- Biển số
- OF-29161
- Ngày cấp bằng
- 15/2/09
- Số km
- 872
- Động cơ
- 489,000 Mã lực
Nhân sắp đến ngày nhà giáo Việt Nam 20/11, em xin mạn phép mở thớt này để các cụ, các mợ cùng chia sẻ những hồi ức, những kỷ niệm buồn vui của mình về các thầy cô giáo mà các cụ, các mợ đã từng theo học...
Biết đâu các thành viên OF lại gặp lại được đồng môn bấy lâu xa cách...
Em xin phép được có bài mở đầu (Bài đã post trên Blog YuMe của em ạ):
*******************
Biết đâu các thành viên OF lại gặp lại được đồng môn bấy lâu xa cách...
Em xin phép được có bài mở đầu (Bài đã post trên Blog YuMe của em ạ):
*******************
Đọc những lời chúc mừng của các trò suốt mấy hôm nay, nhận những bó hoa đặc trưng (loa kèn) từ các trò, thấy những sự hụt hẫng của các trò mới khi biết "luật" của thầy: Các trò đang học không đến nhà chúc mừng thầy dịp 20-11, tôi cảm thấy mình thật hạnh phúc...
Tôi hạnh phúc khi mình là "điểm đến" của những tình cảm chân thành từ phía trò...
Tôi hạnh phúc khi các trò thực lòng "tặng quà" nhân ngày lễ dành cho các thầy cô, chứ không phải là một "đối tượng của sự chia hoa, chia quà"... như một "thủ tục".
Có thể nói như vậy là khiếm nhã... Vì tôi biết, còn rất nhiều thầy cô giáo tuyệt vời, cũng như các thầy cô của tôi trong cả quãng đời đi học của mình.
Đó là cô Lương dạy tôi hồi lớp 1 trường Ba Đình. Cô dạy chúng tôi khi 2 dòng sữa chảy ròng ròng trên ngực cô... Hồi ấy, tuy còn bé lắm, nhưng tôi vẫn biết, lúc đó... con cô đang khát sữa, đang khóc đòi mẹ ở nhà... Nhưng cô vẫn dạy chúng tôi cả buổi sáng, chỉ có mình cô dạy thôi. (Cấp 1 mà...)
Bao lâu nay em không còn tin tức gì của cô, nhưng trong lòng em, em vẫn nhớ...
Lớp 2 là cô Dung ( mà thực ra là gia đình cô chú thân với gia đình bố mẹ tôi). Cô là một cô giáo rất mô phạm. Cô luôn luôn chuẩn mực từng lời ăn, tiếng nói, tác phong giảng dạy. Thỉnh thoảng tôi vẫn gặp cô chú...
Cô giáo Tường Vi, khi dạy tôi năm lớp 3 cô đã ngoài 50 tuổi, thực sự là cô giáo làm tôi trưởng thành nhiều nhất ở tuổi ấy của mình...
Hồi ấy tôi được cử làm lớp trưởng lớp 3B - trường Ba Đình, học cùng lớp có cháu ngoại của cô (Bạn Tường Minh - người mà hồi ấy tôi đem lòng... ấy ấy...).
Ngày đầu tiên vào lớp, cô Tường Vi đã dạy tôi hướng dẫn cả lớp đọc 5 điều Bác Hồ dạy theo kiểu khác hẳn so với trước đó.
"Mời các bạn cùng tôi đọc 5 điều Bác Hồ dạy thiếu niên nhi đồng. Điều 1..."
Cô thường vào lớp, không đứng lên bục giảng ngay, mà đứng ở giữa 2 dãy bàn. Khi tôi hô "Các bạn, đứng!" một lát, cô hơi cúi mình và nói: "Mời các em ngồi xuống."
Để bắt đầu làm quen với lớp, cô hỏi chúng tôi - những đứa trẻ 9 tuổi một câu hỏi: "Các em có biết khi đi trên một con đường đất mới đắp thì sẽ khác khi đi trên một con đường cũ như thế nào không?"
Rồi cô cứ thế, dạy cho chúng tôi những bài học thú vị trong cuộc sống... Chúng tôi thấy rất rõ đi học để sống tốt hơn khi ra ngoài 4 bức tường nhà trường, khi ra khỏi nhà... chứ không hề có ý nghĩ đi học chỉ để khoe điểm cao với bố mẹ, để đạt danh hiệu này nọ... (Tuy nhiên, ai cũng rất nỗ lực để học giỏi.)
Cô Tường Vi của tôi, của bao thế hệ học trò, giờ đây đã không còn nữa... Cháu ngoại của cô năm nay cũng đã 38 tuổi như tôi...
Trong lòng em, xin thắp một nén nhang tưởng nhớ cô yêu kính suốt đời của em... Chính cô là người đã tạo ra bước ngoặt quan trọng trong tính cách của một đứa trẻ 9 tuổi - em - hồi ấy...
Năm lớp 4, tôi học với cô Hường, nhà ở Tân Bình. Cô dạy rất giỏi, khá nghiêm khắc... Hồi còn học cô, tôi sợ cô lắm. Cô ít đùa, mà em lại thích đùa...
Và rồi... sau này, em thương cô lắm, cô biết không?
Khi em lên cấp 3 rồi đi học đại học... cũng là lúc cô... nghỉ dạy sớm để... ra chợ bán vải vóc, quần áo...
Ôi, cô ơi! Đành rằng làm gì bằng sức lao động chính đáng của mình cũng không có gì là xấu... nhưng thời đó, người đời gọi những người như thế là.. "Con Phe!"... Đau xót lắm cô ơi...
Cô đã phải như vậy, đã hy sinh mình để các con cô được ăn học thành người. Giờ đây các con của cô giáo tôi, người đã từng bị người đời gọi là "con phe"... đã là những người có học hàm học vị cao trong xã hội. Trong em, cô thật tuyệt vời...
Ba năm tiếp theo, tôi học lớp 6, 7, 8 do cô Nga chủ nhiệm. (Xin lưu ý là tôi không học lớp 5 và lớp 9 đâu nhé.)
Cô Nga nổi bật với mái tóc dài đến gần gót chân. Cô dạy Toán, Sinh, có lúc chơi luôn cả Hóa, Kỹ thuật nông nghiệp. Môn nào cô dạy cũng hấp dẫn với giọng nói mảnh nhưng rõ ràng, ngôn ngữ cô đọng, dễ hiểu.
Hồi ấy tôi cũng nghịch ngợm, ngang bướng, nên bị cô sang nhà "báo cáo" phụ huynh vài lần. ( Hồi đó, nhà cô cách nhà tôi khoảng 30 mét, phía đối diện trên phố Đinh Công Tráng.)
Hồi cấp 2 tôi ấn tượng nhất với cô hiệu trưởng Cao Thị Diệu Hoàng, sau này được phong danh hiệu "Nhà giáo ưu tú", hiện cô đã nghỉ hưu nhưng vẫn làm công tác từ thiện và các công việc có liên quan đến giáo dục. Cô có tác phong rất "đàn ông": Mạnh mẽ, dứt khoát, và điều quan trọng là cô cực giỏi... Hôm nào được cô Hoàng dạy thay 1 tiết toán thì sướng cả năm luôn... Cô rất hài hước. Cái hài của 1 người có trình độ rất cao.
Tôi nhớ các thầy, cô cấp 2 của tôi : Cô Nguyễn Thanh - hiệu phó, cô Thuận dạy sinh - kỹ, thầy Giao dạy toán (thầy bị tật một chân), cô Hảo dạy vẽ, cô Thanh dạy nhạc, cô Vân (đen) dạy địa...
Tôi nhớ cả bác lao công già, bác Đức. Bác đánh trống cực chuẩn. Trống hồi đánh đúng 3 phút, trống vào học, trống hết tiết, trống tan học rất đúng nhịp, phách... Hôm nào nắng to, bác đánh trống thể dục toàn bớt đi 2 nhịp... Sau đó, bác Dức không làm lao công nữa và thay vào đó là chú Liên, một thương binh bị mất 1 chân, phải đi bằng chân giả...
(Nhân dịp 20/11 các bạn cũng đừng quên chúc mừng những bác bảo vệ, những thầy cô giám thị, những nhân viên thư viện, lao công trong trường… nhé.)
Vào cấp 3, trường Lam sơn ngày ấy, tôi học lớp toán thầy Phục chủ nhiệm. Thầy Thơ dạy Lý, thầy Thống dạy Hoá.
Tôi vẫn nói với các trò rằng trong tôi bây giờ có hình ảnh của 3 thầy này… Cái tận tuỵ hơn cả 1 người cha của thầy Phục. Thầy chửi thì…kinh người rồi, hết buổi luôn. Thầy sẵn sàng sách tai, ném phấn, ném giẻ vào chúng tôi… Có thể nói thầy là 1 “người cha” dữ đòn của chúng tôi… Và có lẽ nhờ vậy, lớp tôi đỗ ĐH gần hết (hình như chỉ còn 3, 4 bạn.)
Thầy Thống - một bộ óc siêu việt. Một phong cách có 1 không hai. Thầy vào lớp 2 tay đút túi quần, không bao giờ có bất cứ sách vở, giáo án, cặp da gì cả. Bước vào lớp, câu đầu tiên: “Bạn An (lớp trưởng lớp tôi), đi lấy cho thầy mấy viên phấn!”
Sau đó thầy “đánh” 1 phát hết 1 chương trong SGK. Thế mà chúng tôi hiểu bài và nhớ rất tốt lý thuyết Hoá. Rồi sau đó là điệp khúc bài tập triền miên sóng vỗ… Đến mức chúng tôi nhiễm đặc phong cách thầy : Tất cả làm nhẩm, không dùng bút, giấy. Khả năng tính nhẩm của thầy là mũi tên “giết chết” tất cả chúng tôi với sự khâm phục tròn xoe mắt, há hốc mồm.
Cuối năm, thầy cho từng đứa tự nhận mức điểm. Thầy chỉ chỉnh lại cho hợp lý. Ví dụ : “Thằng Trung, bao nhiêu?” “Thưa thầy,… tám phẩy hai ạ.” “ Thôi, cho mày tám phẩy tám!” Chỉ khổ cho bạn An lớp trưởng, mất vài ngày để bịa điểm cho từng bạn. Điểm miệng, điểm 15’, điểm 1 tiết, điểm thi học kỳ…
Các bạn thấy có “quái văn khoái” không?
Thầy Thơ dạy Lý, mộc mạc, giản dị, vô cùng tình cảm với các trò… Sau 10 năm, họp lớp, thầy nhớ đặc điểm từng đứa chúng tôi… Thầy còn trêu ngày xưa đứa nào… "yêu" đứa nào… nhưng bị đứa nào “cướp” mất…
Còn nhiều lắm các thầy cô gắn liền với biết bao kỷ niệm 1 thời học trò…
Thầy Tiến bé nhỏ, chồng cô Vân to… gần gấp đôi thầy… Hai vợ chồng thầy cưỡi con thỏ (Một loại xe máy thời đó - kiểu như xe Minsk của Nga), nhìn từ xa tưởng cô Vân cầm lái…
Thầy Việt dạy Văn, một người tôi rất yêu quý. Thầy luôn lên lớp với bộ quân phục, đội mũ bộ đội, có hôm gắn cả sao…
Có lẽ trong lớp tôi, chỉ mình tôi học môn văn của thầy…
Thầy Phạm Ngọc Quang (bây giờ chuyển sang sở GD) hồi đó còn trích đồng lương ít ỏi của mình cho học sinh cũng tên là Quang ăn học. Bạn này nhà nghèo lắm nhưng học giỏi toán. Bạn ấy được thầy Quang xin nhà trường cho ở dưới gầm cầu thang khu 2 tầng trường Đào Duy Từ bây giờ. “Căn phòng” nhỏ dưới chân cầu thang được quây xung quanh với bảng gỗ hỏng, mặt bàn hỏng…
Bạn Quang này tự nấu ăn lấy theo công thức: Nấu nồi cơm, cho dư chút nước. Cơm gần cạn, chắt nước cơm ra, cho tí muối vào làm canh, sau đó cho rau muống vào nồi cơm… Cơm chín cũng là lúc rau chín. Tất cả chỉ có 1 bếp, một nồi…
Và rồi năm ấy, bạn Quang, trò cưng của thầy Quang, đạt giải toán Quốc tế…
Trải qua 1 đời học sinh như vậy, tôi, nhờ một sự tình cờ nào đó, không bị thay đổi quá nhiều theo xu thế thực tế của xã hội…
Tôi vẫn tôn thờ, mãi tôn thờ cái tình xưa ấy, cái nghĩa cũ ấy… Tất cả, tất cả những gì các thầy cô đã truyền dạy cho tôi, đã hun đúc cho tôi, tôi luôn giữ trong lòng, và tự hứa với lòng rằng mình sẽ sống thật tốt trong khả năng của mình, để giữ mãi tình nghĩa thầy trò cao đẹp các thầy cô dành cho tôi, giờ đây tôi dành cho các trò, và các trò tôi, tôi tin rồi họ cũng thế…