Em xin trích dẫn lại từ Internet về 2 loại rượu em muốn ngâm:
Nữ Nhi Hồng
Rượu Hoa Điêu được coi là một nét đặc trưng của người dân vùng Thiệu Hưng, Chiết Giang, Trung Quốc. Người ta chọn vò rượu đẹp để trữ rượu, làm thành quà tặng dành cho những đứa con đầu lòng của mình.
Trên vò rượu có khắc những họa tiết hoa văn trang trí đủ sắc màu, nên loại rượu này được người cổ xưa gọi là rượu Hoa Điêu. Về sau, rượu Hoa Điêu dần trở thành một loại rượu nếp cao cấp nổi danh khắp trong ngoài nước. Từ đời nhà Tống, vùng đất này đã nổi danh về sản xuất rượu. Đến đời nhà Thanh, giao thông đường thủy phát triển, rượu Hoa Điêu trở thành một trong những loại hàng hóa ưa thích mang từ phương Nam tới phương Bắc tiêu thụ.
Trước đây, các gia đình người Thiệu Hưng mỗi khi sinh con đẻ cái, đều chôn một vò rượu Hoa Điêu dưới lòng đất. Nếu như sinh con trai, việc chôn rượu Hoa Điêu dưới đất có ý nghĩa hy vọng con cháu sau này lớn lên, tinh thông thi thư, lên kinh ứng thí, sẽ có ngày vinh quy bái tổ. Khi đó, gia đình có thể đem rượu chôn ở dưới lòng đất ra thiết đãi bạn bè, vì vậy rượu này cũng được gọi là Trạng Nguyên Hồng. Trong thực tế thì rượu này thường được dùng trong dịp chiêu đãi khách khứa khi con trai của gia đình kết hôn. Nếu nhà nào sinh con gái, rượu này phải đợi đến khi con gái xuất giá về nhà chồng thì mới được đem ra uống, cũng bợi vậy mà Hoa Điêu còn có tên là Nữ Nhi Hồng.
Truyện kể rằng từ rất lâu rồi, ở Đông Quan Thiệu Hưng có một Viên ngoại muốn sinh con nhưng suốt một thời gian dài vẫn chưa có tin vui. Ông đã thử rất nhiều cách, cuối cùng vợ ông cũng mang bầu. Viên ngoại hết sức vui mừng, mới đem rượu vàng chôn xuống đất. Đông qua xuân tới, thấm thoát mười tháng ròng, vợ ông sinh được một thiên kim tiểu thư. Chẳng mấy chốc, thiên kim tiểu thư đã tròn một tháng, theo phong tục địa phương, Viên ngoại mở tiệc rượu chiêu đãi mọi người. Sau khi tiệc tàn, Viên ngoại thấy có nhiều bình rượu bị mở ra mà không uống hết, bèn đem số rượu còn lại đem chôn dưới gốc cây trong vườn hoa Mộc.
Thời gian thấm thoát thoi đưa, chẳng mấy chốc mà đã 18 năm trôi qua. Con gái Viên ngoại lớn lên, dung nhan tuyệt đỉnh, chim sa cá lặn, nghiêng nước nghiêng thành, yểu điệu thục nữ, quân tử hảo cầu, thật khó để tìm được người xứng đôi vừa lứa. Viên ngoại cũng thật khó nghĩ, đắn đo hết sức mới quyết định gả thiên kim tiểu thư của mình cho con trai một vị ân nhân.
Không lâu sau, ngày đại hỉ đã đến. Viên ngoại và khách khứa ăn uống say sưa, rượu uống mãi mà vẫn không cạn hứng. Bất chợt, Viên ngoại nhớ tới rượu ngon đã chôn dưới gốc cây hoa Mộc 18 năm trước, bèn sai người đào lên tiếp đãi khách khứa. Khi vò rượu được đào lên, nắp rượu mở ra, mang tới các bàn tiệc, tức thì hương thơm của rượu bay tới các bàn tiệc, làm say lòng tất cả mọi người. Ai ai cũng muốn thưởng thức hương vị, màu sắc và cả sự ngọt ngào của nó. Một tao nhân bấy giờ không kìm nổi lòng mình đã phải thốt lên “Địa mai nữ nhi hồng, Khuê các xuất tiên đồng”, câu thơ được mọi người nhiệt liệt tán thưởng. Từ đó về sau, hễ trong xa gần, nhà ai sinh con gái, đều đem chôn rượu dưới gốc cây, khi con gái xuất giá thì đem rượu đó ra thiết đãi khách khứa, lâu dần đã trở thành phong tục.
Hàng trăm nghìn năm sau, vùng đất cổ Thiệu Hưng dần hình thành tập tục “Sinh nữ nhi tất nhưỡng nữ nhi tửu, giá nữ tất ẩm nữ nhi hồng” (Tức là sinh con gái thì phải chôn rượu, con xuất giá thì phải uống rượu nữ nhi hồng). Vì vậy, người ta coi loại rượu này là lễ vật danh giá để khoản đãi những vị khách tôn quý nhất.