PV hỏi :
Thưa bà, theo Luật trưng mua, trưng dụng thì chỉ có một số bộ trưởng và chủ tịch UBND cấp tỉnh mới có quyền quyết định trưng dụng tài sản. Tuy nhiên, thông tư 01 lại giao cho lực lượng CSGT có quyền trưng dụng tài sản, như vậy quy định tại thông tư 01 có trái luật không?
Thiếu tá Tạ Thị Hồng Minh - phó trưởng phòng tuyên truyền, phổ biến pháp luật về trật tự an toàn giao thông, Cục Cảnh sát giao thông, Bộ Công an - cho biết:
- Nếu trái luật thì Bộ Công an không bao giờ ban hành thông tư này. Căn cứ vào Luật công an nhân dân, nghị định 106 ngày 17-11-2014 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Công an đã quy định trong trường hợp cấp thiết để thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia và bảo đảm trật tự an toàn xã hội, đấu tranh phòng chống tội phạm hoặc để ngăn chặn hậu quả thiệt hại cho xã hội đang xảy ra hoặc có nguy cơ xảy ra, được huy động, trưng dụng phương tiện thông tin, phương tiện giao thông, phương tiện khác của cơ quan, tổ chức, cá nhân và người điều khiển, sử dụng phương tiện đó.
PV: Như vậy là trong trường hợp khẩn cấp thì CSGT có quyền trưng dụng phương tiện? Điều này có trái với Luật trưng mua, trưng dụng là chỉ có một số bộ trưởng và chủ tịch tỉnh mới có quyền trưng dụng? Khi trưng dụng phương tiện thì CSGT có phải chờ quyết định của bộ trưởng Bộ Công an không?
Thiếu tá Tạ Thị Hồng Minh:
- Như tôi đã trả lời ở trên, Luật công an nhân dân đã quy định trong những tình huống khẩn cấp, cấp bách... cảnh sát không có khả năng, không có phương tiện truy đuổi thì buộc phải trưng dụng phương tiện giao thông, phương tiện thông tin liên lạc của người dân. Nếu cứ chờ quyết định của bộ trưởng Bộ Công an thì hậu quả tại hiện trường sẽ xảy ra, tội phạm chạy mất thì ai chịu trách nhiệm. Lực lượng công an chỉ thực thi quy định tại Luật công an nhân dân.