5. Nguồn gốc Trần Cảnh (1218-1277) (7)
Thế là ta có một ông hoàng đế Ma-da được thờ cúng, xuất hiện từ đầm lầy, hoá thân vào trong sóng biển, kéo theo hai ông thần sông nhỏ hơn với tước Vương cho cân xứng và để phát lời thơ thần phù trợ: “Nam quốc sơn hà...”. .
Nhưng thế quân bình của hai trục kinh đô đó rồi có lúc phải gãy đổ. Thăng Long với vị thế quan trọng thường trực phải lấn lướt Thiên Trường, nơi an dưỡng của ông vua về hưu. Miền Dưới trở thành thứ yếu từ thời điểm điển hình là lúc Anh Tông từ chối xăm hình rồng trên đùi (1299).
Họ Trần đã làm chủ nước đến 2/3 thế kỉ rồi thì không vì lẽ gì lại cứ phải mang dấu vết của thời ngụp lặn xưa kia? Không phải chỉ con cháu từ chối “truyền thống” mà người thế hệ trước cũng không còn vững tin nữa. Nhân Tông có thể đòi truất phế ông con say rượu vì điều đó hợp với tính cách đương thời, nhưng khi Anh Tông trốn mất thì đành bảo “xăm cho Quốc Chẩn”, như một hành động gượng gạo để giữ thể diện, khỏi phải thú nhận mình lạc hậu với thời thế mà thôi.
Truyền thống phai nhạt dần lan đến cấp dưới: từ 1323 quân sĩ không xăm hình rồng nữa, khả năng đi biển yếu đi cho nên trong chuyến viễn chinh 1376, Duệ Tông đã phải cúng cung nhân Nguyễn Bích Châu cho thần Po Riyak của kẻ địch để cầu mong được thuận buồm xuôi gió! [1] Li Tana, “A View from the Sea: Perspectives on the Northern and Central VietNamese Coast”, Journal of Southeast Asian Studies 37 (1), Feb. 2006, 100-101.
Tác giả viết tên làng theo lối phiên âm mới, không có chữ Hán kèm theo nên không chuyển sang chữ Hán Việt thông thường được. Nhân tiện xin cảm ơn anh Lê Quỳnh BBC đã gửi tặng tài liệu.
[2]P. Hattaway, Operation China, Piquant, California 2000, 169, 232.
[3]Viện Dân tộc học, Các dân tộc ít người ở Việt Nam (Các tỉnh phía Bắc), Nxb. Khoa học Xã hội, Hà Nội 1978, 388, 389.
[4]Nguyễn Duy Hinh (Văn minh Đại Việt, Nxb. Văn hoá Thông tin & Viện Văn hoá Hà Nội 2005, 148) dẫn Đông A liệt thánh tiểu lục lưu giữ ở thôn Cổ Xá xã Phong Châu, huyện Đông Hưng, Thái Bình và ở các nơi thờ Trần Quốc Tuấn. Tập nghiên cứu hơi dày (958 trang) so với thực tế cần thiết, giá rút lại còn độ một phần tư thì tránh được cho tác giả khỏi mang tiếng về bản quyền.
[5]Vũ Phương Đề, Công dư tiệp kí, Nxb. Văn học 2001, 209.
[6]x. 1.
[7]x. 2. Có lẽ tác giả ngụ ý nói tới “Việt tộc tam đảo” - còn gọi chính thức là Kinh tộc (the Jings) - có khoảng hơn 15.000 người, tụ cư sinh sống trong ba hòn đảo nhỏ là Vạn Vĩ (Wanwei), Ô Ðầu (Wutou) và Sơn Tâm (Shanxin), huyện Phòng Thành, tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc. BT
[8]Thơ văn Lí Trần, II, tập thượng, Nxb. Khoa học xã hội, 1989, 801-802.
[9]Nhiều tác giả, Nam Ông mộng lục và những truyện khác, Nxb. Văn học 2001, 16.
[10]Các chứng dẫn khác đều lấy của Toàn thư, Đại Việt sử lược.
Bài viết của Tạ Chí Đại Trường đã xác định cụ thể hơn là nhà Trần gốc người Đản ở Phúc Kiến-Quảng Đông. Vậy người Đản ở đó vào thời trước thời Trần có gì đáng chú ý?
Schafer (1967: 53, 62, 277) cho chúng ta biết thêm:
-Vào thời Đường, một số thủ lĩnh họ Trần đã lãnh đạo các cuộc khởi nghĩa ở Lĩnh Nam, tiêu biểu nhất là Trần Hành Phan, người vào năm 728 đã cùng với hai thủ lĩnh họ Phùng và họ Hà lãnh đạo cư dân bản địa ở Quảng Đông nổi dậy chiếm hơn 40 thành trì. Trần Hành Phan tự xưng là “Hoàng Đế”, “Thiên Tử”, còn Hà và Phùng được phong lần lượt là “Nguyên soái” và “Nam Việt Vương”.
-Từ nhiều thế kỷ, người Đản nổi tiếng là những người giỏi đi biển. Vị thần bảo hộ của họ là Phạm Lãi, tướng nước Việt, người có tên tuổi gắn với nghề làm thuyền, nghề nuôi cá và nghề buôn.
- Trong Thuyết văn thời Hán, tên Đản được dùng để chỉ chung cư dân phương Nam. La Hương Lâm (1934) coi người Đản là người Việt cổ, anh em với người TàyThái.
- Từ thời Hán đến thời Đường, người Đản có mặt ở Tứ Xuyên, Hồ Nam và Quảng Tây. Thơ Hàn Dũ có câu:” Người Man ở rừng, người Đản ở hang”. Người Đản vùng ven biển được gọi là “Người Rồng” (Long Hộ). - Đầu thời Tống, có một nhóm Việt ở Liêm Châu (Quảng Đông) chuyên mò ngọc trai, kiếm trầm hương, thổi khèn bầu và đánh trống đồng, ở cùng nơi và có cùng lối sống như người Đản. - Người Lê ở đảo Hải Nam, vào thời Đường cũng ở vùng ven biển phía Tây Quảng Châu (bao gồm bán đảo Lôi Châu) đã hòa nhập với người Đản. -Ở vùng rừng núi giữa Lĩnh Nam và Bắc Bộ có người Ô Hử, có lẽ là một nhóm Âu, con cháu của Vua Tre trong truyền thuyết. Một số làm nghề mò ngọc trai và kiếm lông chim bói cá. Họ có vẻ là họ hàng với người Việt Nam, nhưng cũng giống người Đản và được đồng nhất với người Lý.
Eberhard (1968:241,256) lại cung cấp một số thông tin rất có giá trị khác về họ Trần và người Đản như sau:
-Một truyền thuyết kể: ở sông Tây, Quảng Tây có một con rồng- lợn chuyên ăn thịt ngan ngỗng. Khi bắt được nó, không ai dám ăn thịt nó trừ người họ Trần và họ Kha. Họ Kha là một dòng họ của riêng ở Phúc Kiến nhưng cũng có ở Chiết Giang. Họ Trần thì nổi tiếng hơn. Đó là một họ lớn, ở rất nhiều nơi và là một trong những dòng họ quan trọng nhất ở Phúc Kiến từ xưa đến nay. Người họ Trần là thủ lĩnh của nhiều nhóm Việt ở Phúc Kiến trước khi người Hoa tới. Tại Chiết Giang cũng có nhiều chi họ Trần. Nhiều tộc phương Nam cũng có họ Trần.
-Thời xưa, trên đất Sở có một nước Trần đã bị Sở diệt. Nước Trần có nhiều phong tục phương Nam, ví dụ, dùng nhiều ma thuật, bùa phép và rất phóng khoáng trong tình dục. Theo thiên văn, họ Trần ứng với sao Giác, tức “sừng” của con rồng trên trời và vì thế là con cháu của thần rồng. Người họ Trần cũng giỏi thuần dưỡng voi. Họ cũng tự coi là con cháu của thần sấm sét, có họ hàng với rồng-sấm và lợn. Điều đó có nghĩa rồng cũng được gắn với lợn.
Thực tế, dạng rồng-lợn ít được nói tới, nhưng Theo Sử Ký, sau khi rời nước Việt , Phạm Lãi đến đất Đào, đổi tên thành Đào Chu Công và trở thành một thương gia giàu có. khi được nói tới thì luôn có quan hệ với người phương Nam.
Một truyền thuyết kể: một con rồng nửa lợn- nửa đàn bà bay lên trời vào ngày 24-6 âm lịch tạo ra mưa to lũ lớn. Khi lao xuống hồ, nó giết cá phá thuyền nhưng cuối cùng, nó bị 9 con rồng khác đánh bại. Núi, sông, suối mang tên Cửu Long và truyền thuyết về 9 rồng xuất hiện ở nhiều nơi: Chiết Giang, Giang Tô, Phúc Kiến, Quảng Tây, Vân Nam, Tứ Xuyên.
Hansson (1996: 107-121) lại có một số thông tin lý thú khác:
-Ở Quảng Đông, người Đản được gọi là Thát Gia (Người *** Cá). Ở Phúc Kiến họ còn có tên là Khúc Đề (Chân Vòng Kiềng) do sống lâu ngày trên thuyền có mui thấp.
-Vào thời Tống, người Đản có mặt ở Tần Châu, Liêm Châu, ven biển Quảng Tây và nhiều nơi trên đảo Hải Nam, ở Quảng Châu và Huệ Châu, Quảng Đông. Thời Nguyên có người Đản chuyên mò ngọc trai ở Phúc Kiến.
-Trước thế kỷ 17, khác với người Hoa, người Đản lấy người cùng họ.
- Lối sống và văn hóa của người Đản ở Nam Trung Quốc và của cư dân hải du ở ĐNA có nhiều nét tương đồng.
-Vào thời Tống, một nhóm Đản chỉ có 3 họ: Đỗ, Ngũ và Trần. Địa chí thời Minh, Thanh ghi nhận một số nhóm có các họ Mạch, Bộc, Ngô, Tô, Hà, Cố, Tằng. Cuối thời Thanh, người Đản Phúc Kiến có các họ Ông, Âu, Trì, Phố, Giang, Hải. Đó là các họ không phổ biến và một số họ rất ít thấy ở Trung Quốc nói chung.
Rõ ràng, những thông tin trên của Schafer, Eberdhard, Hansson hoàn toàn phù hợp với những nét đặc trưng của nhà Trần mà Tạ Chí Đại Trường đã nêu. Cũng có thể thấy, nhiều phong tục của người Đản đã trở thành phong tục của người Việt.