếng “dầu” của miền Nam và “ong bướm” thường chỉ mối tình không chính thức như “ong bướm hút nhụy hoa”. Vợ chồng xa nhau không ai nói “ong bướm xa nhau” mà có thể dùng “loan phụng”. Vì vậy mà câu trong dị bản “Chàng dầu say ong bướm” tức là trong khi đi xa nếu chàng có vài mối tình vụn vặt thì cũng xin “đó đừng phụ nghĩa tào khang”. Theo tôi phù hợp với hoàn cảnh của người vợ trong bài ca.
8. Xin đó đừng phụ nghĩa tào khang. (không thay đổi)
9. Còn đêm luống trông tin bạn. Chữ “còn” là tiếng đệm. Các dị bản khác chép lại: “Đêm luống trông tin nhạn” hay "đêm luống trông tin bạn” đều đúng cả. Theo tôi, chữ “nhạn” phù hợp hơn chữ “bạn” vì trong xã hội Việt Nam cổ người vợ không dám xem chồng như bạn. Thường dùng chữ “phu quân”. Và chữ “nhạn” còn có nghĩa mong tin người ở xa nhắn tin về.
10. Ngày mỏi mòn như đá Vọng phu. (không thay đổi)
11. Vọng phu vọng luống trông tin chàng. (không thay đổi)
12. Lòng xin chớ phụ phàng. Có dị bản ghi “Xin chàng chớ phụ phàng” thì câu sau rõ nghĩa hơn.
13. Chàng là chàng có hay. Có dị bản “Chàng ôi chàng có hay”. Hai câu đều được.
14. Đêm thiếp nằm luống những sầu tây. (Tất cả các bản đều giống nhau).
15. Biết bao thuở đó đây sum vầy? (không thay đổi)
16. Duyên sắc cầm đừng lợt phai. Chữ “sắc” nên viết lại là “sắt”, vì đây là đờn cầm, đờn sắt chứ không phải sắc diện, sắc đẹp. Đa số đều giống nhau, chỉ có trong dị bản của Phạm Duy hai chữ chót là “tình thương” không cùng vần với “sầu tây”, “sum vầy”. Vì thế tôi nghĩ rằng “Duyên sắt cầm đừng lợt phai” đúng hơn.
17. Là nguyện cho chàng. Có dị bản chép “Thiếp nguyện cho chàng”. Hai câu đều được. Nhưng câu “Là nguyện cho chàng” gần câu đờn hơn.
18. Hai chữ an – bình an. Có dị bản “Đặng chữ bình an”. Theo tôi câu sau có chữ “đặng” không phải cách nói của người miền Nam “được chữ bình an”. Vì vậy mà câu “Hai chữ an - bình an” dễ ca hơn.
19. Trở lại – gia đàng
20. Cho én nhạc hiệp đôi.
Sau những nhận xét trên, tôi đề nghị các bạn xem lại dị bản sau đây rồi nên có một Uûy ban để quyết định dị bản nào phù hợp với tinh thần của bản “Dạ cổ hoài lang” và đúng với ngôn ngữ Việt thời đó:
1. Từ là từ phu tướng
2. Bửu kiếm sắc phán lên đàng
3. Vào ra luống trông tin nhàn
4. Năm canh mơ màng
5. Trông luống trông tin chàng
6. Ôi! Gan vàng quặn đau!
7. Chàng dầu say ong bướm
8. Xin đó đừng phụ nghĩa tào khang
9. Đêm luống trong tin nhạn
10. Ngày mỏi mòn như đá Vọng phu
11. Vọng phu vọng luống trông tin chàng
12. Xin chàng chớ phụ phàng
13. Chàng ơi! Chàng có hay?
14. Đêm thiếp nằm luống những sầu tây
15. Biết bao thuở đó đây sum vầy
16. Duyên sắt cầm đừng lợt phai
17. Là nguyện cho chàng
18. Hai chữ an bình an
19. Trở lại gia đàng
20. Cho én nhạc hiệp đôi.
GS – TS Trần Văn Khê còn nhấn mạnh: “Nếu mai mốt đây, Dạ cổ hoài lang trở thành một di sản văn hóa phi vật thể của thế giới thì khi ấy, chắc chắn sẽ được dịch ra nhiều thứ tiếng. Như vậy, ngay từ bây giờ chúng ta phải có những cuộc hội thảo và cả một hội đồng khoa học để cùng nghiên cứu, thảo luận làm sao đưa ra một bản thảo lời ca chính thức của Dạ cổ hoài lang phù hợp với ngôn ngữ Việt thời đó…”.
Thiết nghĩ, đây là một ý kiến rất đáng để các ngành, các cấp tham khảo và suy ngẫm!
Nguồn:
https://www.sggp.org.vn/da-co-hoai-lang-van-mai-ngan-vang-79042.html