Hoan hô luật sư Nguyễn Kiều Hưng đã đưa ra 5 điểm rất thuyết phục: Các Kiểm sát viên và Tòa án ở Thái Nguyên trả lời ra sao?
- Thứ nhất, không thể viện dẫn căn cứ tài xế Hoàng nhìn thấy biển báo “Đi chậm” nhưng không giảm tốc mà vẫn giữ tốc độ 62 km/h. Lập luận này trái với các quy định của pháp luật hiện hành. Biển báo “Đi chậm” không cho phép tài xế điều khiển xe trên đường cao tốc chạy thấp hơn tốc độ tối thiểu là 60 km/h (theo công văn 1514 của Tổng cục Đường bộ ngày 15/03/2019). Tài xế Hoàng cho xe chạy trên cao tốc với tốc độ 62 km/h là rất an toàn.
- Thứ hai, không thể dùng lời khai duy nhất của tài xế Innova và nhân chứng trên xe để xác định vận tốc lùi của xe Innova (khai là 4 – 5 km/h). Điều này cũng mâu thuẫn với chính lời khai của hai người này, khi xác định thời gian bắt đầu lùi đến khi xảy ra đâm va chỉ có 3 – 4 giây. Với thời gian tích tắc này thì không thể xác định được vận tốc lùi, nên lời khai này không có cơ sở khoa học để chấp nhận.
- Thứ ba, không có cở sở để xác định tài xế Hoàng vẫn giữ tốc độ 62 km/h khi nhìn thấy đèn tín hiệu của xe Inova đang lùi cùng làn đường mà vẫn không giảm tốc độ, bởi kết quả giám định chỉ xác định thông qua hộp đen tại một thời điểm duy nhất là 15h38’59” ngày 19/11/2016 là ở tốc độ này, còn trước và sau thời điểm này thì không xác định được.
- Thứ tư, đèn tín hiệu mà tài xế Innova bật lên không phải là đèn “cảnh báo nguy hiểm” như cáo trạng lập luận. Danh tính loại đèn này không được xác định trong các văn bản pháp luật cũng như hướng dẫn bắt buộc của nhà sản xuất khi đăng kiểm.
- Thứ năm, xác định chiếc xe Innova là “chướng ngại vật” là chưa đủ căn cứ pháp lý và khoa học. Chướng ngại vật không thể là một chiếc xe đang đi trái pháp luật. Chướng ngại vật phải được hiểu là các chướng ngại vật chất, do hoặc không do con người tạo ra, nhưng không phải do con người điều kiển bằng ý chí của mình.
“Vì những lý do trên, không đủ căn cứ để kết tội tài xế Lê Ngọc Hoàng”, luật sư Hưng nhấn mạnh.