'Sẽ kiến nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo chấm điểm lại một số câu trong đề thi tốt nghiệp'
TRẦN HUỲNH
TRẦN HUỲNH
Sau khi Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố đáp án các môn thi tốt nghiệp THPT 2023, nhiều người cho rằng bộ phớt lờ ý kiến góp ý của thầy cô, chuyên gia về đề thi.
Thí sinh dự thi tốt nghiệp THPT năm 2023 tại TP.HCM - Ảnh: TRẦN HUỲNH
Nhiều giáo viên, chuyên gia cho biết sẽ tiếp tục gửi kiến nghị đến Bộ Giáo dục và Đào tạo đề nghị xem xét lại việc tính điểm ở các câu "có vấn đề" trong
đề thi, để đảm bảo quyền lợi của thí sinh.
Đề thi môn tiếng Anh có lỗi sai gây thiệt thòi cho thí sinh
Ngay sau khi Bộ Giáo dục và Đào tạo
công bố đáp án môn tiếng Anh, cô Vũ Thị Mai Phương, một giáo viên môn tiếng Anh ở TP.HCM, cho biết cô không đồng tình với việc đáp án "comparative" không được công nhận là từ có lỗi sai. Đồng thời cô Phương cho rằng điều này gây thiệt thòi lớn cho các bạn học sinh giỏi, dân luyện IELTS vì đã nhận ra lỗi sai này.
"Một câu hỏi có giá trị 0,2 điểm và 0,4 điểm với các em xét các ngành nhân đôi môn tiếng Anh là một số điểm lớn, ảnh hưởng rất nhiều đến các em khi xét tuyển. Việc ghi nhận lỗi comparative là cần thiết. Vì vậy chúng tôi sẽ gửi kiến nghị lên Bộ Giáo dục và Đào tạo để xem xét, đảm bảo quyền lợi chính đáng cho các em, ghi nhận cả hai đáp án cho câu hỏi này" - cô Mai Phương nói.
Theo cô Mai Phương, trong khoa học thường sử dụng hai thuật ngữ quen thuộc đó là nhóm kiểm soát (control group) và nhóm thử nghiệm (experiment group). Các nhà khoa học thường hay thay đổi biến độc lập trong nhóm thử nghiệm và giữ nguyên ở nhóm kiểm soát. Sau đó họ so sánh kết quả của các nhóm với nhau để tiến hành nghiên cứu.
Và họ cũng sử dụng cụm từ "comparison group" chứ không sử dụng "comparative group" trong nghiên cứu, khi so sánh giữa các nhóm nghiên cứu với nhau. Đây là những thuật ngữ thường được gặp trong các tài liệu nghiên cứu khoa học, tài liệu của chính phủ. Với học sinh, các em đã đọc qua các thuật ngữ này trong các bài tập IELTS reading.
"Quay trở lại
lỗi sai trong đề thi tốt nghiệp THPT môn tiếng Anh, với những thí sinh đã nhận ra lỗi sai này, tôi rất mong Bộ Giáo dục và Đào tạo xem xét cho các em có điểm ở câu hỏi này.
Có rất nhiều học sinh giỏi tâm sự rằng các em đã dành đến 7-8 phút trong phòng thi để cân nhắc rất kỹ câu hỏi này và sau đó quyết định chọn comparative là từ sai.
Vì các em cho rằng thuật ngữ khoa học phải chính xác. Nếu như đây là một đáp án không được ghi nhận thì rất mong các nhà khoa học lên tiếng làm sáng tỏ vấn đề này, để các em có cơ hội được học hỏi", cô Mai Phương nói.
Ngạc nhiên về phản hồi góp ý đề thi môn hóa của tổ ra đề
Thầy Phan Quốc Khánh (luyện thi hóa THPT tại Cần Thơ) cho hay sáng 30-6, ông đã gửi góp ý trực tiếp về đề thi tốt nghiệp THPT 2023 môn hóa học đến Bộ Giáo dục và Đào tạo và tối 1-7 đã nhận được phản hồi.
Trong phần góp ý gửi bộ, thầy Khánh nêu ra các câu hỏi "có vấn đề", gây ảnh hưởng đến quyền lợi thí sinh: câu 69 và 79 (mã đề 203); câu 54, 73, 79 (mã đề 201).
"Nhìn chung, tổ ra đề
môn hóa vẫn giữ nguyên quan điểm ở tất cả các câu trong đề thi liên quan đến chuyên môn. Duy nhất có một ý kiến là tổ ra đề xin tiếp thu ý kiến đóng góp và cho biết những năm sau sẽ có sự đổi mới trong định hướng tiếp cận với Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Tôi cũng ngạc nhiên với cách trả lời một số câu hỏi của tổ hóa, vẫn còn thiếu các cơ sở khoa học có tính thuyết phục", ông Khánh nói.
Trong khi đó, nhóm chuyên gia tạp chí
KEM - tạp chí Olympic hóa học -nhận định cơ bản là đề thi phi lý ở việc các thầy đã chọn sẵn đáp án để lắp vào một quy trình không có tính thực tế. Do đó học sinh giải theo kiểu máy móc sẽ ra đáp án đó. Với bài tập lý thuyết thì lỗi chủ yếu là chưa chặt chẽ nhưng cũng không ảnh hướng nhiều đến việc lựa chọn đáp án.
"Chỉ có trường hợp về câu điều chế FE2O3, chúng tôi đã xem phần phản hồi của bộ, cơ bản họ vẫn mập mờ trong cách dùng từ để bảo vệ cho phương án 'nhiệt luyện'. Nói chung bộ cũng có quan điểm riêng, giải thích với các phản hồi, nhưng thiếu thuyết phục. Bộ ra đề với câu từ chưa chặt chẽ, sau đó lại vận vào câu từ để giải đáp thắc mắc. Ban ra đề cần nhận lỗi, không nên phớt lờ các góp ý", một giảng viên nói.
Cần tính điểm cho học sinh đối với câu hỏi trong đề thi địa lý
Trao đổi với
Tuổi Trẻ Online sáng 4-7, ông Nguyễn Văn Thuật - trưởng bộ môn địa lý Trường đại học Đồng Nai - cho rằng những góp ý, phản ánh của ông về một câu trong
đề thi địa lý kỳ thi tốt nghiệp THPT 2023, với hy vọng Bộ Giáo dục và Đào tạo có thể điều chỉnh đáp án nếu có em làm sai vì đề.
Theo ông Thuật, với những câu hỏi sai trong đề thi môn địa lý cho thấy người ra đề không có chuyên môn. Với đáp án đề sai, trong khi thí sinh chọn đáp án đúng lại thành sai nên lẽ ra các em phải được điểm, nhưng do chọn không đúng đáp án của bộ thành ra mất điểm.
"Nếu bộ cho rằng những góp ý của tôi không đúng có thể mời các chuyên gia, giáo viên địa lý, bản đồ… thảo luận về việc này để có kết luận chính thức. Tôi cho rằng ban ra đề thi của bộ cần nhìn thẳng sự thật để sửa sai và cần xem xét tính điểm ở câu hỏi không có đáp án đúng trong đề thi môn địa lý", ông Thuật kiến nghị.