Theo wiki
Quá trình công nghiệp hóa đòi hỏi đầu tư khổng lồ của nhà nước và xã hội để tạo lập cơ sở hạ tầng, trung tầng và thượng tầng để phục vụ công nghiệp hóa. Trong khi các địa phương lại có xu hướng hiểu một cách đơn giản và máy móc và cố gắng thành lập nhiều khu công nghiệp để mong rằng mục tiêu công nghiệp hóa sớm đạt thành. Trong khi đó các khu công nghiệp chỉ là một phần nhỏ của cơ sở hạ tầng, thì các cơ sở trung tầng (giáo dục đào tạo kỹ thuật, thương mại, ngân hàng, ngoại thương, ngoại hối, tài chính công...) và cơ sở thượng tầng (luật pháp, hệ thống tư pháp, chính sách kinh tế, môi trường, chính sách đất đai...) phát triển không đồng bộ. Nhà nước Việt Nam rất chú trọng việc thu hút vốn đầu tư nước ngoài bằng cách ban hành nhiều chính sách ưu đãi về thuế, đất đai...[22] Họ xem vốn đầu tư nước ngoài là nguồn lực quan trọng để Việt Nam công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Thực tế cho thấy động lực công nghiệp hóa của Việt nam đến từ các công ty nước ngoài chứ không phải từ các công ty trong nước[23]. Tuy nhiên, việc thu hút vốn đầu tư của nước ngoài không thể tạo ra nền tảng công nghiệp quốc gia vì các công ty nước ngoài vào Việt Nam chỉ để tận dụng chi phí nhân công và môi trường thấp của Việt Nam[24]. Khi khai thác hết những lợi thế này thì họ sẽ rút khỏi Việt Nam khiến nền công nghiệp Việt Nam quay về điểm xuất phát. Vốn đầu tư nước ngoài chỉ có tác dụng tích cực với nền công nghiệp bản địa khi công ty có vốn đầu tư nước ngoài chuyển giao công nghệ cho công ty Việt Nam[25][26]. Tuy nhiên các công ty nước ngoài không sẵn sàng chuyển giao công nghệ cho công ty Việt Nam vì vấn đề bản quyền cũng như họ không muốn tạo ra thêm đối thủ cạnh tranh. Chính vì vậy nhà nước cần có một chính sách quốc gia có thể đem lại lợi ích chung cho cả bên chuyển giao và bên nhận chuyển giao[23]. Việt Nam lại không có chính sách rõ ràng để tận dụng tối đa hiệu ứng chuyển giao công nghệ của khu vực có vốn đầu tư nước ngoài[26]. Khả năng tiếp thu công nghệ nước ngoài lại phụ thuộc vào chất lượng nhân lực mà điều này lại phụ thuộc vào chất lượng của nền giáo dục. Việt Nam có lực lượng lao động đông do cơ cấu dân số trẻ nhưng lại thiếu kỹ năng do không được đào tạo tốt[27] nên khả năng hấp thu công nghệ còn yếu. Trong giai đoạn đầu công nghiệp hóa cái Việt Nam có thể tiếp thu không phải là “công nghệ cao”, mà là những kiến thức không độc quyền có thể tiếp cận được trên toàn cầu và miễn phí nhưng chưa được triển khai ở trong nước[23]. Ngoài ra, một nền công nghiệp trưởng thành phải có khả năng phát triển công nghệ chứ không thể cứ phụ thuộc vào công nghệ nước ngoài. Khả năng nghiên cứu phát triển ra công nghệ mới phụ thuộc vào trình độ khoa học - kỹ thuật của quốc gia mà điều này phụ thuộc vào chất lượng của nền giáo dục, năng lực của các cơ sở nghiên cứu và mức độ đầu tư cho khoa học. Trong khi đó chất lượng của nền giáo dục Việt Nam được xem là chưa đáp ứng được nhu cầu của nền kinh tế[28][29], các cơ sở nghiên cứu thiếu năng lực[30] còn đầu tư cho khoa học chỉ ở mức thấp so với các nước khác[31]. Nhìn chung mức độ chuyển giao công nghệ của khu vực có vốn đầu tư nước ngoài chưa đạt như kỳ vọng[32] trong khi đó Việt Nam lại thiếu khả năng nghiên cứu phát triển ra công nghệ mới[33], thiếu khả năng sáng tạo[34]. Những lý do này góp phần làm cho quá trình công nghiệp hóa tại Việt Nam không như mong muốn.
Tuy có sự thống nhất về quan điểm phát triển giữa trung ương và địa phương, nhưng địa phương đã thi hành các kế hoạch phát triển theo phong cách riêng đặc thù của địa phương, hoặc áp dụng sao chép máy móc mô hình của các địa phương khác thành công trong việc thu hút vốn nước ngoài để phát triển công nghiệp như Bình Dương, Đồng Nai, Vĩnh Phúc... đã khiến quá trình phát triển bị phân tán tài nguyên và nhân lực. Các địa phương trở thành các đối thủ cạnh tranh với nhau trong việc thu hút vốn đầu tư nước ngoài dẫn đến sự thiếu liên kết giữa các địa phương ảnh hưởng xấu đến nền kinh tế quốc gia[35]. Tuy nhiên điều này cũng có mặt tích cực là các địa phương phải tự nâng cao năng lực quản lý nhà nước để có thể thu hút được vốn đầu tư nước ngoài trong sự cạnh tranh với các địa phương khác. Sự phát triển công nghiệp còn phụ thuộc vào chính sách công nghiệp quốc gia. Nếu khả năng hoạch định chính sách của chính phủ tốt có thể thúc đẩy sự phát triển của công nghiệp và ngược lại nếu khả năng hoạch định kém thì công nghiệp phát triển chậm thậm chí suy thoái. Tại Việt Nam, các viện nghiên cứu trong nước chỉ được nhìn nhận như những bông hoa trang trí đẹp đẽ, thay vì được sử dụng đúng chức năng, vai trò của mình[36] nhưng chính phủ Việt Nam lại dựa vào sự hỗ trợ của các định chế tài chính quốc tế như World Bank, IMF trong việc hoạch định chính sách kinh tế[37]. Trong khi đó các nước Đông Á đều tự hoạch định chính sách kinh tế dựa vào sự tư vấn của các viện nghiên cứu bản địa, có khi chính sách của họ đi ngược lại lời khuyên của các đồng minh chính trị và các định chế tài chính quốc tế[37].
Khả năng tập trung các nguồn lực của nền kinh tế vào khu vực sản xuất công nghiệp cũng là một yếu tố ảnh hưởng đến quá trình công nghiệp hóa. Tỷ trọng đầu tư vào công nghiệp trong tổng đầu tư xã hội càng lớn thì công nghiệp phát triển càng nhanh. Các nước công nghiệp hóa thành công nhất đều cố gắng đưa ra những chính sách khuyến khích đầu tư vào công nghiệp như các nước Đông Bắc Á[38], thậm chí sử dụng biện pháp cưỡng ép tiết kiệm để tập trung đầu tư vào công nghiệp như Liên Xô[39]. Trong khi đó tại Việt Nam các nguồn lực trong nền kinh tế chưa tập trung vào các ngành công nghiệp. Thương mại phát triển mạnh hơn công nghiệp. Các công ty tư nhân lớn ở Việt Nam là các công ty thương mại và địa ốc[40]. Việt Nam đã không chú ý xây dựng nền tảng công nghiệp gồm công nghiệp chế tạo máy, luyện kim, công nghiệp hỗ trợ để từ đó phát triển những ngành công nghiệp khác mà chỉ phát triển những ngành có thể đem lại lợi nhuận trước mắt[41]. Các hoạt động đầu cơ chiếm ưu thế chứ không phải đầu tư để tạo ra giá trị gia tăng[42]. Năng suất lao động trong các ngành sản xuất công nghiệp thấp hơn khu vực và thế giới trong khi khả năng sinh lời của các ngành tài chính, địa ốc lại cao hơn mức trung bình của thế giới. Nhiều người Việt Nam thích mua bán bất động sản hơn là đầu tư dài hạn để có được kỹ năng, công nghệ và năng lực quản trị kinh doanh. Khó có thể thúc đẩy công nghiệp hóa hoặc nâng cao giá trị sáng tạo trong nước trong điều kiện như thế.[23]Chính vì những lý do này Việt Nam không thể công nghiệp hóa nhanh chóng, nền kinh tế Việt Nam phát triển không tương xứng với lượng vốn mà Việt Nam nhận được[42][43]. Điều này cũng cho thấy nền kinh tế Việt Nam không có khả năng hấp thu hết lượng vốn mà nó nhận được để tạo ra giá trị gia tăng và việc làm nên vốn chảy vào các thị trường tài sản[44][45] và làm tăng tình trạng tham nhũng do các doanh nghiệp nhà nước và đầu tư công thiếu hiệu quả.
Hiệu quả đầu tư nhà nước còn rất kém (thể hiện nơi chỉ số ICOR của Việt Nam khá cao so với quy mô nền kinh tế) do nhiều nguyên nhân: quản lý kém, không minh bạch và tệ nạn tham nhũng còn đang hoành hành. Nếu hiệu quả đầu tư quá kém (nghĩa là nhà nước đổ vốn rất nhiều nhưng thành quả thu được không tương xứng) thì quá trình công nghiệp hóa ở Việt Nam sẽ rất tốn kém. Theo đó, chi phí để hoạt động, vận hành và duy trì một nền kinh tế công nghiệp hóa của Việt Nam cũng sẽ rất cao nếu các tồn tại và thách thức trên không được giải quyết. Chi phí cao sẽ khiến sản phẩm của Việt Nam phải bán giá thành cao hơn các nước khác và vì thế sẽ làm giảm khả năng cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam trên thị trường quốc tế. Do không thể giảm chi phí, để giảm giá thành thì không còn cách nào khác là phải tiếp tục duy trì chi phí nhân công ở mức thấp và dịch vụ chất lượng kém. Điều này góp phần trầm trọng hóa vấn đề "khoảng cách thu nhập" giữa công nhân và giới quản lý, giới chủ và tạo tiền đề bất ổn xã hội. Công nghiệp Việt Nam thâm dụng lao động lớn, giá trị gia tăng thấp. Việt nam mới chỉ tham gia vào những khâu giản đơn trong chuỗi sản xuất công nghiệp. Năng suất lao động công nghiệp của Việt Nam nằm trong nhóm các nước thấp nhất trong khu vực. Nền công nghiệp Việt Nam hoàn toàn phụ thuộc vào nguyên liệu, nhiên liệu, máy móc, thiết bị nhập khẩu trong khi đó các công ty nước ngoài chiếm phần lớn kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam[23].
Một thách thức khác mà quá trình công nghiệp hóa ở Việt Nam phải đối mặt là quá trình này kết thúc quá sớm và chuyển sang phát triển dịch vụ do hàng công nghiệp bản địa không cạnh tranh nổi với hàng công nghiệp nước ngoài cũng như tỷ trọng vốn đầu tư vào công nghiệp trong tổng vốn đầu tư xã hội giảm. Ngoài ra còn nhiều nguyên nhân khác như chi phí nhân công tăng khiến đầu tư nước ngoài vào công nghiệp giảm và hàng nội địa ngày càng khó cạnh tranh với hàng nước ngoài, chất lượng lao động không đáp ứng nổi đòi hỏi ngày càng cao của nền công nghiệp hiện đại. Việt Nam vừa mới trở thành nước thu nhập trung bình thấp đã phải đối diện với nguy cơ này sẽ làm tốc độ phát triển chậm lại vì năng suất lao động trong dịch vụ thường thấp hơn công nghiệp nhất là với những nước thiếu lao động có trình độ cao để phát triển các ngành dịch vụ có giá trị gia tăng cao như Việt Nam.[46] Nếu không có một nền công nghiệp hoàn chỉnh có khả năng sáng tạo ra công nghệ mới, có thể tạo ra giá trị gia tăng cao, có thể tham gia vào toàn bộ chuỗi giá trị thì Việt Nam sẽ rơi vào bẫy thu nhập trung bình sau khi đã khai thác hết những lợi thế của mình[23][47]. Việt Nam chỉ có thể trở thành nước phát triển khi làm chủ được toàn bộ chuỗi giá trị sản phẩm mà không cần đến đầu tư nước ngoài[48]. Nhà nước Việt Nam đang mong muốn đưa Việt Nam tham gia vào "cuộc cách mạng công nghiệp 4.0" trong điều kiện thiếu nền tảng công nghiệp[49][50][51]. Tuy nhiên làm chủ công nghệ là một quá trình học hỏi, nghiên cứu, thực hành lâu dài chứ không thể nóng vội theo kiểu "đi tắt đón đầu" mà Việt Nam từng chủ trương khi bắt đầu Đổi mới đã không mang lại kết quả. Nếu xem "cách mạng công nghiệp 4.0" là sự nâng cao trình độ tự động hóa lên cấp độ mới thì ít nhất phải có những cơ sở công nghiệp để có thể tự động hóa chúng. Phương Tây mất hai thế kỷ để công nghiệp hóa còn Hàn Quốc phát triển một cách thần kỳ cũng phải mất 30 năm mới có thể làm chủ công nghệ phương Tây trong khi đó Việt Nam mới chỉ ở giai đoạn đầu của quá trình công nghiệp hóa nên sẽ phải trải qua một thời kỳ học hỏi, thực hành lâu dài để làm chủ những công nghệ cơ bản làm cơ sở cho việc xây dựng nền tảng công nghiệp.[52] Nếu không có những chính sách thích hợp Việt Nam sẽ rơi vào bẫy thu nhập trung bình khi đầu tư giảm, công nghiệp tăng trưởng chậm và không đa dạng, thị trường lao động không năng động. Sách lược thích hợp để vượt qua bẫy thu nhập trung bình là tăng năng suất, cải tiến công nghệ, tăng cường khả năng đổi mới - sáng tạo, tăng khả năng sản xuất của nền công nghiệp bằng cách tăng cường đào tạo nhân lực chất lượng cao, điều chỉnh chính sách thu hút đầu tư nước ngoài và xây dựng công nghiệp hỗ trợ.[53] Thực tế cho thấy có nhiều dấu hiệu Việt Nam đã rơi vào bẫy thu nhập trung bình như tăng trưởng ngày càng chậm dần, năng xuất sản xuất tăng chậm hơn tiền lương khiến năng lực cạnh tranh giảm làm công nghiệp chế tạo tăng chậm lại trong khi các ngành công nghệ cao kém phát triển, hệ số vốn ICOR ngày càng cao, chuyển dịch cơ cấu kinh tế từ nông nghiệp sang công nghiệp và dịch vụ chậm, các vấn đề xã hội như ô nhiễm, chênh lệch giàu nghèo... ngày càng tăng[23].