Câu chuyện dài và rất dài...
Nó bắt nguồn từ duy quản lý nhà ta. Tại sao Nhà nước lại đi chỉ đạo sản xuất trong khi các khâu thị trường, dự báo thị trường, truyền thông thị trường và chuẩn hóa quy trình sản xuất lại không làm. Việc sản xuất xưa nay vẫn là do các hộ dân quyết định nhưng hỏi xem trong số các hộ đó, có ai có được khả năng tính toán năng lực thị trường tốt.
Xét về hiện trạng và các giải pháp hiện tại, có mấy điểm thế này:
+ Nếu cấm tiểu ngạch >> mơ thôi vì chúng ta chưa bao giờ làm tốt được việc kiểm soát liên ngành. Ông Biên phòng ông biết thừa, ông Hải quan biết thừa nhưng nếu cấm tiệt thì ông ấy không có tiền (nếu các bạn có thời gian lên Cao Bằng hoặc các khu vực lối mở thì sẽ rõ).
+ Cấm/ hạn chế nhân dân chăn nuôi >> hoàn toàn không thể làm được vì ông sản xuất thức ăn thì thích bán được nhiều, khâu tổ chức thương lái thì không ra đâu với đâu. Dân ta thì tâm lý bầy đàn vẫn là chủ đạo vì họ còn biết làm gì trong một xã hội lộn xộn về thông tin như hiện tại?
+ Khi thương lái chạy khắp nơi, khi hàng ngàn xe tải vẫn ùn ùn đi với một ít trót lọt ở Lạng Sơn, Cao Bằng, Hà Giang, thế là dân đầu tư.
Tiềm năng thị trường trong nước vẫn có và có nhiều nhưng hỏi với những con lợn ăn cám tăng trọng, làm sao có thể vào được các siêu thị, cửa hàng ở các đô thị lớn. Các bản tin thị trường nông nghiệp thì thiếu hẳn mảng xu hướng, đặc điểm thị trường. Các giải pháp quản lý thì vẫn cứ loay hoay vài chục ngàn đầu lợn, đầu gà ...vv. Dân vẫn loay hoay với VIETGAP, hữu cơ giá cao, không ai mua. Các giải pháp truy xuất nguồn gốc thì làm chỉ để trang trí, thời thượng trong khi đó:
+ Quản lý giết mổ khó khăn vì quan điểm giết mổ tập trung lấy được và rập khuôn từ thành thị đến nông thôn;
+ Chuẩn giết mổ thì chung chung và mang tính lý thuyết hơn là gắn với thực tế tiêu thụ sản phẩm của nhân dân;
+ Mấy mươi năm phát triển chăn nuôi, chúng ta quên hẳn khái niệm "Thị trường mục tiêu, sản xuất ra để phục vụ ai?
+ Thú y, quản lý chất lượng thì chỉ chăm chăm tiêu và kiếm tiền tiêm phòng, hỗ trợ tiền chống rét... trong khi cứ động nói đến xây dựng và kiểm soát chăn nuôi an toàn thì bảo khó lắm, không làm được, bỏ ngỏ hết các tiêu chuẩn sản xuất và hỗ trợ thông tin thị trường sản phẩm, mặc cho người tiêu dùng chỉ còn cách tiêu dùng dựa vào lòng tin mơ hồi "Anh A là đáng tin cậy vì anh ấy có uy tín, vì thế mua của anh ấy là chuẩn ..."
Ngành nông nghiệp hiện nay đáng tiếc là quên mất một tài năng đã làm sống dậy ngành thủy sản của ta, bác Tạ Quang Ngọc. Và kể từ khi sát nhập Thủy sản vào Nông nghiệp, bao nhiêu thành quả của ngành thủy sản về kiểm soát sản xuất hầu như chẳng còn là bao. Tỷ lệ các vụ nhiễm kháng sinh, dư lượng trong thủy sản ngày càng tăng lên.
Nếu phải nói đến một giải pháp rốt ráo, tôi e rằng ngành nông nghiệp, riêng với vụ chăn nuôi, nên xem lại cách làm của họ trong 10 năm qua:
+ Loại bỏ hoàn toàn các hệ thống thú y hiện tại vì đến giờ tác dụng của nó hẳn chả phải bàn, ai cũng biết mà tiền thì tiêu không hề ít. Bỏ hẳn phần hỗ trợ tiêm phòng mà tập trung vào
- Khâu thông tin các vùng dịch và các giải pháp kiểm soát biên giới các vùng chặt chẽ;
- Xây dựng các quy chuẩn an toàn trong thú y, sản xuất, chăn nuôi an toàn và thực hiện giám sát nó, luôn luôn thông tin về việc cơ sở nào/ hộ nào chăn nuôi không an toàn cho toàn dân;
- Kiểm soát, giám sát quá trình sản xuất thức ăn chăn nuôi công nghiệp theo quy chuẩn để tránh việc lạm dụng các loại hóa chất và mạnh tay với các đơn vị có vấn đề;
+ Tăng cường khâu nghiên cứu, đánh giá thị trường và công bố các tiêu chuẩn sản phẩm hướng tới người tiêu dùng, tăng cường tuyên truyền đại chúng về xu hướng và yêu cầu thị trường.
+ Tăng cường hoạt động giám sát, kiểm soát nhanh về thực phẩm nhằm giảm dần các chợ có, chợ tươi sống để chuyển sáng hệ thống siêu thị tiêu chuẩn thông qua giải pháp kiểm soát đầu cuối, phát hiện lần 1 cảnh cáo, tư vấn, lần 2 phạt, lần 3 cấm và áp dụng đối với tất cả các cơ sở phân phối.
+ Cung cấp dịch vụ giết mổ vừa và nhỏ và giảm bớt các tiêu chuẩn lạc loài trong giết mổ. Thực tế làm sao có thể áp dụng chuẩn Tây vào điều kiện của ta khi quy mô thị trường quá nhỏ, tập quán tiêu dùng quá dễ dãi...
....
Và quan trọng hơn nữa, cần bỏ hẳn cái chỉ tiêu sản xuất bao nhiêu đầu lợn, gà, trâu bò trong các bản kế hoạch kinh tế xã hội, ngành đi vì nhà nước đâu có nuôi lợn mà lập kế hoạch!
Xin lạm bàn vài dòng!