Biên giới Tây Nam !
VĨNH BIỆT TUỔI THƠ
Tôi vĩnh biệt tuổi thơ bằng một cú va chạm mạnh.
Miền Bắc hồi đó, chị em toàn dùng một loại “quang treo” (áo nịt ngực) cùng kiểu, cùng size. Nó dày, các lớp vải thô được "tích- kê" đồng tâm chặt với nhau thành hình nón. Đặc biệt cái mũi cứng và nhọn hoắt nên cái sơ mi mặc ngoài tại vị trí đó sờn trước tiên. Bác nào ham sưu tầm các tranh cổ động, tranh “bờ hồ” thời đó hẳn biết cái soutien đó nó ảnh hưởng đến nền mỹ thuật hội hoạ tuyên truyền cổ động của chúng ta như thế nào. Trên các tranh này thể hiện rất rõ sự tấn công hùng tráng của “núi đôi”, với sự trợ giúp đắc lực của cặp phụ tùng này...
Tôi năm đó 18 tuổi, đang học lớp 10 trường Phan Đình Phùng – Hà Nội (hệ 10 năm). Thằng con trai 18 tuổi thời đó ngu lắm, không quái như bọn trẻ con bây giờ. Vẫn dở ông dở thằng, vẫn đôi khi còn mặc quần đùi thông lổng ra hồ Hoàn Kiếm câu tôm trong những ngày nghỉ. Một lần, cùng bọn con trai đuổi nhau trong trường, tôi chạy ngoặt qua cái góc cầu thang gỗ thì va đánh ầm vào một cô giáo thực tập đang đi lên. Tôi đỡ cô giáo dậy, lúng búng xin lỗi rồi biến mất. Nhưng cái "vết thương" do hai quả “ngư lôi” gây ra trên ngực tôi thì không biến mất. Từ hôm đó, mặt tôi cứ thộn ra, thỉnh thoảng lại sờ tay lên ngực... Tính tình trở nên trầm hẳn.
Ôi thôi rồi cái vết thương thời áo trắng!
Thời đó áo trắng cũng hiếm. Vì thực ra gần nửa thời gian thơ ấu của tôi sống cùng Hà nội trong bom Mỹ thả. Rồi đi sơ tán...Áo trắng của tôi bị mẹ nhúng vào chậu xanh-mê- ti- len do bố mang về để nguỵ trang.
Điều đó quả thật không may cho một đứa trẻ con. Nhưng có vẻ chính những trận bom ấy, tầm cao xạ ấy, tiếng B.52 rền rền ấy làm cho mình không bị bất ngờ trước những tiếng nổ sau này. Cũng chính cuộc sống nơi sơ tán thôn quê đã giúp mình tự lập, thay đổi thói quen, thích nghi với những hoàn cảnh khó khăn dã ngoại.
Và cũng có thể các cuốn truyện thiếu nhi rất hay thời đó : Đất rừng phương Nam; Cuộc truy tầm kho vũ khí; Rô bin sơn Cru xô; Ti mua và đồng đội... cũng làm mình trong gian khổ vẫn thoáng thấy niềm khao khát tìm hiểu các địa danh, các miền đất lạ, những thú vật, cây cỏ nơi xa lắc… Kể cả cái thú xem, tìm hiểu bản đồ hay thiên văn thường thức. Ngần ấy thứ gộp lại bằng 10%, cộng với 90% là do may mắn, có lẽ thế, đã giúp tôi được trở về.
Sau kỳ thi đại học năm 1978, tôi đi nghỉ hè trên chỗ viện bố tôi công tác ở Phúc Yên, Vĩnh Phúc. Rồi một ngày chủ nhật, tôi theo công nhân viên của viện ông lên Tam Đảo chơi. Tháng tám, đang mùa thu hoạch cây xuyên khung. Có ai còn nhớ thuốc cảm Khung Chỉ thời đó không? Đó là do ta bào chế từ cây xuyên khung và bạch chỉ nên đặt tên như thế! Thị trấn trên núi vắng teo, thơm ngát mùi xuyên khung héo, phơi đầy trên những con đường dốc…
Chiều tối hôm đó, khi trở về gần đến Vĩnh Yên thì trời đổ mưa. Từ cửa sổ xe ca hồng thập tự, tôi thấy một đoàn quân đang lặng lẽ hành quân đi trong mưa. Họ trùm nilon sù sù, cắm cúi bước trên con đường loáng ánh đèn pha. Trong xe thật ấm. Và chỉ một chút nữa thôi là về đến nhà. Là có thể duỗi dài đôi cẳng đã mỏi nhừ vì leo xuống thác Bạc. Là mở cái đài Hồng Đăng trong phòng bố nghe ca nhạc.... Khi so vai trong phòng ấm, nhìn ra màn mưa dày ngoài kia, khi ta đang an toàn sung sướng, nhìn thấy người ta gian lao vất vả, không biết mọi người nghĩ gì? Nhưng có một điều gì đó như dự cảm đồng vọng, bắt tôi phải nhìn theo mãi đoàn quân ấy. Có biết đâu rằng chỉ vài ngày nữa thôi, là thành đồng đội. Chỉ bốn tháng nữa, là cũng đi rạc rài hơn thế, là chui hầm ngủ đất, là không biết sống chết thế nào ở một nơi xa lắc rồi…
Về đến viện gặp bố. Ông bảo:”Mai về Hà nội, con có lệnh nhập ngũ”.
Suốt đời, tôi không thể quên được cái buổi chiều hôm chủ nhật ấy. Có thể xuyên gắn chúng lại với nhau bằng những từ đơn giản : Tháng tám _Tam Đảo _mùi xuyên khung_ đoàn quân mưa ướt_giấy gọi nhập ngũ.
VÙNG QUÊ YÊN TĨNH
Sẽ là một thiếu sót lớn trong câu chuyện biên giới Tây Nam khi không nhớ gì, không nhắc gì đến cái làng quê mà chúng tôi huấn luyện ở tại đó trước khi vào chiến trường. Cái xóm Núi, thôn Lãm gần ga Bình Lục ấy…Một làng quê Bắc bộ vùng đồng chiêm trũng điển hình. Những ngọn đồi thấp cắm chân thẳng xuống đồng sâu. Tre gai bao bọc lấy làng thành luỹ dày ngăn ngắt.
Đoàn tân binh Hà Nội vừa xuống khỏi mấy chiếc xe ca Ba đình, được tập trung tại sân kho. Những đồ lính được phát ngay lập tức gồm: bát sắt, chiếu đơn hoa, màn xô trắng, chăn chiên sợi Nam định màu đỏ nhạt. Đũa thì tự đi mà tìm lấy…Quân phục, mũ, sao, tiết vẫn chưa được phát. Chúng tôi vẫn mặc thường phục ở nhà mang đi. Chiều tối hôm đó đơn vị không nấu cơm. Phát cho mỗi người hai cái bánh mỳ to tổ bố.
Chúng tôi được biên chế thành tiểu đội, trung đội ngay. Lính các tiểu khu (phường bây giờ) được xáo trộn, về các đơn vị khác nhau. Chắc để cho khỏi tụ bạ làm loạn hoặc để chia dễ trị… Chưa được phát ba lô, mấy thằng chúng tôi ôm tất cả các thứ đồ đó trên tay, lếch thếch đi theo các cán bộ về các nhà dân ở.
Dân làng nghèo, nhiều nhà phải ngả cả cánh cửa xuống, lấy chỗ nằm cho bộ đội. Tôi với thằng T. Anh được anh Ly tiểu đội trưởng đưa về nhà một chị có chồng cũng đi lính chống Mỹ. Chị ấy có thằng bé con năm đó mới đi học lớp Một. Thằng T. Anh cho nó cái bánh mỳ. Nó nhìn mẹ nó rồi ngập ngừng cầm lấy. Đã ba năm kể từ ngày thống nhất mà chồng chị ấy vẫn không có tin tức gì. Rất ít nói, rất buồn, cứ như một cái bóng. Mờ đất, khi chúng tôi nghe tiếng còi báo thức sáng của anh Ly thì chị ấy đã cuốn xà cạp vào chân, loạt soạt kéo cái rào rong lấp cổng ra đồng rồi…Xà cạp là cái miếng vải cuốn vào bắp chân, cao đến tận đùi để chống đỉa. Đồng chiêm trũng nên đỉa rất nhiều. Đỉa hẹ nhỏ, mỏng như cái que, hai lườn vàng choé nhưng rất thính, động nước là lao đến liền. Con này rất sợ vì nó tham ăn, lại hay luồn lách được vào những chỗ không ngờ. Đỉa trâu thì quả là nỗi khủng khiếp! Khi đói nó co lại có khi chỉ bằng cái *** mít. Nhưng khi đã no máu thì nó trương lên cỡ chục lần, bằng quả chuối tiêu.
Những buổi chiều, chúng tôi tập xong ngồi nghỉ ở sân kho cũng là lúc đàn trâu hợp tác đi cày về. Cũng dồn ở sân kho như bộ đội, trệu trạo nhai lại, hay ngửi hít, cọ sừng cồng cộc với nhau. Trên đùi bọn này là một túm đỉa lúc lỉu căng máu, to như quả chuối tiêu cỡ bự. Ấy thế mà bọn trẻ trâu nó cứ mặc kệ. Tôi kinh tởm nhất cái giống này…Bẻ một cành rong, cùng anh em hò nhau đi bắt đỉa cho từng con. Con khủng long rơi xuống, lấy chân dẵm lên day day. Hai tia máu đỏ phọt ra từ cả hai đầu thành vòi vụt xa đến cả mét. Vẫn chưa hả, chúng tôi đốt rơm, gắp chúng nó thảy vào. Một lúc, những con đỉa nổ trong lửa bụp bụp, tiết dở sống dở chín văng tung toé. Trung đội 2 có thằng Trương xếch, muốn thể hiện bản lĩnh trước anh em. Nó nướng cháy từ từ một con đỉa cho đến khi vỏ ngoài thành than. Hắn bóc cái vỏ đen đen đó, cầm miếng tiết trâu nóng hôi hổi cho thẳng vào mồm, mặt nhăn nhăn nhở nhở. Tởm chết mẹ!
Nhưng cũng có những thằng sợ đỉa. Một lần, thằng T. Anh đang tập ngắm bia số 1 ngoài bờ cùng trung đội thì đau bụng. Nó đi loanh quanh tìm chỗ rồi chúi trong đám cỏ năn nước xâm xấp, bị đỉa bâu mà không biết. Đến khi phát hiện ra thì máu đã chảy ròng ròng trên bắp chân. Nó rú lên, không kịp xốc quần, chạy cà giựt cà tang về phía các chị em xã viên đang ngồi nghỉ. Các bà này thấy thế cũng hoảng, ôm nón chạy toá ra, vừa chạy vừa cười rũ rượi. Cả trung đội trưởng tôi cũng cười rồi xô vào gỡ cho nó. Nhưng anh Cường chính trị viên (dân phố Cầu Gỗ- Hà nội) thấy thế tức lắm! Hôm sau cho nó nghỉ tập ra sân kho, bắt gỡ đỉa cho trâu bằng tay dưới sự giám sát của cán bộ. Nó sợ đỉa chứ không sợ cán bộ, dứt khoát không làm. Vùng vằng mãi rồi suýt đập cả a trưởng. Tối đại đội gọi lên thì nó nói thẳng là bảo nó làm gì cũng được, kể cả bốc ***. Nhưng nếu cứ bắt nó làm như thế thì nó sẽ đào ngũ. Hình phạt ấy về sau phải bỏ. Có những nỗi sợ vô thức đâu đó trong con người, trong từng khoảng khắc, nó bất chấp cả kỷ luật. Tôi cũng sợ đỉa nhưng không đến mức như nó…
Một tuần sau, thấy chúng tôi ở nhà chị ấy có vẻ không tiện, anh Ly a trưởng lại lôi hai thằng tôi về ở cùng…