[Funland] Những hồi ức của CCB chiến trường K !

Xe đạp ViHa

Xe tăng
Biển số
OF-159708
Ngày cấp bằng
7/10/12
Số km
1,004
Động cơ
360,454 Mã lực
Để tiếp theo mạch chuyện và mong muốn tìm hiểu thêm về những người lính tình nguyện - bộ đội Việt Nam tại chiến trường Cam pu chia làm nhiệm vụ Quốc tế. Xin phép các cụ em pots tự chuyện " biên giới Tây Nam " của bác cựu chiến binh Xuân Tùng, với bút danh Trungsi1 trên các diễn đàn. Đây là bản chỉnh sửa lần 2 của bác ấy , có thêm những hình ảnh môt số địa danh chiến trường cho nó gần gũi và thực tế hơn, dễ hiểu hơn với người đọc và các CCB.

Em cũng vừa điện thoại, trao đổi và xin phép và được sự đồng ý của tác giả. Có thể rất nhiều cụ trên diễn đàn này cũng từng đọc câu chuyện này rồi. Tuy nhiên bản 2 này có nhiều điều mới mẻ, thú vị hơn bản cũ. Mong các cụ cùng theo dõi và chia sẻ ( xin đừng quá lời về một vấn đề nhạy cảm nào đó vì tác giả vẫn làm khách viếng thăm thường xuyên ) về một khía cạnh hay tổng thể cuộc chiến tranh bắt buộc qua góc nhìn thực tế của một người lính chiến .
 

Xe đạp ViHa

Xe tăng
Biển số
OF-159708
Ngày cấp bằng
7/10/12
Số km
1,004
Động cơ
360,454 Mã lực
Biên giới Tây Nam !

VĨNH BIỆT TUỔI THƠ

Tôi vĩnh biệt tuổi thơ bằng một cú va chạm mạnh.

Miền Bắc hồi đó, chị em toàn dùng một loại “quang treo” (áo nịt ngực) cùng kiểu, cùng size. Nó dày, các lớp vải thô được "tích- kê" đồng tâm chặt với nhau thành hình nón. Đặc biệt cái mũi cứng và nhọn hoắt nên cái sơ mi mặc ngoài tại vị trí đó sờn trước tiên. Bác nào ham sưu tầm các tranh cổ động, tranh “bờ hồ” thời đó hẳn biết cái soutien đó nó ảnh hưởng đến nền mỹ thuật hội hoạ tuyên truyền cổ động của chúng ta như thế nào. Trên các tranh này thể hiện rất rõ sự tấn công hùng tráng của “núi đôi”, với sự trợ giúp đắc lực của cặp phụ tùng này...

Tôi năm đó 18 tuổi, đang học lớp 10 trường Phan Đình Phùng – Hà Nội (hệ 10 năm). Thằng con trai 18 tuổi thời đó ngu lắm, không quái như bọn trẻ con bây giờ. Vẫn dở ông dở thằng, vẫn đôi khi còn mặc quần đùi thông lổng ra hồ Hoàn Kiếm câu tôm trong những ngày nghỉ. Một lần, cùng bọn con trai đuổi nhau trong trường, tôi chạy ngoặt qua cái góc cầu thang gỗ thì va đánh ầm vào một cô giáo thực tập đang đi lên. Tôi đỡ cô giáo dậy, lúng búng xin lỗi rồi biến mất. Nhưng cái "vết thương" do hai quả “ngư lôi” gây ra trên ngực tôi thì không biến mất. Từ hôm đó, mặt tôi cứ thộn ra, thỉnh thoảng lại sờ tay lên ngực... Tính tình trở nên trầm hẳn.

Ôi thôi rồi cái vết thương thời áo trắng!

Thời đó áo trắng cũng hiếm. Vì thực ra gần nửa thời gian thơ ấu của tôi sống cùng Hà nội trong bom Mỹ thả. Rồi đi sơ tán...Áo trắng của tôi bị mẹ nhúng vào chậu xanh-mê- ti- len do bố mang về để nguỵ trang.

Điều đó quả thật không may cho một đứa trẻ con. Nhưng có vẻ chính những trận bom ấy, tầm cao xạ ấy, tiếng B.52 rền rền ấy làm cho mình không bị bất ngờ trước những tiếng nổ sau này. Cũng chính cuộc sống nơi sơ tán thôn quê đã giúp mình tự lập, thay đổi thói quen, thích nghi với những hoàn cảnh khó khăn dã ngoại.

Và cũng có thể các cuốn truyện thiếu nhi rất hay thời đó : Đất rừng phương Nam; Cuộc truy tầm kho vũ khí; Rô bin sơn Cru xô; Ti mua và đồng đội... cũng làm mình trong gian khổ vẫn thoáng thấy niềm khao khát tìm hiểu các địa danh, các miền đất lạ, những thú vật, cây cỏ nơi xa lắc… Kể cả cái thú xem, tìm hiểu bản đồ hay thiên văn thường thức. Ngần ấy thứ gộp lại bằng 10%, cộng với 90% là do may mắn, có lẽ thế, đã giúp tôi được trở về.

Sau kỳ thi đại học năm 1978, tôi đi nghỉ hè trên chỗ viện bố tôi công tác ở Phúc Yên, Vĩnh Phúc. Rồi một ngày chủ nhật, tôi theo công nhân viên của viện ông lên Tam Đảo chơi. Tháng tám, đang mùa thu hoạch cây xuyên khung. Có ai còn nhớ thuốc cảm Khung Chỉ thời đó không? Đó là do ta bào chế từ cây xuyên khung và bạch chỉ nên đặt tên như thế! Thị trấn trên núi vắng teo, thơm ngát mùi xuyên khung héo, phơi đầy trên những con đường dốc…

Chiều tối hôm đó, khi trở về gần đến Vĩnh Yên thì trời đổ mưa. Từ cửa sổ xe ca hồng thập tự, tôi thấy một đoàn quân đang lặng lẽ hành quân đi trong mưa. Họ trùm nilon sù sù, cắm cúi bước trên con đường loáng ánh đèn pha. Trong xe thật ấm. Và chỉ một chút nữa thôi là về đến nhà. Là có thể duỗi dài đôi cẳng đã mỏi nhừ vì leo xuống thác Bạc. Là mở cái đài Hồng Đăng trong phòng bố nghe ca nhạc.... Khi so vai trong phòng ấm, nhìn ra màn mưa dày ngoài kia, khi ta đang an toàn sung sướng, nhìn thấy người ta gian lao vất vả, không biết mọi người nghĩ gì? Nhưng có một điều gì đó như dự cảm đồng vọng, bắt tôi phải nhìn theo mãi đoàn quân ấy. Có biết đâu rằng chỉ vài ngày nữa thôi, là thành đồng đội. Chỉ bốn tháng nữa, là cũng đi rạc rài hơn thế, là chui hầm ngủ đất, là không biết sống chết thế nào ở một nơi xa lắc rồi…

Về đến viện gặp bố. Ông bảo:”Mai về Hà nội, con có lệnh nhập ngũ”.

Suốt đời, tôi không thể quên được cái buổi chiều hôm chủ nhật ấy. Có thể xuyên gắn chúng lại với nhau bằng những từ đơn giản : Tháng tám _Tam Đảo _mùi xuyên khung_ đoàn quân mưa ướt_giấy gọi nhập ngũ.


VÙNG QUÊ YÊN TĨNH



Sẽ là một thiếu sót lớn trong câu chuyện biên giới Tây Nam khi không nhớ gì, không nhắc gì đến cái làng quê mà chúng tôi huấn luyện ở tại đó trước khi vào chiến trường. Cái xóm Núi, thôn Lãm gần ga Bình Lục ấy…Một làng quê Bắc bộ vùng đồng chiêm trũng điển hình. Những ngọn đồi thấp cắm chân thẳng xuống đồng sâu. Tre gai bao bọc lấy làng thành luỹ dày ngăn ngắt.

Đoàn tân binh Hà Nội vừa xuống khỏi mấy chiếc xe ca Ba đình, được tập trung tại sân kho. Những đồ lính được phát ngay lập tức gồm: bát sắt, chiếu đơn hoa, màn xô trắng, chăn chiên sợi Nam định màu đỏ nhạt. Đũa thì tự đi mà tìm lấy…Quân phục, mũ, sao, tiết vẫn chưa được phát. Chúng tôi vẫn mặc thường phục ở nhà mang đi. Chiều tối hôm đó đơn vị không nấu cơm. Phát cho mỗi người hai cái bánh mỳ to tổ bố.

Chúng tôi được biên chế thành tiểu đội, trung đội ngay. Lính các tiểu khu (phường bây giờ) được xáo trộn, về các đơn vị khác nhau. Chắc để cho khỏi tụ bạ làm loạn hoặc để chia dễ trị… Chưa được phát ba lô, mấy thằng chúng tôi ôm tất cả các thứ đồ đó trên tay, lếch thếch đi theo các cán bộ về các nhà dân ở.

Dân làng nghèo, nhiều nhà phải ngả cả cánh cửa xuống, lấy chỗ nằm cho bộ đội. Tôi với thằng T. Anh được anh Ly tiểu đội trưởng đưa về nhà một chị có chồng cũng đi lính chống Mỹ. Chị ấy có thằng bé con năm đó mới đi học lớp Một. Thằng T. Anh cho nó cái bánh mỳ. Nó nhìn mẹ nó rồi ngập ngừng cầm lấy. Đã ba năm kể từ ngày thống nhất mà chồng chị ấy vẫn không có tin tức gì. Rất ít nói, rất buồn, cứ như một cái bóng. Mờ đất, khi chúng tôi nghe tiếng còi báo thức sáng của anh Ly thì chị ấy đã cuốn xà cạp vào chân, loạt soạt kéo cái rào rong lấp cổng ra đồng rồi…Xà cạp là cái miếng vải cuốn vào bắp chân, cao đến tận đùi để chống đỉa. Đồng chiêm trũng nên đỉa rất nhiều. Đỉa hẹ nhỏ, mỏng như cái que, hai lườn vàng choé nhưng rất thính, động nước là lao đến liền. Con này rất sợ vì nó tham ăn, lại hay luồn lách được vào những chỗ không ngờ. Đỉa trâu thì quả là nỗi khủng khiếp! Khi đói nó co lại có khi chỉ bằng cái *** mít. Nhưng khi đã no máu thì nó trương lên cỡ chục lần, bằng quả chuối tiêu.

Những buổi chiều, chúng tôi tập xong ngồi nghỉ ở sân kho cũng là lúc đàn trâu hợp tác đi cày về. Cũng dồn ở sân kho như bộ đội, trệu trạo nhai lại, hay ngửi hít, cọ sừng cồng cộc với nhau. Trên đùi bọn này là một túm đỉa lúc lỉu căng máu, to như quả chuối tiêu cỡ bự. Ấy thế mà bọn trẻ trâu nó cứ mặc kệ. Tôi kinh tởm nhất cái giống này…Bẻ một cành rong, cùng anh em hò nhau đi bắt đỉa cho từng con. Con khủng long rơi xuống, lấy chân dẵm lên day day. Hai tia máu đỏ phọt ra từ cả hai đầu thành vòi vụt xa đến cả mét. Vẫn chưa hả, chúng tôi đốt rơm, gắp chúng nó thảy vào. Một lúc, những con đỉa nổ trong lửa bụp bụp, tiết dở sống dở chín văng tung toé. Trung đội 2 có thằng Trương xếch, muốn thể hiện bản lĩnh trước anh em. Nó nướng cháy từ từ một con đỉa cho đến khi vỏ ngoài thành than. Hắn bóc cái vỏ đen đen đó, cầm miếng tiết trâu nóng hôi hổi cho thẳng vào mồm, mặt nhăn nhăn nhở nhở. Tởm chết mẹ!

Nhưng cũng có những thằng sợ đỉa. Một lần, thằng T. Anh đang tập ngắm bia số 1 ngoài bờ cùng trung đội thì đau bụng. Nó đi loanh quanh tìm chỗ rồi chúi trong đám cỏ năn nước xâm xấp, bị đỉa bâu mà không biết. Đến khi phát hiện ra thì máu đã chảy ròng ròng trên bắp chân. Nó rú lên, không kịp xốc quần, chạy cà giựt cà tang về phía các chị em xã viên đang ngồi nghỉ. Các bà này thấy thế cũng hoảng, ôm nón chạy toá ra, vừa chạy vừa cười rũ rượi. Cả trung đội trưởng tôi cũng cười rồi xô vào gỡ cho nó. Nhưng anh Cường chính trị viên (dân phố Cầu Gỗ- Hà nội) thấy thế tức lắm! Hôm sau cho nó nghỉ tập ra sân kho, bắt gỡ đỉa cho trâu bằng tay dưới sự giám sát của cán bộ. Nó sợ đỉa chứ không sợ cán bộ, dứt khoát không làm. Vùng vằng mãi rồi suýt đập cả a trưởng. Tối đại đội gọi lên thì nó nói thẳng là bảo nó làm gì cũng được, kể cả bốc ***. Nhưng nếu cứ bắt nó làm như thế thì nó sẽ đào ngũ. Hình phạt ấy về sau phải bỏ. Có những nỗi sợ vô thức đâu đó trong con người, trong từng khoảng khắc, nó bất chấp cả kỷ luật. Tôi cũng sợ đỉa nhưng không đến mức như nó…

Một tuần sau, thấy chúng tôi ở nhà chị ấy có vẻ không tiện, anh Ly a trưởng lại lôi hai thằng tôi về ở cùng…
 

Xe đạp ViHa

Xe tăng
Biển số
OF-159708
Ngày cấp bằng
7/10/12
Số km
1,004
Động cơ
360,454 Mã lực
....Nhà này khá to. Ông chủ nhà là chủ nhiệm hợp tác xã có con đi bộ đội trong Nam. Hai ông bà cùng cô con gái út 17 tuổi tên là Độ ở nhà trên. Bọn tôi được xếp ở nhà ngang phía dưới. Toàn bộ khu nhà đó nằm thoải từ chân núi xuống cái giếng cạnh đường làng. Cái giếng chết tiệt này nó sâu lắm ! Dây thì lại ngắn vừa phải, nên mỗi lần em Độ cúi nhoài người để giật cái gàu cho nó ụp xuống múc nước thì lại lạnh lưng hở sườn. Những ngày mưa ngâu, chúng tôi không ra thao trường được. Nằm tập ngắm bia con, chấm bút bi ở trong nhà sao cho nó chụm. Ngắm bia thì ít, mà ngắm cái trăng trắng dưới vạt áo đang múc nước ngoài kia thì nhiều. Nó trắng hơn bia là cái chắc. Anh Ly dân Hải Phòng bực mình, nổi máu quân tử mã thượng, đi mua một cái chạc dài thay dây gàu. Lại bắt tụi tôi mỗi đứa mỗi ngày hai gánh nước đổ lên bể trên cho nhà cô Độ.

Lần đầu tiên tôi phải đi gánh nước. Đau vai thì không nói làm gì,.nhưng mấy cái bậc đá trơn leo dốc làm tôi ngã sóng xoài, sứt mất phần ba cái răng cửa. Hít ra hít vào nó buốt lên tận óc. Thành ra ăn cơm ngô, tôi trệu trạo đưa đẩy răng hàm mấy cái rồi nuốt chửng. Đến giờ răng cửa vẫn nguyên cái miếng mẻ to tướng ấy.

Em Độ, lạy giời, không cảm cái oai với sợi thừng dài của anh Ly, mà đâm thông cảm với cái thằng vì sườn mình mà răng nó sứt. Ngày đó quán bà bóp cây đa đầu tiên bán 2 hào quả bưởi. Sau khi bộ đội về làng, bà điều chỉnh giá lên kịch đường tàu thành 5 hào. Tôi với thằng T.A ở đó thích là có bưởi ăn liền, khỏi mua vì cô Độ cho. Bưởi đầy sau núi vườn nhà. Tối thứ Tư sinh hoạt trung đội, đọc báo sân kho. Tôi cáo ốm không đi. Lúc về lão Ly đi khẽ, lia đèn pin, thấy tôi không ốm, đang ngồi chén bưởi rinh rích vô tư cùng ẻm trên bực giếng. Anh ấy mới hầm hầm ra cái lệnh: Từ nay ngồi "tìm hiểu" hay nói chuyện với phụ nữ, với nữ đoàn viên thanh niên địa phương ban tối thì phải đốt đèn dầu. Đèn dầu phải để giữa hai người...
 

ynhi2208

Xe điện
Biển số
OF-80429
Ngày cấp bằng
16/12/10
Số km
2,277
Động cơ
435,741 Mã lực
Nơi ở
Bốn bể là nhà,quê hương chỉ một
Từ nay ngồi "tìm hiểu" hay nói chuyện với phụ nữ, với nữ đoàn viên thanh niên địa phương ban tối thì phải đốt đèn dầu. Đèn dầu phải để giữa hai người...

Quan tâm sâu sắc đến đời sống văn hóa của chiến sĩ quá :))
 

Xe đạp ViHa

Xe tăng
Biển số
OF-159708
Ngày cấp bằng
7/10/12
Số km
1,004
Động cơ
360,454 Mã lực
Từ đó ra đường quốc lộ 1 là 7 km, đến thị xã Phủ lý thêm 4 km nữa. Tổng cộng là 11 km. Ấy thế mà mấy đứa bạn gái cùng lớp các bạn ấy dám đến đơn vị thăm chúng tôi đấy. Đầu tiên đi xe ca từ Hà nội đến Phủ lý. Sau đó thì đi bộ 11km vào đơn vị. Bọn chúng tôi có 4 đứa trai cùng lớp chơi thân với nhau gồm tôi, Votmuoi, thằng T (B trưởng trinh sát D4b mà tôi đã bốt ảnh bên Quân sử vn) với thằng T.A. Sau thêm một nhóm bốn bạn gái nữa thành một nhóm.

Chiều tà tiễn nhau ra bến xe để về nhà. Tôi xin phép cho đi tiễn nhưng anh Ly sợ chúng tôi bám váy trốn theo nên không cho. Chúng tôi cứ lẳng lặng đi. Đồng tháng 10 đang mùa gặt. Rơm phơi đầy trên đường làng, rơm quấn lấy bước chân người. Thơm thơm lãng mạn ghê lắm nhé! Đi giày quân đội như tụi tôi bước còn khó. Huống hồ đi guốc gỗ vẽ sơn mài con cá vàng thì chỉ có mà nhờ dịch vụ cõng. Bao nhiêu guốc các nàng đành tháo ra hết. Tôi lấy sợi lạt bó lúa xâu cả lại xách toòng teng. Gần ra đến ngã ba thì anh Ly mượn xe đạp của dân đuổi kịp. Tôi bảo anh cứ đi về đi, tiễn đến ngã ba thì tụi em trở về. Anh ấy không tin, cứ dắt xe đạp đi sau tụi tôi một đoạn. Đội hình đầu nhọn đuôi dài như truyện Con Ngỗng Vàng của Gờ Rim với cha xứ đi sau cùng
 

Xe đạp ViHa

Xe tăng
Biển số
OF-159708
Ngày cấp bằng
7/10/12
Số km
1,004
Động cơ
360,454 Mã lực
Buổi liên hoan chia tay các bạn, các em tối ngày 15/8/1978 tại nhà Bình đại liên số 4B Hàng Giấy :



Tân binh tập trung tại sân kho Khuyến Lương, xã Trần Phú ngày lên đường 17/8/1978:



Một số hình ảnh khác về thời áo trắng của các bạn cùng lớp năm 1978. Ta có thể thấy trang phục là quần ống loe, tóc để dài trùm tai, trùm gáy kiểu John Lennon nhóm The Beatles. Phong cách mà hồi đó gọi là "bít zít". Cũng đính chính là khi đi học không được phép ăn mặc như thế. Song đây là mùa hè cuối cùng sau khi thi tốt nghiệp PTTH trước khi lên đường. Có thể thấy cả chiếc xe Ziguli hay Lada phía sau nhé:



Chuyến đạp xe đi chơi chùa Thầy trước ngày lên đường. Ảnh chụp trên bãi Thiên Thị (Chợ Trời) núi Sài Sơn. Máy ảnh loại Zenhit và rửa ở hiệu ảnh Tam Anh phố Hàng Gai. Trong hình có đủ cả các loại hỏa lực_ lính 12.8mm (Votmuoi); B.41 (16p/ngày); Đại liên K.53 ...

 

Xe đạp ViHa

Xe tăng
Biển số
OF-159708
Ngày cấp bằng
7/10/12
Số km
1,004
Động cơ
360,454 Mã lực
Năm đó cũng cữ này thì chúng tôi đi bắn đạn thật. Trường bắn cách chỗ tôi đóng quân 4km, nằm phía sườn đông dãy núi Khe Non. Từ mấy hôm trước, BCH đại đội cùng thằng Trung liên lạc bò ra cắt dán những bông hoa hồng màu đỏ, có cái đuôi nheo vàng để phát cho những thằng bắn đạt loại giỏi đeo trên ngực. Thằng Trung là em một cô bạn cùng lớp với chúng em, nhà ở số 9 phố Đồng Xuân. Năm đó nó mới 16 tuổi mà không hiểu sao người ta cũng cho đi bộ đội.

Ngày bắn đã đến. Chúng tôi dậy và hành quân từ 5 h sáng sau khi đã chén xong suất ngô sáng. Toàn tiểu đoàn bắn trong một ngày. Đến nơi, tôi giật mình vì ông D trưởng cầm khẩu AK bắn chỉ thiên ba phát. Tiếng súng dội đi dội lại theo sườn núi ào áo chứ không đanh. Tôi vào vị trí bắn thì cũng run. Anh Toại B trưởng nằm xuống cạnh bảo "kệ mẹ cho chúng nó bắn trước để quen tiếng nổ đã". Lão ấy lấy kính kiểm tra gài lên súng tôi, thấy đầu ruồi rung quá mới bảo; " Cứ bình tĩnh. Nếu thiếu tự tin phát nào tao bù đạn cho. Trong túi tao đầy đạn". Bên cạnh tôi, chúng nó nổ súng đùng đùng. Biết đếch thằng nào bắn ba viên, thằng nào bắn năm viên mà lo. Cha chả các bố huấn luyện ! Đơn vị nào cũng có mánh để nâng thành tích của đơn vị mình. Trách gì cái bệnh hình thức của toàn xã hội ta bây giờ. Tôi còn nghe có đứa nó bảo là mấy thằng báo bia còn lấy que thông nòng súng dùi lỗ trên bia để nâng thành tích thêm nữa. Không biết có đúng hay không ?

Hôm đó tôi cũng chỉ bắn 3 viên, được 26 điểm, cũng đạt giỏi. Cũng được đeo một bông hồng giấy trên ngực lấy le với mấy em xã viên

Sau kỳ đó thì chúng em tập nhàn hẳn. Buổi sáng lười, trốn tập thể dục không ai nói. Chúng tôi có thời gian lần mò cải thiện tẩm bổ. Mưa thì mượn lưới dân đi lưới cá ở ao Hợp tác vượt ra mương. Đất vùng chiêm trũng. Những buổi trưa nắng thu hanh gắt, nắng rám trái bòng. Những con ốc bươu, ốc nứa vỏ mỏng vàng xọng, tích khí bên trong vỏ, từ từ nổi lên trên mặt nước. Để nhờ cơn heo may dài rộng mà đủng đỉnh làm chuyến viễn du trên mặt sóng lăn tăn. Nghỉ trưa là tụi tôi mang vợt ra đi vớt. Ốc mùa này béo lắm ! Trong những bó rạ được người ta buộc túm, bỏ lại trên ruộng, chờ khô để rải liếp màu, là nơi trú ngụ của cua đồng. Nhấc ra là túm được dăm con. Còn trong những dấu thụt chân người đọng nước trên mặt bùn đã xanh rêu, thọc tay khua khoắng cũng túm được mấy con cá đòng đong, mài mại hay cá giếc nhỏ... đem về nhờ kho khế.

Những chiều cuối thu, nằm dài trên bờ mương dưới bóng bạch đàn ngắm bia mẹ con. Đồng đã gặt xong vắng tênh. Trong không gian bắt đầu chuyển lạnh thấy rõ. Mà đất chỗ tôi ở cách Bình Luc, Yên Đổ quê cụ Tam Nguyên chưa đến 4 cây số. Hẳn ngày xưa, cụ cũng sống trong cái không gian đồng đất xóm mạc cuối thu buồn bã này, nên mới cảm mà viết nên những tuyệt phẩm Thu Vịnh, Thu Điếu...
 
  • Vodka
Reactions: dez

Xe đạp ViHa

Xe tăng
Biển số
OF-159708
Ngày cấp bằng
7/10/12
Số km
1,004
Động cơ
360,454 Mã lực
Đúng cựu chiến binh có khác,phong trần quá các cụ nhẩy
Em có vài lời giứoi thiệu qua về bác Tùng này chút !

Tuy không phải nhà văn ( bác ấy là nhà kỹ thuật ) nhưng các bài viết của bác rất hay và sâu sắc, nhân văn. Không khô cứng nhưng cũng chẳng lên gân như chính trị viên .

Là một nhà nhiếp ảnh nghiệp dư, những bức ảnh của bác ấy cũng rất đẹp, phong phú đủ cả các thể loại ( trừ người mẫu, hoặc có nhưng bác ấy dấu vì sợ em xin đi theo cầm đèn chụp :D ) phong cảnh, macro...

Không phải nghệ sĩ nhưng lại là một tay đàn ghi ta điêu luyện và có giọng hát thật truyền cảm ( lúc cao vút, lúc mất hút :D ) và khi đi giao lưu đồng đội anh em vui vẻ hết mình.

Chứng cứ đây ạ :

 
Chỉnh sửa cuối:

pain

Xe ngựa
Biển số
OF-26066
Ngày cấp bằng
19/12/08
Số km
25,969
Động cơ
128,535 Mã lực
Nơi ở
Tháng 3
Em đang rủ cụ VX, cụ TS1 này đi siêu ọp. Cụ nào ké mâm thì đăng ký để em xin mâm nhá;))
 

Xe đạp ViHa

Xe tăng
Biển số
OF-159708
Ngày cấp bằng
7/10/12
Số km
1,004
Động cơ
360,454 Mã lực
Em đang rủ cụ VX, cụ TS1 này đi siêu ọp. Cụ nào ké mâm thì đăng ký để em xin mâm nhá;))
Tiếc quá. hôm nọ Tuyên quang cụ chủ tịch Sumakhơ thông báo đăng ký nhà em lại bận mất. Thôi cụ cứ xin cho em chân dự khuyết nhé . Thực ra em là thành viên mới chưa đóng góp được gì nên cũng ngại, có gì off ngoài lề cũng được !
 

Xe đạp ViHa

Xe tăng
Biển số
OF-159708
Ngày cấp bằng
7/10/12
Số km
1,004
Động cơ
360,454 Mã lực
Bác mặc áo khoác trắng đứng sau mợ áo đen nom quen quá! Hềnh như bác ấy có VP trong tòa nhà Thei6n sơn ở SG thì phẩy?
Các cụ, mợ trong này đều là thành viên OF cả cụ ạ. cụ này hình như còn làm min, mob Box nào đó !
 

Xe đạp ViHa

Xe tăng
Biển số
OF-159708
Ngày cấp bằng
7/10/12
Số km
1,004
Động cơ
360,454 Mã lực
Thơ của tác gi

VỀ ĐỒNG


Rơm rạ ơi ta trở về đây
gió sùng sục mùi bùn nằng nặng ngấu
mộc mạc tím cánh hoa bìm bờ dậu
vắt vẻo cành tre sáo sậu gọi tên mình

Rơm rạ ơi ta trở về đây
nắng lóng lánh trong veo mầm mạ trắng
lưng trần ứa giọt sương người mằn mặn
tiếng cuốc kêu thất bát buổi trưa đầy

Rơm rạ ơi ta trở về đây
cô hàng xóm vặn tay bồng tay bế
bàn tay ấy có lần ta chạm khẽ
thuở phải lòng nhau nào dám gì đâu

Rơm rạ ơi ta trở về đây
ráng chiều cháy cái màu rơm rạ cháy
đồng hí hoáy cố nhân đi cấy
mông nứt đôi nhẫn nại chổng lên trời

Rơm rạ ơi ta trở về đây
xin cúi lạy vong linh làng mạc
bà và mẹ hoá cánh cò cánh vạc
ông và cha man mác kiếp trâu cày

Rơm rạ ơi ta trở về đây
ngôi chùa cũ mái đình xưa khuất bóng
cỏ áy vàng bãi tha ma vắng
lòng ngổn ngang gò đống tổ tiên nhà…

(Quê nhà, mùa hạ 1992)
 

Xe đạp ViHa

Xe tăng
Biển số
OF-159708
Ngày cấp bằng
7/10/12
Số km
1,004
Động cơ
360,454 Mã lực
Chiều vãn tập, chuẩn bị về nhà chờ đi ăn cơm. Trung đội ngồi quây quần trên núi đó cùng với B trưởng Toại tán dóc. Lão này là cán bộ B nhưng hóa vẫn còn nghịch dại, đem giấu khóa nòng khẩu AK của một thằng tôi không nhớ tên trong trung đội. Nó sợ, kêu toáng lên là chỉ có em với anh ở đây, lại mới vừa tháo lắp súng thấy đủ. Vậy nó đi đằng nào ? Chỉ có anh giấu thôi ! Ông Toại cứ cãi sống chết. Bọn tôi bênh nó, vào hùa làm ầm lên. Một lúc sau thì lão ấy đành xì ra và bảo đừng có báo cáo đại đội. Báo cáo thì ông ấy đi theo anh em vào chiến trường là cái chắc. Giống như trường hợp của mấy ông A trưởng huấn luyện như Ánh Hải phòng, Kính Hải phòng...

Chúng tôi không báo. Nhưng tối đi sinh hoạt đại đội ngoài sân kho, đang lộn xộn đi qua bờ cây tối thì nghe đánh "Ủm". Rồi tiếng lão Toại chửi rầm lên...

Cóc biết đứa nào dám đẩy ông Toại lăn xuống cái ao đang ngâm tre. Tre đang ngấu, thối lắm !

Lão ấy cũng không báo đại đội hoặc làm căng với tụi tôi. Thế là HÒA !
 

Xe đạp ViHa

Xe tăng
Biển số
OF-159708
Ngày cấp bằng
7/10/12
Số km
1,004
Động cơ
360,454 Mã lực
Thời gian huấn luyện những năm đó khẩu phần ăn của các anh thế nào ?

Chúng tôi thì như sau: Bữa sáng ăn ngô xay nấu như kiểu nấu cơm. Có cho chút vôi để ngô mềm. Thường thường là nát như bánh đúc. Gác ca cuối thì mò vào cạy cửa bếp ăn vụng cháy. trên mỗi chậu nhôm chia ngô, chị nuôi úp một miếng cháy. Cháy ngô nấu chảo gang dày khi ăn nóng khá giòn và ngon. Bữa trưa và chiều thì cơm ngô theo tỷ lệ 50-50. Thức ăn là rau muống chấm "nước mắm" gạo rang. Một chút cá khô mục nữa. Còn thịt hồi đó được định nghĩa: là thức ăn hằng ngày của nhân dân, mà bằng mắt thường ta không thể nào nhìn thấy được

Thằng Long "Nhuận" ở 54 Hàng Giấy, gần hiệu sách Yên Sơn, có mang theo một cây guitar. Nó là học trò ông Văn Vượng, chơi classic khá hay. Ngón trémolo những bài "Bài ca hy vọng", "vũ khúc Tây ban nha".... nghe không khác trên đài là mấy. tôi cũng mới tập tọe học chơi. Nhai đi nhai lại mấy cung Am, Dm, C, E7 rồi lộn về Am là hết vốn. Đã thế lại còn thích sáng tác. Một sáng tác của tôi theo giai điệu bài "Hạ Trắng" của Trịnh Công Sơn thế này:

Tuyệt quá.....!
Bữa cơm chúng mình
Toàn rau muống xanh

Bát cơm ngô vàng
Đệm cho món canh
Tép kho hôi rình
Ngửi sao thấy tanh

Nghẹn không muốn nuốt
Biết sao bây giờ...?

Cho nên em buồn
Cho nên em chuồn
Về nơi phố cũ....

Cho nên em khùng
Cho nên em bùng
Đường xa sá chi
Đường ta cứ đi
Nắng không ngại gì

Biến xa đơn vị
Em hãy cùng đi...


Phải nói là tôi có công phổ cập âm nhạc TCS. Kể ra thì nhiều lão cáu nhưng quả thật nhiều thằng không biết Hạ Trắng là cái gì, nhưng lại thuộc lòng cái lời xuyên tạc chết tiệt này.

Một tối, đang gân cổ say sưa trình tấu thì anh Cường CTV vồ được. Anh ấy hỏi thằng nào sáng tác bài hát này? Tôi bảo là Trịnh Công Sơn. Anh ấy bợp tai tôi phát, bảo là mày đừng có bố láo. Đại đội này không có quân nhân nào tên là Trịnh Công Sơn cả. Mai đi làm cỏ lúa !

Ba hôm liền, cứ sau bữa trưa, mọi anh em về đánh giấc thì tôi ra ruộng làm lao công dưới sự giám sát của anh Ly. Lão ấy cứ lầm bầm chửi tôi là tiên sư mày, vì mày mà bố mày khổ lây.
 
Thông tin thớt
Đang tải

Bài viết mới

Top