Phái đoàn ngoại giao nước ta đi đến đâu cũng được nhà Thanh đón tiếp cực kỳ trọng thể, có thể nói xưa nay chưa từng có.
Phúc Khang An còn đặc biệt phái thêm Đức Khắc Tinh Ngạch là phó tướng mới của Thái Hiệp tỉnh Quảng Tây theo hộ tống, còn bản thân ông ta khởi trình từ Nam Ninh, đến Quế Lâm ngày 11 tháng 5 (Nhuận), và hôm sau, 12 tháng 5 thì Tôn Vĩnh Thanh cũng tới.
Việc đưa phái bộ Nguyễn Quang Hiển lên Bắc Kinh là một biến cố trọng đại, do chỉ thị trực tiếp từ Càn Long, do đó cả ba vị quan đầu hai tỉnh Lưỡng Quảng đều theo lên Bắc Kinh.
Mặc dù biệt đãi đó có thể do nhiều nguyên nhân, chiến thắng Kỷ Dậu cũng là một yếu tố quan trọng khiến cho nhà Thanh thay đổi hẳn thái độ đối với nước ta.
Ngày mồng 9 tháng 6 năm 1789. ( Âm lịch, năm này có thêm tháng 5 Nhuận)
Phái đoàn nước ta vào huyện Bồ Kỳ tỉnh Hồ Bắc, tuần phủ Hồ Bắc là Huệ Linh đã phái ủy hán đạo Hoàng Đức là Mạnh Ngọc , tri phủ Võ Xương là Mục Thông A, thủ doanh tham tướng Võ Xương là Lặc Phúc qua lại đón tiếp.
Ngày 12 tháng 6.
Phái đoàn đến tỉnh thành, tổng đốc Hồ Quảng là Tất Nguyên dẫn các ti thuộc ra nghênh đón, sau đó cho bày tiệc, tổ chức hát bội tiếp phái đoàn, lại đem các loại gấm vóc, tơ lụa ra tặng. Tơ lụa Hồ Châu vốn dĩ nổi danh trong thiên hạ, các quan lại nhà Thanh đón tiếp Nguyễn Quang Hiển trọng hậu như thế quả là một vinh hạnh từ xưa đến nay chưa từng thấy trong lịch sử Việt Nam.
Ngày 17 tháng 6.
Sứ thần nước ta vào đến châu Tín Dương tỉnh Hà Nam, tuần phủ Hà Nam là Lương Khẳng Đường phái Vạn Ninh thuộc đạo Nhữ Quang và tri phủ Nhữ Ninh là Bành Như Cán ra nghênh đón tiếp đãi.
Ngày 29 tháng 6.
Phái đoàn lại từ phủ Chương Đức khởi hành đi Phong Lạc, khi ấy nước sông Chương Hà đang dâng cao, thuyền không thể qua được, đợi đến ngày mồng 1 tháng 7, nước bắt đầu rút, tri phủ Chương Đức là Lý Ch đưa phái đoàn sang ngang tới tận Từ Châu, tỉnh Trực Lệ mới quay về.
Ngày mồng 6 tháng 7
Phái đoàn đi đến Chính Định.
Ngày 13 tháng 7 thì đến tỉnh thành, các quan lại dọc đường nơi nào cũng đều đãi tiệc, diễn tuồng, tặng quà rất hậu hĩ.
Ngày 24 tháng 7 năm 1789 ( Âm lịch)
Phái đoàn đến hành tại (nơi Càn Long ở khi tuần du khỏi Hoàng thành) ở Nhiệt Hà .
Chánh sứ Nguyễn Quang Hiển, phó sứ Nguyễn Hữu Chu, Võ Huy Tấn cùng tất cả phái đoàn vào chầu, vua Cao Tông cho ngự quyển là A Thắng Cảnh gọi vào triều kiến.
Phái đoàn ta làm lễ chiêm cận ( lễ ra mắt nhà vua) xong, vua Càn Long liền mở tiệc đãi yến chung với các vương công đại thần, các Bối lặc, Bối tử người Mãn Châu, các Ngạch phò (con rể vua), các Cách Cách..
Sau khi ăn uống, Càn Long lại cũng cho tất cả các Vương công, đại thần và quan khách xem hát bội.
Càn Long đặc biệt ban thưởng cho vua Quang Trung tượng Quan Âm bằng ngọc, cây như ý bằng ngọc, gấm thêu chỉ vàng đính hạt châu …
Còn Nguyễn Quang Hiển cũng được ban thưởng ngọc như ý, tượng La hán bằng sứ, gấm thêu chỉ vàng, hộp bằng bạc … Các phó sứ, hành nhân cũng đều được ban thưởng tùy cấp bậc các món gấm vóc, hộp bạc hay ngân lượng.
Nhà Thanh có gghi chép cụ thể là 5 lần ban tặng, như sau:
1. – Lần thứ nhất: ngọc như ý, ngọc Quan Âm, chuỗi châu thủy tinh màu xanh lục, bình thủy tinh, bình bằng sứ màu đỏ mỗi thứ một cái, hai cái hộp tết bằng chỉ bạc, gấm đoạn 3 tấm, ba cuộn giấy hoa tiên.
2 – Lần thứ hai: gấm thêu rồng (chữ hán: Mãng – 蟒), thiểm đoạn (gấm lấp lánh), trang đoạn (gấm may áo mặc hàng ngày), mỗi thứ hai tấm.
3. – Lần thứ ba: Bốn lọ trà Trịnh Trạch, bảy bánh trà Phổ Nhĩ (trà Vân Nam đóng lại thành bánh), hai hộp trà cao, hai bình thuốc ngửi (tị yên bình, thường làm bằng ngọc ngà, đá quí), một mâm phật thủ (có lẽ đây là một loại điêu khắc theo hình mâm hoa quả chứ không phải trái phật thủ thật).
4. – Lần thứ tư: Ngọc như ý, tị yên hồ, chén bằng gỗ mun (mộc tất oản), một cái chén của Âu Châu (của Pháp), gấm thêu hoa, bao súc nhung đất Chương.
5. – Lần thứ năm: Bát lớn bằng sứ, mâm sứ, đĩa mun, chén, lò hương hai cái, một con dao nhỏ.
Ngoài ra các chánh, phó sứ cũng được ban thưởng đủ 5 lần, mỗi người khác nhau chút ít. Những loại vật dụng này, phần lớn lấy trong Phương Viên Cư Khố, ngoại trừ vải Mao Thanh do Ty Quảng Chư thuộc nội vụ cung ứng.
Phái đoàn Đại Việt thu bộn.