Cụ hào hiệp nghĩa khí lại đẹp trai.ng ta yêu cụ nhiều thế là đúng..nhưng cháu thắc mắc là hình như cụ đc đào tạo bên tình báo hay sao ấy .hành động nghĩa hiệp nhưng nhìn rất xa..vd cái vụ đi ra chợ xe, rồi nói cụ BN viết giấy ..?
Sống bên K lâu nên có tính cảnh giác. Có học gì đâu, học gần 3 tháng trinh sát trên sư, sau đó về Thủ Đức vừa gác vừa được một ông trung tá đặc công nước huấn luyện 6 tháng. Đấm đá tát gạt lung tung, chủ yếu đọc tình huống, nắm bắt tâm lý đối phương để xử lý cho chính xác thôi.
Kể cho các cụ nghe câu chuyện ngắn :
Hôm đó 10/1/1979. Giải phóng K được 3 ngày. Bọn em tập trung dọn dẹp tu viện Đa Minh - Thủ Đức để giao lại cho địa phương quản lý. Các cán bộ Kampuchia đã được đưa về từ 2 hôm trước, chuyến tối 9/1 là chuyến cuối cùng. Chiều hôm đó 5 thằng trong đó có em và 3 thằng " cửu vạn" kho vàng em đã kể ở trên, được lệnh sang K bổ sung vào đại đội vệ binh.
Bọn em chuẩn bị quân tư trang súng ống đạn dược lên xe về 606 Trần Hưng Đạo. Ngay tối đó bọn em nhận quân trang K. Mọi giấy tờ, sổ sách đều gửi lại 606.
Mờ sáng 11/1 bọn em lên 2 xe UAZ và hộ tống chiếc Latvia tháo hết ghế chở đầy thực phẩm lên đường. Qua cửa khẩu Mộc bài. Từ biên giới đến phà Neak Lương đường rất xấu. Hào chống chiến xa đào ngang dọc băm nát đường. Gần trưa thì bọn em đến phà. Khu vực phà đông nghịt dân K từ các công xã đang trên đường về quê cũ. Tất cả đều mặc đồ đen mốc meo dính bết mồ hôi, ai cũng hốc hác, ánh mắt đờ đẫn mệt mỏi đói khát.
Nhìn thấy trên xe đầy bắp cải, thịt lợn, mì tôm... Họ liền xúm vào ra hiệu xin ăn. Thấy đông người bọn em cũng hoảng, họ ùa vào cướp đồ ăn thì cũng đứng nhìn thôi. Em hô anh em lấy hết mì tôm trong ba lô ra phát cho dân. Mỗi lính được 10 gói mì tôm ăn sáng , 50 gói được phát cho dân cũng làm họ dịu lại. Em bảo 4 thằng đứng hai bên bảo vệ xe thực phẩm. Còn mình lang thang ngó nghiêng đám dân đói. Ông nào có dấu hiệu manh động là phải xử ngay.
Bên vệ đường có hai mẹ con đang đun nước trong cái xoong nhỏ. Tay bà mẹ bế con, tay còn lại chị ta đun củi, thằng khoảng 3 tuổi ốm tong teo, tay cầm gói mì tôm đã bóc, ăn sống. Nước sôi chị ta lấy gói mì trong tay thằng bé cho vào nồi, rồi để thằng đứng đó quay ra tìm cái bát trong bọc vải sau lưng thấy thằng nhìn nồi mì. Em chợt nghĩ : Bỏ mẹ, nó thò tay bốc mì trong nồi. Vội nhảy một bước dài tới sát nồi, vừa đúng lúc nó thò tay vào nồi thật, em kịp nắm tay nó lại, lúc đó bà mẹ giật mình quay lại thì em đã kéo thằng bé ra. Chị quỳ xuống lạy em như tế sao.
Em lấy nốt trong túi mìn Claymo hai phong lương cho mẹ con họ. Nghĩ bụng: Chiều nay và ngay mai không biết kiếm gì đút vào bụng đây. Uống nước lọc, hút Mai trừ bữa vậy.
Chịu khó quan sát nhiều khi sẽ tránh được rủi ro. Dần dần thành thói quen.
Ngay cả anh em Chan Thu cũng vậy, dù họ rất thân với em, nhưng họ không biết tên em, không biết em ở đâu ? Chỉ biết là một người lính quê HN, đóng quân ở PP. Thôi, em phải đề phòng rủi họ bị bắt lại dọc đường, có muốn khai người giúp học thì cũng không rõ ràng. Khi họ lên đường thì em cũng tạm xa quán Chị Năm và quán " Ba cô " không ra nữa. Tìm được em cũng mất thời gian.