Thật ra thì mỗi nền giáo dục của mỗi nước đều có mục tiêu khác nhau, nên cách giáo dục cũng khác nhau. Như bên Châu Âu nói chung, hay ở Séc nói riêng, thì em thấy nền giáo dục của họ có những mục tiêu dành cho các cấp học cụ thể như sau:
- Đối với cấp 1, nhà nước và bộ giáo dục cố gắng dậy dỗ về ý thức, văn hoá và rèn dũa nhận thức cho học sinh. Chính vì vậy mà các lớp cấp 1, bộ giáo dục cố gắng phân bổ mỗi lớp tối đa chỉ 28 học sinh. Có như vậy giáo viên mới có thể bao quát và sát sao tới từng em học sinh. Ngoài ra bộ cũng bố trí để giáo viên cấp một theo dạy các em cả quá trình 5 năm, từ lớp 1 tới lớp 5. Có như vậy thì các cô mới hiểu rõ và có điều kiện để uốn nắn, dậy dỗ các em hơn.
Nhà trường cũng luôn cố gắng để các cô và trò có nhiều tiết ngoại khoá, qua đó tạo điều kiện cho các cô hướng dẫn và dậy dỗ các em những điều cơ bản nhất trong cuộc sống. Từ cách chấp hành tuân thủ luật giao thông, cách giữ gìn vệ sinh công cộng, hay tham gia vào các hoạt động công ích ngoài công viên, trong thư viện hay tại các hội trợ,...
Các quá trình này cứ lặp đi lặp lại nhiều lần, từ năm này qua năm khác, nhằm tạo cho các em học sinh được ngấm dần các ý thức đúng đắn trong cuộc sống, nhằm hạn chế những điều xấu, có thể ảnh hưởng tới xã hội.
- Đối với cấp 2, bộ giáo dục đặt mục tiêu giảng dạy cho các em kiến thức tổng quát về các môn tự nhiên và xã hội. Nhưng cũng rất ưu tiên những môn cần thực hành cũng những môn rèn luyện thể chất. 4 năm này hình thành cho học sinh ý thức tự giác, cũng như cố gắng tìm ra những năng khiếu cũng như đam mê của mỗi em. Các em học sinh hết lớp 9 là đã có thể hướng cho mình ngành nghề để chuẩn bị bước vào đời. Các em gần như đã định hướng được cho mình sự nghiệp trong tương lai.
- Lên cấp 3, bộ giáo dục đặt mục tiêu là đào tạo lượng lao động có tay nghề thiết thực trong cuộc sống và chọn lọc những tinh hoa để đào tạo lên đại học. Lúc này những em nào xác định sẽ đi làm sau khi đủ 18 tuổi, các em sẽ chọn học những ngành nghề yêu thích để khi tốt nghiệp cấp 3 là đi làm được ngay. Một số ít các em sẽ có hướng học tiếp lên đại học, và các em cũng được xác định trước, là chỉ một phần 3 trong số các em mới đi tới được đích. Nhà nước hỗ trợ mỗi người 26 năm học miễn phí, nên sẽ không lãng phí tài nguyên một cách đào tạo đại trà.
Chính vì vậy mà giáo dục Phương Tây không đặt nặng vấn đề chạy đua theo thành tích, mà chủ yếu hướng cho các em những bước đi phù hợp với từng giai đoạn.