Myanmar - lang thang khám phá kết hợp coi U19 đá bóng trên đất Phật - 15
Bây giờ em xin kể một "bí mật" và xin lỗi chân thành một người đàn ông đánh xe ngựa người Burmese vì đã tiết lộ bí mật nghề nghiệp.
Sau khi đi ra cổng Bupaya, em nhìn thấy một người đàn ông chừng U đang ngồi bán thanakar. Em nhìn thấy một miếng nhỏ, dày chừng 5-6cm thôi, còn lại đa số đều dài chừng 30-50cm cả. Em hỏi mua thì cậu ấy bảo 1k, em bảo đắt quá, giám đi, cuối cùng là 500 kyats. Cậu ấy mài miếng gỗ vào một tấm đá có ít nước, kiểu như đá mài tự nhiên mà hồi xưa em thấy người ta dùng để mài dao. Sau đó cậu dùng tay thấm nước có bột thanakar và bôi vào 2 bên má của em, sống mũi, trán. Rồi cậu ấy còn viết tiếng Phạn (?) lên miếng gỗ cho em nữa, kèm cả tên cậu ấy. Em cũng không hiểu nghĩa là gì, đoán là từ thanakar, hoặc tên cậu ấy. Em thấy vui vui. Em không hỏi được nhiều, vì cậu ấy hầu như trao đổi với em bằng tay chân, chứ bằng tiếng Anh rất ít, có điều lạ là hiểu nhau rất dễ.
Em trả tiền rồi tiếp tục ra đi, không quên cảm ơn. Mặt, má em thật là mát mẻ sau khi được thoa kem thanakar. Đây, miếng thanakar em mua đây ạ.
Chuyện đến đây chưa có gì bí mật. Đi một đoạn đến chỗ đường vào Amanda tụi em thấy khát nước quá, vì trời nóng, ghé vào một quán bên đường định làm chai bia cho mát. Cứ tưởng vào đâu cũng có bia như ở Việt ta, ai ngờ họ bảo chỉ có nước lọc, và coca thôi. Thế rồi, 2 chai coca lạnh được mang đến. Có một người đàn ông tầm U40 đến bắt chuyện với bọn em.
Người đàn ông ấy đã dạy cho tui em 2 điều rất hay, em xin chia sẻ ở đây.
1. Sự khác biệt giữa temple, pagoda và monastery là gì?
2. Đứng ở đâu để có thể ngắm hoàng hôn và bình minh đẹp nhất vùng Bagan?
Các cụ để ý là từ đầu thót đến giờ em có sử dụng một số từ như đền, tháp, chùa, tu viện, mà em không sử dụng lẫn. Có cụ có thể nói là em thiếu nhất quán. Thực ra, sau khi nghe người đàn ông ấy giải thích, em mới dùng từ như vậy.
Temple, ta hay dịch là đền đài, ngôi đền, ngôi tháp - đó là một công trình mang tính văn hóa, có thể có cả tính tôn giáo, công trình xây dựng để kỷ niệm...
Pagoda - là nơi cũng là một công trình mang tính tôn giáo, nhằm tôn thờ một vị nào đó (Phật), và nơi đó có sự thờ cúng, người dân và cả người xuất gia có thể tham gia vào việc cúng viếng.
Monastery - đó cũng là một công trình tôn giáo, nhưng đó là nơi mà những người xuất gia đi tu sống, sinh hoạt, và tu hành. Những nơi này thường hạn chế người bên ngoài vào.
Ngoài ra, còn có một từ stupa - có nghĩa là ngọn tháp, thường là khá nhỏ, thường ở ta có thể gọi là bảo tháp, là nơi có mộ chí của những người tu hành.
Trời đổ mưa, em vẫn chưa hết khát, em gọi thêm chai coca nữa. Rồi điều bí mật mà người ấy căn dặn em đừng nói ra, nhưng em có xin là "tao chỉ nói với người Việt tao thôi nhớ!" Cười xòa.
Đó là: Xung quanh Bagan có rất nhiều tháp có thể leo lên để ngắm hoàng hôn và/hoặc bình minh. Như câu chuyện em đã kể, thì đến Bulethi có 2 tháp để có thể ngắm cả bình minh và hoàng hôn luôn. Trên tấm bản đồ em mua, có tất thảy 4 địa điểm vẽ hình mặt trời, ở những nơi đó có ghi chú "nơi ngắm hoàng hôn." Theo em, các cụ đến Bagan thì nên mua bản đồ, ngâm cứu tí, chứ đi theo kiểu tùy hứng như bọn em thì hơi phí sức.
Ông ấy tiết lộ, hãy đến Shwesandaw để ngăm hoàng hôn, vào lúc 17:50; còn đến Lawkaohshaung để ngắm bình mình, lúc 6:07, tất cả theo đồng hồ của ông ấy. Nhưng đó chưa phải là bí mật. Em tìm mãi trên bản đồ mà không thấy cái còn lại. Ông ấy bảo, chúng nó nằm gần nhau, một cái là pagoda, cái còn lại là temple.
Trước khi chia tay bọn em, ông ấy cho biết ông ấy làm nghề đánh xe ngựa, tiếng Anh rất ok, và bí mật là, có 5 mức độ cao trên các tháp, nhưng chỉ leo lên đến mức thứ 4 để đứng ngắm thôi, đừng leo lên chỗ cao nhất. Bởi lẽ, điều này chỉ các nhà nhiếp ảnh chuyên nghiệp mới làm vậy mà thôi.
Nếu các cụ mợ đi Myanmar, đến Bagan hay đi xe ngựa ủng hộ ông ấy, ông ấy tên là Aung Mya Moe, email:
horsecart219@gmail.com.
Nhớ lời ông ấy dặn, tụi em sẽ đến Shwesandaw chiều nay để ngắm hoàng hôn. Ông ấy cũng chỉ đường cho bọn em, chia tay nhau với niềm vui biết thêm những điều mới lạ.