Trích chiếu chỉ của vua Tự Đức ngày 21-10-1867:
“Phan Thanh Giản thủy chung lời nói không xứng với việc làm, đem học vấn danh vọng một đời trút sạch xuống biển Đông, thật là táng tận lương tâm.
” … đi sứ không có công, giữ chức kinh lược để mất ba tỉnh, hai tội đều nặng. Mặc dầu đã lấy cái chết tự phạt nhưng cũng không đủ đền bù cho trách nhiệm. Vậy cho truy đoạt chức tước phẩm hàm, đục bia tiến sĩ.”
Hai mươi năm sau, vua Đồng Khánh cho Phan Thanh Giản phục chức hàm là Hiệp Tá Đại Học Sĩ.
Trích điếu văn của Phạm Phú Thứ :
“Một thân thờ ba triều, làm quan hơn bốn mươi năm, già hơn bảy mươi tuổi, rất từng trải kinh nghiệm, được tôn trọng và tin cậy trong triều cũng như trong nhân dân. Học rộng phẩm cách tuyệt vời, dù hoàn cảnh trái ngược đến bao nhiêu, ngài cũng không bao giờ là người hại nước. Dù hoàn cảnh ngang trái thế nào, ngài vẫn giữ trọn tấm lòng cao thượng.
“Những bọn hèn đứng thấp chẳng thấy gì, la hét nhảy nhót như mê như say, nào có biết đâu tình thế nước nhà.
“Tiếc cho ý chí của ngài không được thực hiện.”
Thơ điếu của Nguyễn Đình Chiểu, tác giả Lục Vân Tiên :
Non nước tan tành hệ bởi đâu ?
Dàu dàu mây bạc cõi Ngao Châu.
Ba triều công cán vài hàng sớ,
Sáu tỉnh cương thường một gánh thâu.
Ải Bắc ngày trông tin điệp vắng,
Thành Nam đêm lắng tiếng quyên sầu.
Minh sinh chín chữ lòng son tạc,
Trời đất từ đây mặc gió thâu.
Một cái chết tương tợ mà ít người biết là cái chết của Lâm Duy Hiệp, phó sứ của Phan Thanh Giản. Thấy mình có tội vì không làm bổn phận triều đình giao cho, Lâm Duy Hiệp khi bịnh không ăn, không chịu thuốc thang mà đợi cái chết (15-11-1863).
Hai cái chết, hai con người, hai nhân cách đáng trọng, nhưng lịch sử, người đời sau sẽ đối xử như thế nào ?
Khó mà lường được.
BẠT
Sau khi Phan Thanh Giản tự sát, chiến tranh Pháp Việt tiếp diễn.
Thất trận với Phổ năm 1872, chính phủ Pháp muốn gỡ lại bằng cách tăng thêm thuộc địa.
Người biện hộ hăng hái nhất cho thuyết này là Jules FERRY, thủ thướng Pháp (1880-1881) và (1883-1885).
Chiếm xong miền Nam, Pháp thôn tính miền Bắc Việt Nam. Chiến cuộc rất mãnh liệt, tàn khốc, nhưng cuối cùng Pháp thắng.
Sau khi vua Tự Đức thăng hà (1883), Pháp tấn công Kinh thành Huế và buộc các phụ chánh nhận chế độ bảo hộ.
Hoà ước Fournier chưa ráo mực thì hoà ước Patenôtre 1884, bắt chính phủ Việt Nam công nhận nền bảo hộ của Pháp ở Trung và Bắc bộ.
Vua Hàm Nghi lên ngôi lúc mười bốn tuổi, bỏ kinh thành theo Kháng chiến, bị bắt đầy đi Algérie.
Pauk BERT thân tín của Jules FERRY thành lập Liên Bang Đông Dương năm 1887. Ngoài Nam Kỳ thuộc địa, Trung Kỳ, Bắc Kỳ, Cao Miên bảo hộ, có thêm từ năm 1888 quốc gia Lào.
Nếu vị toàn quyền đầu tiên Jean Marie de LANESSAN (1891-1894) nhiệt tâm bảo vệ cho dân tc bị đô hộ, yêu cầu chính phủ Pháp thi hành đúng theo tinh thần của hiệp ước Pháp -Việc năm 1884 để cho dân Việt Nam được độc lập về chính trị, cai trị, và xã hội, thì Toàn Quyền Paul Doumer (1897-1902) biến Đông-Dương thành một thuộc địa do chính quyền trung ương trực tiếp điều khiển. Trong những vùng bảo hộ, người Pháp được quyền sở hữu y như trong những vùng thuộc địa. Thuế điền thổ mỗi năm mỗi tăng. Thuế mới mọc lên như nấm : thuế muối, thuế rượu, thuế chợ, thuế rừng. Người cùng đinh càng thêm khổ.
Về mặt chính trị, chính quyền thực dân đã tỏ ra chuyên chế, bạo ngược.
Năm 1907, họ truất phế vua Thành Thái, cáo gian nhà vua loạn trí, và đưa người con là hoàng tử Duy Tân mới tám tuổi lên ngôi. Dân chúng Việt Nam rất công phẫn, cho đó là một xúc phạm nặng nề.
Vài biện pháp khoan hồng và một ít sửa đổi để chinh phục nhân tâm lúc nước Pháp động viên tài lực trong trận Đại Chiến thứ nhất, không ngăn được vua Duy Tân chống lại (1916). Chính quyền Pháp truất phế nhà vua và đày đi đảo Réunion cùng với vua cha Thành Thái. Nhưng giới trí thức Việt Nam, ưu tú, năng động nhất, yêu sách nhất trong bán đảo, đặt nhiều hy vọng. Những hy vọng ấy được vua Khải Định phát biểu trong cuộc du hành tại Pháp năm 1922. Ảo vọng biến thành thất vọng.
Các nhóm cấp tiến nhất của giới trí thức quay sang chủ nghĩa quốc gia dân tộc, háo hức và bạo động. Các nhóm cách mạng nổi lên bạo động. Thực dân đàn áp mãnh liệt.
Vua Bảo Đại trưởng thành ở Pháp do phụ chánh Charles trông nom, về nước cũng không cải cách được gì.
Trận Đại Chiến thế giới thứ hai chưa kết liễu, thì ngày 9-3-1945 Nhật đảo chánh Pháp. Tháng 10-1945, tướng Leclerc và Đô-đốc D’Argenlieu cầm đầu đoàn quân viễn chinh Pháp đổ bộ lên Sài Gòn.
Chiến tranh ác liệt lại tiếp diễn trong chín năm trời và kết thúc tại Điện Biên Phủ năm 1954. Hàng vạn thanh niên Pháp bị hy sinh, vì chính phủ Pháp hủy bỏ hoà ước do PHAN THANH GIẢN và Aubaret ký ngày 15-7-1864.
Bên lề việc tự sát của Phan Thanh Giản
I. Ba cách xuất xứ của kẻ sĩ
Phan Thanh Giản có hai người bạn học thân từ thuở thiếu thời, nhưng mỗi người chọn một đường đi khác nhau.
1) Lê Bích Ngô có tài đức, nhưng tìm chốn vắng vẻ ẩn thân, không để lộ tung tích.
Khi Phan Thanh Giản ra kinh nhậm chức, Lê Bích Ngô tiễn bạn có tặng mười bài thơ liên hoàn tứ tuyệt, viết trên lụa :”Dương Liểu Từ”. Đi đến đâu Phan Thanh Giản cũng mang theo và luôn luôn treo ở chỗ quan trọng nhất trong thư trai.
Chúng tôi xin trích bài thứ nhất :
Tà ý đông phong bạn tịch dương,
Thanh thanh thanh ánh nhập tư đường.
Đa tình bất dữ hành nhân thuyết
Bạn trước lư oanh thuyết đoản trường.
Mộng Tuyết dịch :
Phe phẩy đông phong dưới ánh chiều,
Bờ ao cành biếc bóng xiêu xiêu.
Nặng tình không gửi người qua lại,
Thủ thỉ con oanh nói ít nhiều.
2) Phan Dĩ Thử: học giỏi mà không chịu đi thi, ở nhà cầy ruộng. Mỗi lần vào kinh lược miền Nam, Phan Thanh Giản đều ghé thăm bạn để tâm sự. Trong lúc gây cấn, ba người con trai của ông Phan Dĩ Thử đã hy sinh cho đại cuộc. Người con trưởng theo Nguyễn Tri Phương chết tại đồn Kỳ Hoà, hai em theo theo Quản Định chết ở Cần Giuộc Gò Công.
Khi Phan Thanh Giản tuyệt thực, thân nhân cản không được, có mời Phan Dĩ Thử ra, nhưng cũng không thuyết phục được, mà lại thấu nỗi lòng bạn nên khi về đến nhà, ông bưng chén dấm pha nha phiến ngửa cổ uống một hơi. Trước khi lià cõi đời, ông kêu đám cháu nội ngoại lại trăn trối :”Suốt đời ông thanh bần, nhưng không làm được gì cho dân cho nước. Nay ông thấy mình già sức kiệt, có sống cũng không làm nổi điều chi có ích. Vả lại ông cũng như bạn ông là Phan đại nhân, không bao giờ muốn nhìn lá cờ ba sắc phấp phới bay trên nơi ông đang sống.”
II. Đừng lạy mà nhục quốc thể
Trước khi sứ bộ lên đường, vua Tự Đức căn dặn :”Quốc thư phải đưa đến nơi, đừng để các quan đượng sự ngăn đón, đừng chuyên tin lời người thông ngôn. Sứ thần là người thay mặt vua đừng lạy mà nhục quốc thể.” So sánh với phái bộ Xiêm khi vào chầu Hoà,g Đế Napoléon III và Nữ-hoàng Eugénie quì mọp sát đất, thì chúng ta nhận thấy vua Tự Đức quả là một vị anh quân.
III. Cái khăn gói của cụ Phan Thanh Giản là lá cờ Việt Nam đầu tiên trên đất Pháp (Chuyện vui lịch sử của Diệu Huyền, trích trong Phổ Thông)
Năm 1863, Hoàng Đế Đại Nam là vua Tự Đức có gửi một phái đoàn qua Pháp để điều đình với Hoàng Đế Pháp là Napoléon III về việc xin chuộc lại ba tỉnh Nam Kỳ vừa bị Pháp chiếm đóng và cai trị. Phái đoàn gồm có một vị Sứ-thần là Phan Thanh Giản, hai vị phó sứ là Phạm Phú Thứ và Ngụy Khắc Đản cùng các tùy tùng : hai y-sĩ thuốc Nam trong số đó có Phan Thanh Liêm là con Phan Thanh Giản, hai người thông ngôn và mấy người hộ vệ do Lương Doãn, đi trưởng, chỉ huy.
Ngày 18 tháng 8, vào giờ Thân (3 giờ chiều), chiếc tàu thủy Européen chở phái đoàn từ Sài Gòn qua, vừa cặp bến Suez. Viên Đô-đốc Lagrandière, Thống-đốc Pháp ở Sài Gòn, phái một nhân viên, Thanh-tra hành chánh, đi theo phái đoàn Việt Nam để dẫn đường.
Tàu sắp cặp bến, viên này nói với Sứ-thần Việt Nam rằng theo thủ tục quốc tế, khi tàu của một vị Đại-sứ ngoại quốc đến một hải cảng nào thì hải cảng ấy sẽ bắn 19 phát súng lệnh để chào mừng, và chiếc tàu phải thượng cờ nước viên Đại-sứ lên. Vậy, ông ta nói, xin Đại-sứ Việt Nam cho thượng cờ Việt Nam lên để đáp lễ chính phủ Ai-cập khi họ bắn súng chào mừng Đại-sứ của Hoàng-đế Việt Nam.
Cụ Phan Thanh Giản liền hội nghị tất cả phái đoàn để bàn tính, vì nước Việt Nam hồi đó chưa có quốc-kỳ, trừ lá cờ đuôi nheo thêu Rồng là kỳ hiệu của Vua, phái đoàn không dám treo và không được phép treo. Lúc phái đoàn từ Huế đi ra, vua Tự Đức và cả triều đình không ai ngờ sẽ xẩy ra việc “chào cờ” ở ngoại quốc. Ba vị Sứ-thần và cả đoàn tùy tùng bối rối chưa biết làm sao, thì ông Đội-trưởng Lương Doãn mạnh bạo thưa :”Dạ, bẩm ba Cụ, nước ta không có cờ mà chuyện này gấp rút quá không có cách chi giải quyết được, vậy xin lấy tạm cái khăn gói của Cụ Sứ-thần, bằng lụa Kiều-cầu còn mới tinh, màu đỏ tươi đẹp quá, để làm cờ, rồi khi nào về nước sẽ tâu Hoàng-thượng biết.” Các vị Sứ-thần bạn luận một lúc rồi đồng ý làm theo lời trình của viên Đội-trưởng, vì không còn cách nào khác nữa. Nhưng khi đem tấm khăn gói màu đỏ tươi ra cho viên tùy-tùng Pháp xem thì y bảo: “Chà! Lá cờ này chắc không được đâu ạ, vì nó gần giống như cờ nước Ai-cập, sợ chính phủ Ai-cập hiểu lầm chăng ?”
Cụ Phan Thanh Giản liền vào bàn lại với phái đoàn. Bàn cãi một hồi lâu, ông Phạm Phú Thứ nói :”Ta hãy thêu bốn chữ nho ĐẠI NAM KHÂM SỨ ngay giữa cái khăn đỏ, thế là hết lầm với cờ Ai-cập !” Cả phái đoàn đều khen ý kiến hay và Cụ Phan Thanh Giản liền sai lính hộ vệ lấy chỉ vàng thêu gấp bốn chữ nho lên trên tấm khăn gói lụa điều.
Một giờ sau, tàu Européen vừa cặp bến Suez, chính phủ Ai-cập sai bắn 19 phát súng để nghênh chào phái đoàn Việt Nam, thì trên cột cờ tàu đã phấp phới lá cờ Đại Nam Khâm Sứ.
Sau đó mấy hôm, chính phủ Ai-cập để một toa xe lửa riêng đưa phái đoàn Việt Nam ra Port Said để đáp tàu thủy sang Toulon (Pháp), trước đầu máy xe lửa cũng cắm hai lá cờ : một lá cờ Ai-cập nền đỏ tươi, ở giữa thêu mặt trăng lưỡi liềm, và lá cờ “Đại Nam Khâm Sứ” ! Khi đáp tàu thủy sang hải cảng Pháp, cũng lá cờ ấy phấp phới trên cột cờ tàu, và hải cảng Toulon cũng bắn 19 phát súng lệnh nghênh chào … cái khăn gói của Cụ Sứ-thần Phan Thanh Giản !
Sau khi về nước, Cụ Phan Thanh Giản tâu lại việc này cho vua Tự Đức nghe, nhà vua ngồi dựa tay lên gối, cười ha-hả !…
VĂN BÁ
(tức bác sĩ Nguyễn văn Ba, Paris)
https://nghiencuulichsu.com/2016/03/15/phan-thanh-giản/