“Năm 1972, tôi gặp nhà thơ Tô Như Châu ở Đà Nẵng và được giới thiệu bài thơ viết về Hà Nội với độ dài gần 100 câu. Điều lạ là cả tôi và Tô Như Châu chưa hề đặt chân đến Hà Nội ngoài sự rung động trong sâu thẳm tâm hồn. Nắm bắt mạch cảm xúc ấy, tôi cô đọng những khổ thơ mình thấy hay nhất, chỉ trong một đêm thì hoàn thành ca khúc “Về đây nghe em” và sau đó, ngày nào cũng vang lên trên đài phát thanh với giọng hát quyến rũ của nữ ca sĩ Thanh Thúy”.
Hai tháng sau khi phát hành, trước sức lan tỏa khó cưỡng, chàng trai 20 tuổi Trần Quang Lộc chợt sững sờ khi nghe lệnh thu hồi tác phẩm này từ chính quyền Sài Gòn cũ. Ông kể: “Người ta cho rằng bài hát có hơi hướng tuyên truyền cho Cách mạng tháng Tám với những câu: “Tháng Tám mùa thu… Từ độ người đi, thương nhớ âm thầm…”, hay “Nghe đâu đây hồn Trưng Vương sóng hát…”. Tóm lại là câu chữ nào cũng bị nhà cầm quyền vin cớ để gọi tôi lên chỉnh đốn, đe dọa. Thậm chí, tấm thẻ căn cước của tôi cũng bị in số màu đen để đánh dấu như một phần tử cần chú ý, thay vì màu đỏ như mọi người”.
(Giađình. net)