UAV Raven - Nhỏ nhưng có võ
11/10/2012 10:03:42
Không ồn ào hay nổi bật, UAV Raven vẫn âm thầm đóng góp thành tích của mình trong hoạt động do thám, trinh sát của quân đội Mỹ bên cạnh những máy bay không người lái khác.
Con mắt của bộ binh
Một thập kỷ đã trôi qua kể từ khi những chiếc máy do thám trên không đầu tiên đã thay đổi cách thức tiến hành chiến tranh, những công nghệ hàng không mới đang giúp cho việc do thám đạt tầm cao mới.
Nếu ban đầu, với công nghệ đơn giản, tầm do thám, trinh sát chỉ ở cỡ vài trăm mét, thì giờ đây những máy bay do thám không người lái (UAV) đã có thể bay ở độ cao hàng kilomet.
Thiết kế khí động học của UAV Raven. Đến nay, Quân đội Mỹ đã trang bị tới gần 6.000 những UAV cỡ nhỏ (dưới 10kg), bên cạnh 10.000 máy bay có người lái các loại.
Nếu như trước đây, những phi công và điều hành bay truyền thống tỏ vẻ khinh khỉnh với những chiếc máy bay bé nhỏ, nhưng đến giờ, mọi người đều thừa nhận giá trị của nó. UAV trở thành chiếc phao cứu sinh cho quân đội, là chía khóa thành công của nhiều chiến thắng.
Để đạt thành tích này, những dòng máy bay UAV phải trải qua một chặng đường tiến hóa dài hơi.
Chiến tranh thế giới thứ I (1914-1918), đánh dấu hoạt động trinh sát trên không lần đầu tiên trở thành một nhân tố quan trọng trong hoạt động quân sự. Những máy bay trinh sát đủ độ tin cậy với giá thành hợp lý chỉ bắt đầu xuất hiện trên thị trường trước cuộc thế chiến vài năm.
Các vị chỉ huy nhận ra, những chuyến bay thường xuyên qua khu vực kẻ thù, dù đối mặt với nguy cơ bị bắn rơi rất cao, nhưng lại có thể cung cấp thông tin vô giá từ những bức ảnh chụp được.
Trở thành con mắt của lực lượng chiến đấu trên bộ, những chiếc máy bay không người lái còn được sự bảo vệ của các chiến đấu cơ.
Một thế kỷ chiến đấu đã góp phần cải tiến những chiếc UAV, đặc biệt theo xu hướng nhỏ gọn (tiểu UAV) để phục vụ theo từng đơn vị chiến đấu nhỏ như các lực lượng đặc nhiệm…
UAV Raven có thể đặt gọn trong hộp chứa cỡ trung bình. Raven, đại diện tiêu biểu của UAV mini
Trong xu hướng, UAV Raven hạng nhẹ, phóng bằng tay, dù chỉ có thể bay do thám trong khoảng một giờ mỗi lần, nhưng là quá đủ để hỗ trợ cần thiết cho các đơn vị. Từ đó, nó trở thành một UAV hữu hiệu hàng đầu.
Tại chiến trường Iraq và Afghanistan, kẻ thù với vũ khí thô sơ dĩ nhiên không muốn đối đầu trực tiếp với Quân đội Mỹ. Thay vào đó, chúng nỗ lực không ngừng để lập những vụ phục kích, bom mìn tự chế ven những trục đường quan trọng hay phóng tên lửa, súng cối vào các căn cứ của Mỹ. Tuy nhiên, Raven đã giúp giải quyết vấn đề trên nhờ khả năng “biết suy nghĩ như kẻ địch”, có thể đoán những vị trí phục kích tốt nhất, những nơi đặt mìn hay rocket.
Bằng cách gửi những chiếc UAV nhỏ bé qua những điểm nóng định kỳ, quân đội có thể thực hiện các cuộc tấn công trước bằng pháo hoặc trực thăng tiến công.
Hiện nay, Quân đội Mỹ trang bị hơn 5.000 UAV Raven RQ-11. Nhiệm vụ chính của Raven phục vụ cho 2 mục tiêu: chiến đấu và phi chiến đấu.
Lực lượng chiến đấu sử dụng Raven cho nhiệm vụ tìm và theo dõi kẻ địch, trong khi lực lượng phi chiến đấu sử dụng cho mục đích an ninh như bảo vệ căn cứ, đoàn quân.
Quá trình phát triển Raven
Gốc gác của RQ-11 Raven là mẫu máy bay không người lái FQM-151, được giới thiệu vào năm 1999, nhưng được tiếp tục phát triển thành mẫu hiện nay là RQ-11 từ năm 2002.
Giá thành của UAV Raven RQ-11 này không quá đắt, chỉ khoảng 35.000 USD với thời gian bay khoảng 80 phút/lần nhờ sử dụng pin nên tạo tiếng ồn nhỏ (trừ khi bay gần mặt đất). Còn chi phí của cả hệ thống điều khiển, linh kiện thay thế và 3 UAV Raven (cho nhiệm dự phòng) trị giá 250.000 USD.
Một điểm tiện lợi là binh lính có thể tháo ráp Raven thành từng phần riêng và cất gọn trong ba lô. Trọng lượng của nó cũng rất nhẹ, chỉ khoảng 1,9 kg.
Nó được trang bị một camera màu quay ban ngày hoặc hai camera hồng ngoại quay đêm. Các camera truyền hình video thu được theo thời gian thực cho các nhà điều hành đang điều khiển Raven thông qua một bộ điều khiển cầm tay. Các màn hình của camera được gắn tấm chắn bảo vệ trước ánh sáng mặt trời trực tiếp.
Trần bay của RQ-11 khoảng 10 km tính từ mặt đất và khoảng 4,6 km trên mặt nước biển. Tốc độ bay của UAV Raven có thể đạt tới 97 km/h, nhưng thường hoạt động với vận tốc tuần tra là từ 40-50 km/h.
Phạm vi hoạt động của nó 15 km từ trung tâm điều khiển và thường bay theo một tuyến đường được lập trình sẵn bằng cách sử dụng GPS để điều hướng.
RQ-11 đã được Quân đội Mỹ đặt hàng nâng cấp với công ty AeroVironment với trị giá 66,6 triệu USD, biến chuẩn đơn kênh analog thành chuẩn kỹ thuật số hiện đại cho toàn bộ số UAV Raven RQ-11 trong biên chế.
Nhờ cải tiến này, UAV Raven RQ-11 sẽ đạt hiệu quả sử dụng trong dải sóng điều khiển khiển, khi mà các nhà điều hành có thể điều khiển tới 16 UAV này cùng lúc thay vì 4 chiếc như trước đây. Chuẩn kỹ thuật số cũng giúp mã hóa tín hiệu giữ máy bay và đài điều khiển tốt hơn, giảm khả năng bị phá hay chặn tín hiệu điều khiển.
Vỏ của Raven được làm từ Kevlar, vật liệu được sử dụng trong mũ bảo hiểm và áo khoác bảo vệ cho binh sĩ. Phần lớn thiệt hại của các UAV Raven là do mất liên lạc (máy bay vượt khỏi tầm điều khiển) hoặc lỗi phần mềm, phần cứng chứ không phải do bắn hạ.
Cách phóng máy bay Raven là ném bằng tay (giống như phi máy bay giấy), sau đó tiếp tục hoạt động nhờ pin. Nó được trang bị hệ thống tự động hạ cánh bằng cách hướng tới điểm hạ cánh định trước và chúc mũi nghiêng 45 độ để thực hiện. Trung bình, "tuổi thọ" hoạt động của Raven là 200 lần hạ cánh.
Ngay từ đầu, UAV Raven đã giúp thay đổi cách quân đội chiến đấu. Với con mắt bao quát toàn cảnh chiến trường, các vị chỉ huy có thể di chuyển quân đội của họ một cách nhanh chóng hơn, tự tin rằng sẽ không gặp phục kích hoặc đoán trước những nơi có kẻ địch.
UAV Raven cùng gần một 1.000 những UAV lớn hơn như Shadow, Predator, Reaper, ít khi được công khai về thông tin nhưng có ảnh hưởng lớn trong môi trường tác chiến hiện tại.
Bản thân các UAV cỡ nhỏ như Raven mở ra nhiều hướng trang bị mới như khả năng mang bom dẫn đường, hoặc gián điệp (các UAV siêu tí hon)…
Mạnh Thắng (tổng hợp)