Thứ 7, 21/11/2020...một tuần học khác thường...
1. Lớp HBSMBA 1602 đã kết thúc sớm, sớm hơn hai tuần so với lớp MBA kia
HBSMBA 6932 và 2 lớp bên GSE.
- Buổi học hôm thứ 2 là phần thảo luận tiếp nối buổi thảo luận đầu tiên vào 22/9 về hiện trạng của công ty EdTech lớn nhất thế giới BYJU. Khách mời lần đầu là Anita Kishore (Chief Strategy Officer), và lần 2 này là nhà sáng lập công ty,
Byju Raveendran, tỷ phú hạng 72 với tài sản gần 2 tỷ USD tại Ấn Độ (
https://en.wikipedia.org/wiki/Byju_Raveendran). Công ty BYJU đã lấn sân sang thị trường Mỹ và hưởng lợi khá nhiều từ đợt dịch COVID này dù trước đó gặp một vài khó khăn trong việc mở rộng sang Mỹ.
- Buổi học hôm thứ 3 là tổng kết lại tất cả các case studies (khoảng 20 cases) và các chủ đề lớn mà chúng tôi đã bàn luận:
a. lối tiếp cận mới trong hệ thống trường công và charter (công quỹ, tư quản): Summit Public School, KIPP National, Teach for America
b. khó khăn trong việc mở rộng một lối tiếp cận mới: School of One, Match Next
c. ứng dụng công nghệ vào giáo trình phổ thông: Curriculum Associates, BYJU part 1
d. hoạch định chính sách tài chính và đầu vào ở trường công: Baltimore City Public Schools, Uncommon School, New York Specialized High Schools
e. giáo dục đại học và online learning: Posse Foundation, Coursera, EdX, OPM Higher Ed, Pratham Pradigi Open Learning
f. dữ liệu giáo dục và thái độ cộng đồng: Code.org, InBloom
g. AI/AR/VR trong giáo dục: Liulishuo, BYJU part 2
2. HBS New Venture Competition (NVC - Social Enterprise track) + nhiều cuộc thi khởi nghiệp khác ở Harvard:
Sau khi nhóm NVC-T522 tan rã, tôi đã phải tự làm tất cả các công đoạn bao gồm (Figma) prototype và viết project description để nộp sớm và kiếm thêm sự trợ giúp từ HBS Rock Center for Entrepreneurship. Trước khi hết hạn nộp sớm (12 giờ trưa thứ 4, 18/11), tôi đã thức gần như suốt đêm trước đó để làm xong prototype và website, ngủ 3 tiếng, rồi thức dậy lúc 8 giờ để điền các nội dung giới thiệu về dự án trong hồ sơ nộp sớm. May mà phần Executive Summary (4 trang tóm tắt về kế hoạch kinh doanh, nghiên cứu thị trường, dự báo tài chính, v.v) có thể nộp vào hạn chính thức tháng 2 năm 2021, nên tôi vẫn nộp kịp. Và đến thứ 6, 20/11, thì nhận được thông báo là hồ sơ của tôi qua vòng kiểm tra đầu tiên (phù hợp với các tiêu chí của Social Enterprise track)
Trong tháng 11 và 12 tôi phải gấp rút hoàn thành các nghiên cứu thị trường và prototype để không chỉ chuẩn bị hồ sơ cho HBS NVC mà còn để tham gia mấy cuộc thi / chương trình trợ giúp khởi nghiệp khác ở Harvard như:
a. Harvard I-Lab Venture Program (
https://innovationlabs.harvard.edu/venture-program/): chương trình trợ giúp khởi nghiệp dành cho mọi học sinh ở bất kể trường nào trong Harvard University. Sau khi được nhận vào thì sẽ được tiếp cận kênh Slack của chương trình và kết nối với các venture founders khác cũng như các entrepreneurship mentor/entrepreneur in residence (chuyên gia tư vấn khởi nghiệp / những người có nhiều kinh nghiệm thành công về khởi nghiệp làm việc bán thời gian tại I-lab). Hồi tháng 9 tôi đã có một ý tưởng sản phẩm khác với ý tưởng hiện tại và đã được nhận vào Venture Program của học kỳ mùa thu. Nói chung là chủ yếu được hưởng lợi từ quá trình chuẩn bị (có kinh nghiệm để làm hồ sơ cho học kỳ mùa xuân và cuộc thi bên dưới) + cái danh + nguồn tư liệu thông qua kênh Slack + các buổi webinar với các chuyên viên ở I-Lab.
Hạn nộp: 6/1/2021 (để nhắc nhở bản thân và CCCM thành viên OF nào đang học ở Harvard)
b. President's Innovation Challenge (
https://innovationlabs.harvard.edu/presidents-innovation-challenge/overview/) ~ cuộc thi khởi nghiệp lớn nhất ở Harvard dành cho tất cả các học sinh tại đây (trái với NVC yêu cầu phải có đồng sáng lập là học sinh ở HBS cho New Business track hoặc phải đang/từng học ở một số lớp học về sáng kiến khởi nghiệp đối với Social Enterprise track). Cuộc thi này dùng chung hồ sơ ứng tuyển với I-Lab Venture Program. Tổng giải thưởng là $510,000 cho 3 nhóm chủ đề - Open, Health & Life Science, Social Impact. Mỗi nhóm chủ đề cho thưởng $75,000 tiền mặt cho 1 giải thưởng lớn và $25,000 cho mỗi giải phụ + rất nhiều bonus khác. Tôi sẽ ứng tuyển cho nhóm cuối Social Impact bằng cùng một sản phẩm để đi dự thi NVC.
Hạn nộp: 6/1/2021
c. Ingenuity Award (
https://innovationlabs.harvard.edu/ingenuity-awards): giải thưởng nhỏ cho sáng kiến nhỏ, không cần phải làm thành sản phẩm hoàn chỉnh ($2500 - $5000). Có khả năng tôi sẽ tham gia nhưng mà sẽ phải kiếm thêm ý tưởng khác.
Hạn nộp: 24/4/2021
d. Allston Venture Fund (
https://innovationlabs.harvard.edu/allston-venture-fund/): cuộc thi khởi nghiệp mà giám khảo và nhà tài trợ là các nhân vật cộm cán của các quỹ đầu tư mạo hiểm, chuyên dành cho các dự án đã thành hình và đang tích cực gây quỹ. Tôi gần như chắc chắn sẽ không tham gia cuộc thi này trừ khi tốc độ phát triển của dự án hiện tại đủ nhanh. Cũng may là cuộc thi này phân thành 3 đợt khác nhau, nộp hồ sơ vào tháng 1, 5, 9 nên vẫn còn chút cơ hội để thử thách bản thân vào tháng 5 tới. Giải thưởng không cố định mà phụ thuộc vào mức vốn đầu tư mà các nhà đầu tư muốn bỏ vào các dự án có tiềm năng lớn nhất, từ $10,000 đến $100,000 ở dạng SAFE (simple agreement for future equity). SAFE là một dạng vay không hoàn lại để đổi lấy cổ phần tương lai ~ nếu startup thất bại thì không cần trả lại tiền; nếu startup thành công thì nhà đầu tư nắm cổ phần theo giao ước trước đó.
Hạn nộp cho cuộc thi vào tháng 3: 14/1/2021
Hạn nộp cho cuộc thi vào tháng 6: 13/5/2021
Hạn nộp cho cuộc thi vào tháng 11: 20/9/2021
e. Social Impact Fellowship Fund (
https://innovationlabs.harvard.edu/social-impact-fellowship-fund): quỹ có hạn dành để hỗ trợ các dự án khởi nghiệp có mục đích giải quyết các vấn đề xã hội. Cũng có 3 hạn nộp như Allston Venture Fund
Hạn nộp cho cuộc thi vào tháng 3: 14/1/2021
Hạn nộp cho cuộc thi vào tháng 6: 13/5/2021
Hạn nộp cho cuộc thi vào tháng 11: 20/9/2021
Như CCCM thấy bên trên, Social Impact (ảnh hưởng đến xã hội) hiện diện trong nhiều cuộc thi, và lý do là vì Harvard rất hi vọng sinh viên sau này trở thành các nhân tố thay đổi xã hội theo hướng tốt hơn. Các trường ở Harvard không chỉ tuyển các ứng cử viên với học lực giỏi mà còn phải đạt yêu cầu là thể hiện tố chất lãnh đạo trong một lĩnh vực nào đó. Ví dụ như Harvard College (bậc cử nhân) thì không phân biệt tố chất đó ở lĩnh vực nào cả, có thể là trong nghiên cứu khoa học ở cấp 3, có thể là trong thể thao, công tác xã hội, v.v. nhưng trường Harvard Business School sẽ chủ yếu coi trọng tố chất đó trong lĩnh vực quản trị doanh nghiệp, dù là doanh nghiệp nhà nước (bao gồm quân đội, FBI, CIA), phi lợi nhuận (NGO, trường học, bệnh viện), có lợi nhuận, hay là đang âm lợi nhuận (startup khởi nghiệp). Đáng lưu ý là
tố chất được thể hiện qua nhiều lăng kính khác nhau:
- vừa có thể được thể hiện qua thành tựu (kết quả cụ thể), vừa có thể được thể hiện qua khuynh hướng, thói quen, tư tưởng (phương pháp xử lý tranh chấp, sáng kiến, v.v.)
- vừa có thể được thể hiện qua lời của bản thân (luận văn, phỏng vấn), vừa được thể hiện qua góc người thứ 3 (thư giới thiệu)
Đáng lẽ tôi cũng nên viết thêm về tình hình các lớp khác và các hoạt động khác nhưng bài hôm nay đã khá dài rồi nên thôi. Hẹn bài sau.