Ký ức bao cấp đầu tiên phải là những cái chum đựng nước, ngày xưa cái gì cũng quý, vậy thì nước quý vô cùng chứ sao. Để có nước dùng( cái dòng nước quý giá chảy từ vòi nước máy chỉ bằng con bò *** ra) mỗi nhà tùy cơ mà sắm được cái đồ riêng trữ nước, nào thì chum sành, nào thì thùng phuy có tráng lớp nhựa đường ở trong đỡ gỉ... Chúng tôi lũ trẻ theo anh chị quảy đôi thùng ra đầu phố - xếp hàng lấy nước, thôi thì các kiểu thùng xô chậu, can xếp hàng dài dằng dặc.
Lũ lớn thì quẩy nước về bằng đòn gánh móc xích móc hai thùng tôn có dóng gỗ ngang và có móc để móc cái móc xích vào, cái đồ này bọn trẻ bây giờ không hình dung ra, lũ nhỏ hơn thì đứng đấy chờ đến lượt hứng. Từng con mắt hau háu chờ đến lượt, hau háu nhìn vào vòi nước chảy tong tong vào cái thùng hay chậu đang hứng, chắc một trong những mơ ước tuổi thơ là nước máy chảy to hơn, nhanh hơn. Có những lúc tranh giành nhau lượt vậy là cũng đòn gánh phang nhau đuổi nhau huỳnh huỵch.
Nước mang về đựng trong các chum, hoặc thùng phuy để dùng ăn uống tắm giặt cả ngày, một trong những ký ức không quên là lúc bé chúng tôi hồn nhiên không hiểu nước là sở hữu riêng nên đi chơi về múc gáo rửa chân tay, vậy là chiều đến cuộc đại khẩu chiến giữa người lớn, nguyên nhân là vì lũ ăn trên ngồi chốc dám múc nước của người khác mà dùng.
Sau này bố tôi vất vả thế nào đó cũng mắc được đường nước từ cơ quan bên cạnh về cho cả nhà, nhưng mà rồi nào có chảy đâu, miệng vòi cứ rắn ráo. Trong tưởng tưởng của tôi vòi nước trong nhà mà chảy được thì cũng như là một phép thần kỳ vậy.
Những ngày tháng học mẫu giáo, lũ trẻ buổi trưa nằm ngủ xếp thìa trên một cái sạp lớn, cô giáo bảo nhắm mắt vào không bị phạt. Đồ chơi bằng cái đu quay cũ gỉ sét. Bí hiểm là cái hầm ngập nước nghe nói từng có nhiều chiến sĩ tử thủ từ hồi đánh nhau với Pháp. Buổi chiều bố mẹ đến đón xe đạp về ngồi trên cái ghế mây buộc sau xe đạp.
Rồi những ngày đầu tiên đi học, thời xưa có lớp vỡ lòng, học sinh bảng đen, phấn, sách tập đọc: a, cái ca, ơ cái cờ...lớp học là cái đền cũ đầu phố, đang học dở thì đi sơ tán, tôi sẽ kể sơ tán ở đoạn sau.
Buổi sáng món ăn của chúng tôi là cơm nguội, mỗi người một bát hoặc nửa bát để còn lấy sức đến trưa, hôm nào xôm mẹ rang cơm trên bếp dầu, một dánh hành khô, một tí mỡ lợn, một tí muối mắm là thành món cơm rang, nóng hơn và có mùi mỡ. Còn không thì cơm nguội đổ tẹo nước vào để lên bếp dầu cho nóng lên một chút rổi chan tí nước mắm mậu dịch, ấy là bữa sáng.
Thỉnh thoảng mậu dịch bán bánh mỳ sáng thì thật là thú vị, mỗi người nửa cái mẹ cho mỗi đứa một tẹo sữa bò khô, bánh mỳ chấm sữa, ngon quá.
Tuổi thơ tôi buổi sáng đi học qua nhà hàng xóm bán xôi thúng, mùi xôi ngô, xôi xéo bốc lên rảo bước đi nhanh không dám ngửi. Một chặng nữa là qua nhà ông hàng phở, mùi nước dùng mùi hành thơm nức mũi, buổi trưa đi học về tôi thường phải chạy ù qua không dám ngửi.
Năm thì mười họa mẹ cho ra ăn phở vào sáng chủ nhật, lúc bé thì ông phở Tàu đầu phố, sau này chuyển nhà xuống khu tập thể cán bộ thì ra ăn phở mậu dịch. Lũ trẻ hau háu nhìn nồi nước dùng nghi ngút khói, nhìn ông phở đeo tạp dề múc ra từng bát, phở ngon quá không còn nhớ nổi ngon thế nào nữa, lại thêm cái quẩy to như cổ tay trẻ con. Ngày đó chỉ ốm thì mới được chính thức ăn phở.
Bữa cơm hàng ngày nhà nào nhà ấy nấu chính trong gian nhà mình ở, cả bếp dầu cả bếp mùn cưa, chạn bát ngay trong nhà. Mấy lần phụt bếp dầu, không dập nhanh thì hỏa hoạn cả căn gác. Nhà cậu tôi và nhà tôi ở chung trong căn gác to, để riêng tư lấy liếp ngăn đôi như bức bình phong. Bữa cơm dọn ra trên mâm để trên một cục gỗ, xung quanh là mấy cái ghế gỗ bé bằng hai bàn tay mỗi người ngồi một cái( ghế của các bà trà chén bây giờ). Ngày đó khái niệm nhà tắm, nhà bếp, bàn ăn, nhà vệ sinh riêng là những khái niêm xa xỉ không có trong đầu.