Em đọc được bài viết này, ko biết có đúng ko mời các cụ thẩm.
AI CẦN ĐƯỢC VINH DANH Ở ĐẠI HỌC TÔN ĐỨC THẮNG?
Hơn 6 năm trước, đi dự hội thảo về Biển Đông ở Đại học Tôn Đức Thắng, điều làm tôi nhớ về ngôi trường này đó là “Nếu đi học lại tôi sẽ chọn Tôn Đức Thắng”.
Không phải vì cơ ngơi khang trang của ngôi trường khi ấy, mà bởi rải rác trong sân trường là những cách ngôn về tự do, dân chủ, tri thức... Bởi tinh thần học tập nghiêm túc của sinh viên lẫn giảng viên. Và bởi một chi tiết nhỏ thôi, nhưng thể hiện suy nghĩ của người đứng đầu, ở sảnh của mỗi toà nhà lại có một cây piano để mọi người được ngồi vào chơi, dù trường không có khoa Âm nhạc.
Người ta phải bất ngờ trước sự phát triển của Đại học Tôn Đức Thắng (TDTU). Hơn 1.000 bài viết xuất hiện trên các tạp chí nghiên cứu quốc tế đã đưa trường này vào top 800 đại học trên thế giới. Trong vòng 10 năm, TDTU trở thành trường đại học số 1 Việt Nam không chỉ bởi cơ sở vật chất khang trang mà còn bởi tinh thần giáo dục khai phóng, rộng mở.
Lãnh đạo TDTU không giấu tham vọng khi tin rằng trong vòng 10 năm tới họ sẽ đem về cho Việt Nam một giải Nobel. Họ đã mời được các ứng cử viên giải Nobel về trường làm việc. Đó hoàn toàn là một tham vọng có cơ sở.
Đà tiến đó đang bị chặn lại bởi cơ chế chủ quản, cụ thể là Tổng Liên Đoàn Lao Động (TLĐ) muốn TDTU mỗi năm phải nộp 30% lợi nhuận. Người đứng đầu TDTU là giáo sư Lê Vinh Danh không chấp nhận yêu cầu “thu tô” này. Ông bị cách hết chức vụ đảng, đình chỉ chức vụ hiệu trưởng 90 ngày.
Quyết định đình chỉ này là trái pháp luật. Theo Luật Đại học, chỉ có Hội đồng trường mới đủ thẩm quyền để quyết định nhân sự Hiệu trưởng. TLĐ tự ý đình chỉ chức vụ hiệu trưởng của giáo sư Danh là sự can thiệp trái luật.
Yêu cầu chuyển 30% lợi nhuận của TDTU cũng trái quyết định Thủ tướng khi cho phép TDTU thí điểm mô hình đại học tự chủ. Văn bản 3995/VPCP-KGVX ngày 18/6/2018 của Văn phòng Chính phủ về việc xây dựng quy chế tổ chức và hoạt động của Trường Đại học Tôn Đức Thắng nêu rõ, không chuyển các thu nhập của Trường (học phí, các tài trợ khác, khoản thu từ hợp đồng nghiên cứu khoa học, dịch vụ, biếu tăng) cho Tổng liên đoàn lao động Việt Nam hoặc cho bất kỳ tổ chức, cá nhân nào ngoài Trường.
Hình thành từ một trường tư thục, chuyển sang bán công rồi trở thành trường công. TDTU cho đến giờ này không nhận bất kỳ một đầu tư nào của TLĐ - cơ quan chủ quản, ngoài khoản vay không lãi suất trị giá 100 tỷ đã được hoàn trả.
Khu đất rộng 10 hecta ở Tân Phong, Q.7, nơi TDTU toạ lạc được chính quyền TP.HCM giao năm 2007, trước khi về với TLĐ, được chuyển sang hình thức cho thuê như với bất kỳ một trường nào khác trên địa bàn. Sau đó, do bị thuyết phục với tốc độ phát triển của TDTU nên chính quyền thành phố đã tiếp tục giao 20 hecta vốn được quy hoạch cho Đại học Sài Gòn nhưng bị bỏ hoang bao nhiêu năm. Cơ ngơi TDTU hình thành là như vậy, và có thể thấy TLĐ không hề có bất kỳ sự đóng góp nào về của cải - đất đai trong sự hình thành ấy.
Ngay chính TLĐ trong một công văn gửi Văn phòng Chính Phủ cũng khẳng định TDTU “là đại học công lập không nhận ngân sách nhà nước”. Điều ấy càng cho thấy TDTU đang thực hiện đúng tinh thần đại học tự chủ do Chính Phủ chọn làm thí điểm.
Vậy, nguyên nhân gì khiến TLĐ đòi hỏi một việc trái quyết định của Thủ tướng (đòi chi 30% lợi nhuận) để rồi khi bị từ chối liền làm một việc sai luật (đình chỉ Hiệu trưởng)?
Liệu có phải bởi họ mong muốn cho TDTU tốt lên hay vì mong muốn cho nền giáo dục đại học quốc gia trở nên phát triển?
Nếu vì mong cho TDTU tốt lên thì hiện nay trường này đang tốt nhất cả nước, kể từ khi có sự can thiệp thô bạo của TLĐ năm nay TDTU mất hơn 1.000 chỉ tiêu tuyển sinh. Các giảng viên tâm huyết của trường đang chán nản, hoang mang không còn biết tương lai thế nào.
Nếu vì mong muốn cho nền giáo dục đại học của quốc gia thì hãy nhớ rằng TLĐ đang có một trường đại học khác là Đại học Công Đoàn, tại sao TLĐ không tập trung phát triển trường này dù bao nhiêu năm nay đã đầu tư hàng ngàn tỉ đồng vào đó?
Rõ ràng, nhắm đến việc nắm quyền quyết định ở TDTU của những lãnh đạo TLĐ không bao giờ bởi vì sự phát triển của trường hay của nền giáo dục. Một câu chuyện nhỏ mà nhiều người ở TDTU vẫn kể có thể thay câu trả lời cho bạn, năm 2016, một lãnh đạo TLĐ khi vừa lên chức đã đi thăm cơ sở Bảo Lộc của TDTU. Đây là một vùng đất trên đồi với diện tích 50 hecta tuyệt đẹp, vị lãnh đạo này đi với các lãnh đạo một tập đoàn kinh tế lớn, khi đến cơ sở Bảo Lộc việc đầu tiên ông ta làm đó là đòi... xem sổ đỏ khu đất.
Liệu 30% lợi nhuận có thật sự là mục đích cuối cùng của tranh chấp này? Không, đó chẳng là gì so với khối tài sản được định giá trên dưới 5 tỉ USD của TDTU. Nếu chiếm quyền kiểm soát trường xong đem ra cổ phần hoá, bán cho tư nhân, có thể là một kịch bản tưởng tượng nhưng ai chắc nó không thành sự thật vào lúc nào đó?
Cuối cùng, ai mới cần vinh danh ở TDTU, chắc chắn ông hiệu trưởng Lê Vinh Danh sẽ không cần bởi ông đã gắn bó với ngôi trường này mà ko cần ai vinh danh ông. Những người góp công dựng nên TDTU trong quá khứ và đang chung sức để giữ vững môi trường học tập đáng ngưỡng mộ này cho thế hệ trẻ khỏi lòng tham của kẻ có quyền. Họ mới là người xứng đáng được vinh danh.
TRUNG BẢO