Quay lại luật Mỹ về trách nhiệm của chủ nhà, họ có một khái niệm gọi là "attractive nuisance", tạm dịch thô thiển là "rắc rối dụ hoặc". Khái niệm này bắt đầu từ một vụ kiện từ năm 1841 ở Anh, trong đó một bé trai 7 tuổi trèo lên một chiếc xe ngựa không ai trông để bên đường chơi và bị ngã. Quan tòa trong vụ kiện này đã cho rằng đứa bé đã hành động theo sự thôi thúc bản năng tự nhiên, bị hấp dẫn bởi chiếc xe, và tình huống rủi ro đã được tạo ra khi chiếc xe ngựa không có ai trông, và do đó chủ chiếc xe có thể bị buộc chịu trách nhiệm cho vụ tai nạn.
Khái niệm này sau đó được áp dụng rộng rãi trong các vụ kiện dân sự, trong đó chủ nhà có thể bị buộc phải chịu trách nhiệm cho các vụ tai nạn của trẻ em xâm nhập không được phép vào phần đất của mình nếu trên phần đất có những thứ hấp dẫn với trẻ em, và chủ nhà đã không có sự phòng ngừa hợp lý để ngăn trẻ em xâm nhập vào chơi. Như vậy khái niệm này đã đẩy trách nhiệm sang cho chủ nhà phải bảo vệ trẻ em (dù là xâm nhập không phép), vốn khác với người lớn ở chỗ dễ dàng bị dụ hoặc vào các trò chơi rủi ro mà do nhỏ tuổi không ý thức được các nguy cơ có thể xảy ra.
Vì vậy các chủ nhà Mỹ nếu trong sân vườn nhà mình có những thứ dễ hấp dẫn trẻ em như hồ bơi, cây to đẹp, đu quay, thảm nhảy trampoline... sẽ phải biết tự bảo vệ mình, thường là phải có hàng rào đủ cao và chắc chắn. Đã từng có những vụ kiện trong đó trẻ em trèo qua hàng rào vào vườn nhà hàng xóm khi chủ nhà đi vắng, trèo lên cây chơi ngã gãy tay và chủ nhà đã thua kiện phải bồi thường chi phí y tế, chỉ vì hàng rào chưa đủ cao.
Luật Mỹ nó luôn phải tìm ra 1 bên có trách nhiệm đến cùng cho mọi sự việc, dẫu là hình sự hay dân sự, thì kiểu gì cũng phải tìm được 1 bên chịu trách nhiệm đến cùng (gọi là bảo vệ quyền con người - nhân quyền trong môi trường con người có thể phát triển tự do nhất), nên nhiều cái phi lý cực kỳ.
Em nghĩ cái này cũng đến 1 phần từ văn hóa tập quán các nơi là khác nhau. Nên luật pháp cũng phù hợp với văn hóa từng khu vực, và nhiều khi gặp một số sự việc cụ thể, các nhà làm luật lại đau đầu nghĩ ra các điều luật mới để giải quyết.
Ví dụ: Châu Á, người Châu Á đề cao sự ý nhị, sự tự trọng của bản thân và tôn trọng đối phương, nên khi đến chơi nhà người khác, từ bé đã luôn được bố mẹ dặn dò: tuyệt đối không tự tiện cầm/lấy/nghịch đồ đạc chủ nhà khi chưa được sự cho phép của người ta. Nên việc chúng ta thấy một ai đó đến chơi nhà người khác mà phá hoại đồ đạc của người ta đã là điều không thể chấp nhận được, chứ đừng nói đến việc kiện ngược lại chủ nhà.
Nhưng ngược lại, người Âu Mỹ, họ lại đề cao cái tôi và sự tự do cá nhân, nên đến nhà người khác chơi, họ cho rằng, nếu chủ nhà không chủ động thông báo (bằng các hình thức khác nhau) về các tình huống có thể gặp bất chắc hoặc bất lợi cho khách, thì khách có quyền làm mọi điều khách muốn, nếu xảy ra vấn đề gì thì chủ nhà phải chịu trách nhiệm vì đã không thông báo trước.
Ví dụ về việc chủ nhà có thể bắn chết người khác trong nhà mình nếu bắn ở phía đằng trước và được coi là tự vệ (được coi là 2 bên đã thông báo với nhau về quyền của nhau), nhưng nếu bắn từ sau lưng thì bị coi là tội giết người (được coi là 2 bên không trao đổi/thông báo với nhau về quyền của nhau, kể cả là trộm/cướp)
![big green :D :D](/styles/yahoo/4.gif)
.
Do đó, gần như 100% gia chủ bên Mỹ phải mua bảo hiểm (cái này cũng là 1 phần để các công ty bảo hiểm trở nên tối quan trọng trong đời sống Mỹ), còn việc được bảo hiểm chi trả hay không, phụ thuộc rất rất nhiều vào các yếu tố khác nhau, tuy nhiên, nếu có xảy ra các sự cố không mong muốn trong chính ngôi nhà mình, ít ra có bảo hiểm đồng hành và tham gia điều tra một cách chính quy và công bằng. Và tất nhiên, những sự kiện như vậy cũng chỉ để cho đội kền kền kết hợp với những kẻ vô đạo đức kiếm ăn thôi. Chứ người tử tế, không ai đi kiện chủ nhà vì chính việc mình tự gây ra trong nhà người ta.