Em xin tiếp tục ah:
Đường từ QL 4C rẽ vào điểm trường chính của xã Sảng Tủng không quá khó, đường mới được mở rộng thêm và rải thêm lớp đá nhỏ. Xe sedan có thể chạy vào được
Vào đến trường chính cũng tầm gần 2h chiều, trường nằm bên sườn 1 ngọn núi đá, các nương ngô nằm chen trong đá đã được thu hoạch hết từ trước tết, cả ngọn núi trơ trọi là đá và đá, bù lại là sắc hoa đào, mận cũng nhờ thế mà rực rỡ và có vẻ thắm hơn trên nền đá xám.
Cụm trường chính (mầm non, tiểu học, THCS) xã Sảng Tủng, nhìn từ phía đường sang xã Hố Quáng Phìn:
Xã Sảng Tủng có cấp học từ Mầm non đến hết lớp 9. Mầm non có 172 cháu, nằm rải rác ở 7 điểm trường, thường là ghép cùng điểm trường lẻ của cấp tiểu học. Khối tiểu học có 26 lớp và 304 cháu học sinh 100% là con em người dân tộc, ở cấp tiểu học trừ điểm trường chính ở trung tâm xã, còn lại 9 điểm trường lẻ chỉ có lớp 1-2, từ lớp 3 đến lớp 9 về học tại điểm trường chính, các cháu từ lớp 3 mà nhà ở xa thì ở lại trường, tuần về nhà 1 lần. Cấp Trung học cơ sở có 4 lớp và 76 cháu học sinh cũng 100% là học sinh người dân tộc. Do Sảng Tủng là xã đặc biệt khó khăn, của một trong 62 huyện khó khăn nhất của cả nước, nên cơ sở vật chất của điểm trường chính được đầu tư khá tốt, có khu ở riêng cho các cháu nội trú, các cháu nội trú được hưởng chế độ ăn theo chế độ của học sinh nội trú dân tộc vùng đặc biệt khó khăn. Tuy nhiên với hơn 10 ngàn 1 ngày 1 cháu thì bữa ăn của các cháu mới cũng chỉ đủ ở mức không bị đói. Các điểm trường lẻ thì vẫn có 4/9 điểm trường chưa xây được nhà cấp 4 (vẫn nhà tạm, tường đất...). Học sinh ở Sảng Tủng đều là con em của bà con dân tộc ít người, đa số là đồng bào Mông, địa bàn xã bị chia cắt nhiều bởi các dãy núi đá, đa số là trọc, diện tích canh tác ngô được cũng không nhiều, do canh tác trên núi đá nên năng suất thấp, chỗ có thể chăn thả trâu bò được cũng ít, đời sống bà con cũng chẳng dễ dàng gì. Các thầy cô giáo thì có cuộc sống đỡ hơn, nhờ thuộc diện xã vùng sâu, xa đặc biệt khó khăn nên chế độ về lương khá hơn giáo viên vùng thấp. Nhưng vất vả thì còn rất nhiều, đặc biệt ở các điểm trường lẻ, đi lại khó khăn, thiếu điện, nước sạch...
Đoàn 8 người, chia làm 2 nhóm, 4 người ở lại điểm trường chính lấy số liệu, trao đổi với các thầy cô về những khó khăn và những thứ các cháu học sinh của trường đang cần. Buổi làm việc nhanh có cả đại diện của chính quyền xã và cô Hiệu trường mầm non Sảng Tủng. 4 anh em còn lại tăng bo bằng xe máy để đi đến khảo sát 3/9 điểm trường lẻ.
Bàn ghế được đầu tư khang trang, phòng họp rộng rãi, các thầy cô đa số là tuổi đời còn trẻ, chỉ ngoài 20. Nhìn sơ bộ cũng thấy an lòng, nói gì thì nói, tiền ngân sách rót về các xã khó khăn cũng phần nào đã đến đúng địa chỉ, chuyện này chuyện kia coi như là phụ. Em có mấy năm công tác ở 1 cái Viện chuyên thiết kế các mẫu trường học cho vùng Tây Nguyên và 1 số tỉnh phía bắc, vào những năm 2002 2004, bọn em đi khảo sát ở vùng Tây nguyên (lúc đấy là vùng trọng điểm, được chú ý và đầu tư rất nhiều hạng mục), cơ sở vật chất của nhiều trường vẫn còn tạm bợ, xuống cấp trầm trọng. Sau này chưa có dịp quay trở lại vùng Tây Nguyên, nhưng đi nhiều vùng núi phía bắc, thấy đa số các xã đều có trường kiên cố, chắc vùng Tây Nguyên cũng ít nhất được tương đương, thế là mừng.
Các cháu học sinh ăn mặc đủ ấm, khá tự tin khi có khách đến trường
Các cháu, là động lực chính để anh em tìm đến với Đồng Văn vào dịp lễ 30/4, với chương trình 1000 niềm vui cho học sinh vùng cao Hà Giang của anh em ESCAPE và bạn bè!
Ở một góc hội trường, có treo tấm bảng này:
Cũng mong các thày, các cô chân cứng đá mềm, đem được cái chữ nên vùng cao cho thật tốt!
Chương trình ở hội trường lớn ngắn gọn, anh em chào các thầy cô giáo trẻ, hẹn gặp lại các thày các cô ở dịp 30/4 1/5. Bọn em đi khảo sát cơ sở vật chất của điểm trường chính, dẫu còn thiếu mục này khoản kia, nhưng có thể tóm tắt ở 2 chữ: Khang trang. Anh em vòng xuống thăm khu ở và bếp ăn của các cháu nội trú:
Bếp:
Chỗ ăn:
Nhìn thế này là các cháu thường xuyên được tiệc đứng rồi!
Chỗ chậu nhôm kia dùng để đựng thức ăn, cơm canh...
Dãy phòng cho các cháu nội trú:
Không có cháu nào phải ngủ trên lớp học là quá quý rồi.
Một phòng của các cháu:
Thấy thày hiệu trưởng giới thiệu, giường sắt ống tròn là xin được của TT GD thường xuyên, giường sắt V là được trang bị.
Bể nước và nhà WC, đã được kiên cố hóa:
Khảo sát 1 vòng quanh trường, anh em quay về phòng đồng chí Hiệu trưởng Ma Văn Dương, cùng anh Dũng, phó phòng GD huyện, anh em trong đoàn trao đổi nhanh những thông tin cụ thể hơn.
Trong lúc anh em làm việc ở điểm trường chính, 4 anh em được các thày tăng bo bằng xe máy vào một số điểm trường lẻ.
Một số hình ảnh từ đoàn khảo sát các điểm trường lẻ:
Anh Hai nhà Ếch đang lấy số liệu:
Sĩ số 4, vắng 0. Điểm trường này do 1 cô giáo phụ trách, xóm này không có cháu nào trong độ tuổi lớp 1, chỉ có 4 cháu lớp 2
Ngay cạnh lớp học là gian ở của cô:
Mùa đông vừa rồi 1 mình cô cắm bản, giữa mịt mùng sương núi, đá lạnh, mở mắt ra nhìn đá, bước chân ra gặp đá ... Cố lên cô nhé!
Góc bếp núc của cô:
Em không được lên điểm trường lẻ, nhìn qua ảnh thấy cô chào anh em rất bịn rịn:
... Nhớ tầm này năm ngoái, anh em nhà Ếch làm chương trình ở xã Bản Công - Trạm Tấu, lên điểm trường lẻ Tà Xùa, do 2 cô giáo người Thái Bình phụ trách, 1 cô sinh năm 78 1 cô 80 gì đó - Cả 2 cô đều chưa chồng. Ngồi trong phòng 2 cô nghe các cô kể về những ngày nắng hiếm hoi trên đỉnh Tà Xùa, về nỗi buồn, những nỗi buồn khó cắt nghĩa được trọn vẹn ... Giáo viên cắm bản vùng cao, ở đâu chả buồn...
Tạm biệt xã Sảng Tủng, hình ảnh còn đọng lại mãi là bóng các cháu học sinh, nhỏ dần, nhỏ dần theo triền dốc núi về nhà, bản các cháu ở đâu, qua 1 ngọn hay mấy ngọn núi đá kia...