Cụ mà xem họ lấy mẫu thí nghiệm với số lượng mẫu khủng là... 5 con chuột chắc cụ chán chả muốn truy tư cách tác giả. Ngoài ra thiếu nhóm dùng tay giả sờ chuột, mới chỉ có nhóm không được sờ. Link cụ gửi về Society for Scientific Exploration dẫn tới
1 trường hợp thú vị tin vào năng lượng vũ trụ, dành cuộc đời mình nghiên cứu và ứng dụng nó. Cụ Wilhelm Reich này còn chế tạo ra một cái lồng dạng như lồng Faraday để hút năng lượng vũ trụ, sau đó thử nghiệm chữa ung thư cho chuột và cho cả người. Cụ này bắt đầu bán các lồng này với quảng cáo chữa bệnh ung thư trên đất Mỹ sau khi chuyển đến đây sinh sống và làm việc năm 1939 (cụ ấy người Áo).
Đương nhiên giới khoa học dễ dàng lật tẩy những gì nguỵ tạo. Chỉ sau 2 bài báo khoa học năm 1947, FDA của Mỹ ra lệnh cấm lưu hành các sản phẩm "lồng năng lượng" này. Tuy nhiên, chứng nào tật ấy, dù có lệnh cấm nhưng cụ này vẫn tìm cách bán chui, vẫn âm thầm như kiểu NLG đi rao rảng về khả năng chữa bệnh của lồng năng lượng vũ trụ. Năm 1956 cụ ấy bị bắt, ra toà và nhận bản án 2 năm. Tại toà, 6 tấn tài liệu sách vở do cụ ấy viết về "năng lượng vũ trụ" bị đốt tại chỗ theo lệnh của toà án. Nhà tù cũng là ngôi nhà cuối cùng của cuộc đời cụ ấy. Cụ ấy mất trước khi được xem xét đặc xá có vài ngày.
Cuộc sống hôn nhân của cụ này cũng đầy rẫy dối trá, lừa lọc, ngoại tình và toan tính. Người vợ đầu cụ ấy cưới sau khi chấm dứt cặp bồ với một bà đã có gia đình là bệnh nhân của cụ Feud (cụ này chắc quá nổi rồi). Sau đó là câu chuyện ngoại tình với một bệnh nhân, bà này là vợ một đồng nghiệp thời ở Na Uy. Nếu mối quan hệ này tiếp tục thì rủi ro cho công việc và ngược lại, ông ta quyết định dừng mối quan hệ. Bà kia cũng không vừa, doạ đem mọi chuyện lên báo. Tuy nhiên ông ta thuyết phục bà kia rằng làm vậy sẽ xấu mặt cả hai, nên cuối cùng mọi chuyện êm thấm. Trong thời gian này, ông ta còn cặp kè một cô khác làm nghề thiết kế dệt may gì đó. Sau này khi báo chí châu Âu bắt đầu lật mặt những trò "năng lượng", ông ta quyết định tìm đường sang Mỹ (đoạn này giống "chú Phúc" cũng chạy nhanh sang Mỹ trước khi bị 1 nhóm ở VN tìm cách đưa ra pháp luật). Ông ta gạ gẫm cô bồ đi theo, nhưng cô ta từ chối. Cuộc đời cụ ấy ở Mỹ lại cũng vẫn là dối trá, ngoại tình, lại cặp kè, lại gạ gẫm bồ phá thai, và cuối cuồi cùng có cả con riêng.
Về mặt học thuật, quá trình "nghiên cứu" của cụ này có lần còn dẫn tới việc cụ ấy được gặp Einstein năm 1941. Sau khi nghe trình bày về "lồng Faraday" hút năng lượng vũ trụ có thể chữa ung thư, Einstein thích lắm và nói: nếu quả như ông nói thì phát kiến này sẽ nổ như bom. Einstein chấp nhận hợp tác, bỏ ra 10 ngày nghiên cứu đo đạc để xem cái lồng đó thu được năng lượng không. Kết quả không ngoài dự đoán, Einstein kết luận: nó chả thu được gì cả, và những gì đo đạc được về sự thay đổi chỉ là các tác động vật lý thông thường. Không có năng lượng vũ trụ, đồng nghĩa với không có ứng dụng nào của "năng lượng vũ trụ" để chữa ung thư. Không nản chí, Wilhelm Reich viết một bức thư 25 trang để thuyết phục thiên tài Albert Einstein. Rất tiếc là Einstein không hồi đáp. Sau đó là liên tục các thí nghiệm khác nhau do tự Reich mày mò thực nghiệm, và liên tục gửi kết quả cho Einstein với mong muốn ông ta đoái hoài. Thậm chí về sau Reich còn doạ nếu Einstein không trả lời thì ông ta sẽ cho công bố lên báo chí toàn bộ quá trình hợp tác giữa 2 người. Lúc này Einstein đành trả lời thẳng: không muốn mất thời gian vào những việc vô bổ, và cũng không muốn tên tuổi mình bị lợi dụng.
Cuộc đời ông này là một ví dụ điển hình về "nguỵ khoa học". Kết thúc cay đắng là cái giá phải trả, nhưng cũng là một tấm gương để những "nhà khoa học" khác nhìn vào mà tránh. Ranh giới giữa "khoa học" và "nguỵ khoa học" đôi khi rất mong manh, và chỉ có đạo đức và tư cách của người làm khoa học quyết định chứ không phải học vấn hay tri thức. Làm khoa học đòi hỏi phải tuân thủ chặt chẽ quy trình, không nhân nhượng thoả hiệp với chính mình. Khoa học trong lĩnh vực y học còn cao hơn mức bình thường một bậc không chỉ bởi nó liên quan trực tiếp tới sinh mạng và số phận hàng ngàn, hàng triệu người, mà còn bởi vì có thể mất rất nhiều thời gian chúng ta mới biết nó sai, và lúc đó có thể đã quá muộn để sửa. Có những cái sai gây ra hậu quả, biến chứng phải chờ vài chục năm mới có thể kiểm chứng như vô sinh hay ung thư, và vì thậy sự cẩn trọng trong y học cần được nhân lên gấp nhiều lần. Cũng vì thế, nhìn cách mà NLG dễ dàng lôi kéo hàng chục, hàng trăm nghìn người để thí nghiệm như chuột bạch không quan tâm tới họ đang bị bệnh gì, đang điều trị ra sao thì không lời lẽ nào diễn tả hết sự căm phẫn ở những người có lương tri, có chút hiểu biết về khoa học, y học.