3. Nguồn gốc Đinh Bộ Lĩnh (924-979).
Theo Toàn Thư, Đinh Bộ Lĩnh là người động Hoa Lư, Ninh Bình, con Đinh Công Trứ, thứ sử châu Hoan nhưng mồ côi cha từ bé, mẹ họ Đàm.
Chúng ta có một loạt dấu hiệu cho thấy họ Đinh có gốc từ người Đản Quảng Đông.
Trần Quốc Vượng (2002:511) nêu hai sự kiện: năm 970, Đinh Tiên Hoàng sai sứ qua biển sang Quảng Châu giao hảo với nhà Tống; năm 972, Đinh Liễn, con trai Đinh Tiên Hoàng, sau khi đi sứ Tống về, được phong làm Tĩnh Hải Quân Tiết Độ Sứ (Vị Vua Giữ Yên Biển).
Lưu ý: từ quân cũng chỉ vua nhưng ở cấp độ thấp hơn vương.
Nêu ra hai sự kiện trên, Trần Quốc Vượng muốn nhấn mạnh “cái nhìn hướng về biển” của nhà Đinh. Nhưng chính với cái nhìn đó, họ Đinh đã thể hiện nguồn gốc dân biển của mình.
Trần Quốc Vượng (1997:355) cũng cho hay: cả một dải Ninh Bình-Nam ĐịnhThái Bình mà sử sách ghi là Giao Thủy vốn là một vùng nước lợ thường có trai ngọc. Sông Châu, một nhánh sông Đáy ở Hà Nam, có tên trùng với tên sông Châu- sông Ngọc Trai ở Quảng Đông và thực tế cũng là con sông có nhiều trai ngọc với vỏ trai (sà cừ) dày có 7 màu.
Vùng Vịnh Bắc Bộ nổi tiếng về trai ngọc với câu “Châu về Hợp Phố” và Hợp Phố là một quận của Giao Chỉ, đến cuối thế kỷ 3 mới thuộc về Quảng Châu.
Theo Toàn Thư, Đinh Bộ Lĩnh thủa hàn vi thường đánh cá trên sông Giao Thủy, kéo lưới được viên ngọc khuê to nhưng sứt mất một góc do va vào mũi thuyền. Một truyền thuyết dân gian lại kể, Đinh Bộ Lĩnh hồi nhỏ bị chú đuổi đã tới vùng Giao Thủy đánh cá, mò trai và một hôm đã mò được một viên ngọc.
Trần Quốc Vượng cho rằng đó là ngọc trai chứ không phải là ngọc khuê.
Chúng ta biết, mò trai là một sở trường của người Đản.
Một truyền thuyết khác lại kể: mẹ Đinh Bộ Lĩnh có mang với Thần Nước là một con rái cá, sinh ra Đinh Bộ Lĩnh. Sau dân làng bắt được rái cá, ăn thịt rồi vứt xương đi. Mẹ Đinh Bộ Lĩnh nhặt chỗ xương ấy, gói lại đem về treo ở bếp. Đinh Bộ Lĩnh lớn lên rất khỏe mạnh, thông minh, lại giỏi bơi lặn nên đã đem được bộ xương rái cá -cha mình đặt vào long mạch là miệng một con ngựa đá dưới vực sâu, nhờ đó sau trở thành Hoàng Đế.
Cả sử Việt và truyền thuyết Việt đều nói mẹ của Đinh Bộ Lĩnh họ Đàm. Thủa trẻ vua Đinh đã từng cầm quân đánh nhau với chú của mình, một lần thua chạy qua cầu ở Đàm Gia Loan, cầu gãy, vua rơi xuống bùn, người chú toan đâm, bỗng thấy hai con rồng vàng hiện ra bảo vệ vua nên sợ mà rút chạy…
Khi xưng đế, Đinh Bộ Lĩnh chọn một chỗ đất đẹp ở Đàm Thôn định dựng đô. Nhưng vì đất hẹp, thế không hiểm nên đành đóng đô ở Hoa Lư. Vua Đinh lập 5 hoàng hậu, người đầu tiên có tên là Đan Gia…
Tất cả những điều trên đã hé lộ nguồn gốc Đản của Đinh Bộ Lĩnh, bởi: - Theo Schafer (1967:221) truyền thuyết thời Đường ở Quảng Đông nói rằng đàn bà và trẻ con người Đản là rái cá và gọi người Đản là “Người Rồng”, là con cháu của Giao Long, Ngư Tinh…
Như vậy, truyền thuyết Việt về ông bố rái cá của Đinh Bộ Lĩnh tương ứng với các truyền thuyết trên.
-Trong tiếng Hoa, Đàm, Đan hay Đản đều có âm là Tan, vì thế Đàm Gia=Đan Gia=Đản Gia=Người Đản. Loan nghĩa là vịnh biển, một khúc sông cong, là từ thường gắn với nhiều địa danh ở Quảng Đông-Hồng Kông (ví dụ: các di chỉ Đá Mới Thâm Loan, Đại Loan, Hắc Sa Loan).
Vì thế, các tên gọi Đàm Gia, Đàm Thôn, Đàm Gia Loan đều chỉ một làng của người Đản chuyên nghề đánh cá, mò ngọc trai từ Quảng Đông tới. Đan Gia, tên gọi hoàng hậu đầu tiên của Đinh Bộ Lĩnh khẳng định ông là người Đản nên người vợ đầu tiên cũng là người Đản.
-Việc tên sông Châu ở Hà Nam trùng với tên sông Châu ở Quảng Đông không chỉ thể hiện cả hai sông đều có nhiều ngọc trai mà còn phản ánh mối liên hệ cội nguồn của một nhóm cư dân ở vùng sông Châu-Hà Nam với cư dân sông Châu- Quảng Đông.
-Việc Đinh Bộ Lĩnh có gốc Đản Quảng Đông cũng lí giải mối quan hệ đặc biệt giữa Đinh Bộ Lĩnh và Trần Lãm, một sứ quân trấn giữ cửa Bố Hải (Thái Bình), người cũng có gốc từ vùng ven biển Quảng Đông (theo một thần tích được Trần Quốc Vượng dẫn từ Việt Sử Lược).
Đinh Bộ Lĩnh và con là Đinh Liễn đã đem quân hội nhập với quân của Trần Lãm, sau đó được Trần Lãm trao toàn bộ binh quyền. Trần Thăng, em Trần Lãm sau lại thành rể họ Đinh.
-Cũng theo Schafer (1967:51): họ Ninh của người Ninh là một họ quí tộc lớn đã cung cấp những thủ lĩnh quân sự cho người Lão Nam Bình ở Bắc Quảng Đông. Vào đầu thời Đường, nhà Đường đã chinh phục được vùng đất do người Ninh nắm giữ gọi là Ninh Việt, từ đó tiến đến Bắc Bộ Việt Nam.
Một người họ Ninh được phong làm thứ sử Liêm Châu ở ven biển Quảng Đông. Người Ninh với họ Ninh có lẽ cũng là một nhóm tương tự với người Nông -họ Nông (tức Nùng). Tương truyền, người hai họ Ninh và Nông cũng có liên quan tới Rồng. Như đã nêu, họ Ninh cùng với họ Phùng của Phùng Hưng là hai họ quí tộc lớn của người Việt Quảng Đông từng lãnh đạo nhiều cuộc khởi nghĩa chống nhà Đường.
Đào Duy Anh (1994:104) cho biết thêm: họ Ninh đời đời làm thủ lĩnh ở Nam Bình. Cuối thời nhà Trần ở Trung Quốc (557-589), một người họ Ninh là thái thú quận Ninh Việt. Họ Ninh cũng kế tục nhau làm hào trưởng ở vùng của người Man Tây Nguyên ở cả Quảng Đông và Quảng Tây.
Rõ ràng, những gì nói về họ Ninh ở trên tương ứng với điều sử nhà Tống ghi “nhà Đinh nhiều đời là danh gia vọng tộc” và sử Việt viết: cha Đinh Bộ Lĩnh (Đinh Công Trứ) là thứ sử châu Hoan. Rất có thể, họ Đinh của Đinh Bộ Lĩnh chính là một ngành tách ra từ họ Ninh (tương ứng đ=l=n, chữ Ninh 宁 cũng có bộĐinh 丁)
Xét tổng thể các bằng chứng trên, có thể khẳng định Đinh Bộ Lĩnh có nguồn gốc họ Ninh của người Đản ở Quảng Đông, sau cha ông được bổ làm quan nên tới vùng ven biển Hà-Nam-Ninh. Tên gọi Ninh Bình-quê hương ông có thể có liên hệ cội nguồn tới tên huyện Quân Ninh thời Đường (gồm Ninh Bình và Thanh Hóa nay), là đất của người Ninh gốc Đản-Mân. Đó cũng là vùng đất gốc của người Mường.
Các dòng họ xưa khi tách hay đổi họ thường giữ lấy một bộ hay chữ gốc để ghi nhớ họ gốc.