Trở lại PP những ngày tháng 1/1979. Đường phố hoang tàn, không một bóng người, cây cối cỏ dại mọc um tùm. Ngân hàng trung ương K chỉ còn là đống gạch đổ nát, các loại tiền bay tứ tung, đa số là tiền Riel, ngoài ra còn có tiền yên, fran, tiền VN thì có tờ 10 đồng thời VNDCCH...một thành phố chết đúng nghĩa.
Ngoài lực lượng cảnh vệ của cụ Phùng Thế Tài ra thì các khu vực có các cơ quan VN đóng quân như B.68, tiền phương bộ, 478... Đều có vệ binh riêng tuần tra canh gác và có trách nhiệm bảo vệ các khu vực lân cận. Kỷ luật chiến trường được thực hiện khá nghiêm. Có câu chuyện do lính truyền miệng : một lính ta trèo lên hái dừa bị lính cụ Tài tóm được đưa về quân pháp tước quân tịch.
Nhưng lính thì vẫn tò mò, vì bên đó nhiều đồ hay và lạ mắt mà họ mới thấy lần đầu. Sau giờ gác là anh em rủ nhau đi nhặt đồ. Có thể nói dân PP họ xài đồ mới hơn dân SG một đời.
Xe máy phần đa là Vespa và Suzuki, Yamaha 90 nam, không có một chiếc Honda nào. Dàn âm thanh cũng những đầu Akai, Sony với những loa Sansui to bằng cái tủ lạnh 150L. Tivi Sony, Sanyo... Quạt cây Sanyo "gật gù" ( ngoài việc quay trái quay phải nó còn đảo lên đảo xuống) tất cả những đồ đó còn nguyên trong kho hoặc bày trong các của hàng.
Khi quân ta vào thì phá khá nhiều. Tôi đã vào một cửa hàng bán tivi, toàn bộ tivi trưng bày đều bị bắn nổ màn hình. Xe máy mang ra vứt lổng chổng ngoài vỉa hè.
Tiểu đội tôi ở cạnh một kho xe Vespa nên lính tráng mỗi thằng lấy một con ra nghịch tập đi, xăng thì xin không thiếu. Xe côn tay nên nhiều ông đi không quen nhả côn nhanh xe bốc đầu như ngựa chiến. Mà cũng không biết Vespa chạy xăng pha nhớt nên chỉ vài ngày chạy nghịch là bó máy lại vứt đi.
Ô tô phần đa là Volkswagen và Mercedes D220 máy dầu.
Nhiều lính kêu : Bọn này giầu thật, toàn chôn đài vào tường và để sát đất ( họ có biết đâu là cái điều hòa 1 cục). Tóm lại rất nhiều thứ lạ mắt kích thích sự tò mò của cánh lính trẻ. Nên sau giờ gác thì thú vui đi " cui đồ" là lính thích nhất vớ vẩn kiếm được cái đồng hồ thì ngon ( bên đó phần lớn dùng Omega).
Mấy hôm trước tôi và thằng Ương đã bị một vố hoảng hồn. Khi hai thằng đi kiếm thêm cái tủ lạnh về làm đá, hì hục khuân lên xe cải tiến đang đẩy bon bon về nhà, thì một xe Jeep cắm cờ quân quản thành phố lao đến, trên xe là cụ Tài và hai vệ binh, cả hai chúng tôi lạnh gáy : " Thế là xong " :
- Này hai thằng bé. Mang tủ đi đây vậy.
- Báo cáo thủ trưởng, trời nóng quá bọn em mang về làm đá uống cho đỡ khát.
- Dùng thì phải giữ gìn bảo quản cho người ta nghe chưa, đi đi.
Thoát.
Trưa hôm sau thằng Ương lại rủ:
- Đi cui đồ mày ơi.
- Thôi, khu mình mấy hôm nay quần nát rồi còn gì nữa đâu.
- Ra khu khác chứ, đi cho vui.
- Thôi, sang khu khác bọn cảnh vệ phát hiện ra nó bắn vỡ sọ.
- Sợ éo gì, toàn lính mới rát như cáy.
- Ừ, thì đi
Vớ cái thắt lưng có khẩu K54 tôi thắt vào người đi theo thằng Ương. Hai lần mò ra phía Đài độc lập, đi ra ngân hàng đổ chui vào đống đổ nát tìm kiếm, nhiều loại tiền lạ mắt tôi nhặt mỗi loại 1 tờ cả tiền VNDCCH lẫn tiền VNCH. Chẳng có gì hay và đã khá xa nơi đóng quân.
- Về thôi, đến giờ bọn quân quản đi tuần rồi. Tôi giục.
Không dám đi đường lớn chúng tôi chui vào các nhà, đi qua vườn, nhảy qua tường rào cắt đường về nhà.
Tới một tòa nhà lớn, nhìn tấm biển tôi lẩm nhẩm đánh vần: Sa rẹ mon ti..mấy chữ sau chưa học. À, đây là bảo tàng gì đó. Cả một tầng một rộng lớn không có gì, lên tầng hai cũng vậy bàn ghế lung tung mỗi nơi một cái, mặt ghế đều bị rạch nát lòi bông và lò xo ra ngoài. Trên tường vẫn đóng rất nhiều đinh làm chỗ treo tranh (tôi đoán vậy). Chui qua lỗ thủng khá lớn ở tường chúng tôi vào một biệt thự nhỏ, thiết kế như cửa hàng ở tầng 1 căn phòng khoảng hơn 100m2, trên tường có 2-3 bức tranh và một bức phù điêu bằng đồng vũ nữ Apsara.
Đi sâu vào trong đập vào mắt chúng tôi là một núi tranh xếp cao sát trần. Hai thằng lò mò xem mấy bức ở gần dưới và dễ lấy.
- Cái này Chùa Một Cột mày ơi.
Nó giơ tấm gỗ nhỏ, tôi cầm xem đúng Chùa Một Cột được xếp bằng lá khô nhô ra ngoài mặt gỗ một chút. Không đẹp lắm nhưng chất liệu làm lên bức tranh có vẻ độc đáo.
- Cầm về mà treo cho đỡ nhớ nhà.
Tôi rút một bức tranh khá to ngay gần thấy khá đẹp, sờ mặt tranh mịn như nhung, ánh trăng, con đò, cây dừa ...gợi nhớ cảnh miền quê Nam bộ. Ngắm một lúc thấy hay tôi lật đằng sau mở khung bóc tranh ra cuộn lại đút vào ngực. Chui tiếp qua hai nhà nữa như nhau nhưng trống không. Có lẽ đây là 3 phòng trưng bày tranh tư nhân liền với bảo tàng. Toàn bộ tranh đã được ai đó dồn vào một nơi chưa kịp hoặc chưa đem đi.
Tiếp hai cửa hiệu sau là cửa hàng bán hoặc sửa đồng hồ đã tan hoang trên đất còn vương vài bộ dây da và mấy hộp phụ tùng vỡ nát tung tóe.
Chẳng có gì hay ho, tôi lại giục thằng Ương về vì cũng sắp đến nhà, thằng Ương chỉ vào một biệt thự 3 tầng bên đường:
- Nhà này mày vào chưa ?
- Chưa.
- Vào thử chút xem có gì không ?
- Mày lên đi, chạy lên chạy xuống chui rúc hơn 2 tiếng chả được gì mệt người.
Thằng Ương chạy lên, tôi đứng trong cổng nhìn ngược xuôi hai đầu đường. Móc bao Mai ra hút, chợt thấy thấp thoáng đầu đường bóng tổ 3 người cảnh vệ đang đi ngược lại.
Bỏ cha, cảnh vệ tuần về hướng này. Tôi lùi sâu vào trong nhà theo dõi họ.
Họ chậm chậm đi về phía tôi. Định chạy lên báo thằng Ương nhưng cách 30 - 40 m họ dừng lại định quay trở lại đường cũ. Bỗng trên tầng 3 nghe rầm tiếng như ai ngã, vì đường phố im lặng nên tiếng động nghe khá rõ, 3 lính cảnh vệ vội tuột súng ra khỏi vai, lên đạn hô: "Pốt" rồi chạy về phía chúng tôi. Tôi vội vọt lên tầng 2 gặp nó đang chạy xuống.
- Mày làm gì mà ầm ĩ lên vậy ? Cảnh vệ nó đến rồi. Tao kê ghế lấy bức tranh nên bị ngã.
Nhìn qua cửa sổ đã thấy 3 ông lính đứng bên kia đường chĩa súng sang.
- Tất cả bỏ súng đi ra ngoài
Họ hô bằng tiếng K.
- Quả này thì xong rồi mày ơi.
- Sợ éo gì mấy thằng ôn con này. Cùng lắm bắn nhau một trận.
Thằng Ương lẩm bẩm.
Tôi bảo:
- Giờ không xuống được đường cầu thang rồi. Mày ngó chúng nó tao xem có đường nào sang nhà đằng sau không ?
Đi ra cửa sổ nhìn xuống vườn sau có một đường thoát nước mái chạy xuống vườn. Tôi quay lại bảo:
- Ra cửa sổ sau tụt xuống mày. Đưa cái mày cầm tay đây tao ném xuống trước.
Gọi mấy lần không ai trả lời. Hai chú lính lò dò đi sang, một người vẫn chĩa súng sang.
- Té nhanh, mày xuống trước đi không nó sang là hết đường.
Thằng Ương không trả lời. Chĩa súng qua cửa sổ, bắn liền 2 loạt xuống mặt đường nhựa. Hai cậu lính hốt hoảng chạy ngược lại. Cả 3 nằm mọp xuống vỉa hè vãi đạn lên cửa sổ.
- Thằng điên này. Bọn nó kéo đến đông thì tao với mày đứt. Chạy nhanh.
Thằng Ương nhanh nhẹn tụt xuống rồi cầm súng ngó nghiêng hai đầu nhà.
- Nhanh, bọn nó sang bên này rồi.
Còn cách mặt đất 2m tôi buông tay nhẩy xuống cảm thấy hơi nhói ở đầu gối trái. Thoáng thấy phía đầu hồi có bóng áo xanh, thằng Ương lia thêm một loạt AK về phía đó rồi cúi xuống nhặt bức tranh chạy. Tôi rút súng bắn vài lên trời rồi cũng co giò té theo. Nơi này đã gần nhà nên chúng tôi thuộc địa hình hơn. Vòng vèo qua vài khu vườn chui qua rào tôn chúng tôi đã vào khu vực của mình kiểm soát.
Hai thằng đang gác hỏi :
- Bọn mày chạy đâu về vậy ? Không nghe bắn nhau à ?
- Bọn tao ở phía cổng sau. Bắn nhau thì liên quan gì đến khu vực mình. Ngày nào chả bắn nhau.
Nói xong tôi khập khễnh vào nhà. Lúc này đầu gối mới thấy đau và bất đầu sưng to dần. Gần đến tối nó sưng to gần chật chiếc quần lính. Do thiếu người gác nên cũng chỉ xoa dầu nắn bóp. Vậy mà hơn tháng mới đi lại bình thường. Còn bức tranh thằng Ương lấy trên tầng 3 là tranh một cô gái Âu, Mỹ gì đó mặc bộ quần áo jin đang đứng khoanh tay có vẻ là một ca sĩ hay diễn viên điện ảnh.
Cũng nhờ cái chân khập khễnh đó mà 1 tuần sau tôi thoát chết khi ra nhận gác chậm hơn thằng Bình 10 bước chân. Mọi khi tôi vẫn ra trước nhận ca.
Suy cho cùng đi lính thì sống chết là do số phận. Khi đã hết vận đỏ thì khó tránh.