http://infonet.vn/dung-lac-de-xung-quanh-chuyen-ong-bob-kerrey-post200568.info
Đừng lạc đề xung quanh chuyện ông Bob Kerrey!
Câu chuyện ông Bob Kerrey làm Chủ tịch Hội đồng tín thác Đại học Fullbright Việt Nam đang gây phân hóa dữ dội dư luận trên mạng xã hội. Tuy nhiên, sự phân hóa dư luận trên mạng không đồng nghĩa với sự chia rẽ trong nội bộ người dân...
Tha thứ hay không tha thứ ? Một câu hỏi lạc đề
Vụ thảm sát ở Thạnh Phong vào năm 1969, 21 người dân vô tội gồm người già, trẻ em và phụ nữ, trong đó có người đang mang thai bị lính Mỹ sát hại, người già bị cắt cổ, trẻ em bị mổ bụng một cách vô cùng man rợ. Người Việt chúng ta làm sao có thể biết được ai là thủ phạm nếu như tờ New York Times và hãng truyền CBS của Mỹ không có cuộc điều tra và công bố tên những lính Mỹ, trong đó ông Bob Kerrey là người đã chỉ huy và trực tiếp tiến hành cuộc thảm sát.
Với ông Bob Kerrey khi ấy, cuộc thảm sát được coi là một thành tích “tiêu diệt 21 Việt Cộng”, thành tích đó được Tổng thống Nixon tặng Huân chương, sau này ông trở thành Thượng nghị sĩ Hoa Kỳ. Cho đến khi báo chí Mỹ công bố cuộc điều tra, ông mới thừa nhận mình đã chỉ huy cuộc thảm sát đó nhưng không thừa nhận đã trực tiếp giết người, dù các nhân chứng chỉ rõ điều đó. Đối với nước Mỹ, khi có đủ bằng chứng về việc trực tiếp gây ra tội ác man rợ này thì chắc chắn ông Bob Kerrey sẽ bị nướcđem ra xét xử. Nước Mỹ không tha thứ cho việc nhân danh chiến tranh mà giết người vô tội, dù người Việt chúng ta có “tha thứ” hay không. Do sự kiện 11-9-2001 làm rúng động nước Mỹvà do việc đưa ra tòa án phải qua những thủ tục vô cùng phức tạp nên những nỗ lực đưa vụ này ra xét xử đã bị ngừng lại, một phiên tòa đã không diễn ra và vụ này đã rơi vào quên lãng.
Ông Bob Kerrey đã hối lỗi, đã nhắc đi nhắc đi nhắc lại rằng chính mình đã tham gia vào việc gây ra cái chết cho hàng triệu người Việt Nam.Nói “góp phần gây ra cái chết cho hàng triệu người Việt Nam”, hàm ý rằng, chiến tranh thì hai bên đều chết, người dân thường cũng chết do tên bay đạn lạc, không phải cố ý. Là một nhà chính trị có tài, ông đã khéo léo đưa cái “lỗi” của mình vào cái “lỗi” chung của chính phủ Mỹ hồi đó nhằm tránh một phiên tòa. Chúng tôi phải diễn giải cạn lý như vậy để nói rằng việc người Việt Nam chúng ta có tha thứ hay không cho ông Bob Kerrey chẳng có chút ý nghĩa gì đối với người Mỹ cả.
Đi liền với việc hối lỗi và tìm mọi cách tránh một phiên tòa, ông Bob Kerrey đã tham gia rất tích cực việc vận động bình thường hóa quan hệ với Việt Nam và có nhiều hoạt động ủng hộ Việt Nam cũng như bày tỏ tâm nguyện giúp Việt Nam nhiều hơn nữa. Dù với mục đích gì thì các hoạt động của ông Bob Kerrey cũng được người Việt chúng ta hoan nghênh và trân trọng.
Tôi không có ý vạch lá tìm sâu để tiếp tục “tố cáo” ông Bob Kerrey nhằm khơi dậy thù hận.Nhưng điều lạ lùng là khi có các ý kiến đề nghị ông Bob Kerrey không nên làm nhiệm vụ đứng đầu một trường học ở Việt Nam, rằng ông làm chuyện tốt đẹp gì cho đất nước Việt Nam cũng đều được hoan nghênh, trừ việc làm giáo dục thế hệ trẻ, thì lập tức nhiều người lên tiếng cho rằng như vậy là không khoan dung, một số người còn lên tiếng kêu gọi tha thứ, kêu gọi khép lại quá khứ, kêu gọi vượt qua thù hận, thậm chí còn đem truyền thống nhân đạo từ thời chống Nguyên-Mông, chống nhà Minh của dân tộc ta lớn tiếng răn dạy người khác. Các vị hãy bình tâm lại đi, đừng để đầu óc bị lẫn lộn.Chẳng có ai nói là không nên tha thứ cho ông Bob Kerrey cả, kể cả những người kiến nghị ông Bob Kerrey không nên làm giáo dục cũng không nói đến thù hận.
Các vị kêu gọi tha thứ cho ông Bob Kerrey, dù các vị là lãnh đạo ****, Nhà nước hay các vị là các bậc trí thức danh tiếng, các vị nhân danh ai màvà kêu gọi ai ?Kêu gọi tha thứ thì trước hết phải hỏi những người bị cắt cổ, bị mổ bụng. Họ đã chết rồi, nhiều người xương cốt bây giờ cũng không biết tan biến ở nơi đâu. Và phải hỏi những người thân của họ.Những người thân của họ chỉ là những người dân quê hiền lành, đau đớn suốt đời, nhưng chiến tranh kết thúc, họ đâu còn thù hận ai nữa mà kêu gọi.Kêu gọi họ là gợi nhớ đau thương, là xúc phạm đến họ.Ngoài những người đã bị giết và người thân của họ ra, không còn ai có đủ tư cách tha thứ hay không tha thứ.Cả dân tộc này cũng đâu còn thù hận gì người Mỹ nữa, kể cả những người Mỹ đã từng sang đây giết người vô tội.
Cứ nhắc đi nhắc lại việc “tha thứ”, việc “phải vượt qua thù hận” là nhầm lẫn về tri thức và đạo lý, là không những không hiểu gì về dân tộc này mà còn xúc phạm đến dân tộc này.
Làm gì cũng được, nhưng làm thầy thì không !
“
Kính thưa cô,
Xin cô hãy nói với em rằng em quá lo xa, rằng em giàu tưởng tượng đi, cô!
Nếu ông ấy vẫn ngồi ở vị trí đó, ngoài chuyện mọi người VN tiếp xúc sẽ gọi bằng "thầy", phòng truyền thống của trường Fulbright sẽ tôn vinh "người khai phá" thì sớm muộn gì Bảo tàng cũng sẽ phải gỡ bỏ ảnh của ông ấy trong phòng trưng bày, chưa nói đến cả mảng trưng bày về Thạnh Phong, vì người ta đang nghi ngờ về tính trung thực của nó hơn là sự trung thực của ông ấy...Làm sao mà vừa ca ngợi sự ăn năn của một con người vừa "buông dao xuống thành Phật" vừa duy trì hình ảnh, hiện vật về tội ác của ông ấy được, dù mục đích của Bảo tàng là tố cáo cái ác chứ không phải công kích cá nhân ông ấy!
Em vẫn luôn tự hỏi nếu năm 2001 CNN không dồn đến đường cùng thì "Người hùng" có tự thổ lộ "nỗi ray rứt" của mình khi báo cáo thành tích với SEAL không ạ? Nhân dân VN và Mỹ sẽ tiếp tục ngưỡng mộ ông ấy như một người CCB rất tích cực hàn gắn giữa hai bên, phải không ạ? Cô có nghĩ rằng đoạn đường đầu của ông ấy đi đến với vị trí Thượng nghị sĩ đã được xây bằng xương máu của những người dân Thạnh Phong không ạ?
Chắc chắn ông ấy không biết đến mặt mũi những đứa bé đã bị đâm vào tim, đâm đổ ruột, những người phụ nữ bị xả súng M60 như mưa dù đang mang thai. Trước khi rời đi ai đã xả súng chống tăng M72 hất tung cửa hầm trú ẩn mong manh của họ? Không biết ai là VC đêm hôm ấy ạ? Chỉ có một người đàn ông duy nhất - một ông già thôi mà! Hầu hết họ không hề có giấy tờ tùy thân, không có một bức ảnh để chứng tỏ họ đã từng tồn tại vì họ là phụ nữ, trẻ em! Nên bây giờ người ta có thể không tin rằng họ đã từng sống, ăn bánh tét vào cái đêm mùng 9 sau Tết ấy! Những đứa bé nhà quê ấy vĩnh viễn không có cơ hội đi học ở Fulbright, phải không cô?
Nếu như là em, để sám hối em đã phải đến tận nơi để tạ lỗi với dân Thạnh Phong, sẽ góp sức sao cho xã bớt nghèo, sẽ giúp xây nhà trẻ, trường học, trạm xá, chợ búa cho cái nơi khốn khổ ấy, dù chẳng ai hay biết! Dù người ta không ca ngợi sự hối lỗi của em! Dù sẽ có những người không thể tha thứ cho em!
Cô có nghĩ rằng em bị điên không ạ?"
Trên đây là một bức thư viết về ông Bob Kerrey của một người từng làm việc ở Bảo tàng chứng tích chiến tranh TP.HCM gửi một cựu quan chức ngoại giao.
Sự trong sáng của quan hệ Việt – Mỹ
Một số người đang đồng nhất trường hợp ông Bob Kerrey với Thượng nghị sĩ McCain và bộ trưởng ngoại giao Mỹ, cựu thượng nghị sĩ John Kerry.Cả ba đều là cựu chiến binh từng tham chiến tại Việt Nam, đều “góp phần gây ra cái chết cho hàng triệu người Việt Nam”.Không thể đồng nhất như vậy được. Ông McCain và ông John Kerry làm nhiệm vụ của người lính theo lệnh của cấp trên, còn không có cấp trên nào ở Mỹ ra lệnh thảm sát thường dân vô tội cả. Nếu có một “cấp trên” ra một cái lệnh như vậy thì chính cái “cấp trên” ấy đã phải ra tòa án binh rồi. Chỉ huy cuộc thảm sát thường dân vô tội là tự ý, bởi vậy mới có chuyện báo cáo “tiêu diệt 21 Việt Cộng” để được thưởng huân chương. Nói cho rõ ra là như thế, chứ người Việt khép lại quá khứ nên bỏ qua cho ông Bob Kerrey và hoan nghênh mọi việc làm tốt đẹp của ông ấy, kể cả những nỗ lực và công sức của ông ấy tham gia lập ra Đại học Fullbright.
Nhưng mong ông ấy thông cảm.Ông ấy không thể đứng đầu một trường học ở Việt Nam được. Tôi xin hỏi bạn, một kẻ từng giết chết con bạn, không phải để tự vệ mà cố tình, sau khi kẻ đó ăn năn hối cãi, bạn có thể tha thứ cho kẻ đó, nhưng nếu như kẻ đó có nhã ý về dạy cho những đứa con khác của bạn, bạn có chấp nhận không ? Đương nhiên là không rồi !
Quan hệ Việt – Mỹ đang hướng tới tương lai tốt đẹp.Việc Chính phủ Mỹ tài trợ cho Đại học Fullbright VN là một trong những biểu hiện tốt đẹp đó. Nhưng Đại học Fullbright VN là một trường tư, theo quy chế của nó, những người lãnh đạo của trường do Ban sáng lập bổ nhiệm, chính phủ Mỹ không can thiệp vào nhân sự của trường. Vì vậy việc đàm phán đề nghị ông Bob Kerry rời khỏi vị trí hiện tại hoàn toàn không ảnh hưởng gì đến sự tốt đẹp trong quan hệ Việt – Mỹ. Tôi tin rằng những người sáng lập trường đại học này và cả ông Bob Kerrey nữa, nếu thực sự có thiện chí với Việt Nam thì sẽ chọn một người khác thay thế. Tôi nghĩ các bạn Mỹ thiện chí của chúng ta không nhỏ nhen đến mức ép Việt Nam phải báng bổ vào xương máu của những người vô tội.
Nếu những người sáng lập Đại học Fullbright và ông Bob Kerrey có sự lựa chọn thích hợp trong tình huốngnhạy cảm này thì sẽ góp phần làm cho quan hệ Việt – Mỹ trở nên tốt đẹp hơn, trong sáng hơn. Khi ấy, những nắm xương đã tan biến của những người vô tội sẽ được an ủi trên mảnh đất lành của quan hệ Việt – Mỹ.
Hoàng Hải Vân