Em người gốc Nam Định rất tâm huyết với quê hương
Quê em ko có ngày bánh trôi bánh chay. Tết mồng 3/3( Tết Hàn Thực )
Tết Đoan Ngọ trong kí ức của mình là buổi sáng bà gọi dậy thật sớm, tắm nồi nước lá cây cho mùa hè năm nay hết rôm hết sảy, mẹ tất bật trong bếp nấu nồi xôi vò và bát chè hoa cau bằng nếp mới, cả nhà ngồi ăn bát cơm rượu nếp để diệt sâu bọ. Hàng xóm đều để dành nhưng cành quả đẹp nhất để dâng vào ngày này, và đem sang chia nhau những chùm vải, chùm roi, quả xoài để mong mùa sau hoa quả bội thu, ko bị sâu bọ phá. Bố bắt con vịt béo nhất để thịt, đánh một đĩa tiết canh. Hai chị em phụ mẹ mâm cơm để cúng cụ, kiểu gì cũng phải có đĩa thịt vịt, bát riêu cua, bát xôi chè, bánh gio chấm mật mía, và không thể thiếu những quả chua chát, nào mận nào đào nào vải nào xoài. Buổi trưa thì chị leo lên cây, cả nhà ở bên dưới khảo quả để năm sau cây trái sum xuê.
Những năm sau này, bố làm xa nhà, chị em mình cũng đi học, rồi chị lập gia đình, ông nội mất, và bà nội cũng đi xa, ngày lễ tết chẳng còn cơ hội cùng nhau quây quần, phong tục cũng dần bỏ bớt đi vì rườm rà quá. Lâu lắm rồi, năm vừa rồi mình mới lại ở nhà vào ngày Đoan ngọ, sáng sớm cùng mẹ đi chợ ăn cơm rượu nếp, lên đầm cắt sen, cùng mẹ đun nồi nước lá cây để tắm, làm một mâm cơm tươm tất để cúng ông bà và ngồi gõ những dòng này để nhớ tuổi thơ.
Mình nhớ thời ấy còn nghèo khó, quà vặt cũng chẳng nhiều như bây giờ, lũ trẻ háo hức mong chờ từng ngày lễ ngày tết. Tháng ba có tết hàn thực, được ăn bánh trôi bánh chay, tháng năm có tết đoan ngọ ăn cơm rượu, tắm nước lá cây, tháng bảy có ngày vu lan làm bánh rợm, đi lễ chùa, tháng tám có tết trung thu ăn bánh nướng, bánh dẻo, đi rước đèn, tháng mười có tết bánh chưng bánh giày, sau đó là tết nguyên đán. Không như bây giờ bất cứ lúc nào cũng có thể mua
được, ngày ấy chỉ ngày hàn thực mới có bánh trôi ăn, tết âm lịch mới có bánh chưng chứ ngày bình thường đâu có. Cho nên những năm tháng ấy ngày tết nào cũng thật long trọng, thật ý nghĩa và thật vui. Lũ trẻ luôn háo hức nhất mong chờ nhất. Có lẽ do ngày xưa thiếu thốn, do cuộc sống thôn quê không quá nhiều tất bật, người ta sống thật chậm thật tình, và ngày ấy không có đồ ăn nhanh ko có KFC không có hamburger. Ngày nay, trẻ con gần như không biết về ý nghĩa của những ngày truyền thống, cũng chẳng còn thích những món ăn truyền thống, có lẽ chúng không được dạy vì cha mẹ chúng đang quá vội vã tất bật với guồng quay cuộc sống với cơm áo gạo tiền!