Em đã có dịp qua Mông Cổ cả thảy 6 lần, lần đầu tiên vào năm 99 và lần sau cùng năm 2004, đa phần là vào mùa đông. Riêng năm 2004, em sang đó vào mùa hè (tháng 6). Lần ở lâu nhất là 6 tuần, từ tháng 10 đến giữa tháng 12 năm 2003, và ngay sau đó, em quay lại công tác thêm 3 tuần đợt tháng 2 năm 2004. Em đã thử cộng tổng thời gian em công tác bên đó: khoảng 6 tháng. Phần lớn thời gian em ở U lan ba to, nhưng cũng phải có đến sáu tuần ở một khu mỏ cách thủ đô khoảng 150 km về phía tây bắc.
Mông Cổ là một đất nước kỳ lạ, khác xa so với những nước mà em đã từng qua. Nếu so về tiện nghi thì kém xa VN (em thích tiện nghi), khí hậu lại cực kỳ khắc nghiệt, nhưng cũng như cụ khonggiancong, sau lần đầu tiên, em vẫn cứ muốn quay lại nơi đó. Một thứ lôi cuốn rất khó hình dung: khung cảnh hoang sơ trải rộng, con người thô hào phóng khoáng, lối sống du mục vẫn còn đọng lại rất nhiều trong các thói quen sinh hoạt của người Mông Cổ… đại loại rất khó đong đếm hay mô tả (hê hê các cụ thông cảm, nghề của em nó khô khan ít cần trí tưởng tượng). Có lẽ do cảm giác phóng khoáng tự tại khi ở bên đó chăng?
Lần đầu tiên
Đó là vào tháng 2, đầu tháng 3 năm 1999. Qua Bắc Kinh đã thấy lạnh rồi, cái lạnh khác rất xa HN, không có cái ẩm ướt mang theo cái lạnh vào tận trong chăn như ở HN, nhưng là cái lạnh cắt thịt của gió sa mạc mang xuống từ bên ngoài Vạn Lý Trường Thành, thế nhưng chưa thấm gì so với lạnh ở Mông Cổ, chỉ có thể mô tả là cái lạnh chân chính, không cần hơi ẩm hay gió trợ lực. Em tới U lan ba to lúc khoảng 6g tối, đích đến là khu mỏ than. Trời vẫn là mua đông nên đã tối từ 5g. Khách hàng cho xe ra đón: một chiếc Pajero 3500 còn khá mới. Chạy qua thành phố một tẹo, xe bắt đầu hướng về phía thảo nguyên bao la. Xung quanh hoàn toàn tối mịt, chỉ có ảnh tím của bầu trời trên cao. Được một lúc, xe bắt đầu xóc mạnh: hóa ra xe đã rời đường nhựa và bắt đầu tiến vào đường mòn trên thảo nguyên. Nhìn qua ánh đèn pha, em thấy vô vàn các vệt bánh xe chạy ngang dọc. Ô, hay thật, vậy là vượt phải vượt trái thoải mái; thích thì vòng xa một tí rồi cắt mặt (trong chuyến về sau đấy mấy tuần, chú lái xe còn hứng chỉ cho bọn em lượn một vòng sát vào chỗ bầy ngựa hoang). Nhìn đồng hồ, xe đang chỉ tốc độ 80km/h. Choáng! Về sau hỏi ra em mới biết các loại xe nồi đồng cối đá như Pajero, Land Cruiser hay Patrol cũng chỉ phục vụ các anh lái xe Mông Cổ được khoảng 3 năm là rã rời tơi tả. Được khoảng nửa đường, chú lái xe dừng lại bên một đống đá cao. Mọi người được hướng dẫn đi một vòng xung quanh đống đá, rồi mỗi người nhặt một cục đá nhỏ trên thảo nguyên ném lên đống đá, sau đó lên xe đi tiếp, có lẽ là thủ tục của lái xe trên thảo nguyên, không biết dân cưỡi ngựa có làm vậy không? Có đ/c Mông Cổ còn nói với em là phải làm thêm mỗi người một tợp vốt ca nữa – cái này hôm đó em không thấy, với lại lái xe trong điều kiện đó mà có tí vốt ca trong người thì… Đi thêm một quãng nữa, thấy có một số ánh đèn nhấp nháy như đom đóm giữa đêm tối mịt. Đó chính là đích đến của chúng em.
Về sau em cũng còn đi lại con đường này một vài lần nữa, đoạn đường nhựa mỗi năm lại dài hơn. Toàn đi ban ngày nên em tha hồ ngắm cảnh thảo nguyên (“bát ngát mênh mông tận chân trời”, toàn cỏ khô chứ không phải lá mơ xanh như cụ OFer gì đó ước) và tưởng tượng Quách Tỉnh đã được nuôi lớn trong các lều (gọi là “ghe” – phiên âm) như thế nào; học khí công và khinh công Toàn Chân với Mã Ngọc trên Một trong vô số các ngọn núi đá nhỏ mọc lên ở giữa thảo nguyên bao la ra sao…
(b)
Em không có ảnh, nên chỉ xin hầu các cụ vài chuyện lượm lặt thôi ạ. Lát nữa em kể tiếp.