Tổng cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng phát hiện xăng của một cửa hàng ở Hà Nội có hàm lượng oxy cao gấp ba lần mức quy định cho phép; lượng methanol 'chưa được chấp nhận'.
> Metanol trong xăng gây nguy hiểm cho động cơ
> Xăng bị nghi là thủ phạm gây cháy xe
> Mẫu xăng từ xe cháy đang được kiểm tra
Xe Attila Elizabeth cháy hồi tháng 9 ở TP Bắc Giang. Ảnh:
T.D. Một cửa hàng xăng ở Cầu Giấy, Hà Nội chứa xăng không chì RON92 không phù hợp với quy chuẩn theo quy định, kết quả kiểm nghiệm ngày 28/12 của Trung tâm Kỹ thuật Tiêu chuẩn đo lường chất lượng I cho hay.
Thông báo của Cục quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hóa cho biết chỉ tiêu chất lượng xăng không chì RON92 tại cây xăng nói trên không đạt, hàm lượng oxy thực tế chiếm 8,8% khối lượng (theo tiêu chuẩn là 2,7%), cao vượt mức quy định hơn 3 lần.
Hàm lượng methanol trong xăng của cửa hàng trên là 15,3% thể tích.
Mẫu xăng lấy tại cửa hàng trên có hàm lượng nước 366 ppm (ppm đơn vị đo lường để diễn đạt nồng độ theo khối lượng hay thể tích của một chất trong một hỗn hợp có chứa chất đó, tính theo phần triệu).
"Các hàm lượng này chưa được đăng ký và chấp thuận của Bộ Khoa học và công nghệ", văn bản của Cục có đoạn.
Theo quy định, khi pha thêm một chất phụ gia vào xăng, các cơ sở được quyền cải tiến chất lượng xăng nhưng cần phải đăng ký và được sự cho phép của cơ quan quản lý.
Methanol là chất không màu, bay hơi tốt và khả năng cháy cao, phù hợp để làm nhiên liệu cho động cơ đốt trong. Hai hướng sử dụng chính là dùng trực tiếp hoặc pha vào xăng. Tuy nhiên, việc dùng metanol làm nhiên liệu ngày càng giảm. Chỉ các xe đua đặc biệt mới sử dụng như nhiên liệu sơ cấp hoặc một số vùng ở Trung Quốc. Tỉnh Sơn Tây của Trung Quốc cho phép xăng pha 15% metanol.
Ở Mỹ, Cơ quan bảo vệ môi trường Mỹ EPA cho phép nồng độ methanol pha xăng chỉ là 2,75%. Bang California còn cấm pha metanol vào xăng, theo một tài liệu khoa học của tác giả David A. Kingston.
Trước tình trạng nhiều vụ xe máy và ô tô cháy liên tiếp trong thời gian qua, người tiêu dùng rất lo ngại. Một số ý kiến của các chuyên gia cho rằng xăng bị pha phụ gia hoặc tạp chất có thể là một trong các nguyên nhân gây cháy.
Tuy nhiên ông Trần Văn Vinh, Phó tổng cục trưởng Đo lường chất lượng, cho rằng cần có kết quả kiểm tra giám định cụ thể mới đi đến kết luận chính xác đâu là nguyên nhân gây cháy xe.
Đối với vi phạm tiêu chuẩn chất lượng của cây xăng nói trên, sở Khoa học và Công nghệ Hà Nội cùng các lực lượng chức năng sẽ xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.