Đêm nay em lại hầu các cụ/mợ tiếp 1 giai thoại về người cậu ruột của bà ngoại em, nghĩa là theo vai vế em phải gọi là cụ đằng ngoại, tên tục của cụ là Chiêm, cụ mất vào khoảng những năm 20 thế kỷ trước. Cụ Chiêm này là con thứ 6 trong số 8 người con của kỵ ngoại em (cụ sinh ra bà ngoại em là thứ 5), nghe kể sự tích cụ ra đời cũng rất lạ kỳ: kỵ ngoại em đi lễ chùa cầu sinh, lúc ra về vừa bước chân khỏi cổng chùa thì thấy có đứa bé chừng 3-4 tuổi tóc trái đào, khoác tấm nhiễu đỏ chạy như bay về phía kỵ. Sau lưng thằng bé là một người đàn ông bận đồ đen rộng thùng thình, tay huơ huơ cái roi tre buộc tua rua giấy dó hậm hực đuổi theo. Đứa bé ấy chạy đến trước mặt kỵ ngoại em thì đứng sững lại nhìn chằm chăm, rồi nó ngửa mặt lên trời cười lanh lảnh và chui tót vào trong bụng kỵ, lúc này kỵ ngoại em đã mang bầu non chín tháng. Lát sau người đàn ông áo đen nhìn không rõ mặt kia đuổi đến nơi, ông ta thấy đứa bé chui vào người kỵ em thì tức lắm, bèn lạnh giọng gầm gừ: mày lại lộn trốn à, đánh chết vẫn không chừa … trốn thì ta cũng cho mày mấy roi bõ tức. Đoạn ông ta vung cái roi tre lên vút về phía kỵ ngoại em 1 cái.
Khoảng cách giữa đôi bên vẫn là hơn chục thước thành ra roi tre kia thực ra là đánh vào khoảng không, ấy thế mà kỵ ngoại em thấy trời đất tối sầm quỵ luôn ngất xỉu ngay cổng chùa làng. Lúc kỵ mở mắt ra thì đã thấy nằm trong hậu viên chùa, bên mép giường là sư bà trụ trì và 1 ni cô đang người xoa dầu, người bấm huyệt. Kỵ ngoại em hỏi sư bà có nhìn thấy người đàn ông bận quần chùng áo dài màu đen với đứa trẻ con không thì sư bà bảo thấy con xỉu xuống là ta chạy ra ngay, làm gì có người nào ngoài cổng, chắc trúng gió đấy thôi. Biết là có sự lạ, kỵ ngoại em không hỏi gì thêm, chỉ cảm tạ sư bà rồi lặng lẽ về nhà.
Chừng già nửa tháng sau thì kỵ ngoại bà trở dạ, ông con đã sinh ngược thì chớ lại tràng hoa quấn cổ, hại mẹ đau đớn ngất lên ngất xuống chứ nếu sinh thuận thì đơn giản lắm, ngày xưa các cụ toàn đẻ rơi đẻ vãi hết đống rơm lại gốc thị có sao đâu. Ông con sinh ra mắt mở thao láo nhìn khắp lượt vòng quanh một lát rồi mới khóc ré lên váng hết cả nhà, tiếng gì mà chua lè lè, khe khé như giấm bỗng. Mấy ngày sau khi da thịt ông con trở ra trắng trẻo hơn thì cả nhà đều thấy có 1 cái vệt đỏ mờ mờ chạy chéo từ góc trán bên trái xuống tận quai hàm bên phải, y như vết roi quất vậy, kỵ ngoại em biết thế chỉ thở dài.
Ngày xưa chuyện ma mãnh đầu thai cũng là chuyện thường, lắm con ma ranh nghịch ngợm tai quái còn chơi cái trò cứ bà mẹ đẻ ra cái là chết luôn, mấy bận đều vậy. Nó cứ lộn đi lộn lại mấy lần như thế, bà mẹ mới tức lên lấy mực tàu hoặc sơn đỏ phết cho cái vào mặt làm dấu xem nó còn lộn được nữa không. Y như rằng thời gian sau trong làng thể nào cũng có người đẻ ra đứa bé có vết chàm đen sì hoặc bớt đỏ chình ình trên mặt, chuyện con ranh con lộn này lưu truyền nhiều nơi chả cứ quê em. Đứa bé mà kỵ ngoại em sinh ra đận ấy cũng khá dễ nuôi, ngoài việc nó cứ khóc ré lên cả canh giờ vào đúng 2 thời Tý – Ngọ trong ngày thì trộm vía nó cũng hay ăn chóng nhớn, nhưng mà càng lớn thì tính nó càng tai quái ngỗ nghịch, chả giống ai trong nhà. Kỵ ngoại ông lúc ấy là thầy đồ dạy chữ nho, gia phong nghiêm ngặt lắm mà nhiều khi ứa nước mắt với thằng con giời đánh, nó chả chịu học gì mà chỉ toàn đi ăn cắp, ăn trộm, lêu lổng la cà với bọn quỷ giẫy quỷ lảu cùng làng. Mới có 9-10 tuổi mà nó gan lì cóc tía, bố đánh nát cả roi mây chả ăn thua mới trói nó vào cái dây thừng rồi thả xuống giếng khơi đánh “thùm” 1 nhát lại kéo lên cho thở rồi quát vọng xuống “Mày chịu phép thầy chưa hả Chiêm kia?”, ông con ở dưới giếng vừa uống no nước nhưng vẫn gắt lên lanh lảnh “Em đếch chừa đấy, em đếch chừa đấy, thầy có giỏi thì cứ buông hẳn tay ra”. Nản quá kỵ ngoại em đành kéo dây thừng lôi thằng con giời đánh lên miệng giếng.
Vì cứng đầu ương bướng có tiếng, lại có vết sẹo đỏ hỏn chạy dọc mặt nên từ bé người ta biết đến cụ là thằng Sẹo Lỳ chứ ít ai gọi theo cái tên Trịnh Đình Chiêm mà thân sinh cụ đặt cho. Sẹo Lỳ rất lười học nhưng lạ cái thằng nhóc cái gì cũng thông, cứ như người đã sống qua mấy kiếp vậy, còn bé tí mà đi đám ma dám mắng ông thầy pháp: “nhà thầy ngu lắm, bùa vẽ thế kia để bố thầy đọc à, chả trấn được nó ở dưới ấy lại bật ván thiên lên bóp cổ nhà thầy lè lưỡi”, ông thầy ngỡ ngàng rơi cả bút lông. Kỵ ngoại em Nho Y đều tinh thông, vừa dạy chữ lại cũng hay bốc thuốc cứu người, lắm khi con bệnh đến nhà, ông bố chưa kịp sờ tay xem mạch ông con đã tót vào nheo nhéo: quỷ bám đen mặt thế kia thì bố thầy tao cũng chả cứu được mày, về vác cuốc đi mà đào huyệt đi còn kịp. “Vút, vút” hai nhát roi hằn luôn ngang lưng ông con, nó chạy tót ra cổng cười sằng sặc, ông bố thì xoa tay ái ngại “nhà anh đại xá, đứa con tôi ngỗ nghịch nói chơi chứ nó không có ý rủa xả gì đâu, tôi giáo nó chưa nghiêm, thứ tội … thứ tội”. Rồi kỵ ngoại em lại xem mạch bốc thuốc cho người ta bình thường, khổ cái con bệnh có khi về nhà thuốc còn chưa kịp sắc thì đã vội lăn ra chết nhăn răng. Nhiều trường hợp bị Sẹo Lỳ phán chết là chết thẳng cẳng nên dần dần kỵ ngoại em mất luôn nghề thuốc vì dân xung quanh vùng chả còn ai dám vác xác đến xin chữa bệnh, ngộ nhỡ cái thằng giời đánh kia nó ngứa mồm phún ra 1 câu có khi mình cũng đi chầu ông vải chứ đùa.
--Còn tiếp--