Tiếp nào ...
Sẹo Lỳ không chịu học văn, lại không chịu ở nhà trâu bò, cám bã phụ mẹ và các anh chị, cháu cũng chả thèm trông, lỡ mà giao nó trông thì nó cứ bày trò dọa cho các cháu khóc nôn ra mật xanh mật vàng, trâu bò giao cho đi chăn thì nó lấy lá han xát cho sưng hết cả đ.ít đoi, về trâu ốm bỏ cả cày bừa, nó giỏi mỗi việc chơi bời lêu lổng, bày trò mất dạy phá làng phá xóm. Kỵ ngoại em quyết tâm gò ông con giai vào khuôn khổ, bé không vin lớn gẫy cành, thôi mày không chịu học văn thì thầy cho mày đi học võ, mấy thằng võ tướng trước giờ ừ thì áo mão cân đai làm quan triều đình nắm binh quyền to đấy, nhiều người trọng vọng đấy nhưng lúc trẻ chắc bọn nó cũng toàn thằng bất trị đầu bò đầu bướu như mày thôi con ạ. Nghĩ sao làm vậy, kỵ ngoại em lặn lội vượt sông đem đứa con ngỗ nghịch sang tận Yên Lư – Bắc Giang tìm đến nhà 1 ông thầy võ nổi tiếng xứ Kinh Bắc cũng là ông bạn cũ để gửi gắm, đặng mong con chịu vào khuôn vào khổ. Sẹo Lỳ lúc ở nhà thì nghịch lắm cũng chỉ là trộm cắp vặt rồi quậy phá linh tinh, đến khi được thầy đưa sang cái đất Yên Lư thì mới chính thức hoàn toàn hỏng hẳn. May mà kỵ ngoại em chết trước khi ông con “thành tài”, khi ngoẹo đầu hấp hối vẫn còn mấp máy môi dặn: khi nào thằng Chiêm về… bảo … bảo … nó lên Yên Thế mà theo cụ Đề Thám … lập đại võ công … rạng rỡ … tổ tông.
Ở Yên Lư được vài tháng thấy học võ vất vả quá, tính ông thầy lại khắc nghiệt uy nghiêm, được cố nhân giao phó trách nhiệm ông thầy võ càng gò ép Sẹo Lỳ ác liệt, bản chất vốn là phường vô sừng vô sẹo, bất lương từ kiếp trước nên thằng nhãi thù ông bạn của bố đến tím ruột bầm gan. Hồi ấy mới tròn 13 tuổi nó đã chơi cái bài mà không nhiều đứa trẻ dám chơi, một đêm chờ cả nhà thầy say ngủ nó len lén chất rơm vách cửa, chốt then ngoài lại rồi tưới dầu lạc phóng hỏa đốt nhà thầy và trốn biệt tăm biệt tích. Phúc nhà ông thầy còn lớn nên mấy đệ tử ngủ dưới nhà ngang thấy lửa cháy phừng phừng, cả nhà thầy thì đang hoảng hốt gào rú bên trong mới đi xách nước rồi vác chăn vội vàng dập lửa. Đêm ấy nhà ông thầy võ cháy hết nửa vì kèo, may không có ai thiệt mạng, ông thầy vừa giận vừa lo, sai người đi tìm con ông bạn thân suốt mấy ngày mà không thấy nó đâu, nghe ngóng bên kia sông Cầu cũng chả thấy nó về nhà. Thời gian sau lại nhận được thư kỵ ngoại em gửi lên hỏi han xem thằng con luyện võ đến đâu rồi, ông thầy chả biết phải ăn nói ra sao đành biên mấy dòng hồi âm đại ý là cho nó sang bên Sơn Động khổ luyện đến thành tài mới cho hạ sơn vì thằng bé này khó dạy lắm.
Rồi thời gian cứ thế trôi đi, kể từ ngày gửi con sang sông thì mấy năm sau kỵ ngoại ông mất, cả nhà vẫn đinh ninh Sẹo Lỳ vẫn đang miệt mài tập luyện võ công tận tít Sơn Động nên cũng chả gọi về, mà gọi làm gì, cái ngữ giời đánh thánh đâm ấy thì có lẽ cứ ở luôn bên đó càng lâu càng tốt cho khuất mắt. Có dễ phải mười năm có lẻ từ ngày Sẹo Lỳ bị bắt buộc đi tầm sư học đạo, một đêm cả nhà đang ngủ (kỵ ngoại bà ở cùng cụ con thứ 2) đang ngủ thì có tiếng tích chén lạch cạch, ai đó hắng giọng đàn ông rồi rót nước vối từ cái ấm đất ra uống ngon lành giữa nhà. Người con trai thứ 2 của kỵ ngoại em lúc này đang làm ăn tận Lũng Lim chưa về, kỵ ngoại bà tưởng trộm liền hỏi: đứa nào đấy, đêm hôm vào nhà bà có việc gì? Vừa dứt lời thì thấy có tiếng loẹt xoẹt đánh diêm, rồi giữa nhà ánh đèn dầu lạc được thắp lên vàng vọt, kỵ ngoại bà lúc này cũng đã nhỏm dậy trong màn, kỵ cứng hết lưỡi vì ngồi ngay chiếc tràng kỷ sát giường là một người đàn ông máu me be bét nhuộm đỏ bộ quần áo trắng đang nhìn kỵ gườm gườm: em về rồi đây u. Ngỡ ngàng trong giây lát kỵ bà bật dậy vén màn bước ra hô lên thảng thốt: thằng Chiêm … thằng Chiêm hở con? Mày về từ bao giờ? Sẹo Lỳ xa nhà hơn chục năm mà hắn hình như chả đoái thương gì cha mẹ cùng anh chị em, thấy mẹ già lập cập run rẩy vì trông thấy mình, hắn cũng mặc kệ, cứ rót nước vối uống tiếp. Bà mẹ thấy con máu me đầy quần đầy áo thì hỏi dồn: thế ai đâm, ai đánh mày hay sao mà máu chảy ướt áo thế kia? Không phải máu em, u cứ lo hão, máu mấy thằng cướp chặn đường bị con đánh cho tơi tả nó dây ra đấy.
Tin Sẹo Lỳ học võ thành tài được thầy cho hạ sơn sáng hôm sau lan ra khắp xóm, đến nửa buổi đã vang khắp làng, họ hàng hang hốc, anh chị em đổ về thăm hỏi nườm nượp, ai hỏi gì hắn cũng bồi đáp qua loa lấy lệ. Hồi ấy mất mùa triền miên, đói kém giặc giã khắp nơi, hết giặc ta lại giặc tây vét vơ, trấn cướp nên nhà chả có điều kiện mà làm cỗ khao mọi người, chỉ làm dúi mâm cơm cúng kỵ ngoại ông để Sẹo Lỳ thắp hương cho thầy. Mấy hôm sau mọi việc trở lại bình thường, Sẹo Lỳ được mẹ chia cho 1 gian buồng trong căn nhà gỗ năm gian, đối diện là buồng anh chị, vài đứa cháu lớn thì ở dưới nhà ngang, nhỏ thì ở cùng buồng bố mẹ hoặc ra giữa nhà ngủ giường bà. Từ ngày Sẹo Lỳ chiếm cứ 1 gian buồng thì hắn cứ ra đóng vào khóa rất cẩn mật, người nhà mắt tròn mắt dẹt bán tín bán nghi chú Chiêm chắc có vàng bạc mang về nên đề phòng cả anh em con cháu. Cho đến một hôm chính kỵ ngoại em vì tò mò không biết thằng con trai mình nó cứ làm gì dấm dúi trong buồng mới nhân lúc Sẹo Lỳ quên khóa cửa mà bước vào trong xem sự thể ra sao. Đập vào mặt kỵ là chiếc bàn thờ chả biết được dựng lên từ lúc nào, trên ban thờ ngoài bát hương, chén cúng, đèn dầu ra thì có thêm lá bùa trắng dán chính diện, rùng rợn hơn nữa là ở mé tả có cái bình ngắn màu da lươn có khắc chữ Nho và dán bùa chi chít, đựng cái gì khô khô quắt quắt mà vẫn đủ cả 5 ngón lẫn móng dài, chả khác gì tay người chết khô.
--Còn tiếp--