Pha That Luang nằm cuối đường That Luang, cách chùa Ho Phra Keaw tầm 4km. Thời tiết ở Vientiane ngày hôm đó khá âm u nên ảnh chụp của em khiến "niềm tự hào của Lào" này hơi bị dìm hàng chứ nhìn ở ngoài em thấy nó thật sự rất đẹp.
Pha That Luang ở Vientiane là vừa là địa điểm tôn giáo quan trọng vừa là biểu tượng tự hào được in trên các tờ tiền giấy của của Lào.
Pha That Luang đã được xây dựng từ rất lâu trước khi Vientiane trở thành thủ đô của Lào. Bức tượng ở trước Pha That Luang chính là tượng vua Setthathirat người đã có công xây ngôi bảo tháp này vào năm 1566.
Có nhiều giả thuyết cho rằng một di tích tôn giáo cổ nào đó đã từng tồn tại trên mảnh đất này trước khi Pha That Luang được xây dựng. Thậm chí truyền thuyết kể rằng các mảnh xương của Đức Phật đã được chôn ở đây và trên đó là Pha That Luang ngày nay. Điều này khiến ngôi tháp càng trở nên linh thiêng hơn đối với các Phật tử.
Chính Vua Setthathirat đã quyết định đặt Vientiane trở thành thủ đô của Lào thay vì thành phố Luang Prabang xa xôi hơn và việc xây dựng Pha That Luang (nghĩa là “đại bảo tháp”) vào năm 1566 là nhằm mục đích cải thiện vị thế của thành phố để sánh ngang với “Đại bảo tháp” của Chiang Mai của Vương quốc Lanna thời điểm đó (Lanna là một vương quốc cổ từng tồn tại từ cuối thế kỷ 13 đến gần cuối thế kỷ 18 ở miền núi phía Bắc của Thái Lan hiện nay).
Cho dù lịch sử cổ xưa của nơi này là gì thì Pha That Luang là một công trình mang tính biểu tượng sâu sắc mà ngày nay bất cứ du khách nào đến thăm Vientiane cũng đều không thể bỏ qua. Có một chi tiết mà em nghĩ là ít người biết đó là That Luang không phải được sơn vàng mà là được dát bằng 1.102 pound vàng (tương đương với 500kg) vàng lá .
That Luang có hình dáng tương tự như kim tự tháp với cạnh đáy là 90m x 90m và tổng chiều cao xấp xỉ 45m. Toàn bộ tháp được chia làm ba phần: phần dưới cùng là bệ tháp có 4 cạnh, mỗi cạnh dài khoảng 69m, được ốp bằng 323 phiến đá. Tầng thứ hai, mỗi cạnh dài 48m, vòng quanh 4 cạnh là 120 cánh hoa sen lớn. Tiếp giáp giữa tầng hai và tầng ba có 30 tháp nhỏ có hình dáng tương tự như tháp chính. Tầng trên cùng là tháp trung tâm nhìn gần giống như quả bầu, được đặt trên một khối bán cầu với phần chóp được trang trí bằng những hình cánh sen đang nở tung ra bốn phía. Đỉnh tháp nhọn hoắt cao vút như một mũi tên vàng rực.
Kể từ khi được xây dựng lần đầu tiên, ngôi bảo tháp này đã trải qua rất nhiều lần trùng tu. Năm 1828 Pha That Luang bị phá hủy bởi cuộc xâm lược của quân Thái khiến nó bị hư hại nặng nề và bị bỏ hoang mấy chục năm. Mãi đến năm 1900, người Pháp mới khôi phục lại thiết kế ban đầu dựa trên bản vẽ chi tiết từ năm 1867 tuy nhiên nỗ lực đầu tiên để khôi phục này không thành công. Năm 1930 bảo tháp được thiết kế và xây dựng lại. Khi Chiến tranh Pháp-Thái xảy ra, Pha That Luang tiếp tục bị hư hại nặng nề trong một cuộc không kích của Thái Lan. Và sau khi Chiến tranh thế giới thứ hai kết thúc, Pha That Luang lại được tái thiết một lần nữa.
Pha That Luang mở cửa hàng ngày từ 8 giờ đến 12 giờ và 13 giờ đến 16 giờ nhưng rất tiếc lúc em đến thì nơi này đang đóng cửa để sửa chữa gì đó nên chỉ có thể đứng ngoài chụp vài kiểu ảnh rồi đi sang ngồi chùa bên cạnh.